Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nguyễn Tất Nhiên gã cuồng thơ yểu mệnh

Collapse
X
Collapse
  •  

  • Nguyễn Tất Nhiên gã cuồng thơ yểu mệnh






    NVTPHCM- Có những người chết trẻ, nhưng tên tuổi và tác phẩm của họ còn ở lại rất lâu với cuộc đời. Đó là Đặng Thế Phong (24 tuổi), Hoàng Quý (26 tuổi), Hàn Mặc Tử (28 tuổi), Bích Khê (30 tuổi)... Tất cả đều là những bậc tài hoa, mệnh yểu! Trong số họ, tôi hay nghĩ về bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Anh chỉ nấn ná với dương gian đến năm 40 tuổi.

    - Năm 1937, ở tuổi 17, Chế Lan Viên trình làng tập thơ "Điêu tàn", được coi như một kỳ tích. Năm 14 tuổi (1966), Nguyễn Tất Nhiên đã có "Nàng thơ trong mắt", rồi hai năm sau, mới tròn 16 tuổi, cùng với thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình, Nhiên lại có tập "Dấu mưa qua đất" và 18 tuổi có tập "Thiên tai", đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi. Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi đã có tập thơ riêng, được xem như thần đồng, nhưng đó là thơ dành cho thiếu nhi. Còn với thơ tình thì Nguyễn Tất Nhiên đã lập nên một kỷ lục. Có điều, chỉ với một "Điêu tàn" thôi, Chế Lan Viên đã trở thành một cây đại thụ. Còn Nguyễn Tất Nhiên, với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi, thì dù đã in 3 tập thơ rồi, vẫn còn là một… mầm xanh! Trong làng thơ miền Nam trước 1975, với cái bút hiệu còn thơm mùi giấy học trò như thế, chàng thiếu niên của vùng đất Đồng Nai vẫn chỉ mới là con chim sẻ vừa ra ràng. Nhưng vài năm sau, khi trở thành Nguyễn Tất Nhiên, với sự chắp cánh của nhạc sĩ Phạm Duy, con chim sẻ ấy đã vững cánh bay xa…
    Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Đức Tu, Biên Hòa. Sinh thời anh chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong hai thành phố Biên Hòa và Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi gặp Nhiên là dạo cuối năm 1972, tại nhà thi sĩ Du Tử Lê, một căn phòng nhỏ ở số 8, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Nguyễn Tất Nhiên là "khách thơ" thường xuyên tạm trú ở đó. Lần nào tôi tới cũng thấy anh đang cặm cụi làm thơ. Tôi không hiểu tại sao trong căn phòng chật hẹp như thế, mà thằng bé Lê Tử Du, con trai của Du Tử Lê, còn đỏ hỏn, lại có thể chịu đựng nổi khói thuốc mịt mù của Nhiên phả ra như khói tàu hỏa. Nguyễn Tất Nhiên hút liên tục. Điếu này vừa dứt lại mồi tiếp điếu khác, quăng tàn thuốc la liệt xuống sàn. Lê coi Nhiên như một đứa em ruột thịt, nên Lê dọn nhà đi đâu, Nhiên cũng đi theo. Về sau, Du Tử Lê mua được một căn nhà trong làng Báo Chí ở bên kia cầu Sài Gòn và trở thành hàng xóm, láng giềng của tôi. Tôi ở cuối đường số 2. Giữa đường, có Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng, sát với nhà văn Thụy Vũ. Đầu đường, có họa sĩ Phạm Văn Hạng và Phan Kim Thịnh (tức nhà báo Lý Nhân, người hay viết cho An ninh thế giới sau này). Đường số 3 có Nguyễn Đình Toàn. Du Tử Lê ở đường số 4. Vài lần, Nguyễn Tất Nhiên ghé tìm, nhưng Du Tử Lê đi công tác xa, không có nhà. Chẳng còn ai thân thiết ở đây, thế là bất đắc dĩ, Nhiên qua ở lại nhà tôi.
    Những lần ghé lại, Nhiên dường như không ngủ, cứ lục đục suốt đêm để pha càphê, hút thuốc và làm thơ. Sáng, tôi chạy ra quán mua bàn chải đánh răng, khăn mặt về cho khách. Nhiên khoát tay lia lịa: "Khỏi, khỏi. Để chiều về Biên Hòa tắm luôn một lượt. Ông đọc bài thơ tôi mới làm tối qua đây này". Nguyễn Tất Nhiên không cần quan tâm đến bất cứ một điều gì khác ngoài thơ. Anh say thơ đến điên cuồng, đến mức lập dị. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh mặc chiếc áo ca-rô, bỏ ngoài quần tây nhăn nhúm, chân đi đôi dép lẹp xẹp, khá lôi thôi và bất cần.
    Những cây viết trẻ miền Nam đều coi tạp chí Văn là mảnh đất ươm mầm, được Văn chọn đăng truyện ngắn hay thơ là lấy làm hãnh diện lắm, coi như đó là dấu ấn trưởng thành. Một hôm, tôi và Du Tử Lê, mỗi người có một bài viết về Nguyễn Tất Nhiên và Kim Tuấn (tác giả những bài thơ nổi tiếng "Anh cho em mùa xuân","Những bước chân âm thầm") trên tờ Văn Học do anh Phan Kim Thịnh làm chủ bút. Báo ra, cầm tờ Văn Học trên tay, Nguyễn Tất Nhiên nói: "Phải chi được đăng trên tờ Văn thì hay biết mấy!". Khi đó, Nhiên đã nổi tiếng, nhưng anh vẫn còn giữ nguyên cái mơ ước rất dễ thương của tuổi học trò.
