Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

12 ngày ở Miến Điện

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 12 ngày ở Miến Điện

    Phóng Sự :12 ngày ở Miến Điện và cuộc hàng trình 24 ngày qua Ấn Độ

    Bạn đọc chú ý xem lại tất cả trước khi đọc tiếp ,vì tác giả không có đề ngày tháng và trang web không có thứ tự của bài...cho nên Việt copy không theo thứ tự gì cả....đôi khi chèn bài mới vô bài đả post rồi...đó là lý do Việt yêu cầu các bạn check sơ lại trước khi đọc tiếp....cám ơn.


    Lời tác giả: Burmar hay Myanmar (Miến Điện), Rangoon hay Yangon (Ngưỡng Quang), Irrawaddy hay Ayeyarwaddy (sông Voi), Pin Oo Lwin hay May Myo (Phố Mây), những địa danh cũ và mới của Miến Điện vẫn chưa được thống nhất cả bên trong và bên ngoài đất nước có hàng vạn chùa tháp, trên một trăm sắc dân, và đời sống còn khép kín cả về tâm tư cùng địa lý.
    Tôi đến Miến Điện một ngày đầu thu, không có tham vọng đào xới những bí ẩn của một đất nước và dân tộc khép kín. Điều đó chỉ có thể thực hiện với thời gian vài mươi năm. Tôi chỉ ở Miến Điện 12 ngày, chỉ để thỏa một ước mơ là đặt chân lên Đồi Mandalay ở miền Thượng Miến Điện, nơi Phật Thích Ca đã một lần dừng chân. Nhưng ý định ban đầu được bội thu vì sự tùy hứng đẩy đưa tôi đi nhiều tỉnh khác...



    Nụ cười Miến Điện

    Mưa Ngưỡng Quang!

    Cơn mưa từng cọng dài trút thêm sự phiền hà lên những hố hầm đường xá.

    Trên vách tường của những chung cư đen xám, sợi mưa vãi xuống trinh tuyền.

    Mưa càng lớn càng tuyệt vọng màu trinh trắng. Không thể xóa đi lớp rêu đen bám tường.

    Màu đen của tường phố hiện rõ trong mưa. Tựa như một chiếc mùng trắng chụp lên các khối đen sần sùi khắc khổ.

    Tôi đứng trong lề, chăm chăm từng sợi mưa Ngưỡng Quang.

    Nhìn những người Miến đụt mưa nhai trầu, phun nước bã đỏ ngầu vào mưa trắng.

    Có một lần tôi đụt mưa ở Cà Mau. Nhìn những đàn ông phì phèo thuốc lá nhả khói trắng vào mưa trắng.

    Mưa ở đâu cũng buồn. Dù màu của mưa không giống nhau.

    Mưa ở đâu cũng buồn, khi nơi đất lạ.


    Tôi bắt được một bác tài taxi trẻ. Anh ta đồng ý chở một vòng thành phố giá bốn đô kể cả thời gian chờ đợi. Anh ta tên là Maung. Rất nhiều người Miến Điện tên Maung, chỉ có nghĩa là cậu hay thanh niên, đó là cách xưng hô chỉ phái nam còn trẻ chứ không phải danh từ riêng. Bạn cũng đừng nên hỏi tên kỹ quá vì nhiều người Miến không muốn người nước ngoài biết tên. Maung có hai bằng đại học, đã từng xuất ngoại qua Lào chơi. Anh không ăn trầu, nước da hơi trắng, đẹp trai kiểu cổ, ăn nói điềm đạm và kiến thức rộng. Maung giải thích lý lịch Yangon rất tường tận.

    Chính quyền quân sự hiện nay bị nhiều nước tẩy chay nên cái tên Yangon cũng bị hệ lụy lây khi họ lấy lại tên cũ Yangon vào năm 1989. Yangon, nghĩa là “hết chiến tranh”, người Anh phiên âm thành Rangoon, vẫn chưa được nhiều nước và cơ quan truyền thông lớn như đài BBC dùng. Một số người dân Miến Điện vẫn gọi là Rangoon vì không công nhận tính chính thống của chính quyền quân sự.


    Chùa Shwedagon

    Yangon, từ thế kỷ thứ 6 có tên là Dagon, là một ngôi làng đánh cá nhỏ sống loanh quanh gần ngôi đại tự nổi tiếng Shwedagon. Năm 1755, vua Alaungpaya đổi tên thành Yangon. Người Anh chiếm Yangon trong cuộc Chiến Tranh Anh - Miến lần thứ Nhất (1824-26) và toàn bộ vùng Hạ Miến Điện (phía Nam) năm 1852 trong Chiến Tranh Anh - Miến lần thứ Hai, chiếm thêm vùng Thượng Miến Điện trong Chiến Tranh Anh - Miến lần thứ Ba năm 1885. Miến Điện nằm trong tay thực dân Anh cho đến năm 1948 mới dành được độc lập.

    Như đã nói, “cái túi” Yangon có đáy là khu thị tứ ổ chuột nằm sát sông Yangon, miệng túi phát triển về hướng Bắc với dinh thự, công viên, sở thú và đường sá thoáng đãng sạch sẽ. Phi trường Yangon, nhà của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, sứ quán Hoa Kỳ, hai cái hồ xinh xắn Kandawgyi và Inya đều nằm ở khu miệng túi.

    Ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon ngự trên Đồi Singuttara nằm giữa biên giới của đáy túi và miệng túi nhưng gần hướng đáy túi hơn. Tương truyền trên Đồi Singuttara có ba xá lợi của ba vị Phật ra đời trước Phật Thích Ca. Khi Thích Ca thành đạo ở Ấn Độ, có hai anh em nhà kia từ Miến Điện qua Ấn, được Phật cho tám sợi tóc đem về thờ, đi nửa đường thì bị cướp một nửa. Dù vậy khi về tới Yangon thì hai anh em vẫn được tiếp rước trọng thể. Người ta xây một ngọn tháp cao trên 100 mét trên đồi để tôn trí bốn sợi tóc Phật. Sau nhiều cuộc chiến tranh và động đất, triều vua nào cũng trùng tu ngọn tháp. Hiện nay đứng cách xa Đồi Singuttara 15 cây số vào ban đêm hay ngày vẫn có thể thấy ngọn tháp chính lấp lánh ánh sáng vàng. Một câu chuyện truyền tụng khác về ngọn đồi thiêng là quả chuông nặng 30 tấn. Năm 1608 một người Bồ Đào Nha đánh cắp quả chuông nhưng trên đường tẩu tán thì quả chuông rơi xuống sông Bago và mất tăm. Đến năm 1779 nhà vua cho đúc một quả chuông khác nhưng 40 năm sau lại bị lính Anh đánh cắp. Trên đường chở qua Calcutta (Ấn Độ), quả chuông thứ hai này rơi xuống biển nhưng may mắn tìm lại được. Hiện quả chuông vẫn còn đặt ở góc hướng Tây Bắc của chùa Shwedagon. Tất cả những câu chuyện như thế càng khiến ngôi chùa trên ngọn đồi càng thiêng liêng, người Miến Điện hãnh diện với ngôi chùa, du khách nào tới họ cũng giới thiệu.


    Chùa Shwedagon trong đêm

    Maung thả tôi xuống chân đồi chùa Shwedagon. Anh nói đóng năm đô rồi gửi giày ngoài cửa, anh sẽ chờ cho đến khi tôi xuống. Lúc tôi sắp hàng vào cửa thang máy theo hướng dẫn thì có một người đàn ông đeo thẻ bám theo, anh ta nói “tôi sẽ hướng dẫn anh tham quan ngôi chùa”. Tôi nói tôi đi chùa không cần hướng dẫn viên nhưng anh ta cứ kỳ kèo:

    Nếu không có tôi giải thích làm sao anh biết.

    - Thế ra khách nước ngoài phải có hướng dẫn viên?

    - Đúng vậy.

    - Nhưng tôi không cần, tôi đi chùa không muốn ai lẽo đẽo đi theo.

    - Nhưng anh sẽ không biết gì cả.

    Tôi bực mình gắt tôi muốn đi một mình. Đến khi đó anh ta mới chịu bỏ đi. Dịch vụ hướng dẫn viên này có vẻ như nửa tình nguyện, nửa bắt buộc. Tôi cho rằng đi chùa không nên có người theo sau lảm nhảm điều nọ điều kia, nó sẽ làm mai một bầu khí của một ngôi chùa.

    Như các ngôi chùa lớn khác ở Miến Điện (Thái, Lào và Cambodia cũng vậy), chùa có bốn cổng vào, trước mỗi cổng có hai con sư tử trắng rất lớn ngồi giữ, trên bậc cấp dẫn lên đồi có mái che hình bánh ú cùng các ngọn tháp màu vàng treo nhiều chuông nhỏ. Xung quanh tháp chính là sân rộng và nhiều ngọn tháp lớn nhỏ khác nhau. Có một khoảng sân rộng trước tháp để dân chúng ngồi cầu nguyện. Ở nhiều góc trong khuôn viên, hay trước tháp chính, đôi khi thấy đàn ông hay phụ nữ lần tràng hạt, lâm râm cầu nguyện, chỗ khác thì có người múc nước tắm Phật. Khung cảnh sáng rỡ và tráng lệ. Tôi thấy một quả hồng chung màu đen có viền đỏ treo trong lầu chuông nên nghĩ đó là quả chuông bị lính Anh đánh cắp. Thật ra đây là hồng chung do vua Tharrawaddy (1837-1846) tặng. Khi đến gần thì một người lính chận lại, ra dấu không được vào vì đang có một bộ trưởng nước láng giềng trong lầu chuông. Một phụ nữ lớn tuổi, mập mạp, đang cầm dùi đánh chuông và theo hướng dẫn của một ông quấn xà rông, bà ta vừa gật gù vừa dộng dộng liên tiếp dùi gỗ lên hồng chung. Tiếng chuông phát ra ẻo lả gượng gạo, đứng cách quả hồng chung vài thước nhưng âm thanh nghe như tiếng chuông của mấy người bán cà rem dạo. Bà ta lại đánh thêm một hồi rè rè nữa nghe rất chán. Trong cách đánh chuông (chung pháp) ở Việt Nam, người thỉnh chuông thường là một vị đã tu hành nhiều năm. Ngày trước chùa Linh Mụ ở Huế nổi tiếng với “Tiếng chuông Linh Mụ”, không chỉ vì quả đại hồng chung hay, mà còn nhờ các thầy thỉnh chuông đúng phép, tay dộng nhưng tâm quán. Nhiều người Huế lớn tuổi nói họ nghe thời chuông sáng chùa Linh Mụ (3 giờ rưỡi sáng) biết thầy nào đang thỉnh chuông.


    Đại hồng chung do vua Tharrawaddy tặng

    Ngôi tháp chùa Shwedagon to cao quá khiến người đứng trước tháp cảm thấy xa cách. Không có bầu khí thâm trầm và gần gũi như ở sân chùa Việt Nam. Tôi không tin có sự linh thiêng nếu đối tượng mà con người kính lễ xa cách với mình, mà nếu có thì sự linh thiêng đó cũng vô ích. Sự linh thiêng phải hài hòa với cõi lòng, hay như một chất xúc tác làm “động lòng” người đi tìm thiền vị. Một ngôi chùa thiêng không vì nó lớn hay nhỏ, mà bởi một mật ẩn gì đó xui người đến nhìn lại nội tâm mình, không hướng ra ngoài để lạy lục những tượng đền to lớn.

