Bằng Cấp hay Bằng Cắp
Bằng Cấp hay Bằng Cắp
Mười năm bác đảng trồng cây,
Những rừng danh mộc mỗi ngày hiếm hoi
Trăm năm bác đảng trồng người
Khỉ trình phương án, đười ươi giảng bài.
Mậu Binh Hà Huyền Chi, “Trồng Người”
Mười năm bác đảng trồng cây,
Những rừng danh mộc mỗi ngày hiếm hoi
Trăm năm bác đảng trồng người
Khỉ trình phương án, đười ươi giảng bài.
Mậu Binh Hà Huyền Chi, “Trồng Người”
Theo tin tức báo chí Việt Cộng từ trong nước, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2006 có gần 15 ngàn tiến sĩ và hơn 16 ngàn thạc sĩ, tức nhiều hơn Mã Lai và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng an hưởng thái bình và nền kinh tế phồn thịnh lâu đời.
Cũng cần nói rõ cái gì của Việt Cộng (VC) cũng khác người, không giống ai hết vì Việt Cộng là… Việt Cộng. Cho nên, đọc giả đừng nghe bằng “thạc sĩ” của VC mà hoảng sợ. Nó không phải là bằng thạc sĩ của Pháp (agrégé) như thạc sĩ Vũ Quốc Thúc và thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, giáo sư đại học luật khoa Sài-gòn trước 1975. Nó là bằng Cao Học ở trong Nam trước 1975 hay bằng Master của Mỹ, bằng Maitrise của Pháp hiện nay, nhưng phẩm chất và giá trị của nó có thể tóm tắt bằng bốn chữ, “bằng cấp Việt Cộng,” hay “bằng cắp Việt Cộng” Người viết sẽ giải thích tại sao có hai chữ “bằng cắp” thay vì “bằng cấp.”
Thật sự không ai biết rõ trước khi đoàn quân viễn chinh cộng sản Bắc Việt vào tận Sàigòn, bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã in và cấp phát bao nhiêu bằng cấp trên bậc đại học, phó tiến sĩ và tiến sĩ. Đây là một “bí mật quốc gia,” trừ bộ chánh trị không ai được quyền biết. Nhưng người viết tin chắc… không nhiều lắm. Trong mấy năm đầu tíếp thâu và điều hành các trường đại học thuộc Viện Đại Học Sàigòn, Cần Thơ, Huế, người ta chỉ thấy le que mấy ông xưng phó tiến sĩ XHCN tốt nghiệp ở Liên Sô và các quốc gia Đông Âu Cộng sản, và một đội ngũ giáo viên dạy đại học chi viện từ Bắc vô mà trình độ không quá bốn năm học đại ở Hà Nội!
Vì không có bằng cấp đúng tiêu chuẩn nên người dạy ở đại học “khiêm nhường” xưng và được gọi là giáo viên thay vì giáo sư như trong Nam trước 1975. Quan chức nhà nước không ai dám khoe bằng như hiện nay vì “trình độ văn hóa” nhiều lắm là ngang với các đồng chí lãnh đạo đảng như Lê Duẫn, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng… “đọc một trang diễn văn đánh máy hai lần mà không biết” (lời cụ Nguyễn Văn Trấn trong “Viết Cho Mẹ và Quốc Hội”). Nhờ đó mà các phụ khảo, giảng viên có bằng master Mỹ còn kẹt lại ở các trường đại học trong Nam trở nên trân châu bảo ngọc của chế độ, nhất là kể từ khi đảng chủ trương đổi mới mà không đổi màu, tức làm kinh tế thị trường (tư bản) theo định hướng xã hội chủ nghĩa (cộng sản), một loại ốc mượn vỏ để sinh tồn.
BẰNG CẤP HAY BẰNG CẮP ?
