Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những Tết Việt Đầu Tiên của Cộng Đồng Hải Ngoại

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Tết Việt Đầu Tiên của Cộng Đồng Hải Ngoại


    Những Tết Việt Đầu Tiên của Cộng Đồng Hải Ngoại




    Ảnh: an-nguyen-unsplash


    Với cộng đồng người Việt tị nạn, Mùa Xuân Ất Mão 1975 là cái Tết cuối cùng trên quê Cha đất Tổ. Đến khi phải rời bỏ quê hương, vào độ Xuân về, Tết đến, những mất mát, buồn tủi đè nặng tâm hồn, nhưng nỗi nhớ quê hương da diết lại tràn về, thôi thúc những người con ra đi phải bằng mọi cách để tìm lại không khí Tết Việt nơi xứ người, từ những năm đầu tiên…



    Tết Việt đầu tiên trên đất Mỹ

    Gần 50 năm sau ngày rời Sài Gòn, nhạc sĩ Nam Lộc vẫn còn nhớ như in cái Tết đầu tiên ở Hoa Kỳ – quê hương thứ hai của ông. “Đó là năm 1976, lúc tôi thuê nhà trên Los Angeles, chị Khánh Ly (ca sỹ Khánh Ly) từ Miami ghé qua California để thăm em của chị ấy rồi ghé qua nhà tôi, hôm đó có anh Jo Marcel nữa, nhậu nhẹt, hát hò với nhau, chị Khánh Ly thích quá, nên quyết định ở lại L.A. luôn, nhờ ‘khí thế’ ấy, tôi mới quy tụ được anh em chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên – Tết Bính Thìn.”

    Thời gian đó, nhạc sĩ Nam Lộc đang làm cho Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) vùng Los Angeles. Hơn ai hết, ông hiểu rõ tâm trạng của người Việt tị nạn, đau đớn, buồn tủi, sầu bi thế nào khi “Tết nhất đến nơi” mà phải xa quê, vất vưởng nơi xứ người, thế là ông đến gặp ban lãnh đạo USCC và năn nỉ: “Đây là cái Tết đầu tiên, xin quý vị tạo cơ hội để đồng bào người Việt chúng tôi có dịp cùng nhau tụ họp.” USCC hỏi: “Các anh tính làm bằng cách nào?” Nhạc sĩ Nam Lộc trình bày: “Chúng tôi có nhiều anh em nghệ sĩ ở các tiểu bang, và tôi cam đoan là mời được mọi người về đây biểu diễn một chương trình văn nghệ cho đồng bào chúng tôi xem. Tết mà, phải có văn nghệ!”



    Tết Bính Thìn 1976. Từ trái: Vũ Huyến, Lữ Liên, Ngọc Bích tập dượt trong căn chung cư của nghệ sĩ Nam Lộc (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)


    Lần đó, USCC bảo trợ $5,000, nhạc sĩ Nam Lộc dùng số tiền này, mua vé máy bay mời các nghệ sĩ, ca sĩ khắp nơi tụ họp về Los Angeles, trong đó có Hoàng Thi Thơ, Lê Quỳnh, Quỳnh Anh, Kiều Chinh, Kim Oanh, Khánh Ly, Bùi Thiện, Vũ Huyến, Mai Lệ Huyền,… rồi mượn phòng họp của trường Franklin High School ở số 820 N. Ave 54, trên Los Angeles, để mọi người tập dượt. Cánh đàn ông thân quen, ông rủ về căn chung cư của mình.

    “Thời gian tập văn nghệ, vui lắm, mạnh ai nấy tập,” nhạc sĩ Nam Lộc kể. “Còn trang phục thì phải đi đặt, nhưng trong cộng đồng khi đó có người may được, nên họ tình nguyện may đồ cho các nghệ sĩ mặc biểu diễn.”

