Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tài liệu về tác giả, tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 1993)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tài liệu về tác giả, tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 1993)


    Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) sinh tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

    Năm 1924, Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng hơn mười năm, trường MTĐD đã đặt nền tảng cho một nền nghệ thuật mới hình thành và phát triển ở Việt Nam.

    Nguyễn Gia Trí vào học Trường Mỹ Thuật Đông Dương khóa 5, nhưng bỏ học nửa chừng, sau đó nghe theo lời khuyến khích của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu, ông trở lại Trường, theo học khóa 7 vào năm 1931 và tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Chỉ vài năm sau đó, Nguyễn Gia Trí đã trở thành một họa sĩ nổi bật của trên đất Hà thành thời thập niên 40-50. Lúc đó đã có lời truyền tụng trong ngành hội họa: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, và Trần Văn Cẩn). Năm 1954, ông và di cư vào Nam.

    Ở Sài Gòn, ông tiếp tục sáng tác và đã để lại một sự nghiệp hội họa to lớn. Năm 1975, thấy sự thay đổi ở Miền Nam quá phũ phàng, Nguyễn Gia Trí dường như không còn muốn sáng tác nữa và ông sống ẩn cư cho đến lúc mất vào năm 1993.

    (Ảnh: Bức tranh khắc gỗ “Kẻ khó không lo ba ngày Tết” in trên giấy dó, phụ bản Giai Phẩm Đời Nay, 1943)

    Ad DTT





    Họa sĩ Nguyễn Gia Trí
    Nguyễn Gia Trí
    1908
    Chương Mỹ, Hà Tây
    20 tháng 6 năm 1993
    Thành phố Hồ Chí Minh
    Việt Nam
    Hội họa, sơn mài
    Dọc mùng
    Thiếu nữ trong vườn
    Vườn xuân Trung Nam Bắc
    Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) là một hoạ sĩ, nhà đồ hoạ, biếm hoạ Việt Nam. Ông cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn là bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn).



    Miên man về sáng tạo – Nguyễn Gia Trí về Sáng tạo & Mỹ thuật
    Xin giới thiệu đến bạn đọc bút ký của “Hai chân dung lớn của nền mỹ thuật Việt Nam với những suy nghĩ về Sáng Tạo và Công việc sáng tạo nghệ thuật”




    Vườn xuân – Nguyễn Gia Trí
    Nguồn: internet


    “Người ta không làm nghệ thuật bằng sự thông minh” Trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo – Nguyễn Xuân Việt ghi – NXB Văn học, 1998



    01.06.1975


    Cứ vẽ, gặp cái gì vẽ cái đấy. Vẽ cho nhanh, cho kịp cảm xúc của mình. Phải luyện mắt để nhìn, để thấy cái đẹp. Vẽ làm sao phải tạo được cuộc sống, cuộc sống xanh tươi như hoa cỏ. Nếu tự mình không cảm xúc, không sáng tạo, thì không ai có thể giúp mình sáng tạo được.


    05.01.1976


    Đứng trước thiên nhiên và con người phải xua đuổi mọi lý thuyết, giao cảm trực tiếp với con người và thiên nhiên mình vẽ. Nên tạo sự thông cảm giữa giấy, mực, bút, chất liệu để làm nên tác phẩm. Mỗi chất liệu có tiếng nói riêng, phải hiểu chất liệu của tiếng nói ấy. Tính dân tộc không phải là lý thuyết, định kiến, nó từ tình cảm và cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc tạo nên.Bản chất và tính cách của mỗi người họa sĩ hiện lên trên tác phẩm như thô bạo, trong sáng hoặc khỏe khoắn, yếu ớt… Vẽ nhiều chất liệu, thể loại để mở mang đầu óc.