    Ngôi đại tự hùng tráng trên Đồi Singuttara đẹp mà lạnh. Nó kiêu hãnh chuồi bàn chân sang trọng xuống khu đáy túi luộm thuộm, không có nét hài hòa nào cả giữa hai khu vực. Khác với sự sừng sững của Shwedagon, trong khu vực nghèo nàn sát sông Yangon, có hai kiến trúc tôn giáo khác gần gũi với cuộc sống hơn, một là ngôi chùa Botataung cuối đường Botataung Pagoda (nơi có nhà khách Ocean Pearl Inn), và thánh đường lớn nhất Miến Điện là Nhà thờ Đức Bà (St. Mary), có từ cuối thế kỷ 19.

    Maung chở tôi đến chùa Botataung ở sát sông Yangon nơi có tôn trí tóc Phật và cho người ngoài vào xem. Người đến chùa nghèo nàn, trước cổng là một khu chợ bán trái cây cúng tấp nập. Tóc Phật được tôn trí trong một căn phòng sáng rực ánh sáng của vàng ròng, bên ngoài có cửa kính và một khe hở ngang tầm mắt để nhìn vào. Trong một ngôi tháp khác có răng của Phật.

    Tôi từ giã Maung. Ngày tôi ra phi trường kết thúc chuyến đi, Maung cũng đưa tôi đi. Anh ta chạy ngang hồ Inya và chợt hỏi: “Anh biết bà Aung San Suu Kyi không?”, rồi nói tiếp: “Nhà bà kia kìa.” Chạy một khúc nữa anh ta buột miệng “Chính quyền này không tốt”, rồi như thấy mình lỡ lời với một người xa lạ, anh ta nín bặt cho đến khi thả tôi xuống phi trường Yangon. Trong các khuôn mặt tôi gặp ở Miến Điện, Maung có đôi mắt buồn như khóc, khi cười đôi mắt Maung vẫn buồn, tia nhìn trên khuôn mặt sáng sủa của Maung như một nỗi ám ảnh, nụ cười lặng lẽ của Maung như thu tóm mọi nụ cười thầm câm của người Miến Điện.


    Nhà thờ Đức Bà Yangon

    Nhà thờ Đức Bà nằm trong khu ổ chuột gần chỗ tôi ở. Tôi đi qua nhiều lần trong ngày và lúc nào cũng bị vẻ nín nhịn của màu gạch cũ giữ lại. Hai tháp chuông cao nhưng không lớn, màu gạch đỏ đã quá cũ nên bề ngoài cả ngôi thánh đường như phủ một màu tím nhạt. Tháp chuông bên trái nguyên màu trắng nhưng đã trầy trụa sơn để lộ màu gạch bên trong. Ngôi thánh đường màu tim tím như bị bỏ hoang (dù nghe nói hằng tuần đều có thánh lễ), lặng lẽ giữa khu vực nghèo nhất Yangon. Sự im lặng của hai tháp chuông, màu gạch tím chìm trong bầu trời xám xịt, hai cánh cổng mở toang ra nhìn những dãy chung cư nghèo nàn khiến ngôi thánh đường gần gũi với cuộc sống lam lũ xung quanh. Trong một xứ đạo Phật, giữa những đền tháp vàng óng ánh và tấp nập người, nhà thờ Đức Bà như biết thân phận và chỗ đứng khiêm tốn của mình, nó lặng lẽ (kỳ lạ thay rất giống sự âm thầm của người Miến Điện), cố thu mình lại thật nhỏ hơn để khỏi phật lòng ai đó. Và cũng kỳ thay tôi thấy mình gần gũi với ngôi nhà thờ. Trong mấy ngày ở Yangon, hôm nào đi qua tôi dừng lại ngắm nghía một chút, thương màu vôi tróc lở của tháp chuông giống như một sự chịu đựng lặng thinh nhưng bình yên giản dị. Như đôi mắt buồn của những khuôn mặt trên đường phố. Như sự ẩn nhẫn và lam lũ của làn da sạm nắng nhưng óng ánh một sinh khí tiềm tàng bên trong những cuộc đời đang đứng riêng bên lề thế giới.

    Tôi cũng có cảm tưởng rằng phải ở loanh quanh khu nhà thờ Đức Bà, tức khu đáy túi thì mới thấy hết muôn vẻ của Yangon. Nó là một thành phố đa văn hóa. Đi trên một con đường thấy cả người Ấn bán xoài hay cà ri, người Tàu bán giò chéo quẩy, người Miến bán cơm.


    Cuộc biểu tình phản đối chính quyền do bà Aung San Suu Kyi tổ chức, tháng 8 năm 1988 tại Yangon

    Buổi tối hôm ấy tôi tìm một cái quán ven đường, cố múa tay để gọi một món ăn nhưng các cậu nhỏ chạy bàn đều không hiểu. Một người đàn ông quấn xà rông ngồi đối diện, mặt ông ta chằm chằm như như bị bồ bỏ. Đôi mày chau lại, ông ta nhìn tôi không chớp mắt. Tôi chắc ông ta không có khiếu thẩm mỹ.


    12 ngày ở Miến Điện

    Tôi ở một nhà khách tươm tất sạch sẽ thuộc khu Nyaung U, cách Bagan Cổ sáu cây số. Đây là nơi ở sang nhất của tôi kể từ khi đến Miến Điện. Nhà khách có hai tầng, tầng trệt có vài phòng trông ra một khu sân nhỏ, có ghế ngồi hóng mát. Phòng rộng, nệm cứng, có cửa sổ, máy lạnh, nước nóng nước lạnh đầy đủ, lại có cả một cái quạt trần quay kèn kẹt, trong suốt bốn ngày ở đây không lúc nào bị cúp điện. Mùa mưa nên chỉ có vài phòng có khách du lịch. Sân sau nhà khách để vài chục chiếc xe đạp, cứ chọn một cái đạp đi không cần hỏi ai cả, khi nào trả thì đưa cho nhân viên 1.000 kyat. Thật là một tâm trạng thoải mái.




    Sông nước Bagan

    Một buổi chiều tôi ra phòng tiếp tân ngồi đọc báo. Chủ nhà khách là một phụ nữ đứng tuổi, đeo kính trắng, khi không phải tiếp khách bà thường đọc sách, để mặc cho các nhân viên làm việc. Chỉ khi nào đổi tiền thì bà mới tiếp chuyện, nói năng nhã nhặn và lễ độ. Chợt một người đàn ông Tây phương từ phòng trong bước ra quầy tiếp tân. Ông ta mặc soóc, áo sơ mi hở cổ, tuy đã trọng tuổi nhưng dáng điệu nhanh nhẹn và hơi xấc xược. Ông ta hất hàm nói với một nhân viên nam:

    - Tao đi tìm chỗ bơi đây.

    Anh tiếp tân cười cười, chỉ đường cho ông già ra bờ sông. Người Miến Điện thường mỉm cười im lặng khi nói chuyện. Nhưng ông ta nói, cố tình cho tất cả mọi người trong phòng đều nghe:

    - Sông ở đây dơ bẩn quá, làm sao tao bơi được.

    Cái miệng ưa kiếm chuyện của tôi đã nhúc nhích ngứa ngáy. Hai nhân viên tiếp tân đứng gần ông cười cười, bà chủ khẽ ngước mắt liếc ông già Tây rồi lại tiếp tục cúi xuống đọc sách. Ông già nói tiếp, giọng lớn hơn, vừa nói vừa quét mắt khắp phòng:

    - Tao đến từ Âu Châu, chỗ nào sông cũng sạch, không như ở đây.

    Đột nhiên ông già nhìn tôi soi mói, rồi hất hàm:

    - Ê you, mày đến từ xứ nào?

    Lão không chờ tôi trả lời, hỏi tiếp luôn:

    - Nước mày có sông không?

    Tôi cười nhạt:

    - Vậy cho tôi biết có nước nào không có sông đã!

    Lão hơi khựng, tôi hỏi xách mé:

    - Kế tiếp cho tôi biết sông nào ở Âu Châu của ông không có cứt chó và rác rưởi.

    Bà chủ ngước nhìn, ra dấu bảo tôi đừng gây sự. Tôi càng hăng hái chửi tiếp:

    - Nước tôi và nước này sông nào cũng có cứt cả, chẳng vì thế mà các nước Âu Châu của ông mới thi nhau đến tắm rửa cả trăm năm đấy.

    Bà chủ nhà khách bật cười nhỏ. Lão đỏ mặt, sủa lại:

    - Tụi tao đi khai hóa.

    Tôi quạt:

    - Khai mỏ chứ khai hóa cái gì.

    Lão ngần ngừ muốn rút, tôi dứt điểm:

    - Tốt nhất là ông không nên tắm sông ở đây, nếu không thì hãy cẩn thận kẻo thành con tôm toàn là đồ dơ ở trên đầu.

    Lão gầm gừ bước ra cửa dông thẳng.



    Thời Mạt Pháp?

    Tôi phải thú nhận là mình cũng sân si như lão già Âu Châu kia, nhưng vẫn có cái cảm giác đã đời. Thỉnh thoảng giang hồ, tôi vẫn gặp vài người phương Tây có não trạng khinh thường châu Á như lão già này. Ở Yangon, tôi gặp một phụ nữ, nghe giọng nói thì hình như là người Úc. Bà này cũng ở chung nhà khách, một buổi sáng đi đâu về bà ta quang quác kể lại việc mua bán bàn ghế gì đó cho nhân viên khách sạn nghe. Bà kể rằng sau khi đưa ra giá rồi, bà hỏi cô bán hàng có đồng ý không nhưng cô ta cứ im lặng, hỏi mấy lần cô ấy vẫn im lặng. Thế rồi bà hỏi nhân viên nhà khách:

    - Trong văn hóa Miến Điện, im lặng nghĩa là sao? Ý nghĩa gì không mà kỳ vậy.

    Tôi ngồi nghe lỏm, tính bỏ qua nhưng nghe cách nói của bà ta, tôi biết ngay bà này muốn chứng tỏ ta đây có kiến thức và nhạy cảm về văn hóa khi đến một nước khác. Các nhân viên khách sạn không trả lời. Họ cười cười ngó bâng quơ. Bà ta đảo mắt nhìn quanh và nghiệp chướng thay, ánh mắt bà lại dừng nơi tôi, ra dấu hỏi ý kiến. Tôi chọt miệng:

    - Người ta im lặng tức muốn bảo bà cũng im đi. Khi đến thành La Mã thì làm theo người La Mã mà, có vậy mà bà không hiểu sao.