Thế gian biến đổi vũng nên đồi…
Trước tháng 4-1975, xã hội miền Nam như một gia đình nề nếp, gia phong từ lâu đời, ai cũng biết tiếng, nghe danh nên không cần phải khoe bằng cấp, chức tước hay tiền của. Hiện tượng… chó nhảy bàn độc thật họa hiếm. Người học hành đỗ đạt không có nhu cầu phải khoe, lòe thiên hạ, trừ một trường hợp duy nhất, ông tiến sĩ Nguyễn Văn H. Giới khoa bảng đại học ở Sàigòn gọi ông là “tiến sĩ hão!” Đi đâu hay làm gì, ông cũng thích khoe cái bằng “tiến sĩ hão” của mình ra. Ông nhờ chuyên viên ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp và Quỹ Phát Triển viết bài để ông đăng báo với tên “Tiến Sĩ Nguyễn Văn H.” Thiên hạ đồn rằng… ông tiến sĩ thi rớt tú tài Tây, không vào đại học Tây được nên sang Thụy Sĩ học đại học và mò lên đậu tiến sĩ kinh tế học. Năm 1970 nhờ một “thủ tục quanh co” ông được nhận làm giáo sư HVQGHC làm ban giảng huấn trường nầy… té ngửa. Rồi ông cũng dạy môn kinh tế học như ai, nhưng sinh viên chẳng hiểu ông nói gì nên ông phải chạy đi làm tổng đốc Quỹ Phát Triển. [Khi tu Thuy Si ve Viet Nam, de co duoc chuc quyen, ong Hao lay ba Cao Thi Nguyet, vo cua tuong Ba Cut, de duoc nhan vao lam cong chuc va cap phat cong xa tai so 2/41 cu xa Cao Thang, thanh pho Saigon, cho den luc doi doi, du ba Nguyet dang tuoi me cua ong Hao nen hai vo chong cung khong the co duoc mun con nao. Voi danh vi Tien Si, ong co xin vao giang day tai Dai Hoc Luat Khoa Saigon va Can Tho, nhung vi la bang cua ong do mot truong dai hoc khong co gia tri o Thuy Si cap nen ong bi tu choi. Ong danh hang tuan to chuc yen tiec tai tu dinh tiep dai va lam quen nhung nhan vat then chot cua nen De Nhi Cong Hoa de tu tu tien than, vua qua tu the cua vo la vo tuong Ba Cut, PGHH, vua bang cach lay long cac vi Tong Truong duong thoi].
Dẫu sao thì ông cũng có đi học thiệt (khác với “học giả” hiện nay), bằng thiệt, có đến trường, đến lớp… Còn ông soạn luận án cách nào là điều bí mật, không ai biết. Trình độ văn hóa của ông đáng được thạc sĩ, tiến sĩ VC tôn làm sư phụ. Điều này không thể chối cãi. Nội cái chuyện ông phao tin để đánh lừa mà con cháu của “bậc thầy trí trá” tin nghe cũng đáng bậc “siêu sư phụ” của VC rồi: ông phao tin là ông có công giữ 16 tấn vàng cho chánh phủ cộng sản, không để cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lấy đi. Hồ Chí Minh mà sống cùng thời với ông tiến sĩ chắc phải bắt chước Châu Do ngửa mặt lên trời mà than: thiên sinh Thành, hà sinh Hão! Thời Tổng Thống Clinton, nhiệm kỳ 1, chính “tiến sĩ hão” đã đại diện cho CSVG đi “lịch sự” với bộ trưởng thương mãi Hoa Kỳ Ronald Harmon Brown để xin bãi bõ lệnh cấm vận.
Bây giờ trở lại vấn đề: bằng cấp hay bằng cắp XHCN?
Theo từ nguyên, bằng là bằng cớ, bằng chứng, cái gì đó để làm bằng, làm chứng việc đã xảy ra, như nhân viên cảnh sát lập vi bằng một tai nạn. Cấp là thứ bậc, trình độ như sĩ quan cấp cao, nhân viên cấp dưới. Vậy bằng cấp là giấy chứng nhận trình độ học thức của một người ở một cấp nào đó: tiểu học, trung học, cử nhân, cao học/ thạc sĩ, tiến sĩ. Giấy chứng nhận này là thành quả của công khó nhọc mài (mòn) quần trên ghế nhà trường, dù thông minh cũng phải thức khuya, dậy sớm chăm lo việc đèn sách.
Còn bằng cắp ai cũng biết, không cần phải giải thích dài dòng. Cắp là một hành động lén lút, lấy của người hay của chung làm của mình. Nếu công khai thì không còn là cắp nữa mà là cướp. Người không đi học, không đến trường, không đi thi mà có bằng thì đó đúng là “bằng cắp” rồi. Học lực bổ túc văn hóa lớp 5, viết một câu tiếng Việt không thông mà có bằng cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ thì đúng là đoạt… bằng cắp, dù có dấu ấn hay triện son của “bộ giáo dục và in bằng cắp” nhà nước XHCN ta.
