Sài Gòn khoáng đạt
Sài Gòn, đô thị trẻ trung và hiện đại đã bước sang thiên niên kỷ mới, những toà nhà chọc trời ngày một nhiều hơn, con người văn minh hơn, nhưng ở đâu đó vẫn ẩn giấu nỗi đau mất mát ngày một lớn hơn về những trầm tích văn hoá và đời sống nhân văn, được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hoá trên nền tảng của một bản sắc rất Sài Gòn.
Sài Gòn khoẻ khoắn và lành mạnh nhờ "lỏng, mềm và mở"
Quan sát về sự chuyển dịch rất nhanh trong cách ăn, cách ở người Sài Gòn, hoạ sĩ Lê Thiết Cương, một người Hà Nội chỉ thảng hoặc đến Sài Gòn đã có những phát hiện rất lý thú, mà đôi khi chúng ta không nhận thấy vì quá quen thuộc: "Khi đến một thành phố lạ, chúng ta không đi tìm cái gì giống mình, mà muốn khám phá một không khí khác, ăn món ăn khác. Thế mới gọi là đi. Đi là để tìm được một cái gì đó khác biệt, mới mẻ. Đề cập đến ngôi nhà để ở, tôi thấy Sài Gòn cũng có những điểm rất khác so với người Hà Nội. Vợ tôi là người Sài Gòn, còn tôi lại là người Hà Nội, khi sửa lại một căn nhà chung cư cho ba mẹ con ở Sài Gòn, vợ chồng tôi đã bị "va đập văn hoá" dữ dội! Tôi thì muốn phòng ăn và bếp phải ở phía sau nhà, còn cô ấy lại cho phòng ăn và bếp ngay giữa… phòng khách!
Có một chỗ ngồi trên đường Đồng Khởi mà tôi rất thích, đó là CHU bar, được biết đến như là một nơi thư giãn hàng đêm của giới làm ăn Sài Gòn. Không gian nhỏ, ấm cúng và lịch sự. Trần Huy Hoan đã thiết kế một quầy bar, vừa là bếp nằm giữa quán, khách đứng xung quanh có thể vừa nói chuyện, vừa nhâm nhi chút gì đó, vừa quan sát người đầu bếp nấu nướng hoặc pha chế thức uống rất sống động. Dù không gian rất nhỏ, không có sàn nhảy, nhưng quầy bar nằm giữa quán và nhiều loại ghế nằm, ngồi thoải mái đã khiến cho quán có được không gian thư giãn rất tự do, vui nhộn. Đến thăm một biệt thự của người bạn là doanh nhân khá nổi tiếng của Sài Gòn, tôi thấy phòng tắm và phòng ngủ liền nhau, không có vách gì cả…
Dường như người Sài Gòn đang bỏ hết các ranh giới vốn được coi là chuẩn mực trong kiến trúc, để tìm tới sự cởi mở, phóng khoáng hơn trong không gian sống. Còn tôi, hơn 50 tuổi rồi, đặt tôi vào một phòng ngủ liền với phòng tắm có lẽ tôi cũng không ngủ được. Dường như mình đến tuổi không còn thay đổi được nữa…"
Nhìn về đời sống tâm linh, Lê Thiết Cương thấy rõ sự khác biệt giữa Sài Gòn và Hà Nội: "Thờ cúng cộng đồng của người Sài Gòn nhiều hơn Hà Nội. Nhìn thành phố như thế cứ tưởng chỉ biết ăn chơi, nhưng lại là nơi có nhiều quán ăn chay nhất cả nước. Đi ăn chay buổi trưa mà cũng phải xếp hàng vì rất đông. Chất từ bi hỉ xả của ông Phật Thích Ca được người Nam "phiên dịch" ra bằng ngôn ngữ đời sống rất thực tế, đó là tinh thần cởi mở, sống rất thực. Ngay cả những ngôi chùa mới xây cũng hoàn toàn hiện đại, không khép kín, gò bó như chùa miền Bắc. Đời sống tâm linh của người Sài Gòn, nhất là người Sài Gòn trẻ rất cởi mở, không nhất thiết phải có một niềm tin tôn giáo. Điều đó lý giải vì sao đạo Hoà Hảo, đình Minh Hương phải ở Sài Gòn, vì hệ thống đình chùa miền Bắc đã ổn định lâu quá rồi. Với họ, đạo nào cũng tốt đẹp, không đạo nào là ác cả. Người theo đạo Phật cũng có thể bước vào nhà thờ làm dấu thánh. Đến Hà Nội, bạn phải nhập gia tùy tục, nhưng Sài Gòn "lỏng, mềm và mở", nên vừa giữ được tất cả những gì tinh túy của mình, vừa không ngừng được làm mới. Ngay chính tôi cũng không biết từ khi nào đi ăn phở cũng đòi bằng được phải có giá và rau! Phở Bắc khi vào Sài Gòn đã bị chuyển hoá theo kiểu ăn của người Nam. Họ có mềm mỏng mới cởi mở được. Chính nhờ mềm mỏng mà mình bị đồng hoá lúc nào không biết. Một dịch vụ "rất Sài Gòn", rất Nam bộ là tiệm tóc, ở đó bạn được làm đẹp và phục vụ từ đầu đến… chân, rất nhiều thứ trong một, rất cởi mở, đa hệ. Tiệm tóc Thìn đã bành trướng ra Hà Nội, và làm ăn rất phát đạt. Một tờ báo uy tín của nước ngoài đã bình chọn dịch vụ tốt nhất Việt Nam là… gội đầu ở Sài Gòn.