    Tôi nói xong thấy mình thật khiếm nhã khi nói với một phụ nữ như vậy, dù là phụ nữ xấu và vô duyên. Tôi bỏ ra ngoài, tự dặn mình không nên sân si những chuyện bên đường. Tôi cũng tự phân tích thái độ ăn thua đủ của mình mỗi khi đụng độ những chuyện lẩm cẩm như vậy với người phương Tây. Không biết có phải do xuất phát từ tâm trạng mặc cảm của một con dân nước nhỏ mang nặng nỗi buồn nhược tiểukhông. Có lẽ là vậy, nhưng biết làm sao vì kiếp này, như một bài hát xưa có lời, nhưng có một điều tôi biết chắc, là lão già phương Tây do sự kiêu ngạo của mình nên không muốn biết những suy nghiệm của người Miến Điện. Một tác giả và nhà báo kỳ cựu người Anh, James George Scott, viết văn ký tên Shway Yoe, đã sống ở miền Bắc Việt Nam trong năm 1884 và có viết một cuốn sách tựa là France and Tongking (Nước Pháp và Bắc Kỳ). Nhưng phần lớn ông sống, dạy học, làm quan và làm báo ở Miến Điện từ năm 1875 cho đến năm 1910, từng phỏng vấn vị vua cuối cùng của Miến Điện là Thibaw (kế vị vua Mindon), nghiên cứu phong tục tập quán Miến Điện rất kỹ. Các tác phẩm của ông về Miến Điện khá nhiều, nổi tiếng nhất là Burma as It Was, as It Is, as It Will Be (1886), Burma a Hanbook of Practical Information (1906), và The Burma (1909), chưa kể năm bộ sách Gazetteeer of Upper Burma and the Shan States mà ông là tác giả chính. Trong cuốn The Burman, Scott viết: “Lời chúc tốt lành nhất mà một người Miến Điện muốn gửi tới một người Anh là, vào một kiếp nào đó trong tương lại, nhờ tạo nhiều nghiệp tốt, anh sẽ được đầu thai làm một Phật tử, và tốt hơn nữa, là một người Miến Điện”.



    James George Scott

    Người Miến Điện chấp nhận và kiên nhẫn với hiện tại vì tin rằng đó là nghiệp quả, cho nên sống lành bây giờ để tương lai tốt đẹp hơn. Họ mỉm cười với hiện tại, nụ cười yên lặng và bâng quơ. Đó là một khía cạnh trong nhân sinh quan Phật giáo, nhưng họ áp dụng thụ động quá nên không thấy mặt tích cực của thuyết nhân quả. Tương lai chỉ tốt đẹp hơn nếu tích cực cải đổi hiện tại, chứ không phải buông xuôi và chấp nhận. Không phải họ không hiểu như vậy, nhưng dường như họ chỉ tập trung đầu tưcho tương lai vào các hình thức tu tập nhiều hơn là ý nghĩa của sự tu tập. Điều này không khó hiểu vì hình thức bao giờ cũng dễ thực hiện hơn.
    Người đàn ông Miến Điện nào, nếu không xuất gia, đều phải vào chùa sống một thời gian dài hay ngắn tùy tâm nguyện và hoàn cảnh. Vào chùa tutrở thành một điều kiện để thành nhân. Đó là một ứng dụng tốt vì ít nhất, mỗi người biết được thế nào là lành hay dữ, nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì đã cấy một mầm tốt để tùy duyên mà nẩy nở. Nhưng họ áp dụng điều này một cách quá máy móc nên gây nhiều hiện tượng xấu đối với hình ảnh tu sĩ Phật giáo. Tôi đã thấy các thanh niên cạo đầu, mặc áo nâu sòng, đi hàng năm hàng ba ở Mandalay xuống phố đêm, ngồi lựa mua những băng DVD bạo động, tìm phim Hollywood dành cho người lớn. Họ không phải tu sĩ xuất gia, họ là những thanh niên đến tuổi vào chùa làm tu sĩ một thời gian trước khi lập gia đình. Tuy nhiên cung cách của họ làm phai vẻ đẹp của màu áo tu sĩ. Tương tự, ở cố đô Luang Prabang của Lào cũng thường xuyên có các hình ảnh như vậy. Du khách ghé Luang Prabang luôn trầm trồ hình ảnh từng đoàn tu sĩ mặc áo vàng, từ rất sớm, đi thành đoàn trên phố, ôm bình bát khất thực, bên lề đường có người quỳ sẵn chờ cúng dường thức ăn. Quả là một hình ảnh đẹp (để ghi ảnh). Các tăng đi thành hàng khi trời còn tờ mờ sáng, một chút sương đêm còn sót lại. Nhưng nhìn kỹ hơn thì không thấy đẹp lắm. Khất thực là một phương tiện để tu, bước đi chậm rãi đoan nghiêm, mắt không nhìn hai bên, ngó xuống đất trước mặt, khi có người dâng thức ăn thì sẽ niệm kinh hồi hướng cho kẻ cúng dường. Mỗi bước chân đi là một hơi thở an lạc, không vui không buồn, tỉnh thức, mỗi bước chân là một hạnh phúc, không cần tới, mà tới đâu khi đích là an lạc, mà an lạc đã ở trong từng bước chân qua.



    Khất thực, một hình thức tu tập quan trọng

    Hình ảnh của nhiều sư sãi ở Luang Prabang không còn như thế. Đã nhiều sáng sớm tôi thấy họ đi tung tăng, nhanh nhẹn, tôi phải vừa đi vừa chạy theo mới bắt kịp, có người sau khi bình bát đã đầy thực phẩm, còn xách tòn teng một hai cái bao ni-lông đựng đầy thức ăn, ngó nghiêng liếc dọc, mau mau về chùa. Một trong ý nghĩa cao đẹp của khất thực là tạo cơ hội cho người cúng dường làm việc thiện, cho người khất thực buông xả. Dường như ý nghĩa ấy chỉ còn lại hình thức. Mà không chỉ có khất thực, một số hiện tượng khác cho thấy Phật giáo đang dần trở thành một hình thức cúng kiến. Có một lần vào ngôi chùa lớn ở Vientiane (thủ đô Lào), tôi thấy ở một góc sân có nhiều tượng Phật đặt xung quanh một cây bồ đề. Phật tử đến cúng để xôi và trái cây dưới đất, đốt nhang, nhưng sợ không chắc ăn, còn trét xôi lên miệng tượng Phật, qua vài giờ, ruồi bay đậu tới tấp lên xôi khô, không còn gì là sự đoan nghiêm hay ý nghĩa của biểu tượng cúng dường. Đúng là hiện tượng của Mạt Pháp. Nhưng không nên hiểu Mạt Pháp là giáo pháp suy vi hay Pháp đã lên tới ngọn. Giáo pháp là chân lý nên không bao giờ suy đồi. Mạt Pháp chính là sự suy vi của con người do lười biếng và dễ dãi với chính mình. Thiên đường vẫn còn đó. Niết Bàn vẫn còn nguyên. Nhưng con người đã suy yếu nên không đến gần được. Mạt Pháp không ở riêng Lào hay Miến Điện mà ở khắp nơi. Việc in ấn sách hay video về Phật giáo bừa bãi cốt để lấy tiếng cũng là một hiện tượng Mạt Pháp. Một cuốn kinh nhật tụng, in trên giấy xấu với mục đích đơn sơ là để dễ phổ biến cho nhiều người đọc tụng: đó là chính pháp. Nhưng khi biến cuốn kinh nhật tụng hàng ngày thân thuộc ấy thành một cuốn sách in ấn đẹp đẽ, tốn nhiều tiền hơn, làm hoa mắt người xem, thì đó là biểu tượng của Mạt Pháp. Thà để số tiền in sách đẹp, bìa cứng ấy làm những chuyện lợi ích khác.


    “An bần lạc đạo?”

    Người Miến Điện biết “an bần lạc đạo”, biết mỉm cười với hiện tại trắc trở, bao dung với những người không hiểu họ. Có một câu chuyện minh họa cho bản chất hoạt kê và hồn nhiên của người Miến Điện là, khi căn nhà của họ bị cháy tan, thì thay vì khóc lóc đau khổ, ngày hôm sau gia chủ và hàng xóm cùng kéo nhau đánh chén ngay trên đống tro tàn của căn nhà bị cháy. Căn nhà bị cháy là do nghiệp quả, không có gì phải đau khổ tiếc nuối. Tôi không chắc là trong thực tế khổ chủ nào bị cháy nhà cũng hành động như thế, nhưng các tiếp xúc với người Miến Điện cho thấy bản tính của họ đúng là đậm chất hài hước hồn nhiên. Từ người xà-ích cho đến bác xe ôm, một cậu nhỏ chạy bàn hay người bán tranh, tất cả đều cố làm vui lòng người đối diện. Họ không muốn làm phật lòng ai, tránh tranh chấp. Dù thế nhưng sao trên các gương mặt âm thầm ấy luôn lấp lánh nét buồn trong ánh mắt.
    Tuy không muốn nhận lời chúc của họ là sẽ thành một Phật tử Miến Điện vào kiếp sau, nhưng tôi phải thú nhận là đã học được rất nhiều bài học quý giá từ cách thế sống của một dân tộc dịu dàng và khiêm tốn.


    Last edited by viet11; 25-03-2012, 09:13 PM. Lý Do: Phóng Sự :12 ngày ở Miến Điện và cuộc hàng trình 24 ngày qua Ấn Độ
    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
    ............



    Can't Live Without...hehe...


    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

  • #2

    Đồi Mandalay

    Mạn Đà La và Phố Mây

    Thành phố Mandalay, cách Yangon trên 700 cây số về hướng bắc, có một con đường rợp mát và thẳng băng dọc theo hoàng thành, đường số 66. Một đầu đường là khách sạn năm sao Sedona, đầu kia là Đồi Mandalay, chỉ cao 240 mét nhưng muốn leo tới đỉnh phải trèo 1,729 bậc thềm. Hai hàng cây trên đường 66 thẳng tắp trên hai lối đi bộ ven đường, dải phân cách ở giữa là hàng cây xanh, đứng đầu con đường thanh thản này có thể thấy thấp thoáng tháp vàng trên lưng chừng Đồi Mandalay.

    Đường sá trong nội thành Mandalay thẳng góc, tên đường đánh theo số thứ tự nên dễ tìm. Phố xá không có gì lạ, nổi bật nhất là đồi Mandalay, các ngôi chùa và hoàng thành nằm ngay dưới chân đồi.


