H o a H ậ u M ỹ R’Bonney Gabriel
Cô R’Bonney Gabriel, hoa hậu Mỹ, giành vương miện hoa hậu Miss Universe lần thứ 71 vào tối Thứ Bảy, 14 Tháng Giêng/2023 , được tổ chức tại thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, theo CNN.
Cô Gabriel, năm ngoái đã trở thành người Mỹ gốc Philippines đầu tiên giành được danh hiệu hoa hậu Mỹ, đã đoạt vương miện Miss Universe cùng hai á hậu Amanda Dudamel, người Venezuela và Andreína Martínez, đến từ Cộng Hòa Dominican
Cô R’bonney Gabriel đăng quang hoa hậu Miss Universe 2022 lần thứ 71 tại New Orleans, Louisiana. (Hình: Jason Kempin/Getty Images)
Cuộc thi Miss Universe 2023 lần thứ 71 có 84 thí sinh từ khắp nơi trên thế giới tham dự.
Đêm Thứ Bảy là vòng chung kết của cuộc thi.
Khi lọt vào Top 5, cô Gabriel được hỏi: “Ban tổ chức Miss Universe gần đây thực hiện một sự thay đổi toàn diện khi cho phép các bà mẹ và phụ nữ đã kết hôn tham gia cuộc thi năm nay. Bạn muốn thấy sự thay đổi nào nữa và tại sao?”
Hoa hậu Mỹ Gabriel trả lời rằng cô hy vọng ban tổ chức cuộc thi sẽ tăng giới hạn độ tuổi của thí sinh.
“Đối với tôi, tôi muốn thấy tăng độ tuổi vì tôi đã 28 tuổi. Và đó là độ tuổi lớn nhất để được quyền đi thi. Và tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời. Câu nói yêu thích của tôi là ‘nếu không làm ngay bây giờ thì chờ đến khi nào?’ Là phụ nữ, tôi tin rằng tuổi tác không định hình chúng ta. Không phải ngày mai, không phải ngày hôm qua mà là ngay lúc này. Thời gian là khoảng khắc hiện tại,” người chiến thắng Miss Universe lần thứ 71 tuyên bố.
Cô Gabriel, từng là cư dân Houston, Texas, là một người mẫu, nhà thiết kế thời trang và cô giáo dạy cắt may. Cô là người quan tâm và đặt ưu tiên vấn đề môi trường.
Hoa hậu R’bonney Gabriel (giữa) cùng hai á hậu Manda Dudamel và Andreina Martinez. (Hình: Jason Kempin/Getty Images)
Trước đó trong cuộc thi, Gabriel diện chiếc áo choàng màu đỏ cam lấy cảm hứng từ hình ảnh con phượng hoàng đang bay với câu châm ngôn “nếu không phải ngay bây giờ thì đến khi nào” do cô tự nhuộm.
Đây là lời nói lấy cảm hứng từ lời khuyên của cha cô để hành động theo mục tiêu, ước mơ và hoài bão.
Trong phần vấn đáp cuối cùng của cuộc thi, ba thí sinh hàng đầu được hỏi sẽ làm việc như thế nào để chứng tỏ Miss Universe là một tổ chức thúc đẩy sức mạnh và tiến bộ xã hội nếu họ giành được danh hiệu.
Cô Gabriel cho biết cô sẽ sử dụng vị trí này để trở thành một “nhà lãnh đạo tạo chuyển đổi” và nhấn mạnh niềm đam mê của mình như một động lực thúc đẩy những điều tốt đẹp trong ngành thời trang bằng cách cắt giảm ô nhiễm và sử dụng vật liệu tái chế để sản xuất quần áo.
Cô R’bonney Gabriel trong bộ áo tự tay thiết kế và nhuộm màu. (Hình: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)
“Tôi dạy các lớp may vá cho những phụ nữ nạn nhân của việc buôn người và bạo lực gia đình. Sở dĩ tôi nói như thế bởi vì việc đầu tư vào người khác, đầu tư vào cộng đồng của chúng ta và sử dụng tài năng độc đáo của mình để tạo nên sự khác biệt là rất quan trọng,” cô Gabriel nói.
“Tất cả chúng ta đều ẩn chứa một điều gì đó đặc biệt và khi chúng ta gieo những hạt giống như vậy cho những người khác, chúng ta sẽ biến đổi họ trở nên tốt hơn và chúng ta sử dụng điều đó như một phương tiện để thay đổi cuộc đời.”
Cuộc thi năm nay được tổ chức lần đầu tiên bởi JKN Global Group PCL, một công ty truyền thông có trụ sở tại Thái Lan, sau khi bà Anna Jakkaphong Jakrajutatip, chủ nhân và người ủng hộ quyền của người chuyển giới, đã mua Miss Universe với giá $20 triệu vào Tháng Mười vừa qua.
Bà Jakkaphong luôn thẳng thắn chia sẻ về những trải nghiệm của một phụ nữ chuyển giới và bà cũng là người phụ nữ đầu tiên làm chủ cuộc thi này. (MPL)
(ST)