Nhập cảnh miễn Visa?
Ngày 10.2.2007, trong cuộc tiếp xúc với một số “Việt kiều yêu nước” về ăn Tết Đinh Hợi, ông Nguyễn Minh Triết có nói rằng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ không còn cần thị thực nhập cảnh để về thăm quê hương. Quyết định này sẽ áp dụng ngay trong năm 2007. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, ông Triết cũng đã lặp lại quyết định này.
Trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 300.000 lượt người Việt ở hải ngoại trở về thăm quê hương. Do đó, nhiều người rất vui khi nghe tin này. Họ tưởng rằng từ nay chỉ cần có Passport là có thể mua vé máy bay về Việt Nam, không còn phải xin visa nữa. Nhưng tưởng vậy mà không phải vậy!
Mới nhìn qua, một số người tưởng rằng đây là một thủ tục đơn giản, vì hiện nay có nhiều quốc gia trong cùng một khu vực đã áp dụng thủ tục này cho việc đi lại ở các nước trong vùng. Những đối với người Việt hải ngoại, thường được gọi là Việt kiều, đây là một vấn đề khá rắc rối. Vì vậy, cần phải tìm hiểu vấn đề một cách thấu đáo hơn.
THÔNG TIN ĐƯỢC TIẾT LỘ
Một viên chức của Bộ Công An cho biết việc miễn thị thực nhập cảnh đối với Việt Kiều đã được bàn thảo từ lâu nhưng luôn bị hai trở ngại:
Trở ngại thứ nhất là ngành an ninh cho rằng việc miễn thị thực nhập cảnh sẽ gây khó khăn cho việc quản lý hơn, vì khi không còn thủ tục xét cấp visa, rất khó nắm vững các thành phần nhập cảnh.
Trở ngại thứ hai là sẽ mất đi khoản lệ phí thị thực nhập cảnh vốn là một nguồn thu quan trọng cho các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Hôm 25.2.2007, trong buổi gặp gỡ kiều bào tại Roma, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài, cho biết bà con Việt kiều sẽ được miễn thị thực xuất nhập cảnh khi về Việt Nam kể từ ngày 1.9.2007, với điều kiện phải làm thủ tục để được cấp giấy xác nhận miễn thị thực, có hiệu lực trong vòng 5 năm.
Ông Bình xác định miễn thị thực không có nghĩa là cứ “cầm hộ chiếu là vào Việt Nam”, mà thay vì phải làm thủ tục xin visa mỗi lần về nước như trước, từ nay bà con Việt kiều chỉ phải làm thủ tục để được cấp một giấy xác nhận miễn thị thực có giá trị đi lại nhiều lần với hiệu lực trong vòng 5 năm.
Thời gian lưu trú tối đa cho mỗi lần Việt kiều về Việt Nam là 90 ngày, những ai muốn ở lâu hơn thì vẫn phải xin thị thực, hoặc có thể xin gia hạn thời gian lưu trú ngay trong nước.
Ông Bình nói rõ thêm: Các đối tượng được miễn thị thực vào Việt Nam bao gồm những thành phần sau đây:
- Những người có quốc tịch Việt Nam;
- Những người gốc Việt Nam nhưng mang hộ chiếu nước ngoài; và
- Những người nước ngoài là vợ, chồng, con của người VN hay của người gốc VN mang hộ chiếu nước ngoài.
Theo ông Bình, các cơ quan hữu trách của VN đang hoàn thiện các văn bản để triển khai quyết định này.
Theo bản tin ngày 11.4.2007 của thông tấn xã AFP, ông Nguyễn Phú Bình, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt ở Nước Ngoài cho biết Bộ Ngoại Giao đang đệ trình chính phủ xem xét việc miễn thị thực visa cho Việt kiều về thăm nước có thời gian cư trú dưới ba tháng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có quyền từ chối miễn thị thực đối với các công dân không đủ điều kiện.