Thử lấy một trường hợp cụ thể bằng cắp hiện nay ở quê hương… toàn chùm khế ngọt: Ông Lâm Xiếu, giám đốc Sở Bưu Điện An Giang hiện nay. Ông là một đảng viên công thần, xuất thân từ du kích xã. Học chưa hết lớp 5 trường làng, ông theo làm du kích VC. Cách mạng thành công, ông được thưởng công theo học lớp bổ túc văn hóa. Năm nào cũng thi đậu lên lớp dù ít khi đến lớp. Ông được kết nạp vào đảng, làm phó giám đốc, rồi giám đốc Sở Bưu Điện. Trong ba năm liên tiếp, ông đậu ba bằng cắp: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Năm 2006, báo chí (VC) phanh phui trường hợp “bằng cắp” của ông. Ông trả lời tỉnh khô, thật trơn tru, đúng bài bản XHCN: ông không dè ông có nhiều bằng cắp như vậy. Có vài nhân viên thấy ông ăn ở hiền lành, lãnh đạo tốt nên tự động đi thi dùm mà không cho ông biết. Đến bây giờ, nhờ báo chí nói ông mới biết. Rồi nhà nước vẫn để ông yên lành làm… “dám đốc!” Nếu bắt tội ông thì phải cách chức 99 phần trăm giám đốc hiện nay, lấy ai làm “đầy tớ nhân dân?” Nhân dân mà thiếu loại đầy tớ nầy thì lấy ai phục vụ? Đất nước sẽ ra sao? Hơn nữa, ông đâu có tội gì ngoại trừ tội… không hiếu học mà thích bằng cắp! Nguyễn Tấn Dũng cũng xuất thân từ du kích như ông, có học luật ngày nào đâu mà cũng ghi là đậu cử nhân luật và làm thái thú đại diện thiên quốc?
Đó là những con số “bằng cắp thật” do “bộ giáo dục và in bằng cắp” phát ra cho các quan chức giám đốc nhà nước: bằng cắp thật, cấp cho người thật, chỉ có kiến thức là giả thôi. Còn loại bằng giả người thật, bằng thật người giả, hay loại bằng thuê mướn để “tạm dùng” một thời gian (như thuê mướn áo cưới cô dâu, chú rể) thì như lá cây rừng, nước đại dương…, nhiều hơn bằng cắp của Wal*Mart, Viện Đại Học Nhân Dân lớn nhứt thế giới, bán ra.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, xã hội Việt Nam ngày nay quý chuộng bằng cấp và bằng cắp hơn bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới. Khi đăng tên ông giám đốc thì báo chí, cơ quan truyền thông nhà nước luôn luôn phải ghi thêm bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ… như tiến sĩ giám đốc Lê Văn Đực, thạc sĩ giám đốc Nguyễn Văn Mít. Còn giáo sư thì phải có ”học vị” tiến sĩ đi kèm như giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Rớt để phân biệt với… giáo sư Lý Chánh Trung hay loại giáo sư chỉ có học hàm mà không có học vị tiến sĩ. Mục đích là để cho thế giới tư bản không dám nghĩ lãnh tụ đảng và nhà nước ta thuộc loại mít đặc. Phóng viên, ký giả nào viết bài đăng báo -- tất cả phóng viên, ký giả đều là quốc doanh, ăn lương nhà nước và viết bài cho 700 tờ báo đảng -- mà quên chi tiết “bằng cắp” là chưa làm tròn thiên chức nhà báo (đời) XHCN; có thể bị kỷ luật vì làm giảm “chất lượng” các đầy tớ của nhân dân anh hùng ta!
