Tham thì thâm
Saturday, 14 March 2015 11:31
Tác Giả
Bùi Thanh Liêm
Bạn hiền,
Hẳn bạn hiền còn nhớ cái vụ vi khuẩn Ebola bùng phát bất ngờ hồi năm ngoái. Căn bệnh chết người này đã vượt biên giới châu Phi và lan sang tận nước Mỹ. Rồi bệnh nhân người Mỹ đầu tiên bị nhiễm Ebola được công bố danh tính. Cô Nina Phạm, người Mỹ gốc Việt, một y tá bị lây bệnh từ du khách Liberia, ông Thomas Duncan. Ông Duncan chết ngày 8 tháng 10, và 3 ngày sau Nina, người Mỹ đầu tiên bị nhiễm Ebola trên đất Mỹ. Bệnh viện Texas Health Presbyterian, nơi Nina làm việc không đủ trang bị để chữa bệnh Ebola cho nên ngày 16 tháng 10 Nina được chuyển sang trung tâm y tế quốc gia ở Maryland để được điều trị. Nếu bệnh viện ở Texas không chuyển Nina qua Maryland hoặc giả sử Nina là một công dân nào đó không phải Hoa Kỳ thì có lẽ cô đã nối gót ông Thomas Duncan rồi, nhưng may mắn là cô đang sống ở một quốc gia với nền y khoa tân tiến vào bậc nhất thế giới. Ngày 24 tháng 10, Nina được xuất viện sau khi các bác sĩ tuyên bố cô hoàn toàn âm tính vi khuẩn Ebola sau 5 lần thử nghiệm.
Đùng một cái, một cô y tá bình thường với một công ăn việc làm bình thường như hàng trăm nghìn y tá ở Mỹ được tôn sùng lên thành anh hùng của nước Mỹ. Hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí giấy, báo chí điện tử đã hết lời ca ngợi cô như một y tá vĩ đại, biết xả thân mình để cứu người khác. Các cơ quan truyền thông Việt Nam ở hải ngoại như VOA và RFA không tiếc lời khi nhắc đến cái tên Nina Phạm như là một niềm tự hào dân tộc. Các con chiên và cha xứ ở nhà thờ công giáo ở Dallas nơi cô đi lễ hết lời ca ngợi gia đình Nina như là một gia đình kiểu mẫu. Sau khi xuất viện Nina và gia đình được mời đến Tòa Bạch Ốc để gặp Tổng Thống Obama và phu nhân. Nói ra có vẻ hơi nghịch lý, nhưng sự thật là nếu không bị dính Ebola thì một điều chắc chắn là cái tên Nina Phạm sẽ không bao giờ được báo chí nhắc đến, đừng nói đến chuyện đặt chân vào Tòa Bạch Ốc. Về vụ này thì BTL tôi có ý kiến là có hàng trăm hàng nghìn thanh niên và phụ nữ ở tuổi của Nina đang phục vụ trong quân đội ở các chiến trường nóng bỏng khắp thế giới, những người này đối diện với cái chết rõ ràng chứ không phải ngẫu nhiên, và cơ hội họ được vinh danh ở Tòa Bạch Ốc gần bằng con số không.
Y tá nhiễm Ebola Nina Phạm trả lời phỏng vấn từ giường bệnh. nguồn dailymail.co.uk
Rồi dòng đời tiếp tục trôi, cái tên Nina Phạm bị rơi vào quên lãng cùng với dịch bệnh Ebola. Cho đến đầu tuần này, cô y tá 26 tuổi lại xuất hiện trong các trang đầu của các tờ nhật báo nước Mỹ. Lần này cô không phải trở lại với một dịch bệnh chết người, cô tái xuất giang hồ với một vụ kiện tụng đình đám, bảo đảm chấn động nước Mỹ. Nina Phạm quyết định khởi tố bệnh viện Texas Health Presbyterian, nơi đã cứu cô thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Bà Charla Aldous, luật sư của Nina Phạm, hy vọng Nina sẽ là "tiếng nói cho các y tá khác". Lý do của vụ kiện tụng là bệnh viện Presbyterian không có huấn luyện cho các y tá cách đối phó với vi khuẩn Ebola và không cung cấp cho họ đầy đủ phương tiện bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân. Bà Aldous còn nói thêm rằng qua vụ kiện này, Nina hy vọng cô có thể làm thay đổi theo chiều hướng tích cực cho các y tá khác. Hiện số tiền bồi thường chưa được tiết lộ, nhưng theo sự tiên đoán của các giới chuyên môn thì chắc chắn sẽ là một con số khổng lồ. Sợ kiện nhiêu đó chưa đủ, đội ngũ luật sư của Nina còn kiện bệnh viện thêm cái tội dùng hình ảnh của Nina đang nằm trên giường bệnh để quảng cáo.