CHUYỆN KHÔNG GIỐNG AI
Qua những tin tức được tiết lộ ở trên, chúng ta thấy rằng đây thật sự không phải là thủ thục miễn thị thực nhập cảnh (visa weiver) như nhiều quốc gia trong cùng một khu vực đang áp dụng, mà chỉ là thủ tục cấp giấy thị thực nhập cảnh có giá trị dài hạn (long-term visa), ở đây là 5 năm, thay vì cấp mỗi lần muốn vào Việt Nam.
Chỉ cần trình bày một vài thủ tục miễn nhập cảnh (visa weiver) hay cấp chiếu khán dài hạn (long-term visa), tại một vài quốc gia, chúng ta cũng sẽ thấy thủ tục Việt Nam sắp áp dụng cho Việt kiều chẳng những không “ưu đãi” gì cho Việt kiều mà có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn.
Ở Mỹ, điều 212 của Bộ Luật Di Trú có ấn định một chương trình gọi là “Visa Waiver Program” (Chương Trình Miễn Thị Thực Nhập Cảnh), cho phép các công dân của 27 quốc gia (như Úc, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Thụy Sĩ, Anh v.v...) khi đến du lịch hay quan sát tại Mỹ được nhập không cần visa nếu ở lại không quá 90 ngày. Khi đến, công dân của các nước này chỉ cần trình một thông hành hợp lệ và một vé máy bay khứ hồi hay một vé đi du hành bằng đường biển là đủ.
Năm ngoái, Liên Hiệp Châu Âu đang làm áp lực để Hoa Kỳ cho phép công dân của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp được du hành sang Hoa Kỳ mà không cần chiếu khán nhập cảnh.
Ở Phi Luật Tân, người ngoại quốc được phép nhập cảnh không cần visa để ở lại không quá 21 ngày với mục đích du lịch hay thương mại. Họ cũng chỉ cần xuất trình một thông hành hợp lệ và vé máy bay khứ hòi gióng như ở Mỹ mà thôi.
Ấn Đô phân ra ba loại chiếu khán nhập cảnh: Loại chiếu khán du lịch, loại trở lại quê hương và loại kinh doanh.
- Chiếu khán Du lịch (Tourist Visa): Loại này có giá trị trong 6 tháng, 1 năm hay 10 năm. Mỗi lần đến thăm chỉ được ở lại tối đa 6 tháng (tức 180 ngày).
- Chiếu khán Trở về lại Quê Hương (Entry Visa): Chiếu khán này được cấp cho những người có gốc Ấn Độ (people of Indian origin), có giá trị 6 tháng, 1 năm hay 5 năm. Đây là thủ tục sẽ được chúng tôi triển khai thêm khi so sánh với thủ tục Việt Nam sắp cho áp dụng.
- Chiếu khán Kinh Doanh (Business Visa): Có hai loại: Loại 1 chỉ có giá trị trong 6 tháng hay một năm, được dùng để đi liên lạc, thăm dò, hay khảo sát. Loại 2 đang hoạt động kinh doanh tại Ấn, được cấp trong hạn 10 năm nếu là công dân Mỹ và 5 năm nếu là công dân các nước khác.
Việt Nam sắp miễn thị thực chiếu khán nhập cảnh hay nói đúng hơn, cấp chiếu khán nhập cảnh đài hạn (5 năm) cho người Việt hải ngoại muốn trở về quê hương, nhưng có những quy định rắc rối hơn các thủ tục áp dụng tại một số quôc gia mà chúng tôi vừa nêu ra làm thí dụ.
Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Thanh Trúc trên đài Á Châu Tự Do ngày 19.7.2007, chúng tôi có đưa ra vài nhận xét tổng quát về thủ tục “miễn thị thực nhập cảnh” cho Việt kiều sắp được ban hành. Về phía chính quyền, họ quan tâm đến vấn đề an ninh và vấn đề mất lệ phí xin thị thực nhập cảnh. Người Việt hải ngoại không những chỉ quan tâm đến vấn đê an ninh mà còn quan tâm đến vấn đề chứng minh quốc tịch Việt Nam hay gốc Việt Nam. Đây là vấn đề khá tế nhị và phức tạp. Khi giải thích, nhiều nhân vật có thểm quyền ở trong nước đã tìm cách đơn giản hóa để trấn an dư luận. Nhưng vấn đề không giản dị như vậy.