Dường như người Sài Gòn đang bỏ hết các ranh giới vốn được coi là chuẩn mực trong kiến trúc, để tìm tới sự cởi mở, phóng khoáng hơn trong không gian sống.
Lý giải vì sao dịch vụ Hà Nội kém hơn hẳn dịch vụ ở Sài Gòn, hoạ sĩ Trịnh Tú cho rằng: "Sức mạnh mềm đa văn hoá, đa hệ trong phục vụ và các dịch vụ mà tiệm Thìn Sài Gòn là một ví dụ nhỏ, được hình thành một cách tự nhiên, cho dù có chiến tranh. Nhưng ở miền Bắc, dịch vụ bị triệt tiêu vì dịch vụ mậu dịch. Đến một cửa hàng rất sang trọng ở Hà Nội, bạn cũng không thể có được sự phục vụ chu đáo bằng một quán cóc vỉa hè Sài Gòn. Câu "tiền nào của nấy" không tồn tại ở Hà Nội, đó là di hại quá lớn của quan niệm về phục vụ mậu dịch suốt ngần ấy năm. Hư thì nhanh, ngoan thì lâu lắm. Tôi nhớ mãi một lần đi bộ trên vỉa hè Sài Gòn mỏi rã cả chân, mệt quá chỉ thèm một lon bia. Thấy một quán nước mía, ngập ngừng mãi không dám vô, chủ quán đon đả mời vào, và lập tức lấy xe đi mua về cho tôi lon bia lạnh. Ở Sài Gòn mới được như thế, chứ Hà Nội thì mình bị đuổi đi ngay rồi, lại còn bị chửi té tát chưa biết chừng".
Nhìn vào những biến cố của lịch sử đã khiến cho Sài Gòn và Hà Nội rẽ sang hai hướng, hoạ sĩ Trịnh Tú nói: "Cả Hà Nội và Sài Gòn đều bị rơi vào bi kịch bị xâm lược bằng rất nhiều biến cố đau lòng của lịch sử, nhưng tại sao Hà Nội bị thay đổi nhanh quá như vậy so với Sài Gòn. Khi tôi còn bé, Hà Nội của tôi không như thế đâu, cách sinh hoạt rất kỹ lưỡng và tần tảo. Khi Hà Nội bắt đầu hình thành một đô thị có giai cấp, thì Sài Gòn vẫn mạnh mẽ vì cởi mở với bên ngoài hơn. Khi Hà Nội bị trói buộc vào văn hoá Pháp, thì Sài Gòn có cả một khoảng trời rộng rãi để nhìn sang các quốc gia khác. Sài Gòn có lợi thế hơn Hà Nội ở chỗ hành trang không bị cồng kềnh bởi hệ thống tư tưởng và giáo lý. Con người đô thị của Sài Gòn cũng được hình thành sớm hơn Hà Nội, đây là nơi có tờ báo quốc ngữ đầu tiên, mô hình đô thị Sài Gòn có từ năm 1882 khi Nguyễn Ánh làm hoà ước với Pháp. Tinh hoa Sài Gòn là tinh hoa của thương gia và kỹ nghệ, mỹ thuật cũng phát triển rất hưng thịnh, giới điền chủ Sài Gòn mạnh mẽ, khoẻ khoắn và đầy lòng yêu nước…"
Sài Gòn đang đánh mất chính mình
Có lần ở Sài Gòn thèm một lon bia. Thấy một quán nước mía, ngập ngừng mãi không dám vô, chủ quán đon đả mời, và lập tức lấy xe mua về cho tôi lon bia lạnh. Ở Hà Nội chắc bị đuổi đi ngay rồi.