Bạn hiền, đúng là "cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả báo", nói cho cùng thì tất cả chỉ vì tiền. Nina tiết lộ là cô sợ sau này sẽ không đi làm được nên cần khởi tố để kiếm tiền để bảo đảm sống hết phần đời còn lại không cần đi làm. Lên trên đài truyền hình quốc gia, Nina cho biết là cô vẫn còn bị ác mộng kề cận với tử thần và khi thức giấc thì cô phải kiểm tra xem có đeo găng tay không. Hiện tại, có nhiều người ủng hộ quyết định truy tố bệnh viện, chắc chắn đa số trong nhóm người này ghét bọn tài phiệt, chủ nhân của các bệnh viện tư nhân nói chung. Cũng có nhiều người lên án Nina, cho rằng tất cả chỉ vì lòng tham. Về sự thay đổi mà Nina và luật sư của cô đề cập, thì thiên hạ cho là sự thay đổi mà họ có thể thấy rõ nhất là cái trương mục trong nhà băng của Nina và luật sư khởi tố. BTL tôi bắt buộc phải đồng ý với quan điểm này, vì chẳng cần Nina lên tiếng thì nhà thương Presbyterian đã có nhiều thay đổi sau biến cố đó rồi. Xét cho cùng thì vụ dịch Ebola bùng phát ở Mỹ hồi năm ngoái quá mới mẻ, chính nhà thương còn lúng túng trong cách đối phó chứ họ đâu cố ý tạo ra nguy hiểm đến tính mạng nhân viên của họ. Điều quan trọng là sau khi Nina và một nữ y tá khác bị dính vi khuẩn, bệnh viện đã phản ứng kịp thời và cứu mạng cho họ. Những đoạn ghi hình khi Nina cám ơn đội ngũ bác sĩ của bệnh viện còn rành rành ra đấy, sao cô nỡ đành quên. Về vụ kiện thứ hai về vụ đăng tải hình ảnh Nina nằm trên giường bệnh cám ơn mọi người và rủ họ qua Maryland để "party", cuộn video mà Nina nói là bị đăng tải ngoài ý muốn của cô, thì có lẽ cô bị Ebola hành cho nên quên là cô đã cho phép bệnh viện chia sẻ đến mọi người, do đó luật sư của Nina quên cái vụ kiện đó đi.
Nina Phạm trong vòng tay đồng nghiệp và gia đình khi khỏi bệnh. nguồn abc7.com
BTL tôi phải nói rõ ở đây là BTL tôi không muốn lên tiếng bênh vực bệnh viện Texas, thậm chí BTL tôi còn nghĩ là quá bất cẩn khi đối phó với dịch bệnh chết người, và rất có thể là để che giấu những lỗi lầm họ đã có những hành động không hay, như ghi hình Nina đang nằm trên giường bệnh rồi công bố cho công chúng thấy là cô vẫn còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều chúng ta phải khen ngợi bệnh viện là họ đã có những phản ứng kịp thời, nếu không thì Nina Phạm đã mồ yên mả đẹp, lúc đó đừng nói đến chuyện
Theo BTL tôi suy nghĩ thì nghề y tá là một nghề cao quý vì họ phục vụ cho tha nhân và biết rất rõ là có nhiều rủi ro khi phải chăm sóc cho biết bao bệnh nhân, trong đó có nhiều người mang bệnh truyền nhiễm. Đã chấp nhận làm nghề y tá thì phải chấp nhận những rủi ro đến từ tai nạn nghề nghiệp. Còn nếu như có thấy điều kiện làm việc không được an toàn thì Nina hay bất cứ y tá khác đều có quyền từ chối, thà mất việc hơn là mất mạng. Hồi cuối năm ngoái khi các hãng truyền thông ca ngợi Nina Phạm như một y tá can đảm đã tình nguyện chăm sóc cho bệnh nhân Duncan mang vi khuẩn Ebola thì không nghe cô và gia đình lên tiếng cải chính, bây giờ khi kiện tụng để kiếm tiền thì nghe cô đính chính là cô không có tình nguyện như báo chí và đài truyền hình đưa tin. Thêm một sự trùng hợp khác nữa là vụ kiện tụng này cho đến hôm nay mới được khởi xướng sau khi bệnh viện Presbyterian vừa mới bồi thường cho gia đình của Thomas Duncan một số tiền khá bộn.
Rồi vụ kiện tụng đình đám này sẽ đi về đâu? Nếu thua thì đời của Nina Phạm chắc chắn sẽ tàn. Tiền mất, tật mang và chắc chắn chẳng có ai dám dây với cô, đừng có nói đến chuyện mướn cô làm việc. Nếu thắng thì đội ngũ luật sư của Nina Phạm sẽ hưởng một số tiền khổng lồ, phần còn lại có đủ để Nina Phạm sống suốt đời không? Cô hãy hy vọng là đủ vì chắc chắn sẽ chẳng có bệnh viện nào dám mướn cô vào làm y tá. Điều quan trọng là không ít thì nhiều danh tiếng của cô y tá này, hồi cuối năm ngoái được ca tụng hết lời như một anh hùng hy sinh mạng mình lo cho mạng người khác, sẽ bị lu mờ. Thường thì "thắng làm vua thua làm giặc". Tuy nhiên, sau vụ kiện này Nina Phạm thua làm giặc mà thắng thì chưa chắc được làm vua đâu. Xét cho cùng thì Nina cũng là con người với đầy đủ tham, sân, si. Nói đến đây làm BTL tôi nhớ đến câu ngạn ngữ của Albert Camus, xin viết ra ở đây để kết luận thư gửi bạn hiền hôm nay:
Hãy tin tôi, ít nhất với một số người, không chiếm lấy điều mình không muốn là việc khó nhất trên thế giới." (Believe me, for certain men at least, not taking what one doesn't desire is the hardest thing in the world.)
BTL
baotreonline
Comment