VẤN NẠN VỀ VẤN ĐỀ AN NINH
Như chúng ta đã biết, Tổng Cục An Ninh và Tổng Cục Phản Gián đã có sẵn một cuốn “Sổ Đen” ghi tên các thành phần Việt kiểu ở hải ngoại bị coi là nguy hiểm cho chế độ. Khi các cơ quan dịch vụ gởi thông hàng của Việt kiều đến xin thị thực nhập cảnh, họ so lại với “Sổ Đen”, nếu thấy có tên trong đó là họ bác ngay.
Vì lối kiểm soát này, có nhiều người trùng tên cũng đã bị bác luôn, theo đúng chủ trương “bắt lầm hơn bỏ sót”. Chúng tôi đã chứng kiến một vài người bị bác đơn cấp visa, không hiểu lý do tại sao bị bác, đã làm đơn khiếu nại lung tung, kể cả chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội. Một hai năm sau, Công An xét lại thấy lầm nên đã cấp chiếu khán cho về.
Cũng có trường hợp bị bỏ sót khi cấp visa, đến khi có tên trong danh sách chuyến bay trở về, Công An mới phát hiện, nên đã ra lệnh chận lại ở phi trường, đưa vào “làm việc” rồi tống xuất, không cho nhập cảnh.
Có ký giả ở Mỹ chỉ viết tin cho một nhật báo và thỉnh thoảng viết một vài phóng sự cộng đồng, trong đó có nhiều đoạn tố cộng... Khi người đó xin visa trở về Việt Nam vẫn được chấp thuận. Tuy nhiên, khi đến phi trướng Tân Sơn Nhứt liền được Công An mời vào “làm viêc” đến 6 tiếng. Lúc đầu họ chỉ hỏi về chuyên làm báo ở Mỹ, một chuyên họ biêt quá rõ, sau mới hỏi qua về một sớ thành phần mà họ quan tâm, cuối cùng là đưa ra những điều cấm đoán không được làm khi lưu lại Việt Nam, không được viết khi trở về Mỹ, v.v.
Một vài tên “ký dỏm” ở hải ngoại thuộc loại “lăng ba chi bộ”, khi về trong nước, đã khoác lác với các cán bộ Công An và Bộ Thông Tin Văn Hóa, nhiều chuyện thuộc cộng đồng cũng như làng báo ở hải ngoại với mục đích lập công, khiến nhiều người khi về thăm quê hương đã bị quay tơi bời.
Có những người, qua sự dụ dỗ của một số tổ chức và thành phần “chống cộng cò mồi”, đã tìm cách móc nối với một số thành phần chống cộng thật cũng như giả (có khi là công an) ở trong nước, yểm trợ tài chánh và giao công tác thực hiện..., sau đó quyết định về nước để tiếp xúc. Khi xin cấp visa nhập cảnh vẫn được cấp dễ dàng và khi đến Việt Nam, đã được Công An giúp cho đi tiếp xúc, móc nối và tạo phương tiện cho “quậy”... cho đến khi bằng chứng được ghi nhận đầy đủ là tóm cả ổ. Những vụ như thế này thỉnh thoảng lại tái diễn, nhưng nhiều “con nai vàng ngơ ngác” vẫn “đạp trên lá vàng khô”!