    28.03.1976


    Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó. Người nghệ sĩ có sáng tạo, thì để tay vào cái gì, cái ấy thành nghệ thuật.Hãy cứ đi mãi, làm việc mãi, đừng nghĩ đến đích. Chỉ riêng tìm thấy chút cái đẹp mong manh, cũng là cả một quá trình mệt nhọc của người nghệ sĩ. Khi vẽ là chúng ta sử dụng cái hữu hình để nói cái vô hình. Sa lầy vào lý luận, cảm xúc văn học, là rất nguy hiểm. Nhìn hình phải rõ hơn. Vẽ thế nào để người ta thấy: cây này khác cây kia. Chủ yếu là do con mắt, nhìn hình chắc thì nét vẽ chắc, màu chắc.

    15.06.1976


    Giữ tâm linh trong sáng. Đừng để nó bị mờ đi vì tiền tài danh vọng. Tâm linh người nghệ sĩ là ngọn lửa nuôi sống nghệ thuật, nuôi sống con người. Mỗi nghệ sĩ có bước đi riêng, và phải là bước đi thực sự. Phải sống thực thì cuộc sống mới phát triển. Những cây có hoa thơm, trái ngọt, là những cây thực sự sống. Sống mãnh liệt, sống vui tươi. Nó có biết đâu từ khi nó nhỏ xíu, cho đến lúc nó ra hoa, ra quả…điều phải đến sẽ đến, nếu anh biết sống và làm việc đúng cách, dám đặt ra những cái lớn, để đi sâu vào, đi đến đích. Phải có đề cao với mọi cám dỗ của tiền bạc, danh vọng. Tiền là cái để mình sống và làm việc thuận tiện hơn, khi tạm đủ rồi thì phải hết sức xa rời nó. Đừng bao giờ đem so sánh việc mình làm với người khác. Đi sâu vào thiên hướng mình để tìm ra cái đẹp của riêng mình. Rất ít người có thể sống trong hiện tại. Thường thì người ta sống vì quá khứ hoặc vì tương lai. Người nghệ sĩ làm nghệ thuật, trong lúc làm, đó là họ đang sống hiện tại với cái nghĩa đúng nhất. Làm nghệ sĩ phải chấp nhận đói rách, thiếu thốn. Sáng tạo là mình phải vượt lên mình để tìm cái mới. Bắt chước mình hôm qua là chết.




    Thiếu nữ và hoa Phù Dung, tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, 1944

  • #2
    20.02.1977


    Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay. Mà như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối, để tìm cái đẹp. Như người mẹ mang thai, không thể bắt con mình là trai hay gái, đẹp hay xấu. Mà cầu mong ở con người mình, ở chính phúc đức và chính thể chất của mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn và đẹp đẽ. Người nghệ sĩ không thể quyết định được tất cả. Nhưng người nghệ sĩ có trong mình niềm tin là sẽ sáng tạo ra cái đẹp.



    30.07.1977


    Không nên áp đặt theo ý muốn, không nên làm trái tự nhiên. Phải có bản lĩnh, phát triển hết sức sáng tạo của mình. Không có vẽ giỏi, vẽ khéo, mà chỉ có vẽ bằng tâm huyết, không làm xiếc. Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, có những người sống trong tù quen rồi. Do đó họ không buồn, không băn khoăn vì sự mất tự do của mình. Vẽ là phải cảm thấy tự do, trên tất cả các chất liệu mình sử dụng. Học tập người khác, học để hiểu cái ý vì sao học vẽ như vậy? Còn học hình, màu, cái nhìn thấy, là bắt chước cái vỏ của họ. Vẽ hiện đại là vẽ từ thiên nhiên, từ con người mà ra. Còn những cái mình cho là hiện đại bằng cách nghĩ ra, thì đã cũ rồi vì những cái ấy đã có. Cách làm việc: cứ phát triển theo khả năng của mình. Như cây cỏ lớn lên, tuổi cây có thọ, yểu: cây chuối vài tháng, cây mít năm mười năm. Con người cũng vậy, phát triển chậm nhanh là ở mỗi người. Khi vẽ mình không cần ai khen, không sợ ai chê, không cần bán. Mình làm với lương tâm và ý muốn của mình. Tất cả là ở cái đầu mà ra. Không nên phân biệt trang trí với hội họa.

