Năm 1924, Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng hơn mười năm, trường MTĐD đã đặt nền tảng cho một nền nghệ thuật mới hình thành và phát triển ở Việt Nam.
Nguyễn Gia Trí vào học Trường Mỹ Thuật Đông Dương khóa 5, nhưng bỏ học nửa chừng, sau đó nghe theo lời khuyến khích của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu, ông trở lại Trường, theo học khóa 7 vào năm 1931 và tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Chỉ vài năm sau đó, Nguyễn Gia Trí đã trở thành một họa sĩ nổi bật của trên đất Hà thành thời thập niên 40-50. Lúc đó đã có lời truyền tụng trong ngành hội họa: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, và Trần Văn Cẩn). Năm 1954, ông và di cư vào Nam.
Ở Sài Gòn, ông tiếp tục sáng tác và đã để lại một sự nghiệp hội họa to lớn. Năm 1975, thấy sự thay đổi ở Miền Nam quá phũ phàng, Nguyễn Gia Trí dường như không còn muốn sáng tác nữa và ông sống ẩn cư cho đến lúc mất vào năm 1993.
(Ảnh: Bức tranh khắc gỗ “Kẻ khó không lo ba ngày Tết” in trên giấy dó, phụ bản Giai Phẩm Đời Nay, 1943)
Ad DTT
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí |
|
Nguyễn Gia Trí | |
1908 Chương Mỹ, Hà Tây |
|
20 tháng 6 năm 1993 Thành phố Hồ Chí Minh |
|
Việt Nam | |
Hội họa, sơn mài | |
Dọc mùng Thiếu nữ trong vườn Vườn xuân Trung Nam Bắc |
Miên man về sáng tạo – Nguyễn Gia Trí về Sáng tạo & Mỹ thuật
Xin giới thiệu đến bạn đọc bút ký của “Hai chân dung lớn của nền mỹ thuật Việt Nam với những suy nghĩ về Sáng Tạo và Công việc sáng tạo nghệ thuật”
Vườn xuân – Nguyễn Gia Trí
Nguồn: internet
“Người ta không làm nghệ thuật bằng sự thông minh” Trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo – Nguyễn Xuân Việt ghi – NXB Văn học, 1998
01.06.1975
Cứ vẽ, gặp cái gì vẽ cái đấy. Vẽ cho nhanh, cho kịp cảm xúc của mình. Phải luyện mắt để nhìn, để thấy cái đẹp. Vẽ làm sao phải tạo được cuộc sống, cuộc sống xanh tươi như hoa cỏ. Nếu tự mình không cảm xúc, không sáng tạo, thì không ai có thể giúp mình sáng tạo được.
05.01.1976
Đứng trước thiên nhiên và con người phải xua đuổi mọi lý thuyết, giao cảm trực tiếp với con người và thiên nhiên mình vẽ. Nên tạo sự thông cảm giữa giấy, mực, bút, chất liệu để làm nên tác phẩm. Mỗi chất liệu có tiếng nói riêng, phải hiểu chất liệu của tiếng nói ấy. Tính dân tộc không phải là lý thuyết, định kiến, nó từ tình cảm và cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc tạo nên.Bản chất và tính cách của mỗi người họa sĩ hiện lên trên tác phẩm như thô bạo, trong sáng hoặc khỏe khoắn, yếu ớt… Vẽ nhiều chất liệu, thể loại để mở mang đầu óc.
28.03.1976
Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó. Người nghệ sĩ có sáng tạo, thì để tay vào cái gì, cái ấy thành nghệ thuật.Hãy cứ đi mãi, làm việc mãi, đừng nghĩ đến đích. Chỉ riêng tìm thấy chút cái đẹp mong manh, cũng là cả một quá trình mệt nhọc của người nghệ sĩ. Khi vẽ là chúng ta sử dụng cái hữu hình để nói cái vô hình. Sa lầy vào lý luận, cảm xúc văn học, là rất nguy hiểm. Nhìn hình phải rõ hơn. Vẽ thế nào để người ta thấy: cây này khác cây kia. Chủ yếu là do con mắt, nhìn hình chắc thì nét vẽ chắc, màu chắc.
15.06.1976
Giữ tâm linh trong sáng. Đừng để nó bị mờ đi vì tiền tài danh vọng. Tâm linh người nghệ sĩ là ngọn lửa nuôi sống nghệ thuật, nuôi sống con người. Mỗi nghệ sĩ có bước đi riêng, và phải là bước đi thực sự. Phải sống thực thì cuộc sống mới phát triển. Những cây có hoa thơm, trái ngọt, là những cây thực sự sống. Sống mãnh liệt, sống vui tươi. Nó có biết đâu từ khi nó nhỏ xíu, cho đến lúc nó ra hoa, ra quả…điều phải đến sẽ đến, nếu anh biết sống và làm việc đúng cách, dám đặt ra những cái lớn, để đi sâu vào, đi đến đích. Phải có đề cao với mọi cám dỗ của tiền bạc, danh vọng. Tiền là cái để mình sống và làm việc thuận tiện hơn, khi tạm đủ rồi thì phải hết sức xa rời nó. Đừng bao giờ đem so sánh việc mình làm với người khác. Đi sâu vào thiên hướng mình để tìm ra cái đẹp của riêng mình. Rất ít người có thể sống trong hiện tại. Thường thì người ta sống vì quá khứ hoặc vì tương lai. Người nghệ sĩ làm nghệ thuật, trong lúc làm, đó là họ đang sống hiện tại với cái nghĩa đúng nhất. Làm nghệ sĩ phải chấp nhận đói rách, thiếu thốn. Sáng tạo là mình phải vượt lên mình để tìm cái mới. Bắt chước mình hôm qua là chết.
Thiếu nữ và hoa Phù Dung, tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, 1944
Comment