Nhiều người thắc mắc: Có những người chống cộng rất ồn ào, cuộc biểu tình nào cũng có họ dự, buổi họp nào cũng có họ lên phát biểu, đài phát thanh nào có “diễn đàn thính giả” họ cũng gọi vào giảng dạy “ta phải chống cộng”, thỉnh thoảng họ lại phóng lên các diễn đàn trên Internet một bài bằng bàn tay, chửi cộng sản vung xích chó, tố cáo người này hay tổ chức nọ là tay sai cộng sản... Tại sao năm nào họ cũng xin được visa về Việt Nam du hý, có khi còn “trả thù dân tộc... mình”? Phải chăng họ là cò mồi của Công An?
Thật ra, có khi Công An cũng biết rất rõ những thành phần đó, nhưng họ không quan tâm. Công An chỉ chú trọng đến các thành phần bị coi là “nguy hiểm” mà thôi. Đối với họ, nguy hiểm có nghĩa là hoạt động có tổ chức, có phương pháp, có kế hoạch, biết thu thập và phân tích tài liệu cũng như thông tin một cách chính xác, có khả năng thuyết phục người khác, v.v. Công An sợ nhất là các thành phần làm tình báo hay gián điệp cho ngoại quốc. Còn các thành phần chỉ “show up” và đánh phèng la để tự giới thiệu ta đây là “Sáu Bảnh”, Công An không “ke” đâu.
Để có thể ngăn chận những thành phần bị coi là nguy hiểm, Bộ Ngoại Giao đã đồng ý với Bộ Công An, thay vì miễn thị thực nhập cảnh cho Việt kiều, sẽ áp dụng thủ tục cấp chiếu khán nhập cảnh dài hạn trong 5 năm. Muốn có giấy này, đương sự phải nộp đơn xin. Công An sẽ mở cuộc điều tra và quyết định cấp hay không cấp.
Điều cần lưu ý là theo quốc tế công pháp, quyền cấp chiếu khán nhập cảnh là quyền tuyệt đối của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia đều có quyền từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho bất cứ ai mà không cần cho biết lý do.
Tuy nhiên, thời hạn 5 năm là thời hạn tương đối dài, trong thời gian đó Công An có quyền thay đổi ý kiến, nên rồi cũng sẽ có người mậc dầu đã được cấp giấy phép nhập cảng có hiệu lực trong 5 năm, nhưng khi về đến phi trường Tân Sơn Nhứt hay Nội Bài, vẫn có thể bị Công An chận lại và đuổi về, nếu họ nghi đương sự có các hoạt động nguy hiểm cho chế độ. Vì thế, nhiều người vẫn nghĩ rằng xin cấp chiếu khán mỗi lần về có vẽ “chắc ăn” hơn, có thể tránh được tốn kém và phiền phức.
Thuộc “thành phần nguy hiểm” mà về lọt được trong nước cũng rất nguy hiểm nếu Công An khám phá ra. Kinh nghiệm cho thấy họ thường thanh toán bằng một trong những cách sau đây:
1.- Xô từ lầu cao xuống và hô tự sát.
2.- Gây tử thương hay bị thương tích nặng bằng tai nạn lưu thông. Đây là cách phổ thông nhất. Chúng ta nhớ lại, ngày ngày 3.5.1998, cựu Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đến chở LM Chân Tín đi dự đám tang Nguyễn Văn Trấn. Khi ông ra khỏi nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở số 38 đường Kỳ Đồng thì bị ba bốn người đi kẹp hai bên và đạp vào bánh xe trước của ông. Ông bị té nhào và bị chấn thương sọ não, trở thành ngưới tàn tật.
3.- Giả cướp vào phòng giựt đồ đạc và đâm.
4.- Đầu độc khi mời đi nhậu.
Những phương pháp thanh toán trên đây rất phổ thông, gần như ai cũng biết, nhưng rất khó tránh được.
GIẤY XÁC NHẬN GỐC VIỆT NAM
Từ trước đến nay, người Việt hải ngoại muốn trở về Việt Nam chỉ cần gởi thông hành cho cơ quan dịch vụ để nhờ xin cấp visa là xong, không cần chứng minh gì thêm. Nay muốn được cấp giấy miễn xin visa trong vòng 5 năm, phải chứng minh có quốc tịch Việt Nam hay gốc Việt Nam.
