Liên tiếp những tai nạn đáng tiếc
Bên cạnh những tiện ích không nhỏ, hệ thống cầu thang cuốn tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng, đặc biệt là các em nhỏ. Cơ chế hoạt động của thang cuốn theo dạng băng chuyền, có thể kẹt tay chân nếu trẻ leo trèo, chạm tay vào khe cuộn của thang.
Mới đây nhất là tối 22/10, tại một siêu thị lớn ở Nghệ An, bé Bùi Hoàng Hải (3 tuổi) bị kẹt chân vào thang cuốn dẫn đến bị thương nặng. Vào thời điểm đó, vợ chồng anh Văn trú ở xã Hưng Đông (TP. Vinh) đưa con đi mua sắm. Trong lúc đi từ tầng 3 xuống tầng 2, cháu Hải đã bị kẹt đùi phải vào điểm tiếp nối cuối thang cuốn. Sau hơn một giờ đồng hồ cháu Hải mới được giải cứu khỏi thang cuốn.Vết thương quá nặng nên sau khi sơ cứu cháu Hải chuyển ra Hà Nội ngay trong đêm.
Trước đó, Ngày 13/5/2011, bé Bùi Bảo Ng. (hai tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã bị gãy cả bốn ngón tay phải do ngã cầu thang cuốn. Theo người nhà nạn nhân, khi đi siêu thị, do mẹ không để ý nên bé Ng. bước lên thang máy và bị ngã, ngón tay kẹp vào băng chuyền. Hậu quả, cả bốn ngón tay phải bị thang máy cuốn đứt gân, không thể gập duỗi được.
Cuối năm 2010, bé trai 5 tuổi bị gãy chân do sự cố thang cuốn tại một trung tâm thương mại ở quận 1 TP HCM. Năm 2008, một bé trai 3 tuổi khác cũng bị kẹt 2 ngón chân vào thang cuốn ở một trung tâm thương mại tại quận Tân Bình. Trước đó, ngày 26/7/2008 tại siêu thị Fivimart Hà Nội, một bé gái 26 tháng tuổi bị kẹt vào thang cuốn và đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật do vết thương khá nặng.
Theo bác sĩ Cao Độc Lập, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội), những tai nạn do cầu thang cuốn ở trẻ thường gây tổn thương ở những bộ phận rất nhỏ như ngón tay, ngón chân nhưng lại rất khó hàn gắn, thường để lại thương tật suốt đời
Bác sĩ cho biết: “Cấy ghép bàn tay, ngón tay bị đứt hoặc bị nghiền nát ở người lớn đã là rất khó. Còn ở trẻ em, khả năng làm liền các vết thương do bi đứt, nghiền nát càng thấp vì xương trẻ rất mềm và nhỏ, nhất là các bộ phận ngón tay, ngón chân. Tổn thương do tai nạn cầu thang cuốn gây ra thường là dạng bị nghiền nát”.
Sự bất cẩn của người lớn
Những tai nạn bất ngờ này một lần nữa rung lên hồi chuông báo động về sự bất cẩn của người lớn mà hậu quả là nỗi đau và ám ảnh trong lòng con trẻ.
Rất nhiều phụ huynh để trẻ đi thang cuốn một mình, thậm chí chạy nhảy, đùa nghịch trên thang cuốn.
Thang cuốn thường được lắp đặt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nơi các ông bố bà mẹ thường đưa con đến mua sắm và vui chơi giải trí, nhất là trong các dịp cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ. Đặc biệt, trẻ nhỏ rất thích đi cầu thang này. Nhiều cháu đòi đi siêu thị chỉ để được chơi cầu thang cuốn, có cháu cứ đi lên rồi đi xuống cả buổi không chán.
Điều đáng bàn là dù các siêu thị, trung tâm thương mại... đều có bảng hướng dẫn an toàn đi trên thang cuốn, song không ít phụ huynh vẫn để trẻ tự đi một mình, hoặc thiếu quan sát để trẻ leo trèo lên tay cuốn, cho chân tay vào rãnh cuộn...
Theo các chuyên gia, việc cho trẻ đi thang cuốn một mình là không nên. Ông Hoàng Việt Dũng (Trưởng phòng Kinh doanh kỹ thuật, Tập đoàn thang máy Thăng Long, Hà Nội), các sự cố mắc kẹt vào thang cuốn sẽ xảy ra nếu trẻ em đi một mình cố ý nghịch do tò mò và một vài trường hợp do thang máy đảo chiều đột ngột. Ông Dũng khuyến cáo trẻ em nên có người lớn đi cùng khi sử dụng thang cuốn, trẻ không được nghịch ngợm cho đồ vật vào khe thang cuốn.
Theo bác sĩ Lập, phụ huynh khi cho con đến những nơi có cầu thang cuốn không nên để trẻ đi lại tự do vì loại thang này có những bộ phận không được an toàn như mép và thành thang. Tốt nhất, với những trẻ dưới 6 tuổi, phụ huynh nên bế hoặc giữ trẻ khi sử dụng thang cuốn. ‘'Sự chuyển động của cầu thang máy, cầu thang cuốn thường cuốn hút sự tò mò của trẻ, do vậy nếu bố mẹ lơ đãng, trẻ sẽ tự khám phá. Trong khi đó, trẻ dưới 6 tuổi đi chưa vững nên có thể ngã hoặc do hiếu động nên đút chân, tay vào các khe hai bên cầu thang, giữa hai bậc cầu thang, dẫn đến bị kẹp”, bác sĩ Lập giải thích
DL