Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

T r a n h V ẽ Thái Tuấn

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • T r a n h V ẽ Thái Tuấn


    Ðặc Trưng Phụ Nữ Việt Qua Nét Vẽ Thái Tuấn



    Nhân dáng người phụ nữ Việt Nam qua tranh của họa sĩ Thái Tuấn thường khiến người thưởng ngoạn như tôi có cái cảm tưởng mình có quen biết với người mẫu, hay quen biết với người trong tranh, dù người đó là cô thiếu nữ mặc yếm vươn cao cả hai tay để đỡ trái dưa đỏ đội trên đầu, trong tấm “Quả Dưa Ðỏ,” hay người đó là thiếu phụ mặc váy đen, đầu chít khăn, ngồi trên chiếc đòn gánh gác trên hai chiếc khảm đặt giữa đường, trong tấm “Trạm Nghỉ Chân.”




    “Quả Dưa Ðỏ,” sơn dầu 92x73cm, tranh Thái Tuấn (1918-2007).


    Người viết đồng ý với nhận xét của một số thân hữu thường lui tới các phòng tranh, các tòa soạn báo chí văn nghệ: họa sĩ làm nổi bật đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam qua nét vẽ là Thái Tuấn. Làm sao để giải thích tường tận được đặc trưng này của Thái Tuấn?

    Trên toàn thể, tranh Thái Tuấn ít màu, ít nét. Nếu có một quan niệm gọi là tổng thể, (chữ của nhà nghiên cứu triết sử Phạm Khắc Hàm), thì quan niệm ấy dùng để chỉ tranh Thái Tuấn là xác đáng nhất. Trong tuyển tập “Câu Chuyện Hội Họa 1966-2006” (1), họa sĩ Thái Tuấn từng viết rằng người ta đọc thơ văn, nghe âm nhạc, thì phải đọc và nghe từ tốn, từ dòng trên xuống dòng dưới, từ nốt trước tới nốt sau, mới nắm bắt được câu văn, vần thơ, điệu nhạc, khác hẳn sự thưởng ngoạn một bức tranh. Với bức tranh, người ta chụp nó tất cả bằng cái nhìn đầu tiên, (nhiều cảm tính) là thích hay không thích, rồi mới nói tới chuyện chi tiết (khi lý trí đã xen vào cái nhìn). Với ý nghĩ ấy, người ta hiểu được rằng Thái Tuấn quan niệm tạo không khí cho bức tranh quan trọng hơn là vẽ hoa lá cành, cũng như vẽ mây và ánh trăng quan trọng hơn là vẽ chính mặt trăng. Trong một lá thư riêng cho tôi, ông viết: “Tôi vẫn cho hình khối là chính, màu sắc không quan trọng.” Một họa sĩ nói như thế, cũng tương tự một người làm thơ, chẳng hạn như tôi vẫn nói: “Âm ngữ là chính, vần điệu không quan trọng.”

    Trước mặt người viết có mười tấm tranh Thái Tuấn vẽ phụ nữ, thì chín bức không vẽ mũi, chỉ có trong bức tranh vẽ bán diện người nữ, là có hình thể của chiếc mũi, hình thể chứ không phải đường nét, vì cái nền màu xanh của tấm tranh đã khiến cái khoảng trắng của khuôn mặt để lộ ra hình thể của cái mũi. Họa sĩ đã tránh tối đa việc vẽ chi tiết bằng các đường nét. Ông còn viết rằng ông vẽ cả “sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam,” như những dòng chữ sau đây: “Vì tôi coi như bức này là bức tranh tôi vẫn ao ước. Ít màu, ít nét. Khoảng trống bao la. Ðể nhờ chiếc áo dài tuyệt đẹp nói hộ sự đoan trang về tâm hồn sự sâu sắc nên thơ của mọi người nữ Việt Nam. Chiếc áo dài của ta, lạ lắm. Khi người đà bà mặc vào, lúc đi lúc đứng lúc ngồi, nằm, mọi đường nét của chiếc áo chuyển động tạo nên những đường nét khác nhau vô cùng duyên dáng. Chẳng cần phải vẽ thêm màu mè, hoa lá.” (2) Ngoài chiếc áo dài, Thái Tuấn còn vẽ những người mặc yếm, mặc váy, phụ nữ với quang gánh, hay với chiếc nón. Mái tóc của phụ nữ Việt là hình ảnh thường thấy trong tranh của ông, tóc buông dài sát đất, tóc cuốn trong khăn vấn quanh đầu, hay búi tóc. Môi miệng mắt thường chỉ là những cái gạch rất nhỏ, ít khi được vẽ nguyên hình. Một nhà thơ trong nước khi tới thăm Thái Tuấn ở Orleans, Pháp, nhận xét rất rành mạch về phụ nữ trong tranh ông: “Có lúc người ta như quên rằng mình đang ở trên đất Pháp bởi cuộc hội ngộ cùng những người phụ nữ thuần Việt với áo tứ thân, thắt lưng bao, yếm sồi, khăn vành dây, với đôi bồ, chiếc lu đựng nước, chiếc gáo dừa, chiếc chõng tre... Việt Nam, vâng, một Việt Nam từ tận đáy tâm hồn. Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong tranh Thái Tuấn là một cái đẹp thùy mị, trong ngần riêng tư của mình.” (3)