TS Nguyễn Minh Hoà, trưởng khoa đô thị học, đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã nói rất đúng về tính cách người Sài Gòn: "Chúng ta hay chê cái nơi mình đang sống, nhưng đi xa là nhớ. Ở Sài Gòn đã 40 năm nay, tôi thấy người đã vô Nam rồi thì ít ai Bắc tiến lắm. Người Sài Gòn phóng khoáng, cởi mở, nhân hậu, nghĩa tình, điều đó có được là nhờ sự hài hoà giữa con người bản địa, con người Sài Gòn, và con người thế giới".
Quả vậy, khó có thể tìm thấy người gốc Sài Gòn. Dân Sài Gòn chủ yếu là người nhập cư. Văn hoá sống của Sài Gòn là văn hoá người nhập cư. Những làn sóng di dân từ Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, miền Tây Nam bộ… chưa bao giờ dừng lại trong suốt quá trình phát triển của Sài Gòn, bởi đây gần như là "miền đất hứa", mang lại cho họ giấc mơ đổi đời. Sài Gòn bao dung luôn rộng lòng đón tất cả. Vậy tính cách người Sài Gòn có bị tàn phá bởi những làn sóng di cư? Hoạ sĩ Trịnh Tú nói: "Hai cuộc di cư lớn nhất là sau hiệp định Geneve và sau 30.4.1975, Sài Gòn ít nhiều cũng bị thay đổi, nhưng một dòng chảy đích thực và lành mạnh của một Sài Gòn xưa cũ vẫn chảy và đẩy trôi đi những dị biệt kia, và vì chính những dị biệt kia ý thức được mình dị biệt. Đến giờ phút này, tôi hy vọng Sài Gòn sẽ trở lại Sài Gòn cũ từ miếng ăn, cách sống".
Đừng vội đổ lỗi cho người nhập cư đã phá vỡ văn hoá Sài Gòn, chính họ đã giúp cho Sài Gòn giữ được giềng mối gia đình chòm xóm, đối xử với nhau tình nghĩa. Tính bản địa nằm trong huyết quản, có lẽ thành phố này có nhiều hội đồng hương nhất cả nước. Cư dân mỗi vùng đất đến đây lại góp thêm cho Sài Gòn nét tinh tuý của món ăn, nếp nghĩ, tập tục. Nhưng thành phố này cũng khiến họ thay đổi rất nhanh, biến họ thành người Sài Gòn lúc nào không biết. Ngay cả bún bò Huế, phở Hà Nội, bún cá Nha Trang, lẩu mắm miền Tây Nam bộ… khi về đây cũng được "Sài Gòn hoá" để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Cải biên để hấp dẫn hơn, ngon hơn, đẹp hơn, điều đó lý giải vì sao khi ra Huế ăn bún bò không thấy ngon như ở Sài Gòn. Người Huế vô Sài Gòn dường như cũng "phai nhạt bớt" cái chất Huế "khó chịu" của mình. Người Hà Nội cũng trở nên phóng khoáng hơn. Người Quảng thì chấp nhận sự hài hoà với nhiều vùng miền khác, không phân biệt tính địa phương, cục bộ…
Vấn đề đặt ra ở đây, làm thế nào để người Sài Gòn có cái để tự hào về thành phố mình đang sống? Làm thế nào để Sài Gòn giữ lại những dấu xưa trong từng góc phố, từng mái nhà và trong nếp sinh hoạt của người dân?
Nếu không, Sài Gòn rất dễ đánh mất mình.