    26.11.1977


    Người ta không thể truyền tình cảm của mình vào tranh. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Tự trong mình có cái gì thì sẽ truyền ra như thế. Nghệ thuật là tạo sự thăng bằng. Tình cảm thăng bằng, bố cục thăng bằng. Những tình cảm khác trong cuộc sống thì nên tiết chế. Làm nghệ thuật là để tránh cái ngu xuẩn. Nghệ thuật là tìm tòi. Nếu người ta biết hết cái đẹp rồi thì cần gì phải tìm tòi, cần gì phải vẽ nữa.



    22.06.1978


    Tình cảm như dầu xăng, cho vào máy thì máy chạy, nếu đổ ra đất thì chỉ là nước. Phải biết điều khiển, điều hòa nó. Học nghệ thuật là phải tự học lấy. Mỗi người có một linh tính. Phải theo sự hướng dẫn của linh tính. Lý luận chỉ bó hẹp trong phạm vi nào đó. Còn linh tính thoát khỏi mọi thứ. Đi học phải biết chọn thầy, chọn bạn. Phải biết bảo vệ linh tính của mình. Không để ai đụng chạm đến linh tính. Một ông thầy đụng chạm đến sáng tạo linh tính của học trò là một ông thầy dốt. Việc chọn lựa dù theo chất liệu nào phải tự mình nghĩ lấy. Thứ nào hợp với mình thì mình theo, không nghe ai cả. Ở nước mình sơn dầu hay bị mốc. Tranh trừu tượng là một ngôn ngữ mới, có làm mới hiểu. Nếu định mười năm nữa sẽ vẽ trừu tượng thì không được đâu. Cái ấy do làm việc mà dẫn đến. Người nghệ sĩ làm việc theo linh tính chứ không theo lý luận. Làm việc càng nhiều thì linh tính càng bén nhạy. Việc tiến đến những cái lớn như người nhen ngọn lửa, lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Những bức tranh đã làm xong không quan trọng. Quan trọng là lúc đang làm. Sau khi làm xong nó như bài tập đã hoàn thành. Phải hướng đến cái khác. Trước kia, “Manet” đi tìm hứng khởi ở tranh Nhật Bản, Picasso đi tìm hứng khởi ở tượng da đen. Mỗi cái mình nhìn, mình xem đều học được một cái gì đó. Mỗi họa sĩ có con đường đi riêng, không ai giống ai, Picasso mà vẽ lại Picasso cũng là trang giả của Picasso. Giữa xã hội và nghệ sĩ như cây với đất, hai thứ ấy nuôi sống lẫn nhau. Giữa tranh cổ điển và tranh trừu tượng, thứ đi bằng chân, thứ đi bằng đầu. Một thứ là ngôn ngữ phổ biến. Một thứ là ngôn ngữ mới nảy sinh. Với ngôn ngữ thông thường nói với nhau còn khó hiểu, huống chi nói bằng ngôn ngữ hội họa. Với người học vẽ đến cao đẳng, thầy dạy đã là một thứ vướng víu. Chọn thầy mình thích và tranh mình thích và xem.


    26.11.1978


    Nghệ thuật là đi tìm cái thực. Con người mình như thế nào thì nó hiện ra như thế. Không giấu diếm làm giả mạo được. Lúc nào cũng là người đi học. Mỗi tranh làm ra chỉ là phương tiện để mình học, làm việc. Từ công việc mà suy nghĩ, tìm tòi hướng phát triển. Bạn bè, thầy giáo giúp đỡ chỉ là thứ yếu. Tự mình đi là chính. Như cây mọc lên. Từ cái mọc của nó mà rút ra kinh nghiệm. Xem tranh, học ở tranh người khác, phải có trình độ thì mới hiểu được, thấy được vấn đề. Xem nhiều có cái ảnh hưởng lớn cái không đẹp của người ta. Nói chung phải làm việc nhiều. Sử dụng chất liệu này chán, thì chuyển sang chất liệu khác. Người ta không làm nghệ thuật bằng sự thông minh.
    (Bút kí được đăng lại với sự cho phép của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt )

    Ngày 28/6 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật, gồm 73 bức - phần nào phác họa được diện mạo và sức làm việc bền bỉ của danh họa này. Bên cạnh sự kì công và niềm hân hoan mà triển lãm đã mang lại cho công chúng, thì vẫn còn đó những băn khoăn, không chỉ cho bảo tàng, mà cho cả nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đơn cử như câu hỏi: Di sản nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí rất đồ sộ, vậy bây giờ có thể xem ở đâu?

    Nhiều tư liệu để lại cho thấy những năm 1970, tài sản của Nguyễn Gia Trí là hàng ngàn cây vàng, nhưng ông đã dành gần như toàn bộ cho sáng tạo sơn mài, đến khi ra đi, ông chỉ còn vài tấm tranh cùng phác thảo và căn nhà dột mưa ở TP.HCM. Chi tiết này cho ta thấy tài sản sơn mài của ông là không ít, nhưng hiện nay tại Việt Nam không còn nhiều, qua lại chỉ khoảng 5-7 tranh khổ lớn, 15-20 bức khổ nhỏ, phần lớn những bộ tranh 3 tấm, 4 tấm, 5 tấm, 6 tấm tiêu biểu của đời ông đã ở nước ngoài.

    Từ cuối thập niên 1980, tranh của Nguyễn Gia Trí đã được xem là di sản quốc gia, cấm mang ra khỏi Việt Nam, nhưng đây đó vẫn có những móc nối để giao dịch. Nhìn mặt tiêu cực thì việc này cho thấy hiện tượng chảy máu nghệ thuật vẫn liên tục, nhưng nhìn ở khía cạnh khác, cho thấy tác phẩm của Nguyễn Gia Trí vẫn đầy hấp lực trên thị trường. Nếu không nhờ thị trường nhanh chóng săn đón (từ thập niên 1940), chắc chắn vị thế của Nguyễn Gia Trí trong biểu đồ nghệ thuật quốc tế và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không lớn lao như ngày nay.




    Danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh NC


    Bơ vơ… phác thảo

    Triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật là một nỗ lực đáng khen ngợi của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, khi mà họ đã chứng tỏ được hai điều: Cố gắng sưu tập và cố gắng quảng bá. Bên cạnh 73 phác thảo, mà nhiều bức có thể đứng độc lập như một tác phẩm, triển lãm còn giới thiệu lại những tư liệu, bài viết, hình ảnh… để người xem hiểu hơn về danh họa. Tuy nhiên phần lớn những phác thảo này không có tên và không ghi năm hay giai đoạn sáng tác, một chi tiết gần như bắt buộc để hiểu về con đường nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí.

    Thiếu sót này cho thấy bản thân danh họa cũng không chú trọng việc ghi chú; mà Việt Nam lại đang thiếu những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật để xác định thời gian, danh tính. Cho nên, khi sưu tập xong, bảo tàng chỉ còn biết “để nguyên hiện trạng” mà trưng bày, không thể tự tiện thêm bớt.

    Về phong cách, Nguyễn Gia Trí chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng của châu Âu cho tới phong cách thủy mặc, dân gian, truyền thống mỹ nghệ của châu Á và Việt Nam. Thập niên cuối đời, ông còn đi sâu vào chủ nghĩa trừu tượng, một phong cách mà ông từng thể nghiệm qua vài tác phẩm từ sau năm 1954. Vì không xác định được thời gian của phác thảo, nên triển lãm chấp nhận phân loại tàm tạm, đôi khi lộn xộn, để trưng bày; có phòng gồm cả phong cách hiện thực và trừu tượng.