    Họa sĩ Thái Tuấn nhiều lần xác nhận ông chỉ học hội họa có một năm tại Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương ở Hà Nội, còn là tự học, tự nghiên cứu. Có lẽ chính sự tự học này đã khiến ông viết ra thành bài, thành chữ, những gì ông biết, và ông trở thành một họa sĩ viết nhiều nhất về hội họa. Cuốn tiểu luận kiêm tùy bút của ông dầy 170 trang khổ lớn, đó là chưa kể những bài đăng báo thất thoát không tìm lại được trong khoảng 40 năm cầm bút, từ 1966 tới 2006. Ông sinh ngày 11 tháng 9, 1918 tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm (con phố có nhà pha Hỏa Lò), Hà Nội. Lúc còn thơ ấu ông sống giữa cỏ cây, thiên nhiên, vì theo Ý Nhi, cha ông là một chuyên viên canh nông, làm việc ngay trong vườn Bách Thảo của thủ đô, rồi sau lại theo cha lên sống ở thành phố Tuyên Quang miền thượng du Bắc Việt. Khoảng thời gian này có thể là lúc màu xanh của cây của lá của trời, xanh nhạt và xanh xám, xanh đen, hiện ra trong tầm mắt ông thường xuyên và ở lại mãi mãi sau này, để hiện lên trên những bức tranh, làm nền cho những bức tranh, làm khoảng trống cho những bức tranh, làm thành không gian Thái Tuấn.

    Trở về đề tài người phụ nữ của Thái Tuấn, tôi từng nhận được một số tranh vẽ phụ nữ mà ông gửi cho, trong có một tấm khỏa thân màu, và hai ba bài thơ của ông, trong có cả thơ nghịch ngợm. Những tấm tranh đẹp sau này về phụ nữ, nhiều tấm ông vẽ cô con dâu Ngọc Châm, vẻ đoan trang thùy mị như Ý Nhi viết. Khi bà vợ qua đời, ông làm bài thơ “Gửi Em” năm 2002. Ba năm sau ông gửi bài thơ cho tôi: “Gửi anh bài thơ tôi làm tặng bà xã tôi (đã bước vào cõi tiên 3 năm rồi). Và bức tranh mới. Nhớ lại Tết gặp nhau, thật vui. Chúng ta một lũ, không đủ khôn lanh chuyện đời. Trí óc theo mây theo gió coi đời chuyện gì cũng là trò chơi bày đặt ra cho đỡ buồn. Anh cứ thong dong mà chơi.”
    Gửi mây mớ tóc của nàng,

    Gửi đôi mày đẹp cho hàng liễu xanh.



    “Thiếu Nữ và Quạt,” tranh Thái Tuấn.


    Biết mình không còn sống bao lăm nữa, anh trở về Việt Nam, và năm năm sau Thái Tuấn, tên thật Nguyễn Xuân Công, theo vợ từ giã cuộc đời, ngày 26 tháng 9, 2007, thọ 90 tuổi. Tro cốt anh, có tên thánh là An Tôn, an định tại nhà thờ Tân Ðịnh ở Sài Gòn, chỉ cách Xóm Yên Ðổ nơi anh từng sống với gia đình một quãng đường ngắn ngủi.

    (Viết để tưởng niệm bạn già, 25 tháng 9, 2012. Tặng anh Nguyễn Xuân Sơn ở Fairport, New York. Viên Linh)



    Chú thích:

    1. Nhà xuất bản Văn Nghệ, Việt Nam, 2006.

    2. Thái Tuấn, Orleans 2003, thư riêng cho Tà Cúc, Khởi Hành, California.

    3. Ý Nhi, Một khoảng không tinh khiết, Thể thao & Văn hóa, Việt Nam, 5.2003.

    Viên Linh


  • #2


    T r a n h V ẽ Thái Tuấn










































    Comment

    Working...
    X