Trận chiến ngủ chung giường
“Người xưa đã từng chung chăn gối hàng nhiều thế kỷ với mục đích giữ ấm, bảo vệ sự an toàn của nhau, trông chừng thú dữ và kẻ lạ. Ngày nay, cảm giác ấm áp và an toàn khi có người ngủ chung vẫn là những đặc lợi hữu ích. Nó còn khiến nhiều người ít mặc quần áo và để trần trụi khi ngủ.”Rachel E. Salas, một nhà thần kinh học, nhà nghiên cứu lịch sử của giấc ngủ, phụ tá giám đốc trung tâm Johns Hopkins Center for Sleep đã chia sẻ ý kiến chuyên môn của mình như trên .
Người Mỹ thích khảo cứu, ưa thăm dò ý kiến và tốn rất nhiều tiền vào những cuộc nghiên cứu chính trị, khoa học, y tế, tâm lý cũng như xã hội. Nhờ kết quả thăm dò lòng dân mà người Mỹ làm được rất nhiều việc, từ bầu cử, sửa sai, sản xuất, cho đến những chữa trị tâm lý, các cuộc khảo cứu do thăm dò đạt vô số hiệu quả.
Chuyện chăn gối, ngủ chung hay riêng giường họ cũng nghiên cứu. Gần đây theo một báo cáo của National Sleep Foundation thì con số những cặp vợ chồng Mỹ ngủ riêng lên tới 25%. Còn cuộc nghiên cứu của đại học Toronto's Ryerson thì có tới 30 tới 40 % cặp ngủ riêng hàng đêm theo tiết lộ của giám đốc Ryerson với đài CBC.
Bài viết của Heidi Michell của tờ Wall Street Jounal đã nêu lên một số câu hỏi liên quan tới việc ngủ chung với người yêu dấu có lợi cho sức khoẻ hơn ngủ một mình hay không? Tiếp đó chương trình Wincosin Afternoon News đã thực hiện một phỏng vấn tác giả bài viết về đề tài nóng bỏng này.
Cơ quan National Sleep Foundation nói rằng các nguyên nhân chính khiến những kẻ đầu ấp tay gối bắt buộc từ bỏ “cái máy sưởi mềm mại ấm áp” của mình ra ngủ riêng, vì giấc ngủ họ bị phiền nhiễu bởi tật ngáy to, cướp chăn mền, hay những cơn nóng bừng(hot flashes) bất thường của người kia.
Những nhà ngiên cứu chuyên môn đã thực hiện vài thí nghiệm khoa học trên việc khảo cứu những cặp vợ chồng ngủ chung giường, tiết lộ. Trước hay trong khi ngủ, hành động yêu thương, âu yếm, đụng chạm, sờ mó của họ đã tạo ra những kích thích tố oxytocin, còn được gọi là “love hormone”. Chất này giúp cơ thể thư giãn, giảm huyết áp và cũng góp phần cho việc chữa bệnh.
Hơn thế nữa, một giấc ngủ ngon ban đêm có ảnh hưởng trực tiếp đến các cử chỉ và hành động vào ngày hôm sau của một cặp vợ chồng. Các ông sẽ tỏ ra dễ chịu, các bà ít cáu gắt và dịu dàng với đức ông chồng hơn khi cả hai trải qua một đêm hạnh phúc bên nhau. Điểm quan trọng mà các nhà khoa học nhấn mạnh là vai trò của sự an toàn. Khi nằm bên nhau, thần kinh truyền tín hiệu “an toàn” khiến giấc ngủ sâu, không còn chập chờn, một nguyên nhân của các cơn mất ngủ.
Ngủ ngon làm gia tăng giá trị của cuộc sống. Ngủ chung rất có ích cho những người bị bệnh mất ngủ, mộng du, hay gặp ác mộng vì nếu có chuyện gì xảy ra, người phối ngẫu có thể giúp đỡ hữu hiệu.
Tuy nhiên nếu một người hay thức giấc thường xuyên vì tiếng động, bị nóng lạnh bất thường, đi tiểu suốt đêm, hay trằn trọc thì nên ngủ riêng là điều tốt cho cả hai.
Mỗi nơi chốn, mỗi quốc gia, dân tộc, đều có một phong tục, văn hoá, sinh hoạt ăn ngủ, tắm giặt khác nhau. Có những nơi, vợ chồng, con cái, anh em trong một nhà đều ngủ chung với nhau. Ở Nhật, gia đình thường tắm chung trong một bồn tắm hay trong các bồn tắm công cộng. Trong các bộ tộc còn giữ phong tục xưa, những người con trai chưa vợ còn được “cạy cửa” đi ngủ thăm.
Người Dao ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Từ ngàn xưa đã lưu truyền một phong tục hết sức kỳ lạ, giờ vẫn còn, đó là tục “cạy cửa… ngủ thăm”. Mỗi khi màn đêm buông xuống, những chàng trai chưa vợ có thể cạy cửa nhà các thiếu nữ mới lớn để chui vào tán tỉnh trong tư thế chung chăn, chung gối với cô gái. Nếu cô gái ưng bụng chàng trai , sau 5-6 lần ngủ thăm, để được “ngủ thật” cùng nhau, hai người phải thưa với bố, mẹ cả hai bên gia đình để xem có hợp tuổi không, sau đó chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo, rượu cần sang hỏi cô gái làm vợ...