Sài Gòn đang đánh mất mình, đó là thực tế không dễ chấp nhận mà ai cũng thấy. Sài Gòn ngày càng ít cây xanh, ngày càng mất đi những dòng sông, mặt hồ. Không khí ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, ngập nước đang đẩy thành phố chết dần đi. Ấy là chưa kể đến sự ngột ngạt của đời sống văn hoá. Các nhà hát, bảo tàng ngày càng nghèo nàn, hệ thống bệnh viện công từ trước giải phóng đến giờ chưa xây thêm được một công trình lớn nào. Nạn quá tải bệnh viện là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm chưa thấy lối ra. Trên con đường Đồng Khởi, những kiến trúc văn hoá một thời đã chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho những nhà cao tầng kiến trúc lộn xộn, màu sắc nhố nhăng, phá vỡ vẻ đẹp con đường vốn là niềm tự hào của người Sài Gòn. Kiến trúc thời Pháp để lại nhiều công thự đẹp, thanh lịch cũng đang bị "xẻ thịt". May ra còn sót lại con phố người Hoa ở Chợ Lớn với những đền miếu cổ kính. Chưa bao giờ, người dân Sài Gòn lại lo lắng cho không gian sống của mình như bây giờ. Môi trường xã hội phức tạp đang đe doạ phá vỡ các giềng mối quan hệ giữa con người với con người. Tốc độ xây dựng chóng mặt cũng đang làm tổn thương nghiêm trọng vẻ đẹp lịch sử, ký ức, bản sắc văn hoá đô thị.
Sự hỗn tạp, không có tổ chức trong phát triển Sài Gòn là do thiếu sự chỉ huy có chiến lược của chính quyền. Thiết kế không gian đô thị phải thống nhất từ ý tưởng đến kiến trúc, cách tạo hồn, mang tinh thần dẫn dắt người nhập cư, không thể phá vỡ quy hoạch khiến cho người dân phải đương đầu với bao vấn nạn.
Đô thị quy định bởi con người, xác định phẩm giá một đô thị phải đánh giá dưới góc độ con người. Làm thế nào để xây dựng một triết lý cho Sài Gòn, để người dân ở đây có cảm giác "thuộc về" nơi mình sống. Phải tìm cho ra những di sản rất cụ thể để người đô thị biết mình có những giá trị gì để tự hào, mới có thể cùng nhau gìn giữ và phát huy thêm vẻ đẹp của Sài Gòn.
Càphê vỉa hè trung tâm quận 1, khách được phục vụ tối đa khi chủ quán dành hẳn một chiếc xe hơi để pha chế tại chỗ - một kiểu cách rất Sài Gòn.
KIM YẾN
Sài Gòn, đô thị trẻ trung và hiện đại đã bước sang thiên niên kỷ mới, những toà nhà chọc trời ngày một nhiều hơn, con người văn minh hơn, nhưng ở đâu đó vẫn ẩn giấu nỗi đau mất mát ngày một lớn hơn về những trầm tích văn hoá và đời sống nhân văn, được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hoá trên nền tảng của một bản sắc rất Sài Gòn.
Sài Gòn khoẻ khoắn và lành mạnh nhờ "lỏng, mềm và mở"
Quan sát về sự chuyển dịch rất nhanh trong cách ăn, cách ở người Sài Gòn, hoạ sĩ Lê Thiết Cương, một người Hà Nội chỉ thảng hoặc đến Sài Gòn đã có những phát hiện rất lý thú, mà đôi khi chúng ta không nhận thấy vì quá quen thuộc: "Khi đến một thành phố lạ, chúng ta không đi tìm cái gì giống mình, mà muốn khám phá một không khí khác, ăn món ăn khác. Thế mới gọi là đi. Đi là để tìm được một cái gì đó khác biệt, mới mẻ. Đề cập đến ngôi nhà để ở, tôi thấy Sài Gòn cũng có những điểm rất khác so với người Hà Nội. Vợ tôi là người Sài Gòn, còn tôi lại là người Hà Nội, khi sửa lại một căn nhà chung cư cho ba mẹ con ở Sài Gòn, vợ chồng tôi đã bị "va đập văn hoá" dữ dội! Tôi thì muốn phòng ăn và bếp phải ở phía sau nhà, còn cô ấy lại cho phòng ăn và bếp ngay giữa… phòng khách!