    Một tài xế xe lôi trước khách sạn Sedona

    Năm 1857, vua Mindon dời đô từ Amarapura từ hướng nam về Mandalay hiện nay, chọn đồi Mandalay như một điểm tựa phong thủy và tín ngưỡng để xây hoàng cung. Nhiều cuốn sách ghi rằng lý do vua dời đô vì được mặc khải và do một nhà tiên tri mách bảo. Nhưng tôi có nói chuyện với vài người khi đi thăm cố đô Amarapura chỉ cách Mandalay 11 cây số thì họ bảo không phải như vậy. Họ nói vì lúc đó quân Anh đã chiếm Hạ Miến Điện, nhà vua biết thế nào họ cũng chiếm vùng Thượng Miến Điện nên dời kinh thành vô sâu trong đất liền, vì hoàng thành Amarapura gần sông Voi quá, khó phòng thủ, mà hải quân Anh rất giỏi. Hoàng cung cũ được dời về Mandalay bằng voi (thật ra chỉ trên 10 cây số), và mất hai năm sau khi dời đô thì hoàng cung Mandalay mới xây xong.
    Nếu tính về thời gian thì một hoàng thành chỉ xây trong vòng hai năm ắt không thể nào lớn hoặc bề thế như của Trung Hoa hay thậm chí hoàng thành Huế. Quả vậy, hoàng thành Mandalay cho ta cảm giác nhẹ nhàng và khoáng đạt, chứ không u trầm và kín đáo như thành nội Huế. Mỗi bề hoàng thành dài khoảng hai cây số, có tổng cộng 12 cổng (mỗi mặt thành có ba cổng), ở các cổng và bốn góc thành có tháp cao nhưng như để trang trí hơn là phòng thủ, gồm nhiều mái vuông chồng dần lên nhau. Đứng trên Đồi Mandalay nhìn xuống, hoàng thành Mandalay trông như một Mạn Đà La. Về mặt hình dạng, Mạn Đà La là một hình tròn bao quanh một đồ hình vuông vức, có bốn cửa xoay về bốn hướng, mỗi cửa có một vị Phật ngự trị chung quanh vị Phật chính ở trung tâm đồ hình. Tùy theo hạnh nguyện mỗi vị Phật có một màu sắc tương ứng. Trong Phật giáo Mật Tông, hành giả quán minh là một Mạn Đà La, hay có đủ sắc tướng của một vị Phật, nói thật đơn giản thì Mạn Đà La khi ấy vừa là phương tiện (để tu) vừa là cứu cánh (thành Phật). Ngoài hoàng thành là thành phố, chung quanh thành phố là bốn con sông bao bọc như vòng tròn bao quanh hình vuông bên trong. Thành phố Mandalay đúng là một Mạn Đà La.


    Hoàng thành Mandalay

    Trong luận ký “Đời sống và Nhân Sinh Quan của người Miến Điện” viết xong vào năm 1909, Sir Jame George Scott mô tả hoàng thành của vua Mindon như sau:

    “...Mỗi mặt thành dài một dặm tám, tường đắp cao hơn 11 mét rưỡi, bề dày gần một mét, dù khó bị phá vỡ nhưng không có súng phòng thủ đặt trên các pháo đài cách nhau khoảng 182 mét. Mặt thành hình răng cưa sâu nhưng không có lợi gì (cho việc phòng thủ) mà chỉ để trang trí. Có 12 cổng thành mỗi mặt nhưng mỗi bên chỉ có một cái cầu bắt qua hào, riêng cửa thành phía tây có hai cầu và một cái dành riêng cho tang lễ. Bên ngoài mỗi cổng thành có biển ghi tên và huy hiệu của cổng. Chung quanh và cách thành chừng 18 mét là hào sâu rộng khoảng 45 mét (có tài liệu ghi 68 mét, tôi nghĩ đúng hơn vì có đo thử bằng cách nhảy ước chừng, cũng có thể hào được mở rộng sau này NV), có thả sen là loài hoa Phật tử ưa chuộng. Đây đó trên hào thấp thoáng những chiếc thuyền của hoàng gia.”*


    Tường hình răng cưa của Hoàng thành Mandalay

    Mô tả của Scott không khác lắm dù đã hơn một thế kỷ qua. Hoàng thành của vua Mindon giống như để che các sinh hoạt của hoàng gia và triều đình hơn là để phòng thủ. Dù hào rộng, nước trong vắt và thoáng chứ không thả đầy rau muống như ở thành nội Huế, nhưng cũng chỉ để trang trí hay giải trí. (“Đây đó trên hào thấp thoáng những chiếc thuyền của hoàng gia”.) Vua Mindon không nghĩ đến chuyện tự vệ, rất có thể ông biết lối phòng thủ bằng hào sâu và tường dầy, với các súng “thần công” cổ lỗ sĩ bắn phát một không thể ngăn chận quân Anh lúc đó đã chiếm hết miền Hạ Miến Điện. Sớm muộn gì họ cũng chiếm luôn vùng Thượng và triều đình phong kiến với vũ khí thô sơ không cách nào ngăn chận nổi, vì vậy ông tập trung phát huy đạo Phật trong thời gian trị vì hơn là lo bảo vệ đất nước.

    Tất nhiên những điều trên là võ đoán của tôi, không có căn cứ và chỉ dựa theo cảm nhận khi đạp xe đi quanh hoàng thành. Cổ thành nào cũng buồn, nhưng nỗi buồn váng vất nơi cổ thành Mandalay không u uất, không trầm mặc, không rêu phong màu gạch đỏ như nỗi buồn thấu xương ở thành nội Huế một chiều đông lất phất mưa. Nó như một cô gái xuân thì phơi phới không trang điểm chứ không phải một nàng kiêu kỳ kín đáo với vòng vàng xuyến ngọc và quá khứ phủ đầy người. Buồn nhưng nỗi buồn nơi bốn tường thành vuông vức bình thản, tựa như con người biết kiếp người rồi sẽ như thế, như sông trôi, mặc!

    Tôi không đi vào bên trong hoàng thành vì theo vài tài liệu, và người địa phương, cho biết: “Bên trong không còn gì cả vì bị đồng minh thả bom làm cháy rụi cung điện trong Chiến Tranh Thế Giới lần 2”. Nhất là không có gì để xem vì “toàn là đồ giả”. Một người Mandalay nhấn mạnh: “Trong đó bây giờ là doanh trại quân đội, không có gì.”

    Mandalay như vậy không phải là thành phố cổ như nhiều người nghĩ. Nó là cố đô của triều đình phong kiến cuối cùng của Miến Điện. Chỉ tồn tại không tới 30 năm, quá ngắn nên không có nhiều dấu vết vua chúa, trừ các công trình lớn để hoằng dương đạo Phật của vua Mindon.


    Phố Mây

    Cách nội thành Mandalay 70 cây số về hướng đông (tức về hướng Việt Nam), có cao nguyên Pyin Oo Lwin cao trên 1,000 mét. Tên cũ của Pyin Oo Lwin là May Myo, nghĩa là Phố May (“May” là tên của viên sĩ quan đầu tiên của thực dân Anh đồn trú tại Pyin Oo Lwin). Tôi gọi May Myo là Phố Mây. Tôi thuê một chiếc xe ôm chở lên cao nguyên Pyin Oo Lwin, tức Phố Mây, vào sáng sớm. Ông xe ôm đã trọng tuổi, nói tiếng Anh lưu loát, biết nhiều về lịch sử Miến Điện. Ông ngồi chơi hút thuốc vặt (chứ không nhai trầu) trước khách sạn, rủ tôi đi chơi. Ông nói không làm gì, nếu đồng ý thì đi về tổng cộng 140 cây số chỉ lấy 20 đô.

    Các bạn giang hồ nếu lên Phố Mây nên chọn đi xe ôm, hoặc “đã” hơn là tự mình mướn gắn máy rồi xem bản đồ chạy. Thật ra đường đi dễ, không cần nghiên cứu bản đồ cũng đi được. Từ trung tâm Mandalay, tức từ cổng nam của hoàng thành (đường số 26), tìm đường số 73 chạy cho đến khi gặp đường số 35 thì rẽ trái, chạy hết đường 35 (khoảng hai cây số) sẽ thấy một tấm bảng chỉ hướng đi lên Phố Mây. Từ đây đã ra khỏi nội thành, chỉ có đường quốc lộ độc đạo nên không thể lạc được.

    Ra khỏi nội thành con đường nhựa hơi lổm chổm nhưng chỉ khoảng 10 cây số là đường trơn láng. Hai bên các hàng cây tếch và phượng vàng vươn cao che gần kín bầu trời. Con đường này hai chiều, phân cách nhau bởi một hàng cây rộng trên năm thước, chạy tốc độ thoải mái không giới hạn. Ruộng lúa sau hàng cây cao không rộng bằng miền Tây nhưng cảnh các cô Miến Điện đội nón lá, quấn xà rông đủ màu sắc lui cui cấy lúa thật yên bình.


    Đồi Mandalay

    Trước khi lên đèo, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ để ăn sáng. Đây là quán duy nhất dọc đường, nhiều xe hàng chở người ngồi cả trên mui tấp vào nên không khí khá náo nhiệt. Chúng tôi vừa ăn sáng vừa nói chuyện. Bác xe ôm có cậu con trai đầu đã tốt nghiệp Học viện Quân sự ở Phố Mây, vừa mới được bổ nhiệm lên tiểu bang Shan. Tuy bác không nói nhưng tôi đoán cậu con của bác được gửi lên Đặc Khu Kokang nằm phía bắc của tiểu bang Shan, giáp biên giới Trung Quốc, nơi đang diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội chính quyền và lực lượng võ trang của các sắc dân thiểu số. Phần lớn sắc dân vùng giáp ranh Trung Quốc này gốc Hoa. Miến Điện có 135 sắc tộc thiểu số, chiếm 30 phần trăm dân số. Do nhiều nguyên nhân họ thường xuyên xung đột với chính quyền trung ương. Riêng tiểu bang Shan có 17 lực lượng vũ trang của người thiểu số, có khi đánh có khi hòa với chính quyền quân sự.

    Vào thời điểm tôi đến Phố Mây thì giao tranh đang diễn ra ác liệt giữa lực lượng võ trang của sắc dân Kokang (Quân Đội Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện) và quân đội của chính quyền, không biết tổn thất hai bên thế nào nhưng gần 30,000 nạn nhân chiến tranh, phần lớn là người gốc Hoa, phải tràn qua tỉnh Vân Nam lánh nạn. Sự bất ổn ở khu vực biên giới khiến Trung Quốc còn lo ngại hơn chính quyền quân sự vì Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập đường ống dẫn dầu từ Vân Nam, băng qua Miến Điện, vươn ra tới Ấn Độ Dương. Đường ống dài 1,200 cây số này sẽ giúp tàu chở dầu Trung Quốc không lệ thuộc vào tình hình an ninh bất ổn ở Vịnh Malacca khi phải chở dầu từ Phi châu hay Trung Đông về nước.

    Bác xe ôm hãnh diện vì lương tháng của cậu con khoảng 100 đô, có thể sống tự lập dù đang phải ở vùng chiến sự. Hai đứa nhỏ hơn cũng đang học đại học. Theo tiêu chuẩn Miến Điện bác thuộc gia đình đủ ăn đủ mặc, không chật vật quá. Bác nói cho con vào quân đội thì mới tiến thân được, “sau này nó lên tướng còn ngon nữa”. Bác lôi trong bóp ra tấm hình của cậu con sĩ quan quân đội, khoe: “Nó cao lớn đẹp trai, học giỏi nên mới được tuyển vào trường sĩ quan.”

    Sau khi gầm rú băng qua hai cái đèo có mấy chiếc xe hơi cũ nằm ụ, ngắm nghía dòng Dotawaddy, một nhánh của sông Voi, uốn lượn yên bình dưới thung lũng xanh thẳm, chúng tôi đã lên tới cao nguyên Phố Mây, không khí mát lạnh như ở Di Linh, hai bên đường hoa dại đủ màu. Con đường vào Phố Mây như một làng quê thanh lịch, bác tài chạy ngang một cái miếu nhỏ ven đường và bóp còi tin tin. Bác giải thích đó là chào thần làng phò hộ để đi đường bình yên (khi đi về bác cũng chào kiểu bóp còi tin tin và cho xe chạy chậm lại).