    Buổi tập dượt bắt đầu từ ngày 27 Tháng Mười Hai và trong vòng một tháng. “Vui nhất là lúc ba người, gồm anh Lê Quỳnh, Vũ Huyên và tôi tập tuồng ‘Trấn Thủ Lưu Đồn’. Vì nhà tôi chật, không muốn làm ồn, nên ba thằng phải ra bãi xe để tập, mở băng ông Hoàng Thư hát rồi múa theo. Cứ mỗi lần tập múa và hát tới câu “Ba năm bác còn đương trấn thủ, Tình dẫu cái mà tình ơi, ơi ới ơi ời…”, thấy mấy tay người Mỹ đi ngang, tụi này phải giả bộ như đang tập võ kung fu, chứ không họ nghĩ có ba thằng khùng đứng giữa trời la làng la xóm.”



    Tết Bính Thìn 1976. Nghệ sĩ Kiều Chinh tập nhạc cảnh “Kinh Chiều” của Hoàng Thi Thơ (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)


    Chương trình văn nghệ còn có tiết mục hài của ông Lữ Liên, Ngọc Bích, Vũ Hiến ban AVT; nghệ sĩ Kiều Chinh đóng kịch “Kinh Chiều”; Thúy Nga, vợ nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ thì múa nón,… Rồi có Tam ca Mây Trắng, độc tấu dương cầm Hoàng Thi Thi, đơn ca Bùi Thiện, vũ dân tộc, hoạt cảnh “Đưa em qua cánh đồng vàng”, và các tiết mục khác có sự góp mặt của ca sĩ như Mai Lệ Huyền, Kim Oanh, Kim Quy, Kim Thùy, Trần Hoàng Ngữ, Quỳnh Như, Văn Khâm,… và tất nhiên không thể thiếu giọng ca Khánh Ly.

    Một trong những điều đáng tiếc nhất là nhạc phẩm “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc, dù tha thiết, da diết, đậm tình là thế, nhưng không được biểu diễn, chỉ vì giai điệu bản nhạc quá buồn, không hợp với không khí Tết.

    “Lúc ấy, mời được các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ từ mọi nơi về, mình phải bỏ tiền lo chi phí, chứ ai cũng là người tị nạn, có tiền nong dư giả gì đâu!” nhạc sĩ Nam Lộc kể. “Còn ngày biểu diễn thì không bán vé, nghĩ bụng chắc khoảng vài trăm đồng bào ở L.A. tới xem thôi nhưng bất ngờ có hơn 1,000 người đến dự, từ San Jose bay xuống, từ San Diego lái xe tới…”

    Ông kể, Mùng 1 Tết Bính Thìn nhằm ngày 31 Tháng Giêng 1976. Cái ngày đáng nhớ năm ấy, không có một cái gì, từ “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” đến “cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Không có gì, chỉ có nước mắt và ngậm ngùi.

    Là một trong hàng ngàn người đến xem buổi văn nghệ, ông John Trần, cư dân thành phố Huntington Beach, nhớ lại: “Năm đó tôi 16 tuổi, cũng lớn rồi, nên vẫn có thể nhớ mãi cái Tết đầu tiên trong cuộc đời không diễn ra trên quê hương mình. Tết ở Việt Nam vui lắm, thích lắm, nhưng đêm hôm ấy, tôi thấy ai cũng khóc, các cô chú gặp nhau cứ hỏi thăm được vài câu lại ôm nhau khóc, cứ nhìn nhau là khóc, khiến tôi cũng không cầm được nước mắt. Thấm thoát đã gần 50 năm…”



    Tết Bính Thìn 1976. Tiết mục múa nón. Từ trái: Quỳnh Như, Kim Oanh, Thúy Nga (vợ Hoàng Thi Thơ, giữa); Kim Quy, Kim Ly, Kim Thùy (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)



    Tết Bính Thìn 1976. Tuồng “Trấn Thủ Lưu Đồn” do Nam Lộc, Lê Quỳnh, Vũ Huyên biểu diễn (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)




    Tết ở Đại lộ Bolsa

    Năm 1980, ông Tony Lâm – một trong những người Việt có mặt sớm ở Orange County, và sau đó là nghị viên gốc Việt đầu tiên của thành phố Westminster, lập Phòng thương mại của cộng đồng Việt, để ông Phiêu Chinh làm chủ tịch, ông Lưu Hùng Sơn là thành viên. Ông Tony Lâm tổ chức Hội thiện nguyện Lion Club giúp người tật nguyền, mù lòa. Nhưng điều ông vui nhất là tổ chức được mấy hội chợ vào dịp Tết Nguyên Đán.