Có một chỗ ngồi trên đường Đồng Khởi mà tôi rất thích, đó là CHU bar, được biết đến như là một nơi thư giãn hàng đêm của giới làm ăn Sài Gòn. Không gian nhỏ, ấm cúng và lịch sự. Trần Huy Hoan đã thiết kế một quầy bar, vừa là bếp nằm giữa quán, khách đứng xung quanh có thể vừa nói chuyện, vừa nhâm nhi chút gì đó, vừa quan sát người đầu bếp nấu nướng hoặc pha chế thức uống rất sống động. Dù không gian rất nhỏ, không có sàn nhảy, nhưng quầy bar nằm giữa quán và nhiều loại ghế nằm, ngồi thoải mái đã khiến cho quán có được không gian thư giãn rất tự do, vui nhộn. Đến thăm một biệt thự của người bạn là doanh nhân khá nổi tiếng của Sài Gòn, tôi thấy phòng tắm và phòng ngủ liền nhau, không có vách gì cả…
Dường như người Sài Gòn đang bỏ hết các ranh giới vốn được coi là chuẩn mực trong kiến trúc, để tìm tới sự cởi mở, phóng khoáng hơn trong không gian sống. Còn tôi, hơn 50 tuổi rồi, đặt tôi vào một phòng ngủ liền với phòng tắm có lẽ tôi cũng không ngủ được. Dường như mình đến tuổi không còn thay đổi được nữa…"
Nhìn về đời sống tâm linh, Lê Thiết Cương thấy rõ sự khác biệt giữa Sài Gòn và Hà Nội: "Thờ cúng cộng đồng của người Sài Gòn nhiều hơn Hà Nội. Nhìn thành phố như thế cứ tưởng chỉ biết ăn chơi, nhưng lại là nơi có nhiều quán ăn chay nhất cả nước. Đi ăn chay buổi trưa mà cũng phải xếp hàng vì rất đông. Chất từ bi hỉ xả của ông Phật Thích Ca được người Nam "phiên dịch" ra bằng ngôn ngữ đời sống rất thực tế, đó là tinh thần cởi mở, sống rất thực. Ngay cả những ngôi chùa mới xây cũng hoàn toàn hiện đại, không khép kín, gò bó như chùa miền Bắc. Đời sống tâm linh của người Sài Gòn, nhất là người Sài Gòn trẻ rất cởi mở, không nhất thiết phải có một niềm tin tôn giáo. Điều đó lý giải vì sao đạo Hoà Hảo, đình Minh Hương phải ở Sài Gòn, vì hệ thống đình chùa miền Bắc đã ổn định lâu quá rồi. Với họ, đạo nào cũng tốt đẹp, không đạo nào là ác cả. Người theo đạo Phật cũng có thể bước vào nhà thờ làm dấu thánh. Đến Hà Nội, bạn phải nhập gia tùy tục, nhưng Sài Gòn "lỏng, mềm và mở", nên vừa giữ được tất cả những gì tinh túy của mình, vừa không ngừng được làm mới. Ngay chính tôi cũng không biết từ khi nào đi ăn phở cũng đòi bằng được phải có giá và rau! Phở Bắc khi vào Sài Gòn đã bị chuyển hoá theo kiểu ăn của người Nam. Họ có mềm mỏng mới cởi mở được. Chính nhờ mềm mỏng mà mình bị đồng hoá lúc nào không biết. Một dịch vụ "rất Sài Gòn", rất Nam bộ là tiệm tóc, ở đó bạn được làm đẹp và phục vụ từ đầu đến… chân, rất nhiều thứ trong một, rất cởi mở, đa hệ. Tiệm tóc Thìn đã bành trướng ra Hà Nội, và làm ăn rất phát đạt. Một tờ báo uy tín của nước ngoài đã bình chọn dịch vụ tốt nhất Việt Nam là… gội đầu ở Sài Gòn.
Dường như người Sài Gòn đang bỏ hết các ranh giới vốn được coi là chuẩn mực trong kiến trúc, để tìm tới sự cởi mở, phóng khoáng hơn trong không gian sống.
Lý giải vì sao dịch vụ Hà Nội kém hơn hẳn dịch vụ ở Sài Gòn, hoạ sĩ Trịnh Tú cho rằng: "Sức mạnh mềm đa văn hoá, đa hệ trong phục vụ và các dịch vụ mà tiệm Thìn Sài Gòn là một ví dụ nhỏ, được hình thành một cách tự nhiên, cho dù có chiến tranh. Nhưng ở miền Bắc, dịch vụ bị triệt tiêu vì dịch vụ mậu dịch. Đến một cửa hàng rất sang trọng ở Hà Nội, bạn cũng không thể có được sự phục vụ chu đáo bằng một quán cóc vỉa hè Sài Gòn. Câu "tiền nào của nấy" không tồn tại ở Hà Nội, đó là di hại quá lớn của quan niệm về phục vụ mậu dịch suốt ngần ấy năm. Hư thì nhanh, ngoan thì lâu lắm. Tôi nhớ mãi một lần đi bộ trên vỉa hè Sài Gòn mỏi rã cả chân, mệt quá chỉ thèm một lon bia. Thấy một quán nước mía, ngập ngừng mãi không dám vô, chủ quán đon đả mời vào, và lập tức lấy xe đi mua về cho tôi lon bia lạnh. Ở Sài Gòn mới được như thế, chứ Hà Nội thì mình bị đuổi đi ngay rồi, lại còn bị chửi té tát chưa biết chừng".
