Thế giới năm 2014 qua vài hình ảnh
Tác Giả
Thanh Dũng
Sắp đến thời điểm cuối năm khép lại một năm 2014 nhiều biến động. Mới vừa ra Giêng, trên khắp nội địa Hoa Kỳ đã liên tục hứng chịu những đợt tuyết giá chưa từng thấy. Các luồng khí lạnh Bắc Cực thổi xa đến tận Florida.
Tháng 6-2014. Kỷ niệm 25 năm sự kiện Trung cộng tàn sát sinh viên Hoa Lục biểu tình đòi dân chủ tại Quảng Trường Thiên An Môn (Tiananmen Square), khiến hằng trăm người thiệt mạng. Nhiều ngàn người Hong Kong tổ chức tưởng niệm, trong khi Bắc Kinh cấm tiệt mọi tụ tập lẫn thông tin về sự kiện này. Trong ảnh: Dân chúng và chiến xa Trung cộng vào hôm 6-6-1989 trên đại lộ Changan Blvd., con đường dẫn tới Tiananmen Square. Ảnh Vincent Yu
Nhiệt độ băng hàn gây vô số thiệt hại trên khắp nước, trong đó có hằng chục người thiệt mạng. Bão tố mùa đông xáo trộn đặc biệt cho các vùng phía nam Hoa Kỳ (The South), trong đó một trung tâm kỹ nghệ, giao thông, và thương mại trọng yếu là thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, đã có những thời điểm hầu như bị tê liệt. Đây cũng không phải là tin thời tiết thiên tai đáng sợ nhất trong năm. Sang cuối mùa hè, đã xảy ra các trận lũ lụt khủng khiếp nhất trong hằng chục năm qua, ảnh hưởng cả 2 quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan. Đã có ít nhất hằng trăm người thiệt mạng và hằng trăm ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất là Kashmir, khu vực lâu nay vẫn trong vòng tranh chấp giữa 2 nước này.
Tháng 9-2014. Các trận lũ lụt tệ hại nhất tại Pakistan và Ấn Độ trong vòng nhiều thập niên khiến hằng trăm ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Trong ảnh: một con voi con lâm nạn. Ảnh Barcroft/Landov
Tháng Giêng 2014. Băng đá đông cứng trên bờ hồ Lake Michigan, Chicago lúc thành phố lạnh kỷ lục 16 độ F âm. Ảnh Scott Olson/Getty Images
Nhưng Ấn Độ và Pakistan chưa hẳn là những nơi nhiều xui xẻo nhất trong năm qua. Có lẽ hiếm thấy trường hợp như một mình Malaysia chỉ trong 1 năm đã có 2 vụ tai nạn phi cơ thảm khốc khiến dư luận cả thế giới phải chú ý. Trung tuần tháng 3-2014, chuyến bay Flight MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên đường bay từ Kuala Lumpur lên Bắc Kinh (Beijing). Cuộc tìm kiếm khổng lồ liên quan hằng chục quốc gia, đến nay còn tiếp diễn, nhưng vẫn chưa dò ra tăm tích chuyến bay xấu số lẫn 239 nạn nhân kém may mắn. Đến trung tuần tháng 7-2014, chỉ 4 tháng sau, một chiếc Boeing 777 cũng của Malaysia Airlines bị hỏa tiễn do nước Nga chế tạo bắn hạ trên không phận đông phần Ukraine giết hại toàn bộ 298 hành khách lẫn phi hành đoàn.
Tháng Tư 2014. Các nhà lập pháp Ukraine thượng cẳng chân hạ cẳng tay tại Kiev. Xứ này lâm khủng hoảng chánh trị từ cuối năm ngoái, đưa đến việc phế truất cựu Tổng Thống thân Nga, rồi nước Nga phản ứng bằng cách thôn tính bán đảo Crimea, và ngấm ngầm lẫn công khai yểm trợ các phần tử gốc người Nga dấy loạn đòi tự trị tại các lãnh thổ miền đông Ukraine. Hoa Kỳ và Tây Âu hiệp lực giúp chánh phủ trung ương tại Kiev, nhưng vì Ukraine chưa phải là thành viên NATO, các nỗ lực tiếp cứu thường bị giới hạn. Ảnh Vladimir Strumkovsky/ap
Brazil có lẽ cũng là một nước kém vui khác trong năm 2014. Dân nước này mê cuồng vì trò đá banh, tưởng đâu giải đá banh thế giới World Cup 2014 tổ chức trên sân nhà sẽ được khai hội ăn mừng ì xèo. Ngờ đâu đội banh quốc gia “Selecao” lại phơi áo tả tơi trước người Đức. Nỗi buồn Brazil phần nào che mờ thành công của kỳ World Cup, chỉ tính riêng tiền doanh số thuế là $7.2 tỉ. Đã có gần 3.5 triệu người dự khán 64 trận banh toàn giải. Các cuộc hội hè vui chơi tại Brazil và vòng quanh thế giới, gọi là “FIFA Fan Fest”, cũng thu hút trên 5 triệu khán giả. Suốt giải này, các đội banh di chuyển tổng cộng 280,000 cây số - tương đương chiều dài 7 vòng quanh thế giới.
