Số người tự vẫn cao hơn con số chết vì chiến tranh và thiên tai
Bức tượng một người đang an ủi một người khác đặt trên Cầu Mapo, trên sông Hàn ở Seoul, Nam Triều Tiên nhằm quảng bá một thông điệp về cuộc sống và niềm hy vọng tại chiếc cầu nổi tiếng với lý do không ai muốn - đó là những người muốn tự tử thích tìm đến đó.Tổ chức Y tế Thế giới WHO báo cáo mỗi năm có hơn 800 ngàn người tự vẫn chết. Công bố bản phúc trình cầu đầu tiên về phòng chống tự vẫn, WHO nói số người chết vì tự vẫn cao hơn số người chết vì các cuộc xung đột, chiến tranh và thiên tai gộp lại. Từ nơi công bố bản phúc trình ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật cho đài VOA.
Giám đốc WHO về Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Ma tuý Shekhar Saxena nói còn có nhiều thứ mà các cộng đồng có thể làm để cung cấp sự hỗ trợ cho những người dễ bị thương tổn. Ông nói tự tử là hậu quả cuối cùng cho những người cảm thấy bị cô lập, trầm cảm và vô vọng. Ông nói xã hội có thể làm nhiều hơn để cung cấp sự hỗ trợ dành cho họ vào một thời khắc hết sức đau khổ:
“Những người cuối cùng đi đến chỗ tự vẫn, gần như trong mọi trường hợp, đã đi tìm sự giúp đỡ của ai đó. Có thể là một người bạn, có thể là một người thân, có thể là một hệ thống chăm sóc xã hội. Có thể là một tổ chức tôn giáo và rất nhiều khi yêu cầu xin giúp đỡ này đã không được đáp lại một cách tích cực. Vì thế các cộng đồng, các gia đình có trách nhiệm phải sẵn sàng cung cấp hình thức hỗ trợ mà người ta cần đến.”
WHO viện dẫn các phương pháp tự tử thông thường nhất trên toàn cầu là dùng thuốc độc trừ sâu bọ, treo cổ và súng ống. Các dữ liệu của một số quốc gia Âu châu, Hoa Kỳ và những nước phát triển cho thấy việc hạn chế các phương tiện vừa kể có thể giúp ngăn chặn mọi người chết vì tự vẫn.
“Nói chung trên toàn thế giới, nam giới tự vẫn nhiều hơn nữ giới. Mặc dầu ở các nước giàu hơn, ở các nước phát triển hơn, tỷ lệ nam giới tự vẫn nhiều hơn so với nữ giới. Ở các nước đang phát triển thì bớt chênh lệch hơn. Điều đó, đương nhiên có nghĩa là số nam giới vẫn cao hơn, nhưng dứt khoát không nhiều bằng so với các nước đã phát triển.”
WHO nói các tỷ lệ cao nhất về tự vẫn là ở Trung và Đông Âu và một số nước Á châu. Tổ chức này nói tỷ lệ tự vẫn ở châu Phi dường như nghiêng về phần thấp. Nhưng tổ chức cảnh báo rằng các số liệu từ khu vực đó rất hiếm hoi và không đáng tin cậy lắm.
“Vì thế, sự kiện này làm nổi bật và nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong các vụ tự vẫn. Không nên thi vị hoá hay thổi phồng các vụ tự vận trên các phương tiện truyền thông bởi vì tiếp theo có thể là những vụ bắt chước.”
Lisa Schlein