    Hội chợ đầu tiên ở Orange County là vào năm Tân Dậu 1981. Ông Tony đứng ra xin phép tổ chức ở Mile Square Park, nhưng năm đó chỉ có loe ngoe vài người. Qua năm sau, ông lại mở chợ Tết. “Lần này đông hơn, vui hơn,” ông kể. “Hội chợ Tết Nhâm Tuất năm 1982 tổ chức ở góc đường Hoover và Westminster (đoạn đường rày xe lửa). Năm đó, có cựu hoàng Bảo Đại tham dự theo lời mời của Đại tá Nguyễn Linh Chiêu, và cả sự hiện diện của cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ.”

    Nhắc lại sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ này, ký giả Du Miên nói, năm đó trên Đại lộ Bolsa, ở khu Bolsa Mini Mall (nay là khu Thành Mỹ), cộng đồng người Việt cũng tổ chức Tết. “Khu Bolsa Mini Mall lúc đó có khoảng bốn, năm tiệm của người Việt,” ông Du Miên kể. “Tết mà im ắng thì chán lắm, tui bèn nghĩ ra chuyện tinh nghịch, chơi thôi, là đốt pháo, vì lâu quá rồi không được nghe tiếng pháo…”



    Pháo nổ vang trời trên Đại lộ Bolsa trong ngày diễu hành Tết Quý Mão 2023 (ảnh: Đoan Trang)


    Nhưng muốn đốt pháo phải có giấy phép. Mà lấy giấy phép ở đâu? Chẳng ai biết, mọi người đoán là phải hỏi Sở Cảnh sát. Ông Du Miên đi gõ cửa cảnh sát, nhưng họ nói họ không có quyền, mà là bên cứu hỏa. Qua bên cứu hỏa thì họ đồng ý, với điều kiện phải có người đứng ra ký giấy bảo đảm an toàn. “Chẳng tay nào dám ký, tôi làm liều, ký luôn,” ông Du Miên kể.

    Đốt pháo cũng phải có bục, có kệ đàng hoàng, nên ký giả Du Miên mời Tùng Giang làm sân khấu trước nhà sách Tú Quỳnh. Năm đó, ông mới có đứa con nhỏ, đặt luôn con lên xe đẩy đi xem đốt pháo. Buổi đốt pháo không ngờ thành công tới mức đốt hết luôn chỗ pháo mua ở chợ Ái Hoa, Hòa Bình. Chưa hết, những thương gia ở Bolsa Mini Mall cũng thủ sẵn nhiều băng pháo, lại lôi ra đốt tiếp.

    Trong giấy tờ ký giả Du Miên đặt bút ký, có điều kiện là sau khi xong xuôi phải dọn dẹp sạch sẽ. Hôm đó, pháo đốt xong, để lại một “bãi chiến trường”. Ký giả Du Miên nhớ lại: “Xác pháo nhiều tới mức không thể dùng chổi hốt, nên phải thuê xe. Mà xe hốt tới thì phải trả tiền. Tiền đâu có! Tụi tôi bèn kêu gọi những thương gia trong khu buôn bán, mỗi người góp vô một ít, trả phí cho xe hốt. Ai cũng đồng tình, vui lắm! 4 giờ sáng là sạch sẽ không còn một xác pháo.”