    Tôi với Nguyễn Tất Nhiên gặp nhau rất nhiều lần, có những lần ngồi quán càphê suốt buổi, nhưng vẫn không thân bằng so với đạo diễn Lê Cung Bắc thân với Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, tôi có hỏi Lê Cung Bắc: "Hồi đó, anh đi đâu trên Biên Hòa mà gắn bó với Nguyễn Tất Nhiên như thế?". Bắc kể: "Năm 1973, sau khi học xong cao học, tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, bị thuyên chuyển lên Biên Hòa. Ở đó, tôi có mướn một căn phòng nhỏ trên đường Ngô Quyền để tá túc. Một buổi chiều, tôi từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Xuống bến xe, đi bộ lững thững về nhà, ngang qua quán càphê Tuyệt, thì có một thanh niên ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, trông rất lãng tử, từ trong quán đi ra, cứ lẽo đẽo theo sau. Đến đầu ngõ, tôi sắp quẹo vào, thì người thanh niên đó vượt lên hỏi, có phải anh là Lê Cung Bắc không? Tôi gật đầu. Người thanh niên tự giới thiệu mình là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ái mộ tôi đã lâu, mãi đến bây giờ mới được gặp. Lúc bấy giờ thơ của Nhiên đã có tiếng tăm. Tôi lại là người yêu thơ, nên hai chúng tôi kéo nhau vào một quán càphê gần đó ngồi nói chuyện. Nguyễn Tất Nhiên tâm sự, trong đời Nhiên có hai người mà anh yêu mến và kính phục tài năng nhất. Về thi ca là Du Tử Lê, về thoại kịch là Lê Cung Bắc. Từ đó tôi và Nhiên trở nên gắn bó. Tôi coi Nhiên như em và thương nó vô cùng. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Nhiên nói với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nhiên, mà chỉ để tên một mình ông trên bản nhạc, chứ không có tên tác giả bài thơ. Hiện các ca sĩ đang hát ì xèo mà chẳng thấy ai trả cho Nhiên một cắc bạc nào hết. Tôi đưa Nguyễn Tất Nhiên đến gặp nhà văn Chu Tử, chủ bút nhật báo Sóng Thần, tờ báo mà tôi có tên trong nhóm chủ trương. Ngay hôm sau, ông Chu Tử phang Phạm Duy một bài khá nặng trên mục Ao Thả Vịt. Thế là nổi đình, nổi đám. Về sau, nghe nói nhà xuất bản hay ai đó có điều đình và gửi cho Nhiên một số tiền, không biết là bao nhiêu. Có tiền, Nhiên nói muốn may tặng tôi một bộ veston, vì gia đình Nhiên là chủ một tiệm may khá nổi tiếng ở Biên Hòa. Nhưng tôi từ chối…"
    Lê Cung Bắc còn nhận xét, Nguyễn Tất Nhiên rất dễ thương, dù có vẻ hơi bất bình thường. Nhiên từng khoe là anh giả điên rất giỏi, đến độ qua mặt được cả hội đồng giám định y khoa, để khỏi bị đi lính. Rồi Nhiên tự diễn xuất cho Bắc coi. Coi xong, Lê Cung Bắc cười ngặt nghẽo: "Chú mày có vẻ điên thật hơn là giả điên!". Sau ngày 30-4-1975, Nguyễn Tất Nhiên làm việc tại ban điều hành Hợp tác xã xe lam Biên Hòa, thỉnh thoảng vẫn về Sài Gòn, ngồi uống rượu với Lê Cung Bắc, cho đến ngày Nguyễn Tất Nhiên rời xa quê hương.
    Nguyễn Tất Nhiên cũng rất thân với nhà thơ Phạm Chu Sa. Một lần ngồi uống rượu, Phạm Chu Sa nhận xét: "Bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên nghe ngồ ngộ. Có vẻ hay và chững chạc hơn là Hoài Thi Yên Thi nhiều". Nguyễn Tất Nhiên bộc bạch ngay: "Bút hiệu này do Du Tử Lê đặt. Ngay lần đầu mới gặp, Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi". Nguyễn Tất Nhiên hỏi Du Tử Lê: "Bạn bè em cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?". Lê đáp: "Tất nhiên". Khi biết là họ Nguyễn, Du Tử Lê mới nói: "Nguyễn, tất nhiên, sao không lấy là Nguyễn Tất Nhiên". Vậy là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp một con người tài hoa bạc mệnh.
    Đầu thập niên 80 (của thế kỷ trước), Nguyễn Tất Nhiên sang Pháp, được vài năm thì qua Mỹ định cư. Lúc này bệnh tâm thần của Nhiên, từ giả thành thật và có phần nặng thêm. Ngày 3-8-1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tìm đến một ngôi chùa tại quận Cam (California), uống nhiều thuốc an thần rồi vào xe hơi, nằm chết ở đó! Lúc này anh vừa tròn tuổi 40.
    Đây là bài thơ được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên.