Theo bản hướng dẫn “Một số thủ tục cần thiết khi về Việt Nam” của Ủy Ban Về Người Việt Nam ở Nước Ngoài, “Giấy xác nhận người gốc Việt Nam” có thể xin tại Đại sứ quán Việt Nam (hoặc Lãnh Sự Quán Việt Nam) ở nước sở tại hoặc Ủy Ban Về Người Việt Nam ở Nước Ngoài tại Hà Nội. Đơn xin phải đính theo bản dịch giấy khai sinh (có xác nhận của sứ quán) hoặc một trong các loại giấy tờ chứng minh đã từng có quốc tịch Việt Nam như thẻ căn cước, hộ chiếu cũ, sổ gia đình, sổ hộ khẩu, hôn thú, v.v. Nếu trong hộ chiếu có ghi tên Việt Nam và nơi sinh tại Việt Nam thì không cần có các loại giấy xác nhận này.
Trong cuộc phỏng vấn của cô Thanh Trúc thuộc Đài Á Châu Tự Do ngày 16.7.2007, Tiến sĩ Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên Lạc với Người Việt Nam ở Nước Ngoài tại Sài Gòn đã xác nhận: “Bởi vì đa số người Việt Nam ở nước ngoài đều mang quốc tịch nước ngoài, thì không phải cứ cầm passport nước ngoài vào một cái là được mà còn phải có thủ tục đi kèm. Đó là giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam, và giấy này thì do hiện nay là ở Bộ Ngoại Giao các đại sứ quán là có cái hướng dẫn để mà thức hiện.”
Trong cuộc phỏng vấn ngày 19.7.2007 của cô Thanh Trúc, tôi có nói rằng có thể tới 90% người Việt tỵ nạn hiện nay không bao giờ chịu tới các Tòa Đại Sứ hay Tòa Lãnh Sự Việt Nam để xin “Giấy xác nhận người gốc Việt Nam”. Đó là một vấn đề.
Ông Phan Thành: Phó Giám đốc Sở Ngoại Vụ thành phố Sài Gòn, đã trình bày:
“Tôi làm công tác kiều bào nhiều năm và tôi làm chuyện này nhiều lần. Thật ra mà nghĩ cái đó và nói cái đó là không có chịu nghĩ sâu. Làm giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam đơn giản thôi. Nều người nào có giấy khai sanh hoặc là có passport xác nhận quốc tịch Mỹ nhưng mà sinh đẻ ở Việt Nam là họ cấp giấy rồi. Đơn giản lắm.
“Thậm chí có người không có khai sanh thì tụi tôi có hai người làm chứng là anh này người Việt Nam gốc Việt Nam là được thôi. Còn nếu ở nước ngoài là chỗ những toà đại sứ bên đó là đơn giản thôi, họ chỉ nhìn vào chứng cớ nào trong giấy tờ hay passport gì đó là họ cấp cho mình.
“Nếu có căn cước của Việt Nam cũ thì cũng không có vấn đề gì. Không có kê khai lý lịch gì đâu chị ạ. Cái giấy đó bình thường thôi, tôi đánh giá chuyện này là chuyện thật và không có trở ngại gì cho người Việt Nam ở nước ngoài cả.
“Theo tin từ Bộ Ngoại Giao trong nước thì tới lúc này chưa thể khẳng định chi tiết về thủ tục bãi miễn visa cho Việt kiều về nước sẽ được thực hiện trong khuôn khổ nào và trong mức độ nào, ngoài điều kiện đã biết là cần phải xác minh nguồn gốc Việt Nam của mình.”
