Đá dế
Tác Giả
Trang Nguyên
“A Good Scent From A Strange Mountain” (Hương Thơm Từ Núi Lạ) là một tác phẩm viết về người Việt Nam của Robert Olen Butler. Phần lớn các nhân vật được tác giả lựa chọn đều là những người Việt di tản và định cư tại vùng Lake Charles thuộc tiểu bang Louisiana. Tác phẩm này đã đem lại cho Butler giải văn chương Pulitzer năm 1993. Tuyển tập được khởi đầu từ truyện “Đá Dế” mà tác giả được yêu cầu viết để đọc trên đài VOA. Còn câu chuyện “Đá dế” sau đây, không có nhân vật nào cụ thể, chỉ có những kỷ niệm của ngày xưa thân ái.
Đá dế - ảnh Hội Nhiếp ảnh Tây Ninh
Vui nhất là chuyện bắt dế. Trong họ nhà dế, chỉ có dế mèn là gáy hay, đá giỏi. Mùa dế mèn rớt nhằm vụ gặt Tháng Ba. Đồng khô nẻ chân chim, cỏ non mơn mởn lên xanh mượt, thích hợp cho họ hàng nhà dế sinh sôi nảy nở. Dế luôn ưa mùa khô với cái tiết trời đêm sương ngày nắng. Lũ trẻ chúng tôi mê lũ dế mèn như điếu đổ. Sắp vào vụ dế đã hò nhau chuẩn bị sẵn nào lon nào hộp, dây cao su, giấy bọc (để làm “chuồng” dế). Nhưng lúc này dế vẫn còn ít, tiếng gáy mới chỉ họa hoằn, lác đác. Đợi đến khi đồng khô trắng đất, mặt ruộng nẻ ngoằng ngoặc từng vệt dọc ngang thì dế mới nhiều. Đang đêm hoặc tảng sáng mà có việc ra đồng, ta sẽ có dịp nghe nguyên một “dàn đồng ca” dế mải miết hòa thanh không biết mỏi!
Đá dế trò yêu thích của nhiều trẻ em
Lũ trẻ chúng tôi rình mò, phát hiện ra nơi ẩn náu của dế đa phần chỉ nhờ vào những tiếng gáy vang vang kia. Nằm sâu dưới rãnh nẻ, tưởng an toàn, dế ta thả hồn theo từng giai điệu hùng dũng, du dương. Có ngờ đâu chỉ trong ba nhát cuốc, dế ta đã bị chộp gọn trong lòng bàn tay, bị cho ngay vào hộp! Dế sống trong ruộng đậu, ruộng dưa, thường ẩn náu bằng cách đào hang. Không thể cuốc, đào tùy tiện nên lũ trẻ con phải đổ nước cho dế ngộp thở, trồi ra rồi mới bắt. Khoản này được người lớn hết sức khuyến khích bởi lũ dế trong ruộng phá ơi là phá. Đọt, nụ dưa ra mơn mởn thế mà chúng cứ tiện… càng cắn đứt tươi không chút xót thương.
Dế mang về được lũ trẻ chúng tôi phân loại, cho đấu thử để phân đẳng cấp, sau đó nhốt riêng mỗi chú vào một ống bơ. Miệng ống bơ được bịt giấy, đục lỗ thông hơi, trong bỏ dưa, cọng giá hoặc cỏ tươi. Bị “ở tù”, nhưng trời sinh lũ dế mèn vốn tính… lạc quan nên đêm đêm chúng vẫn gáy vang nhà… Nhưng nghe dế gáy chỉ là trò giải trí thứ yếu; “đệ nhứt khoái” của thú chơi dế mèn chính là đá dế. Cả lũ hò nhau mang các “đấu sĩ” đến so tài. “Giải” có thể là quả ổi, quả xoài, hòn bi; gay cấn hơn thì thách đố ăn thua bằng chính bản thân “đấu sĩ”. Đương nhiên, người thắng cuộc thì hớn hở cười vui, còn kẻ thua tiu nghỉu, hậm hực về nuôi chí phục thù bằng cách lại… cần mẫn ra đồng mà “săn”, mà nuôi nấng giấc mơ chộp được trong tay một chú dế mèn vô địch để được hưởng cảm giác bước lên đài vinh quang dù chỉ một lần trên võ đài chọi dế… nhỏ nhất thế giới.