    TÌNH ƠI HỠI TÌNH

    Lâu rồi… không nhớ bao lâu
    Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian
    Em về dưới gót trăng tan
    Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau.
    Lâu rồi… lâu lắm xa nhau
    Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian
    Em đi tóc lộng mây ngàn
    Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo
    Lâu rồi… không biết bao nhiêu
    Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời
    Hôm em êm ả điệu ngồi
    Sau lưng là những tình ơi hỡi tình.

    Mới đây, một tờ báo in trong nước đã có bài viết nhắc lại vụ kiện bản quyền nổi đình, nổi đám một thời giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu: "Vụ kiện này hắn hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết". Theo tôi thì việc ai trả tiền bản quyền và trả bao nhiêu cho Nguyễn Tất Nhiên không quan trọng. Vấn đề là một tác giả như Phạm Duy thừa hiểu rằng, khi một nhạc sĩ phổ thơ của thi sĩ nào đó, thì tên của tác giả bài thơ phải được đứng chung với tên của nhạc sĩ trên mọi ấn phẩm. Bởi vì, nhờ công sức của cả hai gộp lại mới thành ca khúc.
    Nguyễn Tất Nhiên đã thành người thiên cổ và Phạm Duy cũng đã gần đất xa trời. Mọi thứ đã bị bụi thời gian phủ lấp. Nhắc lại chuyện này cũng chỉ như là một giai thoại giữa hai con người nổi tiếng, thuộc hai thế hệ khác nhau. Để có cớ nhớ về một nhà thơ, người bạn tài hoa đã khuất dặm mây ngàn…


    Hình Nguyễn-Tất-Nhiên và các bạn học tại VN.


