Giới yêu nghệ thuật phẫn nộ việc chiếm bản quyền của nhạc sĩ Anh Bằng
Trong vài ngày hôm nay, giới thưởng thức âm nhạc cũng như hiểu biết về văn hoá của của miền nam Việt Nam trước khi Cộng sản cưỡng chiếm, đang xôn xao bàn tán về chuyện các cán bộ văn hoá Cộng sản trong nước dựng nên một câu chuyện, nhằm chiếm đoạt bản quyền ca khúc Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng.
Bài hát Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng hiện đã bị sửa lại tựa đề là Tôi Xa Hà Nội, với một vài ca từ, và công bố quyền tác giả là của một nhạc sĩ lâu nay chưa bao giờ nghe tên là Khúc Ngọc Chân, 74 tuổi. Bên cạnh việc cưỡng đoạt hết sức trắng trợn trên truyền hình, Cộng sản cũng tổ chức cho một cán bộ văn hoá là Nguyễn Thuỵ Kha viết báo, khẳng định nhạc sĩ Anh Bằng đã ăn cắp bài hát này của ông Khúc Ngọc Chân.
Lý giải cho chuyện vì sao nhiều năm nay không yêu cầu cải chính, mà phải đợi đến thời điểm kỷ niệm 60 năm miền Bắc di cư tránh Cộng sản, thì ông Khúc Ngọc Chân nói rằng đến giờ này ông mới muốn nói sự thật, còn trước kia thì chưa muốn.
Ông Khúc Ngọc Chân nói rằng ông có một người yêu 16 tuổi di cư vào Nam và chết lúc 30 tuổi. Cô này cầm theo bài hát và hát ở mọi nơi. Còn nhà báo Cộng sản Nguyễn Thuỵ Kha thì giả định rằng có thể nhạc sĩ Anh Bằng vô tình nghe được, chép lại và thành công, nhưng không nói thật tác giả là ai. Thậm chí đã ghi vào văn bản là thơ của Nguyễn Bính.
Một làn sóng phản ứng dữ dội trong giới thưởng thức âm nhạc diễn ra. Sự cướp đoạt và dối trá này, không chỉ là sự xúc phạm đối với nhạc sĩ Anh Bằng, mà còn là sự xúc phạm với những người trân trọng và gìn giữ văn hoá tự do miền Nam Việt Nam.
Ngay khi có tin tức, nhạc sĩ Anh Bằng, ngày 16 tháng 10, từ Hoa Kỳ, ông Anh Bằng đã gửi phản hồi đến mọi nơi quan tâm rằng “Không hề có một ca từ nào của thi sĩ Nguyễn Bính ở đây,. Tôi khẳng định việc đó là một sự bịa đặt vô liêm sỉ”.
Từ Canada, nhạc sĩ Lê Dinh, người bạn đồng sáng tác nhiều ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng cũng gửi đi lời phản đối với cán bộ văn hoá Khúc Ngọc Chân, khẳng định rằng ông biết rõ tác giả là ai, cũng như thách thức ông Khúc Ngọc Chân có thể trình ra được văn bản gốc, là văn bản viết tay vì năm 1967, kỹ thuật in ấn chưa có dấu ấn của máy điện toán hiện đại.
(Nguyễn Khanh)(SBTN)