    Con đường dẫn vào thành phố êm đềm và kín đáo. Hoa phượng vàng và hoa cây tếch vàng nhạt đan vào nhau, chớm một màu sáng phất phơ trên bầu trời cao nguyên nhiều mây xám. Xe chạy ngang Học Viện Quân Sự, theo lời bác xe ôm, là đại học lừng danh và đầy đủ tiện nghi nhất Miến Điện. Chắc không ai nghi ngờ gì điều này. Trước cổng chính Học Viện có tượng đồng ba ông vua đứng trên bệ đỏ, một ông dựng giáo chỉ tay, một ông đang tuốt kiếm, một ông khoanh tay trước ngực đắc ý ngắm nhìn chiến công. Hình ảnh ba ông vua bốc lên một không khí chiến tranh. Cánh cổng lớn mở vào bên trong một con đường nhựa phẳng phiu chạy sâu vào rặng núi, bên hông cổng lớn có hai hàng chữ bằng tiếng Miến và tiếng Anh chạm nổi trên nền tường đỏ rực: The Triumphant Elite of The Future. Những sĩ quan quân đội của Miến Điện được (nhà nước) huấn luyện và chọn là giai cấp ưu tú của đất nước. Trong Miến Điện hôm nay, dường như chỉ có hai giai cấp là quân nhân và dân thường. Nhưng không như giai cấp tiền phong có tiếng nhiều hơn có miếng, sĩ quan quân đội Miến Điện thực sự được chính quyền quân sự đãi ngộ, ít ra thì tôi cũng thấy điều đó ở mặt nổi khi rong chơi trên đường. Ở phi trường, ngoài phố Yangon, tôi thấy một số sĩ quan quân đội trẻ, áo quần thẳng nếp, giầy bốt-đờ-sô ruồi đậu trượt chân, đi cạnh những thiếu nữ Miến Điện rất xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, đầu ngẩng cao, nện gót giầy cao gót trên nền, họ có vẻ hãnh diện, những người chung quanh liếc mắt nhìn họ, vẻ e dè. Tôi hỏi bác xe ôm:
    - Thế con trai bác có bạn gái chưa, chừng nào bác có cháu nội?

    Bác nói nó mới ra trường nên chưa, nhưng “thiếu gì”. Phố Mây được chọn làm nơi đặt trường đào tạo sĩ quan, hình như chính quyền cũng chọn thị trấn này để xây cất nhà cửa khang trang và giữ gìn thiên nhiên cẩn thận. Nhiều ngôi biệt thự lớn, khách sạn đẹp, có cả sân golf. Khung cảnh cao nguyên yên bình nhưng càng lên cao dường như có một vẻ bất thường nào đó vì thỉnh thoảng, trong khi các xe hàng cà khổ chở người trên mui đang lệt bệt trên đường, kể cả chiếc gắn máy của chúng tôi, thì đột nhiên tấp hết vào lề để nhường cho một đoàn xe hơi láng bóng vượt qua. Bác xe ôm nói đó là xe quân sự. Những chiếc xe này cửa kính phản quang, chạy rất nhanh, đứng bên lề nhìn họ xẹt ngang thấy xe mình và xe hàng khúm núm bên lề phải như đang cúi đầu nhìn sự “tiến bộ” vượt qua, và bất giác ngậm ngùi.

    Chúng tôi ngừng trên dốc của một khu chợ, ở đây có không khí của một cái chợ cao nguyên đông người nhưng không ồn ào, đủ các loại trái cây miền núi, xe ngựa nhiều nhất. Phố Mây đúng là nơi nghỉ mát lý tưởng trong mùa hè, phải ở lại ít nhất hai ngày mới đi hết các thắng cảnh, vườn Bách Thảo, nhiều thác cao, chùa trong thạch động. Bác xe ôm nói ở đây có một tiệm cà phê rất ngon, nhưng giá khá mắc, bác nói tôi nghiền quá thì bác chở nhưng không nên đi vì của một người Mỹ gốc Tiệp Khắc làm chủ. Tôi nói bác không thích người Mỹ à? Bác gật gù. Tôi nói thế sao khi ăn sáng bác ước có tiền cho thằng con thứ qua Mỹ du học. Bác không trả lời, chỉ gật gù. Tôi cà khịa gật gù là sao, là chịu hay không chịu Mỹ. Bác nói thì cha mẹ đều muốn cho con thành tài, học ở một nước phát triển thì vẫn tốt hơn. Tôi trêu thế là phò Mỹ nhé. Bác nói thật ra đó là chuyện chính quyền, chứ trong tiệm sách “vẫn có sách của ông Obama đấy”.

    Trên đường về tôi nói còn mấy ngôi chùa ở Mandalay muốn đi luôn. Bác xe ôm nói vậy để tôi chở anh đi đường tắt hay lắm. Quả thật, thay vì chạy theo lối cũ, bác qua một cái cầu ngắn rồi rẽ phải cặp theo một con đê dẫn thủy nhập điền. Vì có núi và đồng ruộng nên con đường làng giống như các con đường ruộng khác ở miền Trung, có các cụm làng lợp tranh vách tre, xe bò đi lại chậm rãi, phụ nữ tụ tập thản nhiên tắm dưới rạch, con nít chân đất rượt đuổi nhau. Khung cảnh miền quê yên ả trong khói lam chiều, khó nghĩ đây là vùng đất nghèo và cô đơn nhất thế giới.





    Trăng trên đồi Mandalay

    Nắng chiều vừa sụp tắt lúc tôi đặt chân đến chân đồi Mandalay huyễn hoặc. Trăng mùng 8 lên cao trên bầu trời trong vắt. Những bậc thềm có mái che, từ dưới nhìn lên dốc ngược không biết sẽ chấm dứt chỗ nào vì chút ánh sáng vàng lu lu đâu đó hắt ra không đủ soi sáng lối đi. Phía sau tôi ánh đèn đường ngoài cổng hắt ngược, dọi cái bóng gẫy gập lên mấy bậc thềm như một hình thù ma quái quờ quạng ngả nghiêng trèo lên đồi.

    Tôi đã tới đồi Mandalay!


    Tượng vua Mindon

    Tôi đã đến đây sau nhiều năm tưởng tượng về ngọn đồi nằm ở miền trung Miến Điện. Ngọn đồi Đức Phật đã đặt chân đến. Ngọn đồi ghi dấu một khoảng thời cực thịnh của Phật giáo Miền Điện khi vua Mindon dời đô về Mandalay vào giữa thế kỷ 19. Trong các nỗ lực chấn hưng Phật giáo của ông, nổi bật nhất là công trình khắc toàn bộ kinh điển Phật giáo (Tam Tạng kinh điển) lên các phiến đá quý trong một khoảng đất rộng dưới chân đồi, ông xây cất nhiều tu viện lớn, nhưng công việc chưa thập toàn viên mãn thì vua mất. Khi mất, ông không để lại lâu đài lăng tẩm đồ sộ, ngoại trừ toàn bộ kinh sách khắc lên bia đá.


    Một trang sách khắc trên đá


    729 bửu tháp chứa đựng Bộ Tam Tạng Kinh Điển

    Một thời gian sau, khoảng đầu thế kỷ 20, bỗng có một nhà khổ hạnh xuất hiện trên đồi Mandalay, lúc đó đã hoang phế dưới sự đô hộ của người Anh, đã thành sào huyệt của bọn cướp. Nhà khổ hạnh ngồi tham thiền trên đồi không biết bao nhiêu ngày tháng cho đến lúc người ta đồn đãi có bậc chân tu trên đồi hoang. Tín đồ tấp nập càng lúc càng đông, rồi từ hai bàn tay trắng, nhà khổ hạnh trên đồi Mandalay nhờ bá tánh cúng dường đã có thể tiếp tục công việc trùng tu và tuyền bá đạo Phật, tiếp tục công việc dang dở của vua Mindon thế kỷ trước.

    Nhà khổ hạnh chính là vua Mindon tái sinh.

    Bậc đế vương và nhà khổ hạnh giống như hai kiếp người với cuộc sống đối lập, nhưng trong mắt của nhà tu nhất tâm phụng sự, thì đế vương hay khổ hạnh đều là phương tiện để thực hiện một mục tiêu. Vua Mindon “chọn” làm vua để có phương tiện truyền bá lời Phật. Thực vậy, ông không có uy quyền và không tham quyền uy, hầu như quyền cai trị nằm trong tay hoàng thân quốc thích. Dường như ông muốn được để yên để chăm lo Đạo Phật. Quả là ông đã chọn làm vua để có phương tiện, khi thời thế hết, thực dân Anh xâm chiếm đất nước, thì ông lại chọn phương tiện làm nhà khổ hạnh. Và trong cả hai phương tiện ấy, vai trò nào ông làm cũng tốt.


    Tượng Phật đứng chỉ tay của chùa Shweyattaw

    Tôi biết được câu chuyện trên một phần nhờ dịch cuốn The Way of the White Clouds của đại sư Anagarika Govinda người Đức, trong đó có chương “Trưởng lão Kham Nhẫn, nhà Tiên tri trên Đồi Mandalay”, đây là chương tôi đọc nhiều lần đến gần như thuộc từng chi tiết về hành trạng của vua Mindon và nhà khổ hạnh Kham Nhẫn. Còn những mẩu chuyện khác về vua Mindon là nhờ hỏi thăm những người Miến Điện sống ở Mandalay.


    Tôi vừa leo lên đồi vừa miên man hình ảnh nhà khổ hạnh lang thang đã ở nơi đây gần một thế kỷ trước. Chung quanh tôi bóng tối phủ dầy. Mái che trên những bậc thềm cao hun hút không cho ánh trăng dọi tới nên bóng tối như sậm hơn. Các bậc thềm được xây cách quãng để nghỉ mệt, hai bên có băng ghế đá dài bằng chiều dài của những bậc thềm. Đôi chân tưởng như rớt ra ngoài nhưng tôi cứ leo không nghỉ, mồ hôi ướt như dưới trời hè. Tôi đã chờ đợi cái ngày đặt chân lên ngọn đồi huyền thoại, và giờ đây đi như đi trong một giấc mộng dài tỉnh táo. Những ngôi nhà tồi tàn ẩn dưới lùm cây hai bên thềm có những đôi mắt tò mò nhìn ra dưới ánh đèn vàng nhợt nhạt. Tiếng chim đâu đó rúc lên thi thoảng. Cứ leo vài chục bậc thang thì có một khu nhà nghỉ, hai bên đều có tôn trí tượng Phật, nhưng ánh đèn vàng từ mấy căn nhà men theo thềm cấp không đủ soi sáng tượng, chỉ thấy lờ mờ đường nét một vị đang ngồi xếp bằng. Tôi vừa lạy trong bóng đêm vừa nghỉ mệt, hơi thở đứt quãng. Đi chừng vài chục bậc cấp nữa thì tới một khoảng nhà nghỉ rất rộng, ngay giữa gian có một bóng đèn vàng rọi lên tượng Phật Thích Ca đứng, pho tượng thật vĩ đại, đứng thẳng người cũng chỉ ngang khoảng đầu gối của pho tượng. Tôi phủ phục xuống vừa lạy vừa nghỉ mệt một lúc lâu. Khi đứng lên thì giựt mình thấy có một người đàn ông đứng bên cạnh, cười hiền lành. Ông ta nói gì đó, khi thấy tôi không hiểu liền hỏi bằng tiếng Anh.