    Vui chuyện, ông Du Miên kể lại một chi tiết mà ông cho rằng thời đó ít người để ý tới: “Với người Mỹ, cựu hoàng Việt Nam, cựu Phó Tổng thống VNCH, và thị trưởng Westminster có mặt ở sự kiện nào, thì sự kiện đó được coi là rất quan trọng. Nhưng bữa đó, khi báo Mỹ phỏng vấn cảnh sát, họ nói thấy bên Bolsa đông hơn, vui hơn, vì có đốt pháo, thế là mấy nhà báo đăng tin bên đốt pháo nhiều hơn bên có ông Bảo Đại.”

    Qua tới năm 1983 – Tết Quý Hợi, ông Tony Lâm cùng ông Phạm Đặng Long Cơ tổ chức chợ Tết trên Đại lộ Bolsa, đoạn giữa Magnolia đến Bushard, thuê kiến trúc sư Thái Bá làm cổng Tam Quan, bà con người Việt kéo đến tham dự rất đông.

    “Hội Chợ Tết năm đó chỉ được ngày đầu tiên Thứ Sáu là vui, chứ hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật thì mưa tầm tã,” ông Tony Lâm kể. “Vui Xuân thì phải có hát hò. Ông Cơ mướn ông Hoàng Thi Thơ làm chương trình ca nhạc, với thù lao $17,000, thỏa thuận là phải đưa tiền trước. Mưa, không có biểu diễn gì. Năm đó tụi tôi lỗ lớn. Mọi người cãi nhau, tôi thì lo ‘thu dọn chiến trường’, là đem cái cổng Tam Quan đi gửi, chứ chỗ đâu mà chứa! Rồi từ đó chán quá, tôi bỏ, không đứng ra tổ chức Tết nhất gì nữa.”



    Hội Tết Sinh viên tại Costa Mesa 2023 (ảnh: Đoan Trang)




    Dấu ấn Tet Festival và Đạo luật bánh chưng

    Từ khi Tổng hội Sinh viên Việt Nam, miền Nam California, gọi tắt là UVSA (Union of Vietnamese Student Associations of Southern California) ra đời, chuyện tổ chức Tết nhất, diễu hành, hội chợ,… ngày càng đi vào nền nếp. Năm 1982, khi một nhóm liên trường gồm các sinh viên Việt Nam các trường cao đẳng, đại học như Orange Coast, Golden West, Long Beach, Irvine… cùng hợp sức lại để tổ chức hội chợ Tết nho nhỏ, làm ở thành phố Garden Grove.

    Nhận thấy người Việt dù ở đâu cũng không thể đánh mất tập tục văn hóa ngàn đời của dân Việt, là đón Tết, vui Tết, ăn Tết, từ những năm sau đó cho đến bây giờ, UVSA đứng ra tổ chức hội chợ, cũng như thực hiện các công tác khác để phục vụ cộng đồng. Phải gọi là “cộng đồng Việt ở hải ngoại” vì những hội chợ Tết sau này, việc đón Tết ở Nam California đã trở thành “điểm hẹn” không chỉ cho cộng đồng Việt ở California, mà còn từ các nơi khác, từ nhiều tiểu bang Mỹ cũng như các quốc gia khác, như trở về nhà của mình vậy.

    Nhưng Tết mà thiếu bánh chưng, bánh tét thì còn gì là Tết. Theo luật California, các loại bánh này nếu đem bán ở nhiệt độ bình thường sẽ bị phạt, vì gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, chuối…, dù nấu kỹ từ 10-12 tiếng, vẫn không thể giữ lâu ở nhiệt độ thường. Thức ăn bán cho công chúng buộc phải bày bán trong tủ lạnh với nhiệt độ tối thiểu 41 độ F. Nếu tuân thủ luật, các nhà làm bánh chưng phải dẹp nghề, vì chẳng ai không mua bánh chưng đông lạnh!

    Cũng vì quy định này, vào dịp Tết năm 2006, Cơ Quan Y Tế Orange County đã yêu cầu nhiều chủ chợ vứt bỏ rất nhiều bánh chưng, vì không hợp tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Năm đó, dân biểu Trần Thái Văn đứng ra can thiệp, yêu cầu một giải pháp dung hòa và được cơ quan này cho phép bánh chưng được bày bán không cần để trong tủ lạnh, nhưng không được lâu quá bốn tiếng.