HỌC VỊ
Xin mở ngoặc để nói về hai chữ “học vị”. Học vị nghĩa là bằng cấp. Thế thôi. “Bằng cấp” là chữ Việt. “Học vị” là tiếng Tàu phát âm Việt theo chủ trương “Việt Trung muôn năm hữu nghị” của bác và đảng! Trước 1975, trong Nam không ai dùng chữ học vị vì nó chứng tỏ tinh thần nô lệ trong cách dùng chữ. Mình có chữ mà không dùng, phải dùng từ Hán Việt để chứng tỏ là đỉnh cao trí tuệ. Mấy ông trí thức khoa bảng miền Bắc XHCN muốn chứng tỏ mình khác người, dùng chữ “học vị” thay bằng cấp cho oai hơn. Trước đây từ “học vị” chỉ dùng cho bằng cấp phó tiến sĩ và tiến sĩ thôi. Bây giờ thời đại đổi mới, mở cửa, dùng thêm cho thạc sĩ và cử nhân. Không ai nói bác Hồ có “học vị tiểu học sơ cấp” (lớp ba trường làng) dù đó là sự thật, trừ phi muốn mất chỗ đội nón.
Cho nên cái (mắc) dịch hiện nay ở xã hội Việt Nam là dịch bằng cấp và dịch bằng cắp. Nó nguy hiểm hơn dịch cúm gà. Nó giết mòn lòng tự trọng của cả dân tộc. Người ta tìm mọi cơ hội để trưng bằng cấp và bằng cắp, thiệt giả khó phân biệt. Có khi hàng giả trông lại bén mắt hơn hàng thiệt. Có “học vị” chẳng liên hệ gì đến công việc đang làm nhưng vẫn được trưng khoe ra:
· Thạc sĩ Lê Văn Khiên, Giám đốc Nhà Táng Ba Đình, Hà Nội
· Tiến sĩ Trần Văn Sai, chuyên đoán (mò) tương lai, tình duyên, gia đạo, làm ăn, lập gia đình, đầu tư, móc ngoặc, vượt biên…
· Cử nhân Đặng Thị Giả, chuyên viên tiếp thị, cung cấp hàng dỏm cho các chợ trời từ Nam ra Bắc…
· Phó Giáo sư Phó Tiến sĩ Vũ Văn Chơm, Giám đốc Hãng Xe Hàng Quá Tải chạy suốt…
Ngày xưa thì phú quý sinh lễ nghĩa. Nhưng lễ nghĩa đã bị chế độ XHCN và phương cách trồng người của bác Hồ đập phá tan hoang nên không còn mấy ai muốn “sinh lễ nghĩa” cả. Ngày nay đảng viên cán bộ cao cấp đã trở thành đại gia đỏ. Để vượt thoát mặc cảm bần nông thất học, lái heo thiến lợn, phu cạo mủ đồn điền cao su…, các đại gia đỏ ngày nay chơi trò “bằng cắp” như phú ông dốt đặc chơi cây kiểng. Chơi mà không biết trồng, không biết chăm sóc, không biết lịch sử của từng loại cây, ngay cả không cần biết tên cây kiểng. Do đó, giáo dục trở thành buôn chữ, bán bằng; bằng cấp biến thành bằng cắp!
Descartes, nhà toán học kiêm triết gia Phú-Lang-Sa trước đây, đã bạo phổi tuyên bố: “Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.” Câu này không còn hợp với trào lưu duy vật biện chứng pháp đang lộng hành ở đất nước ta. Suy nghĩ làm cho con người nhức đầu, nhức óc, đâu còn sáng suốt làm việc trị nước. Phụ nữ suy nghĩ nhiều quá thì trán nhăn, má lõm, tốn thêm tiền tân trang da mặt. Phải có cái gì cụ thể hơn để chứng minh sự hiện diện của mình và của người khác. Còn gì rõ rệt hơn mảnh bằng dán trên trán? Bằng cấp hay bằng cắp không thành vấn đề, ai có thời giờ “suy nghĩ” để biết thiệt hay giả? Tôi có bằng cấp/bằng cắp, càng to càng có thể. Vậy thì tôi có, tôi hiện hữu. Và ai muốn hiện hữu… như tôi thì phải biết, phải công nhận là… tôi có bằng cấp. Giản đơn như vậy!
Riêng có ba ngành “công an tra tấn,” “giải tán biểu tình,” và “khủng bố phá hoại” thì đảng ta vô địch, gồm nhiều nhân tài đỉnh cao trí tuệ, cả thế giới đều biết tiếng. Bộ Giáo Dục và bộ Công An nên phối hợp để lập học vị thạc sĩ và tiến sĩ ba ngành này cho các quốc gia như Miến Điện, Zimbabwe, Sudan, Somalia, Venezuela… gởi người đến học và tu nghiệp. Chắc chắn sẽ thu được nhiều ngoại tệ, đi buôn một vốn bốn lời!