    - Anh ở đâu đến?

    - Việt Nam.


    Người đàn ông cười im lặng, cổ ông choàng tràng hạt, bận quần tây chứ không quấn xà rông như các đàn ông Miến Điện khác. Ông nói ở ngay căn nhà tre bên cạnh lâu rồi, rồi chỉ bức tượng nói gì đó mà tôi đoán là ông ta muốn giải thích đây là Phật gì. Tôi nói Thích Ca Mâu Ni? Ông gật gật đầu tủm tỉm, đến ngồi một bên chân tượng, chỉ tay ra dấu cho tôi hãy ngồi ngay trước tượng Phật, bên cạnh ông. Rồi ông bắt đầu tụng kinh lầm rầm. Tôi đọc một bài Tâm kinh ngắn mặc kệ ông đọc bằng tiếng Miến Điện. Cũng lạ, không hiểu ông đọc kinh gì mà hai thứ tiếng như hòa lẫn nhau trong tiếng lá cây xì xào quanh đồi. Tôi đứng lên rẽ qua hướng trái tính leo tiếp thì ông chợt lên tiếng: “Anh đi phía bên phải này mới tới đỉnh đồi, mất khoảng hăm lăm phút nữa.”
    Tôi đi tiếp khoảng dăm mươi bậc thì đến một nhà nghỉ chân ở một ngã ba có hai đường lên đồi, nhà nghỉ này cũng có tôn trí một tượng Phật nhỏ ngay ở giữa. Tôi rẽ trái, lúc này ánh sáng đã khá hơn, hai bên có vài ngôi nhà tre nhỏ bán nước và bánh trái, những người Miến ngồi yên lặng không mời mọc gì cả. Tôi cứ leo lên, leo lên nữa, mồ hôi ướt đẫm. Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch có chỉ nên thuê dân địa phương gánh lên đồi hoặc thuê xe chạy men theo sườn lòng vòng cũng lên tới, thì ra là vì cao như vậy. Tôi đi một chặp nữa, thấy đằng trước có một ngôi chùa khá lớn, ánh sáng vàng hắt ra dìu dịu. Trong chính điện, một pho tượng Thích Ca đứng thẳng thật vĩ đại, còn lớn hơn tượng vừa rồi, tay phải chỉ thẳng ra đằng trước, tay trái để xuôi theo mình nắm chéo vạt áo. Bên phải Phật là đệ tử A Nan ngồi xếp nghiêng chân phải xuôi theo chân trái, chắp tay hướng về Phật nhưng đầu quay theo hướng bàn tay chỉ thẳng của Phật. Đôi mắt A Nan thật sống động, trong vắt dù dưới ánh đèn vàng. Đây là chùa Shweyattaw do vua Mindon xây. Tương truyền Phật Thích Ca và A Nan đã tới chỗ này, khi đó Phật chỉ tay xuống khoảng đất dưới chân đồi và nói với A Nan là hơn 2400 năm sau khi Phật nhập diệt sẽ có một cung điện xây ở đó. Vào năm 1857, vua Mindon dời đô về Mandalay, cho xây một hoàng thành vuông mỗi bề rộng chừng hai cây số ngay dưới chân đồi, vua cho tôn trí hai tôn tượng Thích Ca và A Nan này để kỷ niệm câu chuyện này.


    Tôi ngồi dưới chân tượng không biết bao lâu, lòng cảm xúc. Phật đã dừng chân nơi đây trong quãng đời hoằng pháp, lúc đó ở đây ra sao? Chắc chắn không có những bậc thềm, nhà nghỉ chân, xung quanh rừng rậm, thú dữ, một ngày nắng khô hay mưa bão, hay một buổi chiều vàng ngồi trên đồi ngắm mặt trời lặn xuống chân núi bên kia dòng sông Voi tha thiết miên man xuôi về Nam. Hai thầy trò ăn gì, mà hẵn hai thầy trò không đến đây vào vào tháng Sáu ta như bây giờ vì là mùa an cư.

    Tôi nghĩ ngợi miên man lẩm cẩm như thế nhưng tai vẫn nghe tiếng lá cây bên ngoài xì xào thật mạnh, những chiếc lá không phải cọ mà đập lên nhau, gió nổi lên cuồn cuộn từng chập, rồi lại ngừng, rồi lại nổi lên như nói nói cười hí hửng, lẫn trong tiếng lá vang lên âm điệu linh kinh thanh thoát của các quả chuông nhỏ tấu nên bản đồng ca hoang dã.


    Mấy ngàn năm còn sót lại. Có phải vậy chăng.

    Có phải phạm âm là tiếng trong lòng cùng nhạc của trời đất. Ánh trăng là phông màn. Gió là nền nhạc. Chuông là tỉnh thức. Ánh đèn là sao băng dọi xuống triền núi lẻ loi.

    Có vài đứa trẻ từ đâu đó chạy ra. Trăng càng khuya càng sáng. Chỉ vài giờ từ khi rời phi trường về thành phố, trời đầy mây tưởng như sắp mưa. Bây giờ mây đi đâu hết, chỉ có một mảnh trăng khuyết treo trên đỉnh những ngọn tháp. Trong cuốn The Way of the White Clouds có chương nói về tri kiến của Người Thầy. Người Thầy mà đại sư Govinda mô tả là bổn sư của ông nhưng hình ảnh giống như nhà khổ hạnh trên đồi Mandalay. Govinda bắt đầu chương này với bốn câu thơ của Thiền sư Nhất Biến (trong Cao tăng truyện):

    Thiên phong đảnh thượng nhất gian ốc
    Lão tăng bán gian vân bán gian
    Tạc dạ vân tùng phong vũ khứ
    Đáo đầu bất tợ lão tăng nhàn
    (Trên đồi gió lộng một am già
    Nửa căn mây ở nửa căn ta
    Đêm qua mưa gió tơi bời
    Mây kia tan tác chỉ còn lão tăng)

    Hình ảnh gió thổi mây tan thật đúng trong lúc này.

    Không có mây trên đồi Mandalay.

    Chỉ có trăng một mình.

    Tiếng gió tiếng chuông.

    Ngọn đồi cô độc.

    Nhìn xuống, hoàng thành Mandalay lờ mờ trong ánh đèn vàng buồn bã.

    Bên ngoài hoàng thành là thành phố Mandalay hắt hiu các ánh đèn trắng rải rác chứ không rực sáng như nhiều thành phố khác. Gió rít lên từng hồi, không thấy lá nhưng tiếng lá đụng vào nhau nghe như tiếng sóng biển dạt dào giữa đêm khuya. Một vài tiếng chim “quác” lên càng tăng thêm vẻ cô tịch.


    Tôi lại leo tiếp, sức lực như đã khôi phục hoàn toàn nhưng chỉ hăng hái vài chục bậc cấp thì tưởng như đi không nổi. Lần này các bậc thềm như dốc hơn, lối đi hai ba ngả túa ra nhưng cứ theo mái che mà tiến, hình như bên ngoài có nhiều chỗ sân rộng, có tiếng người thì thầm đâu đó. Tôi đi qua hai ba khu nhà nghỉ, chỗ nào cũng có tháp hoặc các pho tượng mô tả sinh-lão-bệnh-tử thật ghê sợ, người bệnh gầy xương, người già thì gánh thời gian đè lên tay chống gậy, người mẹ sinh con khó nhọc, người chết mặt ủng da chì quạ bu trên xác, và riêng người chết thì trên đầu nằm mới có tượng một nhà sư. Dường như người chết có vẻ gì hối hận vì tu quá trễ, khi còn trai trẻ, khi còn minh mẫn, mắt sáng tai nghe lại lo toan những điều gì đấy để cuối cùng xác thân tan rữa làm mồi cho bầy quạ đen kinh khủng. Tôi leo miệt mài như thế trong tiếng lá xạc xào miên man, ánh trăng dìu dịu dọi trên những bóng tháp trầm ngâm, rọi nghiêng chân đồi ảo ảo, cho đến khi tưởng sắp ngất đi thì đằng trước, trên cao chót vót, một màu sáng trắng chói lòa soi rực một cung điện với những hàng cột vuông lấp lánh màu xanh ngọc bích hiện ra.


    Những bậc thang lên đồi

    Tôi đã tới đỉnh đồi!

    Trên một khoảng đất bằng phẳng rộng rãi, những hàng cột vuông xanh ngọc chống đỡ các lớp mái che hình vòm nối nhau quanh một điện Phật vuông vắn, ở bốn mặt đều tôn trí tượng Phật ngồi, tay trái để ngang đùi, bàn tay phải đụng mặt đất chứng minh sự thành đạo, ánh đèn màu lấp lánh linh động soi đôi mắt Phật buồn buồn (mấy hôm sau đi các chùa khác tôi đều thấy đôi mắt và cả khuôn mặt của Phật Miến Điện thường buồn, không mỉm cười “niêm hoa vi tiếu” như các tôn tượng trong các thiền viện ở Việt Nam). Xung quanh tháp thờ vuông vức là bốn dãy hành lang rộng, mở toang bầu trời bát ngát và nhìn xuống cả một cổ thành Mandalay bằng phẳng. Trên bờ tường người ta dựng những cột tháp cao cách quãng gắn nhiều chuông nhỏ, gió thổi qua và không gian tịch mịch vui lên với tiếng chuông leng keng thanh thoát. Đứng ở mép tường nhìn lên, trăng khuyết thật gần, phả ánh sáng mờ dịu lên những đỉnh tháp vàng tươi, những đỉnh tháp đen đen lầm lầm, và xa dưới kia, cổ thành chìm trong một màu sáng lung linh mờ ảo.


    Tôi ngồi thật lâu trước các tượng Phật Thích Ca, thỉnh thoảng có vài người vào lễ thật kính cẩn. Không thấy một tu sĩ bận áo tu nào nhưng không gian như tràn ngập lời Phật trong tiếng chuông dạt dào, như hiện những dấu chân Phật một thời trên đất lành thánh thiện.