Nhìn vào những biến cố của lịch sử đã khiến cho Sài Gòn và Hà Nội rẽ sang hai hướng, hoạ sĩ Trịnh Tú nói: "Cả Hà Nội và Sài Gòn đều bị rơi vào bi kịch bị xâm lược bằng rất nhiều biến cố đau lòng của lịch sử, nhưng tại sao Hà Nội bị thay đổi nhanh quá như vậy so với Sài Gòn. Khi tôi còn bé, Hà Nội của tôi không như thế đâu, cách sinh hoạt rất kỹ lưỡng và tần tảo. Khi Hà Nội bắt đầu hình thành một đô thị có giai cấp, thì Sài Gòn vẫn mạnh mẽ vì cởi mở với bên ngoài hơn. Khi Hà Nội bị trói buộc vào văn hoá Pháp, thì Sài Gòn có cả một khoảng trời rộng rãi để nhìn sang các quốc gia khác. Sài Gòn có lợi thế hơn Hà Nội ở chỗ hành trang không bị cồng kềnh bởi hệ thống tư tưởng và giáo lý. Con người đô thị của Sài Gòn cũng được hình thành sớm hơn Hà Nội, đây là nơi có tờ báo quốc ngữ đầu tiên, mô hình đô thị Sài Gòn có từ năm 1882 khi Nguyễn Ánh làm hoà ước với Pháp. Tinh hoa Sài Gòn là tinh hoa của thương gia và kỹ nghệ, mỹ thuật cũng phát triển rất hưng thịnh, giới điền chủ Sài Gòn mạnh mẽ, khoẻ khoắn và đầy lòng yêu nước…"
Sài Gòn đang đánh mất chính mình
Có lần ở Sài Gòn thèm một lon bia. Thấy một quán nước mía, ngập ngừng mãi không dám vô, chủ quán đon đả mời, và lập tức lấy xe mua về cho tôi lon bia lạnh. Ở Hà Nội chắc bị đuổi đi ngay rồi.
TS Nguyễn Minh Hoà, trưởng khoa đô thị học, đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã nói rất đúng về tính cách người Sài Gòn: "Chúng ta hay chê cái nơi mình đang sống, nhưng đi xa là nhớ. Ở Sài Gòn đã 40 năm nay, tôi thấy người đã vô Nam rồi thì ít ai Bắc tiến lắm. Người Sài Gòn phóng khoáng, cởi mở, nhân hậu, nghĩa tình, điều đó có được là nhờ sự hài hoà giữa con người bản địa, con người Sài Gòn, và con người thế giới".
Quả vậy, khó có thể tìm thấy người gốc Sài Gòn. Dân Sài Gòn chủ yếu là người nhập cư. Văn hoá sống của Sài Gòn là văn hoá người nhập cư. Những làn sóng di dân từ Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, miền Tây Nam bộ… chưa bao giờ dừng lại trong suốt quá trình phát triển của Sài Gòn, bởi đây gần như là "miền đất hứa", mang lại cho họ giấc mơ đổi đời. Sài Gòn bao dung luôn rộng lòng đón tất cả. Vậy tính cách người Sài Gòn có bị tàn phá bởi những làn sóng di cư? Hoạ sĩ Trịnh Tú nói: "Hai cuộc di cư lớn nhất là sau hiệp định Geneve và sau 30.4.1975, Sài Gòn ít nhiều cũng bị thay đổi, nhưng một dòng chảy đích thực và lành mạnh của một Sài Gòn xưa cũ vẫn chảy và đẩy trôi đi những dị biệt kia, và vì chính những dị biệt kia ý thức được mình dị biệt. Đến giờ phút này, tôi hy vọng Sài Gòn sẽ trở lại Sài Gòn cũ từ miếng ăn, cách sống".