Nếu nhân tài của chế độ CHXHCNVN mà có khả năng thì chỉ cần ¼ số thạc sĩ và tiến sĩ hiện có cũng đủ làm cho nước giàu dân mạnh. Rất tiếc!
Năm 2007, nhà nước cộng sản qua Bộ Giáo Dục và Đào Tạo lên kế hoạch “trồng người” khác: Từ nay đến 2020, tức 12 năm nữa, sẽ đào tạo thêm 20,000 tiến sĩ. Xin viết lại bằng chữ “hai chục ngàn tiến sĩ” để độc giả không nghĩ là người viết ghi thừa hai con số không. Hai chục ngàn, không phải 200 hay 2000! 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước và 10.000 tiến sĩ đào tạo ở các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nghĩ tới cảnh 10.000 tiến sĩ bằng cấp ngoại quốc về nước làm việc dưới sự lãnh đạo của các tiến sĩ “bằng cắp XHCN”…thật kinh hoàng, như trường hợp thạc sĩ Trần Đức Thảo, giáo sư đại học từ Pháp về chiến khu Việt Bắc năm 1950, phục vụ dưới quyền các đảng viên cán cuốc, cán mai. Rồi đâu cũng vào đó hết!
Nhà nước ta “trồng người” như nuôi gà nuôi lợn, nuôi trâu bò công nghiệp! Cứ nuôi ăn đủ tháng, đủ năm, đủ ký thì cho vào lò sát sinh lấy thịt. Đảng và nhà nước quen sử dụng thi nô, nhạc nô, nghệ nô, giáo nô theo đơn đặt hàng nên không thể nào hiểu ý nghĩa của sáng tạo và nghệ thuật. Học lên cấp tiến sĩ là phải có óc sáng tạo và sự sáng tạo không thể ấn định thời gian khi nào có, khi nào thành, và không phải ai cũng có thể nghĩ ra cái mới. Có người chỉ học tới cấp cử nhân hay cao học và dừng lại mà không thể đi xa hơn, trừ phi “đoạt lấy” bằng cắp tiến sĩ XHCNVN!
Anh thiến lợn dạo không thể lên kế hoạch mỗi tháng thiến bao nhiêu con heo vì còn phải tùy thuộc vào số heo nuôi và chủ heo có muốn thiến hay không. Ông bác sĩ không thể lập phương án mỗi tháng phải chữa lành bao nhiêu bệnh nhân vì không biết rõ bao nhiêu bệnh nhân đến khám, khám xong có tiền mua thuốc uống không và tình trạng sức khỏe hiện tại. Đảng có thể định mỗi tháng bắt bỏ tù bao nhiêu người vô tội, thả bao nhiêu người vô tội, cướp bao nhiêu mẫu đất của dân… vì những vấn đề này thuộc quyền sinh sát trong tay của đảng. Nhưng vấn đế chất xám và trồng người không phải là chuyên môn của bác, của đảng! Tội nghiệp quá! Thiên hạ chỉ có bốn bồ ngu, sao lại dành trọn hết?
Để có thể nghĩ ra cái mới, có óc sáng tạo là cả một quá trình học vấn, được khuyến khích suy nghĩ, tự do suy nghĩ, tìm thấy cái sai trong hiện trạng. Chế độ cộng sản chỉ muốn mọi người “nhứt trí” với đảng, với lãnh tụ đảng dù lãnh tụ là những người ít học, cán mai cán cuốc, chuyên chế về suy tư hơn bất cứ chế độ chính trị nào trong lịch sử loài người, thì làm sao có người dám nghĩ ra cái mới để làm luận án tiến sĩ?
Tìm khắp các quốc gia tiên tiến Tây Phương, các trường đại học danh tiếng, không có nơi nào dám bạo phổi định số người lãnh bằng tiến sĩ hàng năm như định mức trâu bò giết thịt. Các bịnh trầm kha của những người được tôi luyện bằng “tư tưởng HCM” là ở chỗ suy nghĩ tầm bậy tầm bạ mà cứ tưởng mình khôn nhất thiên hạ!
