“Tuổi Thu Phai” ở Mỹ
Giật mình, ôi chiếc lá thu phai ( T.C.S)
Phượng Vũ
Ngày xưa bước qua tuổi sáu mươi, người ta đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ”, mọi người kính cẩn gọi là Cụ để được “kính lão đắc thọ”. Nhưng ngày nay, nhất là ở Mỹ, lứa tuổi 60 vẫn chưa thể gọi là già.
Tôi không thích dùng từ “tuổi già”, vì nghe nó có vẻ đượm mùi bi quan, tôi thích dùng từ “tuổi thu phai” lấy từ câu hát của Trịnh Công Sơn: “Giật mình, ôi chiếc lá thu phai” nghĩa là thời gian trôi nhanh quá, chợt nhìn lại thấy mình đã là chiếc lá thu phai! Chuyện biến đổi của đời người đã được T.C.S. diễn đạt một cách ngắn gọn, vừa nhẹ nhàng, vừa có chất thơ! Lá mùa nào cũng có nét đẹp riêng của nó, nhưng lá mùa Thu vẫn đẹp nhất, vì nó cho đời nhiều sắc màu phong phú, tuyệt đẹp! Vì thế vẫn thường có những tour đi ngắm lá Thu đổi màu ở vùng Bắc Mỹ. Theo tôi “tuổi thu phai” là lứa tuổi đẹp nhất đời người, giống như mùa Thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa: Mùa Xuân tuy hoa nở tươi thắm, nhưng hình như thiếu sự êm ả, đằm thắm, mùa Hè tuy rộn ràng nhưng thật nóng nực, oi bức; mùa Đông thì lạnh giá, ủ ê, chỉ có mùa Thu là đủ độ chín tới làm nên vẻ đẹp của đất trời khi giao mùa, thời tiết cũng dễ chịu, êm đềm. Ngoài ra, trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên, và trăng đẹp nhất bao giờ cũng là trăng Thu, cũng như những bài thơ, bài nhạc hay nhất đều nói về mùa Thu
Các bạn ở vào độ “tuổi thu phai” vẫn thấy đời còn nhiều nét đáng yêu. Trước hết có thể bắt đầu nghĩ tới chữ Nhàn, vì không còn phải bon chen xoay theo vòng quay danh lợi, bởi sắp về hưu hay đã về hưu. Nếu đã về hưu rồi thì thời gian lại càng thong thả cho phép ta an nhàn hưởng thụ những gì ta thích mà trước kia cuộc sống vội vã không cho phép. Nếu thích đi du lịch, đi thăm người thân hay con cháu ta có thể đi bất cứ ngày nào, mùa nào, và đi bao lâu tùy thích vì ta là người rất “giàu có về thời gian”. Ngắm bọn trẻ lúc nào cũng hối hả tất bật mà thương, nhớ lại thời tuổi trẻ gian khổ của mình mà mừng vì nay: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo“
Những bữa ăn tinh thần đáng quý
Sau một thời gian dài hội nhập xứ Mỹ với biết bao gian khổ buồn vui, giờ đây là lúc chúng ta có thể tạm buông tay để tự cho mình một cuộc sống an nhàn, có thể tự cho phép mình ngồi không mà thư giãn tâm hồn,rồi thưởng thức những thú vui tinh thần tao nhã. Ưu điểm lớn nhất của khu “Little Saigon” (Nam CA) là chúng ta thường được “chiêu đãi” những bữa ăn tinh thần một cách như không! Đó là những buổi triển lãm tranh ảnh đẹp Quê Hương, những buổi nói chuyện về các đề tài văn hóa Việt Nam, những đêm nhạc Du Ca, những đêm nhạc chủ đề...
Đó là nơi gặp gỡ của những tâm hồn tuy đã lìa xa quê, nhưng lòng vẫn hoài hương vì “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Đó là những buổi gặp gỡ mà những người tham dự (đa số là cao niên) cảm thấy ấm áp vì tình yêu Quê Hương được nhóm dậy trong lòng! Đó là những buổi tối êm đềm được ngồi cùng với bạn bè thân quen nghe lại những ca khúc xa xưa một thời yêu thích... Đó không phải là niềm Hạnh Phúc của cuộc sống đáng yêu nơi xứ người sao? Một trong những nơi chốn thân quen vẫn thường cung cấp cho chúng tôi những bữa tiệc tinh thần đáng quý đó, chính là Phòng Sinh Hoạt các nhật báo Việt Ngữ. Ngoài ra Viện Việt Học hằng tháng vẫn tổ chức những đêm nhạc thính phòng với các chủ đề khác nhau mang đến cho người nghe những đêm cảm thụ âm nhạc thật khó quên!
Chúng tôi trân trọng ghi nhận và biết ơn sự đóng góp đáng trân quý đó của quý vị, vì đã đồng hành và mang đến cho chúng tôi những niềm vui tinh thần trong cuộc sống vui buồn nơi xứ người.
Tuổi đi học
Người Mỹ thường có câu “use it or lose it”, câu này thật có ý nghĩa đối với “trí óc” của giới cao niên. Nếu không dùng tới nó, nó sẽ bị hao mòn, thoái hóa dần. Có lẽ ý thức tầm quan trọng này nên viện bảo tàng Bowers đã tổ chức những lớp học Nghệ Thuật (Art) dành cho giới cao niên trong O.C. như TT Horizon hay phòng sinh hoạt nhật báo N.V để mở những lớp Art dành cho giới cao niên Việt Nam. Nhờ sự hướng dẫn chuyên môn của các “instructor” chúng tôi có thể dùng tâm trí để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật “tuyệt vời”. Trong lễ bế giảng khi nhìn những tác phẩm được triển lãm do tự tay mình làm ra, chính chúng tôi cũng không ngờ tới tuổi này rồi mà sao sức sáng tạo vẫn còn tràn đầy trong óc trong tim. Những điều này khiến chúng tôi rất vui và thấy cuộc sống mình đâu phải là “vô dụng” mà vẫn còn rất có ý nghĩa! Thật thấm thía với câu “Enjoy your life while you can”( Hãy thưởng thức cuộc sống khi bạn còn có thể).
Đặc biệt là hôm tham dự buổi triển lãm ở Bowers Museum, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi biết rằng toàn bộ những tác phẩm được triển lãm đều là những “công trình sáng tạo nghệ thuật” của giới cao niên thuộc Orange County ( trong đó giới cao niên Việt Nam chiếm đa số). Từ những bức tranh vẽ chân dung, tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh cắt dán, tới những tác phẩm tạo hình “mixed media” bằng những vật liệu khác nhau. Mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, một ý nghĩa và một tâm nguyện khác nhau của tác giả.
Tôi thật thích thú khi nhìn ngắm những chiếc nón lá duyên dáng Việt Nam, đã được bàn tay sáng tạo của các chị phủ lên trên chúng những bức tranh đầy màu sắc: từ những vườn hoa Xuân miền Nam với những cành mai vàng nở rộ, tới những đóa hoa pensse tím một trời thương nhớ Đà Lạt năm nao, rồi những hình thể đủ sắc màu gợi nhớ những hình ảnh đẹp đẽ ngày xưa nơi quê nhà. Thật là tuyệt diệu và xúc động khiến một anh bạn đã “xúc cảnh sinh tình” làm ngay một bài thơ về nón lá để hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ thanh xuân :
“Vành tròn, chóp nhọn, trắng như ngà
Đội nghiêng nghiêng chút: Dáng kiêu sa
Ôm ngang trước ngực : Trông e ấp
Cầm thả lơi lơi : Đẹp thướt tha”
(còn tiếp 1 kỳ)