Bắt dế - nguồn hoingodulich.com
Võ đài chỉ là cái lỗ hình chữ nhật trên mặt đất, bề ngang chừng một lóng tay, dài hai lóng tay. Hai con dế thả vào đấy, chật chội, không đá nhau để giành chỗ mới là chuyện lạ. Lại đôi khi bị cọng cỏ quất vào đít, khiến cu cậu thiếu kiềm chế tưởng đối phương tấn công, liền phản đòn. Những cú đá hậu tanh tách có thể xé nát cánh, làm gãy càng đối thủ, và xúm xít những mái đầu trẻ thơ chổng khu lên xem, cổ vũ cuồng nhiệt bằng những lời reo “cho mày chết”. Một võ sĩ dế đá mấy lượt thì võ công coi như bị phế bởi sức tàn lực kiệt.
Xa rồi những năm tháng trẻ thơ, những ruộng lúa ruộng dưa đã bao mùa xanh lá mà mùi thơm nồng từ chảo dế rang, tiếng dế đá tanh tách vẫn như còn vẳng mãi trong lòng tôi. Trò đá dế, cách chơi dân dã ấy giờ còn mấy trẻ con ngày nay đi tìm? Lục trong sách cũ chợt thấy thiên truyện “Chọi dế” chiếm một góc “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, thoảng chút ngậm ngùi. Hay mới nhất, khi mái đầu đã ngả hai màu tóc, lại đọc truyện “Đá dế” của Robert Olen Butler nói về người Việt di tản sống ở Lake Charles cũng mê trò bắt dế và đá dế như thuở còn ở quê nhà. Đồng quê ơi, có ai bây giờ như những phi tần đời Đường được tuyển lựa vào cung, đem theo những con dế trong chiếc lồng nhỏ bằng vàng đặt bên gối để nghe tiếng dế nỉ non mà nhớ về nơi thôn dã...?
Đấy là nói kiểu con nhà nghèo ở quê không có tiền mua phải đi bắt về chơi, còn tụi trẻ thành phố có tiền thì đi học đến cổng trường đã có mấy hàng dế đợi sẵn rồi. Mỗi người bán dế ôm một thùng gỗ hai mặt lưới chia ra làm ba hay bốn ngăn, phân loại từ loại nhất xuống loại ốc tiêu tạp nham, cả chục thằng nhóc chúi đầu vào ngắm nghía bình phẩm. Dế nhất hết biết, vừa to vừa đẹp vừa oai phong lẫm liệt, khi đã chọn được con nào thì chỉ con đó. Người bán dế bắt hay lắm, ngón cái ngón trỏ nắm ngay bụng con dế nhét đầu nó vào ống giấy quấn sẵn bằng giấy tập vở rồi bịt hai đầu lại, nhiều tên khi tan học xem lại dế thì chỉ còn ống giấy không vì nó cắn lủng rồi chui đi lúc nào đành ngậm ngùi tức tưởi.
Học sinh nhỏ mua dế trước cổng trường
Người bạn thầy giáo của tôi kể chuyện hồi xưa, trong lần dự giờ một lớp ở quận 10, lớp học lặng im phăng phắc, học sinh chăm chú lắng nghe lời giảng của một cô giáo mới ra trường, đang say sưa bình giảng một đoạn trích của truyện Kiều, bỗng có tiếng “chịch, chịch...” nổi lên, rồi tiếng dế gáy “tờ... réc, tờ... réc, réc...” vang lên đầy phấn khích ở dãy bàn trước mặt. Lớp học rộ lên tràng cười. Cô giáo im bặt, cặp lông mày nhíu lại, cố kìm nén cơn giận dữ đang bùng lên. May là đang có quý thầy cô dự giờ, nếu không thì...
