Không ai cứu được Việt Nam cả!
Nhìn hình ảnh những chiếc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc uy hiếp, nhiều người thấy nóng mặt; càng nóng mặt hơn nữa khi thấy những phản ứng đầy tức giận nhưng đồng thời cũng đầy sự kiềm chế đến nhẫn nhục của thủy thủ đoàn Việt Nam.Thật ra, theo tôi, sự kiềm chế tội nghiệp ấy không có gì đáng trách. Việt Nam không còn chọn lựa nào khác. Đánh nhau trên biển, Việt Nam không thể có kết quả nào khác ngoài sự bại trận. Ai cũng biết Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Trên bộ, còn chơi trò du kích. Ngoài biển khơi, vũ khí và khoa học kỹ thuật quyết định tất cả.
Không nên trách móc nhà cầm quyền Việt Nam trong chiến thuật chịu đựng nhẫn nhục ấy.
Điều đáng trách của họ nằm ở chỗ khác: Dường như, với họ, chịu đựng nhẫn nhục là một chiến lược chứ không phải là chiến thuật, nghĩa là có tính lâu dài chứ không phải chỉ tạm thời, trong một vài ngày hay một vài tuần, vài tháng. Bởi, nếu đặt câu hỏi, sau khi đóng vai trò nạn nhân ấy rồi, Việt Nam sẽ làm gì? Nổ súng ư? – Thì chắc chắn cũng sẽ bị đánh giập đầu ngay tức khắc. Chờ đợi quốc tế nhảy vào giúp đỡ để đương đầu với Trung Quốc ư? Câu trả lời đã hiển nhiên: Sẽ không có ai cả.
Nhìn lại, người ta dễ dàng nhận ra ngay một sai lầm chiến lược cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam: Lâu nay, hầu như mọi người đều biết âm mưu thâm độc của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có một kế hoạch nào để chuẩn bị và đối phó cả. Thì đành là họ có mua một số tàu ngầm, tàu thủy và vũ khí của Nga. Nhưng số lượng những chiến cụ và vũ khí ấy so với Trung Quốc chẳng khác nào kiến chọi với voi. Điều ai cũng thấy nhưng Việt Nam không hề làm, hoặc nếu làm, chỉ là giả bộ làm: tìm kiếm đồng minh thực sự có đủ sức để giúp đỡ Việt Nam trong trận đấu nhau với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng lăng xăng đi đây đi đó, cũng ký hiệp ước này hiệp ước nọ, nhưng thứ nhất, chủ yếu với các nước thuộc loại trung, trong đó, không có nước nào có thể là địch thủ của Trung Quốc cả; thứ hai, quan hệ giữa Việt Nam với các nước ấy vẫn rất hời hợt, không có nước nào tin cậy và thương yêu Việt Nam đủ để có thể nhảy ra chia lửa với Việt Nam trong trận chiến với Trung Quốc cả.
Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam cô đơn như hiện nay. Thời kháng chiến chống Pháp, họ được Trung Quốc giúp đỡ; thời chiến tranh Nam Bắc, cả Trung Quốc lẫn Liên Xô giúp đỡ; thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, họ được Liên Xô giúp đỡ. Bây giờ: hoàn toàn không.
Đó không phải là một thất bại về ngoại giao mà còn là một thất bại về chiến lược. Hình như không ai thấy, hoặc nếu thấy, họ cũng mặc kệ không thèm làm.
Chính quyền Việt Nam không những cô đơn trong quan hệ quốc tế. Họ còn cô đơn trong quan hệ với dân chúng. Suốt bao nhiêu năm vừa qua, họ thẳng tay trấn áp một cách phũ phàng và tàn bạo tất cả những người yêu nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ xâm lược của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận trong nước lâu nay vẫn xem chính quyền chỉ là một bọn nhu nhược hoặc, gay gắt hơn, bán nước.
Bây giờ, ở cái thế vừa cô lập với dân chúng trong nước vừa cô lập với thế giới bên ngoài như vậy, có lẽ chính quyền Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc giả vờ cứng rắn một hồi, lại tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng để Trung Quốc muốn làm gì trên Biển Đông thì làm. Mặc kệ. Quyền chức và tài sản của họ vẫn nguyên vẹn.
Kẻ thua trận, cuối cùng, là đất nước và nhân dân.
Nguyễn Hưng Quốc
Comment