    Tác phẩm Vườn Xuân Trung Nam Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

    Trong ghi chép đề ngày 28/3/1976, Nguyễn Gia Trí viết: “Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó”, trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi, NXB Văn học, 1998. Có lẽ suy nghĩ này đã theo ông đến hết cuộc đời, nên phần lớn phác thảo ông ít ghi chú điều gì, trừ chữ ký?

    Chính vì vậy, đi giữa một không gian trưng bày bề thế, với đa số các phác thảo còn lành lặn, vậy mà vẫn cảm thấy bơ vơ. Bơ vơ vì nó chỉ giúp người xem hình dung một phần về thẩm mỹ của tác giả, mà chưa giúp định hình được quá trình và lịch sử sáng tác. Điểm này rất cần sự tiếp tay bổ túc của nhiều nhà nghiên cứu và cả những người như Nguyễn Xuân Việt, được xem là học trò cuối cùng của Nguyễn Gia Trí (?).





    Tác phẩm Giáng sinh tại tu viện Mai khôi
    Hiếm hoi còn ở lại

    Chưa có một con số chính xác về số tác phẩm mà Nguyễn Gia Trí đã sáng tác, nhưng có một ước đoán: phần lớn tác phẩm của ông đang được lưu trữ ở nước ngoài.
    Một số tranh sơn mài đáng chú ý của Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn 1938 đến trước 1945 là: Chợ Bờ, Dọc mùng, Bên hồ Gươm, Đêm Bồ Tùng Linh, Khỏa thân, Cảnh thiên thai, Chùa Thầy, Đèn Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen, Giáng sinh… Đặc biệt bức Thiếu nữ trong vườn, gồm 6 tấm, tổng cộng 12m2, bán cho ông Giám đốc Sở Điện - Nước miền Bắc Đông Dương.
    Nếu bạn ở TP.HCM, thì có thể xem một số tác phẩm nổi tiếng của ông. Đầu tiên là mua vé vào Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nơi trưng bày bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc (200 x 540cm), gồm 9 tấm, từng được bảo tàng này mua với giá 600 triệu đồng, tương đương 100 ngàn USD hồi 1991.
    Theo nhà thơ Hoàng Hưng: “Lúc tranh (Vườn Xuân Trung Nam Bắc) đang làm dở, có người trả 14 lượng vàng ông không chịu bán. Mãi cho đến năm 1990, khi UBND TP.HCM quyết định mua tác phẩm, nó vẫn chưa hoàn chỉnh như ý đồ của họa sĩ. Một phần vì khó khăn về nguyên liệu (bà Trí phải bán dần vóc và son để mua từng thếp vàng cho tranh). Phần quan trọng là vì họa sĩ bắt đầu lâm bệnh: trận tai biến mạch máu não đầu tiên xảy ra vào năm 1988, sau đó còn hai lần nữa trước khi ông qua đời. Do đó khâu làm vàng mặt tranh ông phải giao phó cho học trò là Nguyễn Xuân Việt”, trích từ bài Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật. “Dấu ấn” của Nguyễn Xuân Việt và vài chỗ chưa hoàn chỉnh trong tác phẩm hiện vẫn còn nhìn thấy, ví dụ như áo dài mất màu của thiếu nữ trong tấm thứ 4, hay của cây đàn tranh trong tấm thứ 5, từ trái sang. Tuy vậy, tác phẩm này vẫn xứng đáng là kiệt tác của sơn mài Việt Nam.





    Tác phẩm nổi tiếng Thiếu nữ bên cây phù dung tại Bảo tàng Đức Minh
    Lúc sinh thời, Nguyễn Gia Trí có tâm nguyện giữ lại 3 bức sơn mài khổ lớn là Hoài niệm xứ Bắc, Trừu tượng, Múa dưới trăng (sáng tác giai đoạn 1968 - 1969), do bà Trần Lệ Xuân mua định tặng Nhật hoàng. Hiện nay tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1) có treo một bức khổ lớn của Nguyễn Gia Trí tên Hoài niệm xứ Bắc (1969), nhưng do thời gian và cách bảo quản trong điều kiện bình thường, màu đôi chỗ đã bị phai. Cũng rất tiếc là chưa có một nghiên cứu đầy đủ về tác phẩm này.