“Một học sinh nam mặt đang biến sắc, cúi xuống hộc bàn, bàn tay em mò mẫm vào cái cặp, trái tim tôi chợt thắt lại, mơ hồ tôi nghe một tiếng “bụp”, rồi tiếng thét thảm thiết trỗi dậy. Em học sinh vì sợ đã bóp chết con dế lửa tội nghiệp! Một chiến binh dế rất chiến của mùa hè... Lớp học, ngôi trường lầu kiên cố, bốn phương tám hướng đều bê tông cốt thép, lấy đâu dế cho học sinh chơi và đem vào lớp học? Tôi thoáng suy nghĩ khi bước ra khỏi lớp, nhìn lên trời cao đang bị che khuất bởi các nhà cao tầng. Nhưng khi đi bộ ra ngoài cổng trường thì tôi đã hiểu”.
Những con dế chiến binh trong sâu thẳm của tiềm thức, tuổi ấu thơ bên cạnh mùa dế trên những cánh đồng thênh thang mùa rơm rạ, như ẩn hiện trong lớp sương mù của cơn mưa buổi sáng sớm ở quê nhà. Những con dế ấy đã được những người trung niên, nét mặt còn dấu ấn của đồng quê, ở ngoại thành Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, bắt bỏ vào những thùng gỗ xung quanh đóng lưới nhuyễn, mang bán tận các cổng trường. Bọn học sinh tan học bu lại các thùng dế, ngắm nghía, bàn tán những con dế than, dế lửa, dế cồ, dế mén... Và người bán không quên dùng những con dế mái,... ngắt lấy đầu cắm vào cọng chân nhang khiêu khích, nhử những con dế đá hung hăng và thiện chiến, cánh phùng lên gáy réc réc, còn miệng há to hai cái càng sắc bén gây kích thích không chỉ cho lũ học sinh. Lúc này chú dế sẽ tưởng thật nên nhe nanh, phùng cánh gáy vang trời, tiếp đến xáp lá cà tấn công quyết liệt, người nhử sẽ rút lui đồ nhử ra ngay, dế lại tưởng đối thủ chịu thua bỏ chạy nên rất hưng phấn, nộ khí vang trời, huênh hoang hết mực. Đây chính là thời điểm mà tinh thần chiến đấu của dế lên cao nhất, thích hợp cho trận chiến thực sự sắp diễn ra.
Tháng Ba, những ruộng lúa được cày xới là nơi sinh sôi của các loài dế
Họ đã mang “mùa dế” đến cho trẻ con, học trò của thành phố, của Sài Gòn thân yêu, cùng với thú nuôi chim, chơi cá... “Ở cầu thang lầu chung cư, tôi đã gặp rất nhiều trẻ con túm tụm chơi đá dế, cũng có cá cược những cái bánh, cây kẹo, cũng có đá “bắt sát”, bên nào thua sẽ thua luôn con dế chiến của mình. Cũng có “tấn phong” chức cho con dế chiến thắng của mình như “đại tướng dế than”, “đô đốc dế lửa”... Cũng chính vì tuổi thơ “say đắm” với những chú dế mà tôi đã phân biệt được đâu là tiếng dế than, đâu là tiếng dế lửa. Chịu khó lắng nghe, chịu khó để ý bạn sẽ nhận ra trong cái âm thanh “tờ ri ri, tờ réc réc” đó đâu là anh dế lửa cánh vàng như nghệ, và đâu là anh dế than trừ hai chấm vàng trên cánh, còn thì đen tuyền đến thích thú...”.
Những câu chuyện đá dế râm ran mỗi lúc mỗi nhiều, có khi đám bạn già chen ngang như không kịp kềm nén những kỷ niệm quay về trong chốc lát. Trò bắt dế, đá dế của ngày xưa sao vui lạ so với những tiện nghi ngày nay của bọn trẻ với những trò game trên iPad, iPhone. Trong đầu óc non nớt của bọn trẻ con đâu còn bài hát “Con dế trống trong hang bò ra / Con dế lửa trong hang bò đến / Con dế trống là con dế than / Cùng gặp nhau hai bên so càng...”.
TN (baotreonline)