    ĐOÀN THẠCH HÃN

    Nguyễn Tất Nhiên: 20 năm từ giã cõi hồng trần




    Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
    Phải ê chề cho tóc bạc với thời-gian
    Phải đau theo từng hớp rượu tàn
    Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định…” (Trích trong bài: “Giữa Trần Gian Tuyệt Vọng” - 1972).
    Phải chăng là một điềm báo khi thi-sĩ họa bút viết bài thơ này lúc tròn 20 tuổi? Đúng 20 năm sau anh ra đi từ giã cõi hồngtrần: ngày 3 tháng 8, năm 1992… Hưởng dương 40 tuổi. Và hôm nay: 3 tháng 8, năm 2012 ngày giỗ thứ 20 của Nguyễn-Tất-Nhiên đa tài - bạc mệnh; tôi có duyên may viết về anh thay cho lời tạ-ơn thống-thiết; vì thi-sĩ đã để lại cho hàng triệunhân-sinh những bài thơ tình tuyệt-tác, những dấu ấn thời-gian không bao giờ phai nhạt của một đời người. Từ nhữngngày khoác áo trắng Trưng-Vương, chúng tôi đã len-lén thầy-cô truyền tay nhau trong giờ học những vần thơ:
    “…Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải
    Nhớ cho mình dáng dấp một người yêu
    (Lỡ dòng đời tóc có điểm muối tiêu
    Còn giây phút chạnh lòng như … mới lớn)

    Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
    Người thì không bắt bóng được bao giờ
    Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
    Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.”
    (Nên Sầu Khổ Dịu Dàng – 1970)
    “…Cô Bắc Kỳ nho nhỏ
    tóc "demi-garçon"
    chiều đạp xe vô chợ.
    mắt như trời bao dung
    anh vì mê mải ngó
    nên quên thù đám đông!
    *
    đời chia muôn nhánh khổ
    anh tận gốc gian nan
    cửa chùa tuy rộng mở
    tà đạo khó nương thân
    anh đành xưng quỉ sứ
    lãnh đủ ngọn dao trần!
    *
    qua giáo đường kiếm Chúa
    xin được làm chiên ngoan
    Chúa cười rung thánh giá
    bảo: đầu ngươi có sừng !
    đời chia muôn nhánh khổ
    anh tận gốc gian nan…”
    (Đám Đông – 1973).

    “… Qua kho tàng thơ Nguyễn Tất Nhiên, người ta biết đến mối tình của thi-sĩ với một cô gái tên Bùi-Thị-Duyên, dân miềnBắc vào định cư trong Nam. Tình yêu này của Hải dành cho Duyên cả trường trung học Ngô-Quyền ai cũng biết.
    “…Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
    nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
    nhớ dịu dàng nhưng thầm ý khoe khoang
    nhớ duyên dáng, ngây thơ…mà xảo quyệt !
    ta sẽ nhớ dặn lòng nên tha thiết
    nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
    nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
    nên hùng hổ...để đợi giờ thua thiệt !...”

    Tình đơn phương hay tình dang dở khiến người ta nghĩ đến nhau nhiều. Những vần thơ đã sống cùng thời gian để rồingười con gái tên Duyên đã thành một biểu tượng và có một vị-trí rất đặc biệt trong thơ Nguyễn-Tất-Nhiên.
    Bài: “Khúc Buồn Tình – Thà Như Giọt Mưa” (do Hoàng-Thi phổ nhạc sau này) thi-sĩ đã thấy “người từ trăm năm về khơi tìnhđộng”. Yêu nhưng không thể đến gần, bởi Duyên cứ cách xa... “trùng trùng gió lộng”.
    Một người bạn của Nguyễn Tất Nhiên đã hỏi tại sao lại “Thà Như Giọt Mưa” thì anh trả lời hết sức cắc cớ: “Ai biểu Duyênkhông yêu tôi thì tôi xin làm giọt mưa... để được khô trên mặt nàng”.
    “…Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
    thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
    để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
    những giọt run run ướt ngọn lông măng
    ….
    khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
    khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên.”

    Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi-Thị-Duyên ngày nào, nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Sau này, qua lời kể của những ngườiquen; Duyên đã nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng và tâm-sự rằng: “Tụi này học chung với nhau từnăm đệ tứ. Nhưng lúc đó, tôi ngây thơ chưa nghĩ gì hết, còn Hải nghĩ gì thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ nghe nói là có ba bản chính. Một bản của Hải, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quênmất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ này, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết,nhưng đó là chuyện hồi nhỏ… Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với anh ấyngay từ đầu là mình làm bạn thôi! Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau Hải phải công nhận là muốn làm bạn, đểcòn được tiếp tục gặp nhau. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm!”… (ngưng trích).
    Âu cũng là một cơ-duyên khi tôi gặp và quen với thân-mẫu cùng bào-đệ của cố thi-sĩ vào năm 1998, trong một buổi thâuhình đại nhạc hội tại Vancouver (Canada) cho “Mây Productions”. Một năm sau đó, tôi về Việt-Nam làm từ-thiện với cácSoeur dòng “Nữ-Tử-Bác-Ái” (Daughter of Charity) đã được dịp đến thăm mộ, đốt nhang cầu-nguyện cho Nguyễn-Hoàng-Đệ(em kế Nguyễn-Tất-Nhiên) cùng ghé xem ngôi nhà xưa của cố thi-sĩ tại Biên-Hòa.
    Sau hôm ấy, tôi tìm đến Nghĩa-Trang Quân-Đội để đọc kinh cầu cho linh-hồn các tử-sĩ Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa; đi giữa những hàng mộ hoang-tàn không nhan, không khói của các chiến-sĩ vô-danh.Chợt nhớ đến bài thơ “Chiều Mệnh Danh Tổ-Quốc” của Nguyễn-Tất-Nhiên mà rơi lệ:
    “Người yêu tôi khóc ngất
    Chiều quân đội nghĩa trang
    Rạt rào hơi gió nóng
    Cho đau tà áo tang
    *
    Người yêu tôi khóc ngất
    Chiều quân đội nghĩa trang
    Ngập ngừng hơi xác ướp
    Bay pha mùi áo nhang
    *
    Người yêu tôi khóc ngất
    Trước quan tài sĩ quan
    Trước hai chàng lính đứng
    Thao diễn nghỉ lạnh lùng
    *
    Người yêu tôi khóc ngất
    Trung úy thản nhiên cười
    Lồng trong khung ảnh đẹp
    Dựng sau bình bông tươi
    *
    Sự vinh thăng bất ngờ
    Là đem theo nước mắt
    Là danh dự xót xa
    Là một lần đắp mặt
    Một lá cờ quốc gia

    Chiều quân đội nghĩa trang
    Chiều mệnh danh tổ quốc
    Có muôn ngàn câu kinh
    Có muôn ngàn tiếng khóc
    *
    Có chuyến xe nhà binh
    Đưa "Thiên Thần" xuống đất
    Còn ai, còn ai chăng ?
    Mua cờ bằng tính mệnh
    *
    Cho tôi đừng biết tên
    Cho tôi đừng nhận diện
    Cho tôi đừng chứng kiến
    Xác "thiên thần" rã manh
    *
    Người yêu tôi khóc ngất
    Chiều quân đội nghĩa trang
    Vài dặm bụi lang thang ...

    (1971)

    Rồi đến đầu tháng 8 năm 2000, ca-nhạc-sĩ Nguyễn-Hoàng-Thi, Mẹ anh và tôi tổ chức một buổi đi tảo mộ Nguyễn-Tất-Nhiên tại nghĩa-trang Westminster Memorial Park, khu Little Saigon – California. Tôi còn nhớ tự tay mình đã đi mua một ly café đen đá không đường (là thức uống thi-sĩ rất thích lúc sinh thời), một bao thuốc lá và bó hoa huệ trắng đến thăm nơi an nghỉ ngàn thu của anh lần đầu. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về những năm cuối đời vô cùng nghiệt-ngã, giống y hệt những lời thơ Nguyễn-Tất-Nhiên đã viết trong bài “Hai Hàng Me Đường Gia-Long” - 1973:
    “Đời, vốn không nương người thất thế,
    Thì thôi, ô nhục cũng là danh!”