Người Raglai, Sơn Bình, Khánh Sơn - Khánh Hoà cũng có tục “ngủ thảo” tương tự như vậy, nhưng ngày nay họ không còn tục này nữa. Đây là tục ngủ chỉ đơn thuần để tìm hiểu lẫn nhau, chứ không được phép có quan hệ thân xác với những hình phạt nghiêm khắc của luật tục. “Thanh thiếu niên phải từ 20 tuổi trở lên mới được ngủ thảo. Việc ngủ thảo được thực hiện trong một nhà dài, là một dạng nhà truyền thống của người Raglai. Các đôi nam nữ vào đó ngủ chung, mỗi đôi một chỗ khác nhau, mục đích chính để thử thách sự tôn trọng lẫn nhau dù họ là nam thanh nữ tú đang tràn đầy sức sống.” Ngủ chung mà vẫn làm chủ được mình, không đi quá giới hạn hay sự quyến rũ của tình dục thì bài học giáo dục này quả là bài học quá khó phải không các bạn?
Những người độc thân bất đắc dĩ phải ngủ một mình, đêm đêm nằm chơ vơ, bỗng cảm nhận mình thiếu hơi ấm người tình chung và thấm thía cái thú đau thương của một “giấc ngủ cô đơn”.
Mới đây, ở Mỹ có một cô gái bỏ lên mạng một câu hỏi xem ra có vẻ dị hợm nhưng thực ra đó là điều mà nhiều người hằng ao ước nhưng vẫn chưa thực hiện được. Cô viết “Bạn thấy có kỳ không, khi tất cả điều tôi muốn chỉ là một người bạn để ngủ chung(sleep buddy)? Hiện tại tôi chưa có người yêu, nên chỉ cần một bạn chung giường. Tôi không muốn có quan hệ tình dục, nếu tôi không yêu. Nếu tôi đi hỏi vòng vòng tìm một người như vậy, không biết có kỳ không nhỉ?.
Cô được nhiều người góp ý với một sự thông cảm tuyệt đối vì đã từng có người nghĩ như cô ta. Tuy nhiên, điều này xem ra rất khó thực hiện vì ở Mỹ một khi ngủ chung giường, mối quan hệ giữa hai người thường được đặt ra. Tình dục và giới tính sẽ là lá chắn khi vô hình, khi hữu hình, khiến vấn đề trở nên hóc búa, dễ đưa đến hiểu lầm.
Trong khi đối với nhiều người, ngủ riêng lại có lợi cho sức khoẻ và là một nhu cầu khẩn thiết. Những lý do có thể là, thời khoá biểu và thói quen khác biệt. Người đi ngủ trước, người ngủ sau. Người đọc sách, dùng máy vi tính, Iphone, Ipad, chơi games, xem ti vi, mở đèn, gây tiếng động ồn người kia không thể ngủ. Có những người thích khí lạnh ban đêm mát mẻ, yên tĩnh, hợp cho việc sáng tác, hay đi ngủ muộn. Kẻ lại ưa sự riêng tư, mến không gian riêng, hành động theo phong cách của mình, và không muốn bị ai làm phiền.
Người không thích bị kéo chăn, bị đạp bất ngờ, bị gác suốt đêm, bị ép ra tận mép giường hay trằn trọc cả đêm trong tiếng ngáy hay các loại mùi khó ngửi phả ra từ người bạn đời.
Con người càng lớn tuổi, càng rơi vào tình trạng khó ngủ hay chu trình giấc ngủ ngắn hơn, lại sinh tật ngáy to, phụ nữ thêm chứng “hot flash” tức bị nóng bừng bất chợt, thành ra càng khó chịu đựng lẫn nhau. Chưa kể vấn đề sinh lý bị “tắt nghẽn”, sinh việc lẩn trốn lẫn nhau nên đành phải áp dụng chế độ “ly giường”.
Con người là một sinh vật cô đơn nên đã tìm đến nhau sống hợp quần, ăn ngủ, chia sẻ, chung lưng giúp đỡ lẫn nhau như một định luật sống còn. Nền tảng hạnh phúc một gia đình tùy thuộc vào sự hoà thuận của hai nhân vật chính của gia đình ấy. Ngủ chung giường tạo cơ hội cho hai tâm hồn dễ gần gụi và thông cảm nhau hơn. Khi gặp những vấn đề rắc rối, chiếc giường còn là nơi chứng kiến những cuộc thảo luận, góp ý và bổ túc cho nhau của hai người. Tự do cá nhân càng nhiều, sự đòi hỏi riêng tư càng cao, con người dễ đi đến chỗ tự cô lập mình với đồng loại và những người thân thuộc chung quanh. Mong rằng việc ngủ riêng chỉ là giải pháp cuối cùng của những cặp vợ chồng khi vấn đề chung chăn gối đi vào ngõ bí.
Trịnh Thanh Thủy