Về An Giang ghé thăm Thất Sơn.
Vùng đất An Giang quê tôi lạ lắm, đã từ bao đời nay người ta vẫn còn thắc mắc sao lại có đến 37 ngọn núi ở giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ai cũng biết rằng ở những nơi có núi, trước kia đều là vùng biển, trải qua bao thời gian biến đổi đã tạo nên những ngọn núi hùng vĩ.
Ấy thế mà An Giang quê tôi, không phải là vùng biển mà vẫn có núi, và có đến 37 ngọn núi hùng vĩ không thua bất cứ nơi đâu. Nhưng đẹp nhất và nổi bật nhất phải kể đến 7 ngọn núi ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Chính vì thế mà người ta đã gọi vùng này là vùng Thất Sơn - 7 núi.
Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn)
Núi Cấm, một trong những ngọn núi đẹp nhất và cao nhất của dãy Thất Sơn huyền thoại có độ cao 705m. Đường lên đỉnh núi với nhiều khúc cua khá đẹp mắt, khung cảnh dọc đường lên núi không khác gì bồng lai tiên cảnh trần gian.
Ở giữa ngọn núi, còn có một ngôi chùa mang tên Vạn Linh. Quần thể chùa gồm một ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca, một ngọn tháp hình lục giác 7 tầng cao 30m, bên trong có thờ nhiều vị Phật. Không những vậy, nơi đây còn có một khu vườn rộng với những chậu kiểng được chăm chút công phu, những giò phong lan quý hiếm, những cây tùng, cây bách vươn cao...
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm cũng là tượng lớn nhất Việt Nam, có chiều cao 36m, nặng 600 tấn.
Núi Két (Anh Vũ Sơn)
Gọi là núi Két vì hình dáng lạ mắt của khối đá trên đỉnh núi, khối đá kỳ lạ ấy tựa như đầu và mỏ chim két. Mặc dù Núi Két ở độ cao 225m, nhưng con đường lên núi có nhiều đốc thẳng, chinh phục nhiều bậc thang bằng đá, vượt qua nhiều đoạn chênh vênh. Sau lưng Mõn ông két là điện thờ chư vị Năm Non Bảy Núi, và những người đã có công khai khẩn vùng Thất Sơn thiêng liêng này.
Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ Sơn)
Sở dĩ núi có cái tên kỳ lạ đến vậy là do trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Núi này tuy hiểm trở, nhưng lại có rất nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm.
Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)
Ngọn núi này là một trong những ngọn núi có cấu tạo địa chất đặc biệt nhất nên nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như mộ tổ ong vĩ đại, rất kiên cố và vững chắc. Ngọn núi này còn nổi tiếng với đồi Tưc Dụp, từng được mệnh danh là ngọn đồi "Hai triệu đô la" do số bom đạn mà Mỹ đã dội xuống nơi này quyết để san bằng cả ngọn đồi ước tính lên đến 2 triệu đô la.
Ngoài ra, ở sườn núi phía đông của khu vực này còn có một hồ nước với vẻ đẹp hoang sơ, nước lúc nào cũng xanh biếc và phẳng lặng.
Hồ Soài So
Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)
Nhìn từ xa xa, ngọn núi này trông như hình con voi nên người dân nơi đây đã đặt cho nó cái tên là núi Tượng. Cũng chín ngọn núi này là nơi đã chứng kiến cuộc thảm sát tàn bạo của Pôn Pốt đối với người dân nơi đây.
Núi Nước ( Thủy Đài Sơn)
Đây cũng là ngọn núi nhỏ nhất trong dãy Thất Sơn. Người xưa đã kể lại rằng, trước kia vùng này chưa có đê bao ngăn lũ về, nên mỗi khi mùa nước nổi, cả một vùng sẽ ngập trong biển nước mênh mông, đỏ một màu phù sa, và ngọn núi này sẽ nằm giữa biển nước, vì thế người ta mới gọi nơi này là núi Nước.
Núi Dài (Ngọa Long Sơn)
Gọi là núi Dài vì dãy núi này chính là dãy núi dài nhất trong Thất Sơn, độ dài đến 8000m. Vì có địa hình khá hiểm trở và dốc, nên ngọn núi này xưa kia từng là căn cứ bí mật của quân và dân An Giang trong những năm kháng chiến. Ngay nay, trên ngọn núi này vẫn còn lưu giữ lại những vết tích của chiến tranh xưa kia, du khách đến tham quan có thể ghé thăm Ô Tà Sóc (có nghĩa là suối Ông Sóc).
Lễ hội đua bò
Nếu đã đến với An Giang, bạn không nên bỏ qua lễ hội đua bò. Đây là một lễ hội đặc trưng và cùng là nét độc đáo, thú vị của vùng 7 núi - Thất Sơn. Hằng năm, cứ đến dịp lễ "Đôn ta"( vào tháng 10 âm lịch), người dân nơi này lại náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho lễ hôi đua bò mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.
Lễ hội đua bò hằng năm luôn thu hút được đông đảo dân địa phương và cả du khách
Nguyên Thảo (Theo aFamily)
Comment