    Trong “Link”: http://chutluulai.net/forums/showthread.php?p=14516 Tác-giả Nguyễn-Mạnh-Trinh ghi nhận rằng:
    “… Cái bi thiết của một người nuôi nhiều mơ mộng nhưng thực tế lại mênh mông những bóng tối thẳm sâu. Cuộc sống như trải dài từ những nợ này đến nợ khác, để thi sĩ phải tự than thân “Ta mấy kiếp vẫn là ta mắc nợ”. Nợ tình, nợ đời, thành những câu thơ bi thiết, thành những tâm tình đầy dằn vặt thảm thê. Thơ, là nỗi niềm tràn ra từ những lời ân hận, những cấu xé của thâm tâm… Lạ lùng, thơ như trải ra trước những phận số, nói trước những bi đát trong đời Nguyễn-Tất-Nhiên. Làm thơ trong ngày sinh-nhật của người yêu sắp cưới thành vợ, sao lại có những câu như lời sám hối:
    “Khổ đau oằn nặng sinh thời
    yêu ai tôi chỉ có lời thở than
    có môi hôn trộm vội vàng
    khiến em hoảng hốt trong cơn tình đầu
    nụ cười giữ được bao lâu
    nhân sinh là một dòng sầu miên man
    sông dài rồi cũng chia phân
    tình bao nhiêu lớn cũng tàn phai thôi
    tôi đam mê siết thân người
    hay đâu đá tảng đeo đời trăm năm
    em gầy guộc, em mong manh
    em chưa đủ sức long đong cùng chàng
    em ngây thơ đến rỡ ràng
    em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
    em tội nghiệp, em tủi thân
    Em chưa tự chủ kịp ngăn lệ tràn
    lôi người té sấp. Gian nan
    lỗi tôi, ừ đó, muôn phần lỗi tôi!”

    Khi thành vợ thành chồng rồi hai người ly thân, Nguyễn-Tất-Nhiên buồn bã (vì xa vợ và hai người con trai còn thơ bé) mang đời sống tình cảm của một phận số không may… Những bài thơ của chia ly, nhớ thương và của những nỗi niềm ăn năn thống hối. Như trong bài “Minh Khúc, 90.” Nói lên những não lòng, nỗi niềm bời bời trong tim trong óc. Tôi đọc và vì nghĩ tim mình không phải là gỗ đá nên cũng thấy một phút se lòng:
    “Đường không gian - đã phân ly
    đường thời gian – đã một đi không về
    những con đường mịt sương che
    tôi vô định lái chuyến xe mù đời
    cu tí ngủ gục đâu rồi?
    Băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con !
    Đường trăm năm - nát tan lòng
    Đường ngàn năm - hận, xin đừng trả nhau!
    Những con đường cuối năm nào
    Cho tôi tìm lại cành đào ba sinh
    Khi em lễ mễ với tình
    Thắp nhang tạ tội sinh thành con đi
    Đường chung đôi - đã chia đời
    Đường chia đôi - vẫn hơi người quẩn quanh
    Chim đêm hót tiếng đau tình
    Đau tim tôi chở lòng thành kiếm em.”(Westminster, CA, 2.1.1990)