    Quầy bánh chưng, bánh tét bán bên ngoài khu chợ ABC, thành phố Westminster, California (ảnh: Đoan Trang)


    Dự luật mà dân biểu Trần Thái Văn soạn thảo có tên AB 2214, liên quan các loại thực phẩm truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét. Dự thảo được Hạ viện Tiểu bang California thảo luận và thông qua lúc 10 giờ tối ngày Thứ Ba, 31 Tháng Năm 2006, với tỷ số phiếu 75/1 – luật sư Trần Thái Văn cho biết.

    Hơn 10 năm sau, một đạo luật khác cũng liên quan đến loại bánh truyền thống Việt – Đạo Luật SB 969 cho phép bánh chưng, bánh tét được bán ở nhiệt độ bình thường trong vòng 24 tiếng sau khi nấu chín. Đạo Luật SB 969 có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng 2017. “Đó là một ngày quan trọng cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang California, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử tiểu bang, có một đạo luật được viết ra để giải quyết các nhu cầu đặc biệt của cộng đồng Việt Nam, và được ký ban hành,” Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cho biết.

    Và như vậy, Tết ở California, nhất là hai nơi có cộng đồng Việt đông đúc: Little Saigon ở Orange County, và San Jose ở Santa Clara, ngày càng xôm tụ, có nhiều “món ăn chơi” không thể thiếu trong dịp Tết.



    Người Việt các nơi về ăn Tết ở Nam California. Trong ảnh là một gia đình chụp hình kỷ niệm tại Hội Tết Sinh viên tại Costa Mesa năm 2023 (ảnh: Đoan Trang)


    Từ năm 2013, UVSA tổ chức hội chợ Tết (Tet Festival) tại Trung tâm Tổ chức Sự kiện & Hội chợ OC ở Costa Mesa. Năm nào cũng có khoảng 200 nhân viên và hơn 500 tình nguyện viên, Tet Festival thu hút mọi người trong ba ngày cuối tuần, là dịp để giới thiệu văn hóa, ẩm thực và giải trí Việt Nam. Hơn 40 năm qua, Tet Festival được cải thiện đáng kể, ngày càng thể hiện tốt hơn nét văn hóa và truyền thống Việt. UVSA tạo ra một sinh hoạt văn hóa để mọi người hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam theo nhiều cách, từ ẩm thực, biểu đến triển lãm văn hóa.

    Tết ở Little Saigon còn phải kể đến chương trình diễu hành trên Đại lộ Bolsa. “Hơn chục năm nay, cứ tới Tết Nguyên Đán là cả nhà tôi phải bay qua California,” chị Tracy Phạm, định cư tại Grand Rapid, Michigan, cho biết. “Hai đứa nhỏ nhà mình được ‘ăn Tết Việt’ ở California từ lúc chập chững biết đi; càng lớn, tụi nhỏ càng thích được qua Little Saigon ăn Tết. Bận làm ăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng sắp xếp để không bỏ lỡ năm nào.”

    Nếu trên Đại lộ Bolsa, 40 năm trước chỉ có pháo đốt ở khu Thành Mỹ, thì nhiều năm qua, ở đây không thiếu thứ gì. Đó là lý do Tết năm nào, giữa lòng thủ đô người Việt tị nạn, người ta cũng tụ họp về đông đúc. Trung sĩ Phương Phạm thuộc Sở Cảnh sát Westminster từng chia sẻ: “Tôi làm ở đây lâu rồi, nên chuyện Đại lộ Bolsa kẹt xe vào dịp Tết là bình thường, đông đúc nhất là ở khu vực Thương xá Phước Lộc Thọ, nơi tổ chức các hội chợ, chợ hoa, chợ Tết,… Mấy ngày đó, cảnh sát phải làm việc nhiều, cực mà vui lắm!”






    Đoan Trang



  • #2
    Tinh thần Việt Nam mãi đỉnh

    Comment

    Working...
    X