Ông Trần Văn Thịnh, Vụ Trưởng Vụ Công Tác Cộng Đồng, một trong những đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại Giao, đã nói với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Tôi không nghĩ rằng là sẽ có thủ tục về kê khai lý lịch. Thế còn việc để mà xác minh nguồn gốc Việt Nam thì nó sẽ có nhiều những cách thức mà các cơ quan chức năng sẽ đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khi mà kê khai những tờ đơn hoặc là những application forms ấy mà.
“Tôi cũng hiểu những cái tâm tư hoặc những cái lo lắng của bà con. Thế nhưng tôi vẫn nghĩ rằng là những cái qui định sắp tới thì rõ ràng là nó sẽ thuận lợi hơn đối với bà con chứ không thể nào mà lại gây một cái khó khăn cho bà con so với trước đây được. Trong tương lai, một khi quyết định của chủ tịch nước đã có thì những cơ quan chức năng phải có trách nhiệm thức thi nghiêm túc....”
Trả lời như thế cũng chỉ là trả lời lòng vòng. Vấn đề được đặt ra là đa số người Việt tỵ nạn không chịu đến Tòa Lãnh Sự hay Tòa Đại Sứ Việt Nam để xin cấp “Giấy xác nhận người gốc Việt Nam”, vì họ không công nhận các cơ quan này.
NHÌN NGƯỜI NGHĨ ĐẾN TA
Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 15 triệu người đang sống ở ngoại quốc, nên chính phủ Ấn đã cho thành lập “Thẻ Người Gốc Ấn” (People of Indian Origin Card – PIO Card) để cấp cho những người gốc Ấn đang ở ngoại quốc, cho phép họ được nhập cảnh Ấn không cần xin thị thực chiếu khán và cho họ hưởng quy chế “Những Người Ấn Không Thường Trú” (Non-Resident Indians - NRIs), bao gồm quyền được mua đất không phải là đất nông nghiệp (non-agricultural land).
Lệ phí để xin thẻ PIO là 310 USD cho những người từ 18 tuổi trở lên và 155 USD cho trẻ em dưới 18 tuổi. Thẻ có giá trị 15 năm kể từ ngày phát hành.
Tuy nhiên, thẻ PIO không áp dụng cho những người gốc Ấn đang số ở Pakistant và Bangladesh và chỉ áp dụng cho những người gốc Ấn mang thông hành ngoại quốc đang sống ở ngoại quốc cho đến thế hệ thứ tư. Dĩ nhiên, những người mang thẻ này không được ứng cử và bầu cử các chức vụ công.
Khi trở về Ấn Độ, Ấn kiều mang thẻ PIO nếu chỉ ở lại không quá 180 ngày thì không phải đăng ký. Nếu cư ngụ từ 180 ngày trở lên, phải đăng ký tại Viên Chức Đăng Ký Ngoại Kiều (Foreigners Registration Officier) trong vòng 30 ngày kể từ ngày mãn hạn 180 ngày nói trên.
Người có thẻ PIO có quyền cho con cái của họ được học tại các trường ở Ấn thuộc “Những Người Ấn Không Thường Trú”. Họ cũng có quyền hưởng những lời ích về nhà ở của Công Ty Bảo Hiểm Nhân Thọ, của các Chính Quyền Tiểu Bang và các cơ quan khác của Chính Phủ Liên Bang.
Với vài nét về chính sách Ấn kiều của chính phú Ấn vừa nói, chúng ta thấy chính phủ Ấn đã ý thức được rằng Ấn kiều đến thế hệ thứ tư vẫn còn nặng tình với quê hương và những lợi ích mà họ đem về cho quê hương cũ rất đáng kể nên đã tạo điều kiện cho họ cảm thấy họ như là những người đang sống trên quê hương chứ không phải là ngoại kiều: Ấn kiều chỉ cần xin cấp một thể PIO là có thể về nước bất cứ lúc nào, không cần visa. Khi về trong nước, Ấn kiều có thể tạo mãi bất động sản, trừ đất nông nghiêp, và được hưởng các lợi ích về nhà ở như người trong nước.