    Nếu không nhờ thị trường nhanh chóng săn đón, chắc chắn vị thế của Nguyễn Gia Trí trong biểu đồ nghệ thuật quốc tế và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không lớn lao như ngày nay
    Một tác phẩm độc đáo khác là Giáng sinh (130 x 237cm, 1941, 3 tấm), nơi ông đã Việt hóa và tân thời quang cảnh cùng các nhân vật trong Kinh Thánh. Hiện tác phẩm này treo ở nhà nguyện của tu viện Mai Khôi (44 Tú Xương, Q.3), dễ dàng đến xem vào sáng Chủ nhật, sau các giờ lễ.

    Một tác phẩm nổi tiếng khác là Thiếu nữ bên cây phù dung (129 x 176cm, 1944), hiện được nhà sưu tập Bùi Quốc Chí treo ở Bảo tàng Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM).
    Ngoài ra, Nguyễn Gia Trí còn có một số tác phẩm tiêu biểu sau năm 1954 như Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua… Nguyễn Gia Trí còn là nhà biếm họa sắc sảo, nhà đồ họa quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam


    “Thầy” của Nguyễn Gia Trí

    Họ là Joseph Inguimberty (1898 -1971) và Alix Ayme (1894-1989), những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thử hỏi, nếu ban giám đốc trường không thông qua và những họa sĩ như Joseph Inguimberty, và đặc biệt là Alix Ayme, không có quyết tâm nghiên cứu, giảng dạy sơn mài, liệu Nguyễn Gia Trí có nhanh chóng đưa sơn mài mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật không? Chắc là không!
    Trong cuốn Mỹ thuật hiện đại Việt Nam (NXB Mỹ thuật, 1996), trang 23, họa sĩ Quang Phòng viết: “Trong sự phát triển sơn mài, Joseph Inguimberty là người có công rất lớn. Ông nghiên cứu sâu sắc về chất “sơn An Nam” (laqued’Annam) và sành sỏi không kém gì bác Phó Thành (tức nghệ nhân sơn mài Ðinh Văn Thành 1898–1977), người mà ông gần gũi trong suốt 20 năm dạy học ở Hà Nội. Nguyên là giảng viên chính môn sơn dầu, ông chểnh mảng nhiệm vụ để chỉ say sưa triền miên theo dõi các sáng tác sơn mài của sinh viên, hướng dẫn họ các giải pháp hiệu quả nhất trong việc thể hiện những cảnh người gồng gánh qua đình, qua quán, qua cầu, trên đồng ruộng, những đề tài mà ông thích thú thể hiện bằng sơn dầu...”.




    Alix Aymé đang làm sơn mài

    Người có ảnh hưởng (nhất là về cảm hứng sơn mài) đến Nguyễn Gia Trí là Alix Ayme, đương thời nữ họa sĩ này sáng tác nhiều tranh sơn mài. Bà giảng dạy trong các năm 1934-1939, còn năm mà Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp là 1936. Cũng xin nói thêm, Nguyễn Gia Trí học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hai lần: khóa 4 (1928 - 1933), nhưng nghỉ nửa chừng, sau đó học lại khóa 7 (1931 - 1936), tốt nghiệp bằng một tác phẩm lụa.


    Trong cuốn L’Indochine: Un Lieu D’écharge Culturel? Les Peintures Française Et Indochinois (Đông Dương: nơi giao lưu văn hóa? Những họa sĩ Pháp và chuyến du hành sang Đông Dương) xuất bản tại Paris năm 1997, trang 164, nhà nghiên cứu Nadine Andre-Pallois cho biết: ngoài việc vẽ sơn mài, Alix Ayme còn viết rất nhiều bài nghiên cứu lịch sử và kỹ thuật sơn mài ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, An Nam, in trên các tạp chí chuyên ngành ở Pháp và để giảng dạy cho sinh viên.

    Comment

    Working...
    X