    Tôi đã tới đỉnh đồi Mandalay! Dù nơi đây giờ đã thành một địa chỉ du lịch, đã có hàng quán lảng vảng ăn theo, đã mất nhiều không khí thiền vị của Phật môn, đã mất cái hương vị của im lặng khủng khiếp với những chiếc áo cà sa lặng lẽ vô ngôn, nhưng hề gì, vì mỗi dấu đất tôi đang đi trên đều có chân Phật đi qua, mỗi cơn gió thổi qua nơi đây cũng là ngọn gió đã thổi bay bay màu áo hoại sắc của Phật, mỗi âm thanh của lá cũng là tiếng lời của lá hơn hai ngàn năm trước. Sự thiêng liêng có hay không tùy nơi mình quán nghĩ. Cho nên mỗi lần dập đầu xuống kính lễ tôn tượng, tôi hình dung Đức Phật và ngài A Nan mỉm cười (không chừng hai ngài đang chế giễu một con người sao còn lăn lộn trong luân hồi mê muội), và bỗng thấy nghe như từ lòng đất một chấn động rền rền uy lực của vô số Bồ tát Tùng Địa dũng xuất. Sự vĩ đại của Phật là dù biết rằng tất cả sẽ tan rã, giáo Pháp sẽ tới hồi không được tôn trọng nhưng tự nó vẫn là chân lý không dứt, dù người ta gọi thời này là “Mạt Pháp” thì cái mạt đó không phải vì pháp đã lên tới “ngọn”, mà mạt nên hiểu là con người mạt, nhưng không vì thế mà ngưng giáo hóa, theo một cách hiểu thông thường thì thà làm một điều gì còn hơn không làm gì cả. Chính sự mất niềm tin của con người vào giáo Pháp đã kéo theo kiếp người tàn tạ, sự mai một của tình yêu, sự biến tướng của ngọn đồi thiêng, tất cả chứng minh sự không có của tất cả.


    Tôi đi lần xuống đồi, không biết may hay rủi mà đúng lúc ấy mây đen che kín trăng non, lần mò những khúc nhiều lối đi ngang dọc nên lạc lên lạc xuống. Trời đã khuya. Khi tới ngang chỗ tượng Phật đứng đầu tiên, vẫn còn thấy người đàn ông ngồi tụng kinh thì thầm. Ánh sáng từ tượng Phật màu vàng hắt lên cả con người nhỏ bé của ông một vẻ thâm trầm, cô độc. Không có tiếng chuông và mõ, chỉ có tiếng gió và giọng tụng kinh thầm thì. Tôi kính cẩn vái chào phía sau lưng ông như cái bắt tay với một người đồng hành quen thuộc.
    Last edited by viet11; 29-02-2012, 08:03 AM.
    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
    ............



    Can't Live Without...hehe...


    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

    Comment


    • #3

      Núi Popa Miến Điện

      Núi Popa cô độc thần Nat

      Bà chủ nhà khách khuyên tôi nên đến núi Popa cách trung tâm Bagan khoảng 50 cây số về hướng đông-nam. Đây là ngọn núi lửa đã tắt từ 250,000 năm trước, thờ tất cả thần linh của Miến Điện, gồm 37 vị, từ hơn một ngàn năm nay. Popa, gốc từ tiếng Pali, có nghĩa là hoa, nên núi Popa còn gọi là Hoa Sơn. Do nằm đơn độc giữa trung tâm Miến Điện nên dân chúng tin Hoa Sơn là biểu tượng của núi Tu Di, trung tâm của vũ trụ và nhân loại.


      37 vị thần Nat

      Bà chủ tốt bụng hỏi tôi muốn đi taxi hay xe ôm. Taxi thì 20 đô, xe ôm chỉ mất 15 đô. Tôi chọn xe ôm. Bà lập tức ra đường kêu một bác xà ích đánh xe đưa tôi ra bờ sông đến nhà một anh xe ôm nào đó. Bác xà ích vui vẻ đánh xe ra bờ sông chỗ bến phà hôm tôi tới, con ngựa chạy men theo bờ sông đầy cát trắng tưởng như không vững nhưng rất thiện nghệ, bác quày tới quày lui chỗ mép sông để tìm anh xe ôm nào đó mà cả làng ai cũng biết. Bác chạy xe sát mép nước hỏi một người lái đò trên sông, rồi chạy đến một ngôi nhà lá theo lời người lái đò chỉ, người trong nhà lá chỉ qua một xóm khác, quành tới quanh lui một hồi mới tìm ra anh xe ôm đang ngồi đấu láo trong một quán cóc ven đường. Tôi xuống xe trả tiền nhưng bác xà ích khoát tay không lấy, đánh ngựa ra bờ sông kiếm khách.

      Anh xe ôm đen rám như trái bắp nướng, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ sáng, hẹn anh sớm mai 6 giờ lại đi Popa chứ bây giờ trễ quá. Anh vui vẻ chở tôi về lại nhà khách.

      Sáng hôm sau, đúng giờ, tôi gọn gàng ba lô thót lên yên sau chiếc xe máy. Anh xe ôm mặc áo thun ba lỗ, đầu trần, phóng vù vù trên con đường nhỏ. Ra khỏi Nyaung U chừng một cây số, con đường rộng hơn, vạch ngăn cách là hàng cây giữa đường. Không có một chiếc xe nào trên đường quê, không khí thơm lừng mùi cây cỏ, mùi đất màu nâu hồng tải dưới những cụm cây thốt nốt cao ngất ngưởng lặng im trong sương sớm bình minh, những cánh đồng hướng dương vàng mộng lắt lay, vài căn nhà tre thưa thớt bên đường. Cảnh trí như ở một thời nào không thực.

      Đường đi càng lúc càng dâng cao nhưng không gắt. Núi Popa cao trên 1,500 mét so với mặt nước biển, nhưng do nằm trên cao nguyên cao hơn 500 mét nên lên gần tới nơi, chiều cao ngọn núi đã bớt đi một phần ba. Tuy nhiên không phải là độ cao mà chính các huyền thoại liên quan đến Popa khiến nó trở thành một điểm hành hương của rất nhiều người Miến Điện.


      Đường lên chùa Taung Kala

      Trước khi Phật giáo phát triển mạnh ở Miến Điện vào thế kỷ thứ 10 và 11, người bản địa thờ các vị thần linh tùy theo địa lý và hoàn cảnh dân cư. Điều này không lạ vì dân tộc nào cũng có một tín ngưỡng riêng trước khi các tôn giáo lớn ở nước khác du nhập vào. Nói một cách tương đối (vì Miến Điện có nhiều sắc dân và có dân tộc không thờ cúng thần linh như người Kachin), người Miến Điện tin tưởng thần linh và thờ cúng một thế giới vô hình nhưng gần gũi họ. Đất có thổ địa, nhà có thần gác cửa, núi có sơn thần, sông có hà bá, cổ thụ có thần cây, rừng, suối hay thác cũng đều có linh thần, làng có thần làng (Thành hoàng). Họ gọi “chư vị” này là nat. Có thể hiểu nat là thần linh gần gũi với con người nhất, nat có thể dữ hay hiền, họ có mặt khắp nơi, cư ngụ ở bất cứ nơi nào độc đáo và cô độc như một tảng đá lớn bơ vơ trong rừng rậm, hay trụ trên một cổ thụ chơ vơ giữa triền sông. Nat có thể do vua phong (thần), một người bị chết oan, một người có công vừa khuất. Mỗi vị nat đều có một huyền thoại, tựa như chuyện tích Ông Táo Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian của người Miến Điện không lạ, nhưng tôi có cảm tưởng họ thờ cúng thần linh kỹ lưỡng, tín tâm mạnh, thể hiện qua nhiều lễ hội linh đình tổ chức quanh năm để kỷ niệm các vị nat. Những lễ hội nat, thường linh đình và kéo dài nhiều ngày, cho thấy phần nào nhân sinh quan của người Miến Điện. Hôm tôi sắp rời Mandalay, bác xe ôm tình nguyện chở đi xem một lễ hội đang diễn ra tại làng Taungbyone cách Mandalay khoảng 20 cây số về hướng bắc để tưởng niệm hai vị thần làng, theo truyền thuyết là hai anh em ruột, tên là Shwe Phyin Gyi và Shwe Phyin Nghe. Lễ hội này kéo dài trong tám ngày đêm liên tục, đặc biệt dành cho người đồng tính luyến ái nam. Đây là lễ hội đồng tính nam lớn nhất châu Á, nhiều nhà nghiên cứu Miến Điện còn cho rằng đây là lễ hội đồng tính nam đầu tiên của nhân loại. Dân Miến Điện khắp nước, và hội viên các câu lạc bộ đồng tính nam ở Thái Lan, tham dự lễ hội rất đông. Cửa hàng ăn uống, lều nhạc, nhảy múa diễn ra suốt ngày đêm, những người đồng tính nam mặc trang phục sặc sỡ, đánh phấn thoa son, họ nhảy nhót và cúng tiền hay thực phẩm cho những người lên đồng mà người ta tin là do hai vị nat nhập xác. Bác xe ôm nói người đồng tính thành tâm cúng dường để xin kiếp sau được làm người nam hoặc nữ chứ không nửa nọ nửa kia. Ở một đất nước mà nhiều người cho là lạc hậu và kém văn minh, lại có một lễ hội tầm quốc gia dành riêng cho người đồng tính, đủ thấy người Miến Điện khoáng đạt và hiểu biết về kiếp người hơn nhiều dân tộc tự cho mình có văn hiến.


      Lễ hội đồng tính nam ở Taungbyone

      Núi Popa là điểm duy nhất ở Miến Điện thờ các linh thần, mỗi vị đều có lai lịch gay cấn và đầy màu sắc. Nổi bật nhất là câu chuyện hai chị em ruột nat. Vào triều đại Tagaung có một người thợ rèn rất giỏi. Ông có hai con một gái một trai. Do danh tiếng quá lừng lẫy của ông nên vua sợ, tìm cách kết giao với gia đình người thợ rèn, lập người chị làm chánh cung để tìm cách hãm hại gia đình người thợ rèn. Vua nhờ người chị cho vời cậu em vào triều để phong tước, nhưng khi người em vào thì vua ra lịnh cột cậu vào gốc cây sứ trong vườn thượng uyển để thiêu sống. Người chị nghe tiếng kêu cứu của em chạy ra thì lửa đã bốc cao. Bà nhảy vào lửa cứu em, cả hai chị em đều chết cháy. Khi binh lính thu dọn hài cốt thì lạ thay đầu của hai người còn nguyên. Họ trở thành thần nat cư ngụ ngay dưới gốc cây mà họ bị thiêu sống. Họ nguyền ai dựa vào gốc cây hay đứng trong bóng râm của cây sứ này đều phải chết. Nhà vua sợ hãi, ông ra lịnh bứng gốc cây ném xuống sông Voi. Thân cây trôi xuống tấp vào Bagan. Lúc ấy vua Thinligyaung đang trị vì ở đó. Tuy thân cây đã rời xa chỗ cũ nhưng lời nguyền của hai chị em vẫn còn hiệu lực, hễ ai đụng phải thân cây đều phải chết. Hồn hai chị em còn xuất hiện trong hoàng cung để khóc kể cho vua nghe nỗi oan ức của họ. Vua Thinligyaung sợ hãi, cho thiết lập một ngôi đền để thờ hai chị em, rồi ban chiếu chỉ tổ chức lễ hội cúng hai chị em nat hàng năm vào tháng Sáu thật trọng thể. Từ đó hai chị em mới không phá phách trả thù. Khi kinh đô Miến Điện dời về Amarapura (cách Mandalay 11 cây số) từ năm 1837 đến 1846, vua Tharrawaddi cho đúc hai cái đầu bằng vàng và làm lễ rước lên núi Popa thờ phụng. Sau khi quân Anh chiếm Miến Điện, hai cái đầu bằng vàng lại bị dời xuống Bagan, và sau đó đem đi đâu mất biệt.