Ngày 21-5-2014. Mười ba năm sau ngày Tòa Tháp Đôi New York City bị khủng bố phá sập trong sự kiện 9-11 lừng danh, khu tưởng niệm và bảo tàng quốc gia khánh thành và ra mắt lần đầu mang tên gọi “National September 11 Memorial Museum”. Trong ảnh: Một kỷ vật mắt kiếng tìm thấy trong tro tàn của World Trade Center nay được trưng bày tại bảo tàng tưởng niệm quốc gia. Ảnh STAN HONDA/AFP/Getty Images
Từ dạo cuối mùa hè, khắp thế giới cũng xôn xao tin tức về Ebola ở Phi Châu. Dịch bịnh lần này khởi sự từ Guinea từ cuối năm 2013, sau đó lây sang 2 xứ láng giềng Liberia và Sierra Leone. Các ca bịnh cũng nhập cảnh vô cả Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, lây bịnh cho vài chuyên viên y tế, nhưng may mắn là không lây lan rộng hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) ước lượng đến đầu tháng 12-2014, đã có gần 18,000 ca bịnh Ebola, gây trên 6,500 tử vong.
Tháng 3-2014. Một độc giả đang xem tờ New York Times phiên bản quốc tế tại Karachi, Pakistan. Có thể thấy phần ô trống, là chỗ của một bài báo nói về liên hệ giữa Pakistan và tổ chức khủng bố al Qaeda đã bị thẩm quyền thông tin nước sở tại đục bỏ. Ảnh Shahzaib Akber/EPA/LANDOV
Năm 2014 đặc biệt gian nan cho dân chúng vùng Trung Đông. Kể từ khi nổ ra vào tháng 3-2011, cuộc nội chiến Syria đã giết hại 190,000 người ở thời điểm bước sang năm thứ tư, và giao tranh vẫn tiếp diễn... Còn Iraq lâm cảnh an ninh nguy cấp nhất kể từ khi binh sĩ Hoa Kỳ triệt thoái hoàn toàn. Các tay súng thuộc “Quốc Gia Hồi Giáo” hay ISIS chiếm nhiều lãnh thổ lẫn các cơ sở dầu hỏa, gây bao cảnh đau thương tang tóc. Các biến động tại Syria và Iraq đã đẩy chừng 3 triệu người vào đời tị nạn, mà một số lớn chạy sang nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng. Những tháng cuối năm, Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu phản công với các cuộc không tập mãnh liệt lên ISIS khiến nhóm Hồi Giáo cực đoan này không thể chiếm thêm lãnh thổ.
Tháng 4-2014. Một gia đình cư dân Aleppo, Syria sống sót sau một đợt pháo kích của quân chánh phủ. Aleppo là chiến địa đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến Syria đến nay đã sang năm thứ tư. Ảnh Hosam Katan/Reuters/Landov
Ngược sang Đông Á, một trong những sự kiện lớn nhất là vụ phản kháng của dân chúng Hong Kong từ dạo đầu tháng 9-2014. Người biểu tình, đa phần là học sinh sinh viên tuổi đời rất trẻ, phản ứng dữ dội trước nước cờ của Bắc Kinh không để cho họ tự do chọn ứng cử viên đứng đầu chánh quyền Hong Kong trong các cuộc bầu cử tương lai. Hình ảnh người biểu tình che dù chống lại hơi cay của cảnh sát dã chiến cũng như cái nóng mặt trời đã tạo nên cách nói “Umbrella Revolution” (cuộc cách mạng dù).
Hằng ngàn sinh viên xuống đường chận các con đường chánh tại khu trung tâm thời trang nổi tiếng của Hong Kong hôm 29-9-2014. Ảnh Wally Santana/AP
Về lại Hoa Kỳ, cũng có các cuộc phản kháng nhưng mang sắc thái màu da và chủng tộc là chánh yếu. Các vụ lộn xộn bắt đầu sau khi cảnh sát hạ thủ một thiếu niên da đen vào đầu tháng 8-2014. Cộng đồng người da đen nổi giận phản ứng mạnh khiến Thống Đốc tiểu bang Missouri Jay Nixon phải ban hành tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm thành phố St. Louis và các vùng phụ cận. Cảnh sát dã chiến bị chê vì trang bị tận răng chỉ để chống lại thường dân tay không tấc sắt. Ngược lại, người biểu tình cũng bị trách vì ngoài biểu tình ôn hòa, còn xảy ra hôi của và nhiều bạo lực khác. Sau khi bồi thẩm đoàn, vào ngày 24-11-2014, quyết định không kết án viên cảnh sát trong vụ nổ súng, căng thẳng tiếp tục lên cao, có dấu hiệu lan sang nhiều nơi khác tại Hoa Kỳ, bắt buộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phải nhập cuộc điều tra.
Một người đàn ông thuyết phục đám đông dân chúng giữ bình tĩnh tại Ferguson, Missouri, trong lúc cảnh sát dã chiến ở phía sau sẵn sàng ra tay. Ảnh Jeff Roberson/Associated Press
treonline