TU SĨ VÀ BẰNG CẤP
Người không đi tu háo danh, gian dối, lấy không làm có… là những việc làm sai trái thường xảy ra. Bởi đó mà người ta gọi cõi đời là thế gian, trần tục. Nhưng người tu hành mà gian dối, háo danh, khoe khoang, khoe bằng, khoe chức, khoe của… là điều không ai có thể chấp nhận được. Người tu hành bất cứ đạo nào phải là hình ảnh khiêm cung, siêu thoát, đơn giản trong cung cách sống và lời nói. Nếu không, sao xứng đáng gọi là lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn đời sống tâm linh? Vậy mà bịnh khoe bằng cấp/bằng cắp vẫn không tha giới tu sĩ Việt Nam trong nước và nhất là ở hải ngoại.
Một thượng tọa có bằng Ph. D. chủ lễ cầu siêu cho người chết có gì khác hơn một thượng tọa không có Ph. D.? Sao lại phải khai ra? Đức Phật Thich Ca sau khi xuất gia tu hành đâu còn xưng mình là Thái Tử? Chính cái tâm, cái đức của người tu hành, không phải cấp bằng hay chức tước, mới thật sự quan trọng.
Linh mục là chức thánh do Đức KiTô lập nên trước khi thọ hình. Chức này phải cao cả hơn hết ở thế gian, không gì có thể so sánh được. Người ta có thể bỏ tiền ra mua bằng cắp, chạy chọt quan chức nhưng không thể dùng tiền mua chức linh mục. Trong thời gian 15 năm qua ở Việt Nam, có trường hợp gia đình phải cắn răng chi tiền, “lịch sự” với quan chức cộng sản để chi bộ đảng cộng sản chấp thuận cho con em được phong chức linh mục, nhưng đây không phải là mua chức vì ứng cử viên đã hội đủ mọi điều kiện đối với Hội Thánh và giáo quyền:
Thế chiến quốc thế Xuân Thu
Gặp thời thế thế thời phải thế!
Gặp thời thế thế thời phải thế!
Nhưng một số lớn linh mục đã không cảm thấy chức linh mục là chức cao quý nhất nên mới có thêm những tước vị lòng thòng đi kèm, để phân biệt cá nhân mình với các linh mục... tầm thường khác: linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn A, linh mục tiến sĩ Vũ Văn M, linh mục giáo sư tiến sĩ Lê Văn X... Soạn nhạc, viết nhạc thì giáo dân biết mình là nhạc sĩ rồi, cần gì phải xưng danh là “linh mục nhạc sĩ”? Và xưng để làm gì? Bán CD, DVD nhạc? Ở Hoa Kỳ hầu hết các giáo sư đều có bằng Ph. D. Giáo sư mà không có bằng Ph. D. thật là họa hiếm và phải thật giỏi, xem bằng Ph. D. chẳng vào đâu nên không bận tâm đạt lấy, như trường hợp linh mục Henri Nouwen, tác giả hơn 40 quyển sách nổi tiếng. Vậy đâu cần thiết phải xưng danh là “giáo sư tiến sĩ”? Trừ phi muốn phân biệt mình với các “giáo sư” từ Việt Nam chạy sang! Đôi khi chính các ông các bà giáo dân đã tự động gọi nâng các cha cố, các thầy của mình lên khiến các ngài lỗi đức khiêm nhường và bị “tục hóa!”
Một vấn đề khác đáng nói là hiện tượng manh nha trong giới tu sĩ VN ở hải ngoại trong mười năm qua là hiện tượng học tiến sĩ hàm thụ online từ một số trường, nhất là các trường hàm thụ ở tiểu bang California. Tiểu bang California có quy chế xin mở trường đại học khá đặc biệt và lỏng lẻo. Vài người có bằng Ph. D. hợp lại là có thể xin mở trường đại học gồm... một thầy, một cô, một chó cái! Các trường này không được các hội nghề nghiệp chuyên môn liên hệ công nhận (accredited). Sinh viên học hàm thụ online, một năm hai lần về trường để ôn tập một tuần. Nhưng học phí thì rất đắc, và khi “tốt nghiệp” chỉ dùng bằng cấp/học vị để treo tường, in trên thiệp mà không tìm được việc làm tương xứng. Nói khác, đây là những trường chuyên phân phát “bằng cắp,” dành cho các sinh viên ngoại quốc thuộc thành phần con ông cháu cha, cô chiêu cậu ấm thích du hí mà không thích học, nhưng lại muốn có... bằng cấp to để về nước lòe thiên hạ và nối nghiệp cha ông! Vậy rõ ràng những trường... học đại này được lập ra không phải vì mục đích giáo dục, và người theo học cũng không phải muốn học mà chỉ muốn có... bằng cắp! Một linh mục VN theo học trường loại này, đỗ bằng “Psych Doc” (Tiến sĩ Tâm Lý Học!), đã ghi hai chữ này khá to sau chức linh mục và tên mình trên các bài viết trên mạng! Nhưng cũng có linh mục tự trọng, đậu bằng cắp loại này không dám khoe!