    Chiếc xe, có phải là nơi chốn mà chàng thi sĩ thở hơi thở cuối cùng rồi đi vào miên-viễn. Nơi đó, trong một phút thảng thốt, nhìn lại băng sau để thấy “bời bời nhớ con”. Cũng chiếc xe ấy, đã có lúc chung đường chung đôi mà bây giờ thì chia đời … vạn dặm…
    Nguyễn Tất Nhiên, muôn thuở vẫn là một người xa lạ với cuộc sống dưới đất và gần gũi với trăng sao trên trời. Và, cũng phải có một lúc, để trở về với nơi chốn thân quen, mà bất hạnh cũng nở hoa kết trái giống như hạnh phúc. Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh.Theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?...” (Ngưng trích).
    Ngày 7 tháng 8, năm 1992. Bốn ngày sau khi Nguyễn-Tất-Nhiên lìa đời nơi sân chùa Việt-Nam (đường Magnolia, thành-phố Garden Grove. California). Ký-giả Lily Dizon của nhật báo Los Angeles đã đăng bài tường-trình trong trang tin địa-phương với nhan đề: “Popular Local Poet Nhien Tat Nguyen Dead : Obituary: His melancholic Vietnamese verse intertwined religion and romantic love. An apparent suicide ends a poor and painful life.” Link: http://articles.latimes.com/1992-08-..._romantic-love
    Nguyễn-Tất-Nhiên sau những năm tháng dài lang thang như kẻ Homeless không cửa, không nhà; (trên xe anh lúc nào cũng có những bịch khoai tây sống để khi đói thì dùng). Ngày 3 tháng 8, 2012 Nguyễn-Tất-Nhiên đã tự chọn cho mình một phương cách rời bỏ loài người cùng cuộc đời ô-trọc:
    “ Mỗi một người một lý lẽ bất an,
    Mỗi cái chết có một hình thức khác…

    20 năm rồi, chàng đã về cùng bụi cát trùng khơi, mà sao những lời thơ còn vương vấn mãi cõi dương-trần, để người đời như tôi mỗi lần nhớ tới thơ anh phải bàng-hoàng, phải thống-khổ, cảm-nhận đến tận cùng nỗi cam-chịu của một kiếp người:
    “Sớt Cho Ai Một Chút Buồn.
    Sao Ta Không Nỡ Nên Thầm Cạn Ly”.
    “…Sao thiên thu không là thiên thu?
    nên những người yêu là những ngôi mồ
    tôi đứng một mình trong nghĩa địa
    và chắc không đành quên khổ đau!...”
    (Thiên-Thu - 1970)

    Chiều nay, lang thang trên hè phố xứ người. Tôi thấy tim mình bỗng nhớ quắt-quay; nhớ thơ tình Nguyễn-Tất-Nhiên, nhớ anh Nguyễn-Hoàng-Hải; dù chưa bao giờ được diện-kiến thi-sĩ trong đời:
    “…Cây xanh nói với lòng đường,
    Mỗi khi vắng bóng ta thường nhớ nhau. . .”

    Xin mượn bài thơ “Minh Khúc 9” của chính anh để tặng cho tất-cả những ai đã, đang hoặc chưa từng biết về cố thi-sĩ Nguyễn-Tất-Nhiên:
    “Đong tình đong nghĩa cho nhau
    Trái tim nhân loại dù sao cũng còn
    Đâu đây, đâu đó bên đường
    Có thêm một tấm lòng thương tấm lòng
    Nợ đời trả kiếp chưa xong
    Ai đem đổ biển đổ sông nợ tình
    Cho nhau nhiều ít chân thành
    Cũng như hương hỏa ba sinh vẫn còn
    Sẻ chia khúc ruột đoạn trường
    Kẻo vua Lê trách chàng Trương phũ phàng
    Nợ đời trả chút văn chương
    Nợ tình, ừ, trả con đường em đi
    Sống không trách móc không về
    Qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai
    Chỉ xin sợi vắn sợi dài
    tóc mai nhắn gió thương hoài ngàn năm
    bữa qua qua bỗng đau lòng
    nhớ hôm bậu hát bài đừng xa nhau..”

    (Viết cho ngày giỗ năm thứ 20 cố thi-sĩ Nguyễn-Tất-Nhiên 3 tháng 8, 2012)
    Ghi-Chú: quý độc giả có thể nghe nhạc & xem Youtube về Nguyễn-Tất-Nhiên trên trang báo điện-thử toàn cầu

      Posting comments is disabled.

    Categories

    Collapse

    article_tags

    Collapse

    There are no tags yet.

