Đảo nằm trên vịnh Naples, ở trung tâm của công viên hải dương học Gaiola, trải rộng trên diện tích 42 hecta. Trên thực tế, Gaiola là sự kết hợp của hai hòn đảo nhỏ nhắn, chỉ cách bờ biển 30 mét, tạo nên một cảnh quan rất đẹp nếu nhìn từ trên bờ.
Vì rất nhỏ nhắn, hòn đảo chỉ có một biệt thự nghỉ mát duy nhất. Giữa hai hòn đảo, có một cây cầu nhỏ được xây dựng để nối liền chúng với nhau. Cây cầu này hẹp đến độ nhìn từ xa người ta cứ ngỡ đó là một vòm đá tự nhiên nối hai đảo lại.
Ban đầu, hòn đảo có tên là Euplea, tên của vị thần bảo trợ những người đi biển. Trên đảo, có một đền thờ nhỏ đề thờ nữ thần sắc đẹp Venus. Sau này nó mới được đặt là Gaiola, là cách nói lái đi của Caviola, nghĩa là “hang động nhỏ” trong tiếng Italy, do địa lý vùng này khá nhiều hang hốc như vậy.
Ngày nay, trên đảo vẫn còn một số tàn tích từ thời La Mã cổ đại. Đặc biệt hơn cả, dưới mặt nước ở chân hòn đảo còn có khá nhiều kiến trúc La Mã chìm sâu, ngày nay trở thành “nhà” của các sinh vật biển. Nhiều người còn cho rằng nhà thơ Virgil, còn được cho là một pháp sư từng dạy học tại đây.
Vào đầu thế kỷ 19, có một pháp sư sinh sống tại hòn đảo này. Sau đó một thời gian, một nhà văn lại sở hữu nó. Đó là Norman Douglas, tác giả của cuốn sách Land of the Siren (Vùng đất của nàng tiên cá). Tuy nhiên, truyền thuyết địa phương tin rằng hòn đảo đã bị nguyền rủa, vì rất nhiều người từng sở hữu nó chết bất đắc kỳ tử.
Từ những năm 20 của thế kỷ trước, thi thể của một chúa đảo người Thụy Sỹ là Hans Braun được tìm thấy trên đảo, cuốn trong một chiếc thảm. Một thời gian ngắn sau đó, vợ ông cũng chết chìm dưới biển. Người chủ tiếp theo của khu biệt thự trên đảo là Otto Grunback, một người Đức, chết vị đau tim đột ngột khi đang trên đảo. Mauric Yves Sandoz, người kế tục hòn đảo tự tử trong bệnh viện tâm thần.
Một người chủ không kém phần nổi tiếng khác của hòn đảo là Gianni Agnelli, chủ tập đoàn xe Fiat cũng chịu chung số phận. Con trai duy nhất của ông tự tử và cháu trai ông chết vì một bệnh ung thư cực hiếm năm 33 tuổi. Người chủ cuối cùng của hòn đảo là Gianpasquale bị tống tù vì công ty riêng phá sản.
Ngày nay, hòn đảo bị bỏ hoang không có ai sinh sống và cũng chỉ có số ít khách du lịch dám bước chân tới đây. Số còn lại chỉ dám đứng từ xa mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên có phần huyền bí này.
Supertramp (Xzone/Tri Thức Thời Đại)