Trong khi đó, điều 6 của Luật Quốc Tịch Việt Nam ngày 20.5.1998 quy định chính sách đối với người gốc Việt Nam ở nước ngoài chỉ “khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, chứ không nói gì đến những quyền lợi mà họ có thể được hưởng.
Nghị định số 90 ban hành ngày 6.9.2006 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở, quy định các đối tượng được mua nhà là những người Việt sống ở nước ngoài về đầu tư lâu dài ở Việt Nam, hay hoạt động về văn hoá, khoa học kỹ thuật có yêu cầu thường xuyên về Việt Nam hoặc ở lâu dài trong nước, hoặc muốn về sống ổn định ở Việt Nam khi về hưu và những người sống trong nước từ 6 tháng trở lên.
Luật quy định đã khó khăn, thực tế còn khó khăn hơn nhiều. Vào tháng 3 năm 2007, báo Tuổi Trẻ cho biết đã có khoảng 100.000 Việt kiều nộp đơn xin mua nhà trong nước, nhưng mới chỉ có khoảng 100 người được mua!
Trong những năm gần đây, số ngoại tệ do người Việt hải ngoại gửi về trong nước mỗi năm nhiều gấp 20 lần số tiền đầu tư chính thức của ngoại quốc. Do đó, Đảng CSVN đã đưa ra Nghị Quyết 36 tuyên bố “luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, nhưng trong thưc tế, kinh nghiệm cho thây các chính quyền địa phương thường tìm cách gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh hay các công trình của Việt kiều ở trong nước rồi tìm cách tước đoạt
MỤC TIÊU NHẮM TỚI
Trong cuộc phỏng vấn của cô Thanh Trúc, phóng viên của đài Á Châu Tự Do, vào ngày 16.7.2007 về việc miễn thị thực nhập cảnh cho Việt kiều, ông Lê Hưng Quốc, Phó Giám Đốc Thường Trực Sở Ngoại Vụ thành phố Sài Gòn đã xác định:
“Thứ nhất đây là chủ trương của đảng và nhà nước, thực hiện Nghị Quyết 36 về vấn đề tạo mọi điều kiện cho bà con Việt kiều có thể về nước sinh hoạt sinh sống bình thường như là các công dân khác. Bước đi của Chủ Tịch Nước là tiếp nối cái mà Nghị Quyết 36 đề ra cách đây hai ba năm...”
Nghị Quyết 36 là văn kiện ấn định “chính sách chiêu hồi” người Việt chống cộng ở hải ngoại trở về với chính phủ CSVN. Như vậy việc “miễn thị thực nhập cảnh” cũng nằm trong chính sách đó.
Còn về thủ tục xin miễn chiếu khán nhập cảnh trong thời hạn 5 năm vừa trình bày trên, chúng tôi thấy một trong những mục tiêu mà nhà cầm quyền đang nhắm tới là dồn người Việt tỵ nạn vào cái thế phải ngày càng phải gần gủi và lệ thuộc vào các Tòa Đại Sứ và Lãnh Sự VN ở hải ngoại, nếu muốn được hưởng một số quyền lợi họ đang buông ra để câu.
Hiện nay, trong nhiều văn kiện phải có thị thực để gởi về trong nước, nhà cầm quyền Việt Nam đã đòi hỏi phải có thị thực của Tòa Lãnh Sự Việt Nam thay vì thị thực của Notary Public ở Mỹ. Nay làm “Giấy xác nhận người gốc Việt Nam” cũng phải làm tại các Tòa Đại Sứ hay Lãnh Sự VN.
Riêng về thủ tục xin miễn thị thực nhập cảnh trong thời hạn 5 năm sắp được ban hành, chúng tôi thấy thủ tục này chẳng đem lại lợi ích bao nhiêu cho những người muốn về thăm quê hương mà còn gây thêm phiền toái. Cứ tiếp tục xin visa mỗi khi muốn nhập cảnh Việt Nam như từ trước đến nay cũng chẳng sao cả.
Tú Gàn