Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nỗi niềm của những người 'phụ nữ thừa'

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nỗi niềm của những người 'phụ nữ thừa'

    Nỗi niềm của những người 'phụ nữ thừa'





    Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa
    Chính sách một con của Trung Quốc đã và đang tạo ra tỉ lệ mất cân bằng giới tính bởi vì nhiều gia đình thích có con trai hơn và do đó, đã chọn phá thai dựa theo giới tính. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, vào năm 2020, số đàn ông Trung Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 44 sẽ nhiều hơn phụ nữ tới 24 triệu người.


    Nhưng, càng ngày càng có thêm phụ nữ Trung Quốc có công việc ổn định nói rằng họ không thể tìm thấy một người đàn ông thành công như họ. Những người khác nói rằng, sau nhiều năm học hành, họ muốn được tận hưởng cuộc sống tự do sau tuổi 27, cái tuổi mà nhiều người coi là độ tuổi chín muồi để lập gia đình.


    Bị gắn mác là ‘shengnu’ trong tiếng Trung hay ‘leftover women’ trong tiếng Anh, có nghĩa là ‘phụ nữ thừa,’ rất nhiều phụ nữ học vấn cao, độc thân, sống tại thành phố, đang phải chịu áp lực kết hôn. Các bậc cha mẹ lo sợ rằng con gái của họ sẽ không có con cái và chịu cảnh cô độc.




    Một buổi triển lãm đám cưới ở trung tâm Thượng Hải, 6/2013
    Và không chỉ có những bà mẹ ông bố muốn con gái đã trưởng thành của họ tìm lấy được một bến đỗ. Các cơ quan chính phủ, học viện giáo dục, và thậm chí những đơn vị kinh doanh coi những người phụ nữ thừa là những người tạo ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng có thể trong tương lai. Họ cảnh báo rằng nếu tầng lớp những người phụ nữ như vậy tiếp tục mở rộng thì sẽ làm việc mất cân bằng dân số trở nên trầm trọng thêm, có thêm đàn ông ngoại tình, và làm doanh số buôn bán trong lĩnh vực bất động sản trở nên tồi tệ.


    Trong suốt hai năm trước, cô Karen Xie, 32 tuổi, kiếm được một công việc lương cao ở một công ty truyền thông, đã gặp gỡ rất nhiều đối tượng kết hôn trung bình một người một tháng. Nhưng không may, họ đều không phải là người cô đang tìm kiếm.
    Đối với những phụ nữ độc thân như cô Xie, chuyện hàng ngày ra ngoài bị nhắc nhở chuyện kết hôn đã xảy ra như cơm bữa. Nếu không phải là cuộc gọi từ bố mẹ, thì cũng là một tờ bướm, email quảng cáo cho cuộc triển lãm hôn nhân hay các sự kiện mai mối khác.

    Trên tivi xuất hiện hàng loạt các chương trình truyền hình như ‘The Price of Being a Shengnu’ (tạm dịch là cái giá của một phụ nữ thừa); hoặc ‘Go, Go, Shengnu’ (Cố lên phụ nữ thừa), hay như ‘Even Shengnu Get Crazy’ (Ngay cả phụ nữ thừa cũng phải phát điên.) Tất cả đều xoay quanh chuyện những phụ nữ thông minh, xinh đẹp, thành công cố gắng mọi cách để kiếm tìm cho mình một người đàn ông.




    Một sự kiện mai mối ở Thượng Hải
    Không chỉ dừng tại đó, ngay cả chuyện đi mua sắm cũng thử thách tinh thần của những người ‘phụ nữ thừa,’ ví dụ như một quảng cáo gần đây cho PC House, một cửa hàng bán đồ gia dụng, đã quảng cáo 12 sản phẩm để giúp những người ‘phụ nữ thừa’ quên đi nỗi cô đơn.

    Không chỉ ở Trung Quốc mới có chuyện những người phụ nữ đến tuổi lập gia đình những vẫn chưa kết hôn phải chịu mang tiếng xấu như vậy. ‘Left-over women,’ ‘sheng nu,’ hay ‘phụ nữ thừa’ là cụm từ phổ biến ở Đài Loan ngày nay để mô tả những người phụ nữ độc thân, vì một lý do nào đó mà chọn việc không lập gia đình. Sabrina, một phụ nữ gốc Đài Loan 39 tuổi chưa kết hôn, đã phủ nhận những lời đồn xoay quanh chuyện ‘phụ nữ thừa.’ Cô nói rằng có rất nhiều người phụ nữ học vấn cao hiện nay vẫn còn độc thân bởi vì ngày càng có nhiều đàn ông Đài Loan học vấn thấp chọn kết hôn với người nước ngoài. Cô còn chia sẻ:



    “Phụ nữ thừa, tôi không thích từ này bởi vì chúng tôi không phải là người thừa. Chúng tôi vẫn hẹn hò, vẫn ra ngoài tận hưởng cuộc sống. Chúng tôi có khả năng nuôi sống bản thân. Chúng tôi có công việc đàng hoàng, ổn định. Từ ‘leftover’ trong tiếng Trung mang nghĩa rất tiêu cực. Tôi vốn là người Đài Loan nhưng tôi nghĩ hiện nay từ ‘leftover’ được sử dụng cả ở Trung Quốc lẫn Đài Loan. Lý do chỉ vì càng ngày càng có nhiều phụ nữ có học thức coi trọng sự nghiệp và đặt chúng làm ưu tiên trước khi lập gia đình. Vì thế mà chúng tôi trì hoãn thời gian kết hôn hoặc thậm chí không kết hôn. Mọi người thường chỉ nghĩ đơn giản là chúng tôi không thể kết hôn, không thể tìm được người đàn ông thích hợp. Tôi nghĩ là nó hoàn toàn không đúng.”

    Khi được hỏi rằng cô đã bao giờ cảm thấy bị coi là phụ nữ thừa khi cô trở về thăm Đài Loan hay chưa, cô Sabrina nói:

    “Tôi thực sự chưa nói chuyện với những người như thế bao giờ. Nhưng nếu tôi tiết lộ tuổi của mình thì đúng, mọi người sẽ tự động coi tôi là phụ nữ thừa vì có thể không tìm được chồng, không kiếm được ai để hẹn hò.”

    Là một cư dân sống ở trung tâm thành phố San Francisco, Mỹ, cô Sabrina chia sẻ rằng cuộc sống của cô ở Mỹ dễ thở hơn nhiều khi không phải chịu áp lực chuyện lập gia đình như ở Đài Loan:



    “Và có một điều tôi nhận thấy là khi sống ở Mỹ, tôi cảm thấy có ít áp lực hơn rất nhiều bởi vì hẹn hò rất phổ biến ở đây, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố San Francisco này. Tôi rất thích ra ngoài, giao lưu, kết bạn, vì thế mà hẹn hò không phải là điều mà tôi cảm thấy khó khăn thực hiện. Bởi vì ở Đài Loan và Trung Quốc, có thể sẽ khó khăn hơn cho phụ nữ trong việc đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người, nói chung là có ít cơ hội hơn.”
    Cô Sabrina nói rằng thực ra ở Đài Loan, rất nhiều đàn ông cũng gặp khó khăn trong việc tìm vợ:


    “Có rất nhiều đàn ông cũng không thể tìm được bạn đời cho mình. Họ không tìm được một cô vợ người Đài Loan vì thế mà cuối cùng họ phải tới Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines hay còn cả Trung Quốc để tìm vợ qua các dịch vụ mai mối. Nhưng có một điều về những người đàn ông này là họ hoàn toàn trái ngược với phụ nữ. Nghĩa là họ không có tình trạng kinh tế ổn định, không có sự nghiệp vững chắc, cũng không có được nền tảng giáo dục tốt, so với những người phụ nữ có học thức cao. Và đây là một hiện tượng ở Đài Loan đã bắt đầu từ khoảng 20 năm trước đổ lại đây. Đàn ông tới Việt Nam, Trung Quốc để tìm vợ, có thể họ cũng chẳng cần tới tình yêu thật sự. Họ cưới vợ, sinh con ngay lập tức, và sinh sống ở Đài Loan. Cho nên đây là một điều rất thú vị bởi vì những người phụ nữ có học vấn cao như chúng tôi thì chúng tôi sẽ không muốn lấy một người đàn ông mà không có trình độ tương đương với chúng tôi. Tôi không biết chuyện này ở Trung Quốc ra sao, nhưng đây là chuyện đã diễn ra ở Đài Loan nhiều năm rồi.”


    Những quan niệm truyền thống đòi hỏi người đàn ông phải kiếm nhiều tiền hơn phụ nữ, và điều này có nghĩa là vì hiện nay, nhiều phụ nữ kiếm nhiều hơn đàn ông, do đó họ đã và đang trở nên cao giá hơn nhiều. Và để đáp lại việc bị coi là những phụ nữ thừa mà nhiều người cảm thấy bị tổn thương một cách tệ hại, một biến tấu đã ra đời. Những phụ nữ này nói rằng, đúng, chúng tôi là những ‘shengnu’ nhưng từ ‘sheng’ này có nghĩa là thành trong thành đạt, thành công, chứ không có nghĩa là thừa.





    LAtimes

Working...
X