Đừng vội đổ lỗi cho người nhập cư đã phá vỡ văn hoá Sài Gòn, chính họ đã giúp cho Sài Gòn giữ được giềng mối gia đình chòm xóm, đối xử với nhau tình nghĩa. Tính bản địa nằm trong huyết quản, có lẽ thành phố này có nhiều hội đồng hương nhất cả nước. Cư dân mỗi vùng đất đến đây lại góp thêm cho Sài Gòn nét tinh tuý của món ăn, nếp nghĩ, tập tục. Nhưng thành phố này cũng khiến họ thay đổi rất nhanh, biến họ thành người Sài Gòn lúc nào không biết. Ngay cả bún bò Huế, phở Hà Nội, bún cá Nha Trang, lẩu mắm miền Tây Nam bộ… khi về đây cũng được "Sài Gòn hoá" để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Cải biên để hấp dẫn hơn, ngon hơn, đẹp hơn, điều đó lý giải vì sao khi ra Huế ăn bún bò không thấy ngon như ở Sài Gòn. Người Huế vô Sài Gòn dường như cũng "phai nhạt bớt" cái chất Huế "khó chịu" của mình. Người Hà Nội cũng trở nên phóng khoáng hơn. Người Quảng thì chấp nhận sự hài hoà với nhiều vùng miền khác, không phân biệt tính địa phương, cục bộ…
Vấn đề đặt ra ở đây, làm thế nào để người Sài Gòn có cái để tự hào về thành phố mình đang sống? Làm thế nào để Sài Gòn giữ lại những dấu xưa trong từng góc phố, từng mái nhà và trong nếp sinh hoạt của người dân?
Nếu không, Sài Gòn rất dễ đánh mất mình.
Sài Gòn đang đánh mất mình, đó là thực tế không dễ chấp nhận mà ai cũng thấy. Sài Gòn ngày càng ít cây xanh, ngày càng mất đi những dòng sông, mặt hồ. Không khí ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, ngập nước đang đẩy thành phố chết dần đi. Ấy là chưa kể đến sự ngột ngạt của đời sống văn hoá. Các nhà hát, bảo tàng ngày càng nghèo nàn, hệ thống bệnh viện công từ trước giải phóng đến giờ chưa xây thêm được một công trình lớn nào. Nạn quá tải bệnh viện là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm chưa thấy lối ra. Trên con đường Đồng Khởi, những kiến trúc văn hoá một thời đã chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho những nhà cao tầng kiến trúc lộn xộn, màu sắc nhố nhăng, phá vỡ vẻ đẹp con đường vốn là niềm tự hào của người Sài Gòn. Kiến trúc thời Pháp để lại nhiều công thự đẹp, thanh lịch cũng đang bị "xẻ thịt". May ra còn sót lại con phố người Hoa ở Chợ Lớn với những đền miếu cổ kính. Chưa bao giờ, người dân Sài Gòn lại lo lắng cho không gian sống của mình như bây giờ. Môi trường xã hội phức tạp đang đe doạ phá vỡ các giềng mối quan hệ giữa con người với con người. Tốc độ xây dựng chóng mặt cũng đang làm tổn thương nghiêm trọng vẻ đẹp lịch sử, ký ức, bản sắc văn hoá đô thị.
Sự hỗn tạp, không có tổ chức trong phát triển Sài Gòn là do thiếu sự chỉ huy có chiến lược của chính quyền. Thiết kế không gian đô thị phải thống nhất từ ý tưởng đến kiến trúc, cách tạo hồn, mang tinh thần dẫn dắt người nhập cư, không thể phá vỡ quy hoạch khiến cho người dân phải đương đầu với bao vấn nạn.
Đô thị quy định bởi con người, xác định phẩm giá một đô thị phải đánh giá dưới góc độ con người. Làm thế nào để xây dựng một triết lý cho Sài Gòn, để người dân ở đây có cảm giác "thuộc về" nơi mình sống. Phải tìm cho ra những di sản rất cụ thể để người đô thị biết mình có những giá trị gì để tự hào, mới có thể cùng nhau gìn giữ và phát huy thêm vẻ đẹp của Sài Gòn.
Càphê vỉa hè trung tâm quận 1, khách được phục vụ tối đa khi chủ quán dành hẳn một chiếc xe hơi để pha chế tại chỗ - một kiểu cách rất Sài Gòn.
KIM YẾN