Trong ba năm qua, vài ba linh mục Việt Nam có bằng tiến sĩ họp nhau lại lập chương trình học tiến sĩ hàm thụ về tôn giáo/thần học/mục vụ ở California để giúp các linh mục VN... hiếu học. Chương trình học ba năm, bằng tiếng Việt với học phí hơn 20.000 đô la một năm. Vài giáo xứ, cộng đoàn VN phải... gánh chịu học phí này một cách bất đắc dĩ để linh mục chánh xứ/ quản nhiệm của mình... tu học thêm, để giảng Lời Chúa về phép công bằng cho đúng hơn?!
Từ cát bụi hình thành, con người sẽ trở về với bùn đất, cát bụi. Danh vọng, quyền hành, bằng cấp/bằng cắp… không làm đổi thay thân phận con người: chết! Người tu hành há chẳng biết câu “Việc đời thành hay bại, muôn sự cũng là không?” Sao lại thích bon chen giữa chợ đời trần tục, thế gian đầy gian dối?
“Bác hỏi tôi đi học để làm gì?”
Câu hỏi này khởi đầu một bài tập đọc trong quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” lớp ba mà nhiều đọc giả có học qua, thời 1947-1954. Nếu câu trả lời là:
“Tôi đi học để biết đọc, biết viết, biết tính toán... và làm quan để cả họ được nhờ...” thì học tiến sĩ ở đâu, trường nào cũng không thành vấn đề. Nếu mục đích chỉ có vậy thôi thì hà tất phải học đến “học vị tiến sĩ” chi cho mệt xác thân. Và nếu là con cháu đại gia đỏ thì cứ theo nguyên tắc“trước là du hí, sau là online, hàm thụ” để về tiếp nối sự nghiệp cha ông làm lãnh đạo! Dịch ra tiếng Việt thì “tiến sĩ” nào cũng là tiến sĩ. Ph. D. của phái bạch đạo và Ph. D. hay Doctor của phe hắc đạo hàm thụ online đâu khác gì! Có dấu trademark Made in USA mang về Việt Nam là nhứt rồi. Ra Wal*Mart mua mẫu bằng Ph. D., Doctor, Master, Bachelor... rồi viết tên mình vào, về Việt Nam ai biết? So với bằng cắp của nhà nước CHXHCNVN còn đẹp hơn nhiều!
“Là người trí thức trước hết là phải biết ngượng” (Nguyễn Văn Lục). Còn biết ngượng là còn muốn hướng về cùng đích Chân, Thiện, Mỹ. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, tìm ra ông thạc sĩ, tiến sĩ được nuôi dưỡng bằng “tư tưởng Hồ Chi Minh” biết ngượng quả là điều rất khó. Lãnh tụ đảng, nhà nước, quốc hội, cả bộ chánh trị và trung ương đảng, quan chức, nói khác cả bộ máy cầm quyền thống trị nói láo thật trơn tru, không mắc cỡ thì bảo đàn em dưới trướng “biết ngượng” sao được? Biết ngượng thì sao gọi là… con người mới xã hội chủ nghĩa? Biết ngượng là dấu chỉ của con người trưởng thành, văn minh. Thử hỏi Trần Huy Liệu có biết ngượng khi gia công nặn đẽo “anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tám” làm thần tượng cho các cháu ngoan bác Hồ?
Với phương cách trồng người của bác và đảng, “khỉ trình luận án, đười ươi giảng bài” thì thành quả “bằng cấp” trở thành “bằng cắp” đâu có chi lạ! Điều lạ là lòng tự trọng của cả một dân tộc bị kẻ cầm quyền cưỡng bức mà chế độ vẫn tiếp tục tồn tại…
Thằng Mõ