    Latest Articles

    Collapse

    • Bí ẩn hòn đảo mang lời nguyền ở Italy
      bởi phng99
      Đảo Gaiola là một trong những đảo nhỏ thuộc thành phố biển nổi tiếng Naples, Italy.


      Đảo nằm trên vịnh Naples, ở trung tâm của công viên hải dương học Gaiola, trải rộng trên diện tích 42 hecta. Trên thực tế, Gaiola là sự kết hợp của hai hòn đảo nhỏ nhắn, chỉ cách bờ biển 30 mét, tạo nên một cảnh quan rất đẹp nếu nhìn từ trên bờ.



      Vì rất nhỏ nhắn, hòn đảo chỉ có một biệt thự nghỉ mát duy nhất. Giữa hai hòn đảo, có một
      ...
      28-09-2013, 09:30 PM
    • T h ế G i ớ i Ă n G ì V à o B ữ a S á n g ?
      bởi dtmc
      T h ế G i ớ i Ă n G ì V à o B ữ a S á n g ?
      1. Anh


      Người dân xứ sương mù nổi tiếng với bữa điểm tâm vô cùng đa dạng và bổ dưỡng. Đối với họ, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất để khởi động một ngày mới tràn đầy năng lượng. Đĩa sáng thịnh soạn này gồm đậu, xúc xích, thịt xông khói, trứng ốp-la, nấm, cà chua, bánh mì nướng và khoai tây chiên thường được họ uống kèm với một tách cà phê nóng hổi.

      2. Iran

      Người dân
      ...
      27-09-2013, 07:22 PM
    • 5 loài chim được chọn làm "Quốc điểu"
      bởi binhyentrongtim


      Biểu tượng quốc gia là thứ đặc trưng nhất về một đất nước, thể hiện được quan điểm của nước đó trong quan hệ với bạn bè quốc tế. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có ít nhất một biểu tượng đại diện cho mình, từ các loài động vật, cây cối, đến các đồ vật hay danh lam thắng cảnh.

      Chim oanh châu Âu - Anh

      Chim oanh châu Âu là loài chim nhỏ ăn côn trùng, sống ở vùng Tây Siberia, Bắc Phi và châu Âu (đặc biệt...
      22-08-2013, 08:10 PM
    • 10 động vật kỳ lạ nhất của rừng Amazon
      bởi phng99
      Chúng ta đã từng nghe nói về dơi hút máu người, cá sói nước, rắn thần sấm,… nhưng có thể chúng ta chưa biết về 10 loài động vật kỳ lạ của rừng nhiệt đới Amazon.

      10. Gấu hút mật hoa




      Con vật này khá giống gấu trúc, nhưng lông màu vàng, đuôi rất dài dùng để bám vào cành cây. Chúng chủ yếu sống trên cây và ăn các loại hoa quả. Đặc biệt chiếc lưỡi dài tới hơn 12cm được loài gấu này dùng để bứt quả và liếm mật của các loại hoa.

      9. Lươn điện
      ...
      06-08-2013, 05:08 PM
    • Khi các thuốc “đánh nhau”
      bởi phng99

      Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời hai hay nhiều thuốc, thuốc này làm thay đổi tác dụng hay tăng độc tính của thuốc kia dẫn đến hậu quả có lợi hoặc bất lợi với cơ thể người dùng thuốc.

      Thận trọng với tương tác thuốc...
      30-07-2013, 08:19 PM
    • Cách phân biệt cà phê thật và phụ gia độc hại
      bởi binhyentrongtim




      Vài năm gần đây, ngoài phụ gia, còn có nhiều loại hóa chất độc hại được cho vào cà phê. Không chỉ dùng chất độn, có loại "cà phê" hoàn toàn sử dụng đậu nành trộn với hóa chất không rõ nguồn gốc, như đã bị phanh phui trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước thực trạng này, để tránh nhầm lẫn khi đi mua cà phê, người tiêu dung cần có kiến thức căn...
      02-07-2013, 09:35 AM
    Working...
    X