      Những câu chuyện dân gian xung quanh các vị thần linh khiến Popa có một sức hút mãnh liệt đối với người bản địa. Lúc anh xe ôm dừng xe trong một quán nhỏ dưới chân núi, tôi thấy cảnh người địa phương lên xuống núi tấp nập, hàng quán đông người qua lại, dưới đất nhiều con khỉ già khỉ nhỏ chạy nhảy nghênh ngang chung đụng với người. Cảnh nhộn nhịp khác hẳn con đường vắng vẻ vừa đi qua dù bầu trời vẫn vần vũ mây xám, mưa thu lất phất nhuốm một vẻ buồn rầu.

      Tôi leo một mạch mất khoảng nửa giờ là lên tới đỉnh, nơi có chùa Taung Kala khá lớn. Sau này hỏi lại mới biết mình đã leo 777 bậc thềm mà không biết và không mệt vì khi leo không biết có nhiều bậc thềm như thế. Các bậc thềm lên núi thật dơ bẩn, phân khỉ tùm lum bị giẫm đạp đầy cả nền xi măng, mùi khỉ và mùi phân hôi hám, lại phải đi chân trần nên cảm giác càng rùng rợn. Trên bậc cấp và hai bên đường đi có rất nhiều khỉ nhảy nhót qua lại làm trò khỉ, chúng bắt chí cho nhau, hoặc một con nằm ngửa lim dim khoái trá để con kia gãi háng, nhiều con lom lom nhìn khách rất khó chịu. Những người đi lễ còn rải bắp cho khỉ ăn hoặc nhường lối nên chúng càng ngang nhiên ngồi hay nằm ngay giữa lối đi. Tôi chỉ muốn tát cho một con một cái nên thân nhưng sợ chúng đông quá, lỡ chúng nó có tinh thần bè lũ xúm lại “bề hội đồng” thì e các thần nat cũng không cứu nổi!


      Khỉ trên các bậc cấp lên chùa

      Cũng may lên gần tới đỉnh thì khỉ bớt đi, lối đi cũng được quét dọn tươm tất hơn. Đứng trên đỉnh nhìn chung quanh thật không bỏ công leo núi. Hướng đông là các rặng núi bao quanh tiểu bang Shan, ba hướng kia cũng toàn núi, dưới xa ẩn hiện những chùm mimosa vàng rươm, những bụi cây xương rồng xanh mướt, hoa dại đủ sắc màu, những tháp chùa vàng óng nằm từng cụm hay rải rác, xa nữa là ngôi làng Popa rải rác mái nhà lợp tôn. Ngôi làng này là chứng nhân lịch sử của nhiều triều đại khi Pagan (tức Bagan bây giờ) còn là kinh đô từ năm 839 đến 1298 (459 năm), nơi trốn lánh của nhiều hoàng tử bị truy nã vì tranh giành ngôi báu, nơi các hoàng tử chiêu binh mãi mã để tấn công hoàng thành vì ngoài vị trí chiến thuật, họ tin rằng xuất quân từ núi Popa sẽ tất thắng như trường hợp vua Anaurhata, lên ngôi năm 1010 và đem Phật giáo nguyên thủy vào Miến Điện. Xung quanh núi có nhiều suối nhỏ, dòng suối lớn nhất là sông Pin chảy ra sông Voi.


      Một số Thần Nat độc đáo

      Từ chân cho tới đỉnh đều có các ngôi đền nhỏ thờ Phật chung với các thần linh. Ba mươi bảy vị thần đều có trang phục khác nhau. Họ mặc áo trắng, vàng, đỏ, tím, nâu, đủ cả. Mỗi vị một hình tướng, người trông dữ tợn, kẻ hiền lành hay trầm ngâm. Nhưng ấn tượng chung của tôi khi nhìn vô một gian phòng có nhiều tượng nat là lạnh lẽo âm khí dù đèn điện thắp sáng. Giống như nhìn một thế giới âm binh và lơ lửng âm khí, đôi mắt của các bức tượng buồn phiền hoặc bất mãn, họ khiến tôi nhớ những hình nộm bằng tre có dán giấy màu mà người miền Trung đốt đi sau khi cúng. Người đi lễ sắp trái cây tràn lan xung quanh họ, họ bỏ tiền vào các thùng kiếng hoặc dán cả lên tượng, kể cả tượng Phật, rồi thì thụp lạy trong tiếng khấn phụ vang rõ của một người đàn ông canh đền. Lần đầu tiên tôi cảm thấy không êmkhi đến một nơi thờ phụng, nên ra hành lang đỉnh núi ngắm cảnh xong là chuồn êm xuống núi. Từ chân núi, trước khi đi bộ xuống làng để nhìn ngược lên, tôi mua một hòn đá nhỏ hai hòn, đó là một viên đá bên ngoài có nham thạch bao lại, cầm lên lắc lắc mới biết bên trong có một hòn nữa.


      Một số Thần Nat độc đáo

      Từ con đường làng nhìn lên, núi Popa có hình dáng như một cái tháp bị cắt đầu, triền núi dốc và cân đối như hai cạnh một tam giác, xung quanh triền núi đá nhiều hơn rêu và cây. Trên mặt bằng bị cắt ngang ấy là ngôi chùa Taung Kala. Tôi đứng thật xa để ngắm ngọn Linh Sơn của Miến Điện, vì có đọc đâu đó rằng muốn thấy hồn núi thì phải đứng xa nó, đi quanh nó trong nhiều thời khắc khác nhau. Từ xa, cả ngọn núi như một cái chuông từ trên trời úp xuống đất, dáng cô độc, nhưng là nỗi cô độc hiền lành chứ không hùng vĩ nghênh ngang hay chứa điều gì ẩn mật. Người Miến Điện ví nó như núi thiêng Tu Di cũng hơi quá. Ở Tây Tạng, núi Kailas, hay còn gọi là Linh Sơn hay Ngân Sơn, là một trong các đỉnh núi trong dãy Hi Mã Lạp Sơn mới thật sự là Tu Di Sơn, vì nó là khởi nguồn của bảy dòng sông lớn của châu Á, trong đó có sông Hằng, Hoàng Hà và sông Mê Kông. Có lẽ, nếu ví như núi Tu Di, nó chỉ đúng về mặt tâm linh, tức trung tâm của mạch sống tâm linh, nơi các linh thần ẩn cư. Tu Di là ngọn núi chỉ có trong siêu hình học Phật giáo, chứ không phải là ngọn núi thật thấy bằng mắt thường. Theo Kinh Hoa Nghiêm, núi Tu Di là trung tâm của tất cả các cõi, được kết thành bởi toàn vàng, bạc, châu báu và lưu ly, cao đến 505,000 dặm, chỉ có chư thiên cư ngụ, chứ con người không thể thấy mà cũng không thể đến đó được. Siêu hình học Phật giáo cho rằng cả núi Tu Di chứa trong một hạt cải, và hạt cải chứa trong núi Tu Di. Tín ngưỡng dân gian Miến Điện coi Hoa Sơn như Tu Di có lẽ vì đó là nơi họ thờ các vị thần nat, đấng quyền năng tối thượng của họ. Điểm khác biệt nữa, so với Kailas của Tây Tạng hay ý nghĩa Tu Di trong siêu hình học Phật giáo, Hoa Sơn là trú xứ của nhiều vị được phong thần sau khi chết bất đắc kỳ tử, có vị nat nguyên là công chúa bị vua trấn nước, có vị là vua hay hoàng tử, có vị là vua của voi trắng hay ngựa trắng. Và trong số 37 vị thần linh này có người rất hung dữ. Vì lẽ đó họ được thờ cúng để khỏi phá phách chứ không phải để che chở hộ vệ (không phá phách là đã mừng rồi). Tôi chợt nghĩ rằng tình cảnh đất nước Miến Điện ngày nay xuất phát (phần nào) từ nhân sinh quan của họ. Họ sợ hãi các vị thần hung dữ, không tìm cách triệt tiêu hay dời đi chỗ khác (kính trọng nhưng xa lánh) mà lại thờ cúng, tránh chọc giận thần để được để yên. Không biết có nên ví điều này như một thủ đoạn hối lộ không. Và không biết trong đời sống thường ngày, họ có áp dụng cách xử thế này khi gặp cường hào ác bá hay không.


      Một số Thần Nat độc đáo
      Last edited by viet11; 02-03-2012, 01:03 PM.
      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
      ............



      Can't Live Without...hehe...


      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

      Comment


      • #4

        Máy bay ATR của hãng hàng Không Yangon

        Máy bay của hãng hàng không Yangon từ Yangon đến Mandalay mất khoảng 40 phút. Cả phi đội hàng không dân dụng Yangon chỉ có loại máy bay hai chong chóng ATR 72 chở được 70 hành khách. Khi ở Yangon mua vé đi Mandalay, tôi chỉ muốn đi hai hãng hàng không nội địa khác là Mandalay và Bagan vì các chuyên gia giang hồ khuyên như thế. Họ nói rằng máy bay của hãng Yangon rất tệ, không an toàn vì của nhà nước. Thật ra ở Miến Điện làm gì có hãng của tư nhân. Nhưng cuối cùng phải đi Yangon Airways vì mùa này không phải mùa du lịch nên các hãng kia ít chuyến bay. Đành vậy.


        Phi trường Yangon


        Nữ tiếp viên Hàng Không Yangon

        Khu hàng không quốc nội của Yangon trông như ga xe lửa Việt Nam thập niên 1980. Trong phòng đợi vài chục hành khách chỉ có một ngọn đèn vàng nhợt nhạt. Trần và tường nhà cũ kỹ. Không có bảng chỉ dẫn gì cả, thấy người ta ngồi thì mình ngồi. Máy bay trễ hai tiếng (nghe nói đây là lệ làng của hãng hàng không Yangon). Không có loa thông báo, chỉ thấy một ông dán tờ giấy A4 lên ô check-in, đến gần thấy ghi bằng tiếng Anh do “máy bay chuyến đến trễ”. Khi đến giờ vào cửa, tất cả các thủ tục đều làm bằng tay. Thẻ lên tàu (boarding pass) in sẵn, in luôn số ghế, vì vậy có tình trạng một gia đình đi chung nhưng có khi ngồi xa nhau, lên máy bay thì tự thương lượng với khách để ngồi gần nhau. Sau này tôi đi một chuyến bay của hãng Bagan thì cũng tình trạng như vậy. Thẻ lên tàu in sẵn, họ phát cho khách và không có cả số ghế, muốn ngồi đâu thì ngồi. Chưa kể khi đang đưa hành lý qua máy dò thì điện cúp, thế là kiểm tra hành lý bằng tay. Nhớ hôm trước nói chuyện về cúp điện, chàng lái taxi mỉm cười hóm hỉnh, nói: “This is Myanmar!”


        Taxi ở Mandalay

        Lúc ngồi trong lòng chiếc máy bay nhỏ hẹp, cài dây an toàn, đọc tờ hướng dẫn thấy dấu hiệu (logo) của Yangon Airways là một con voi trắng mập ú đang tung hai chân trước lên, trên lưng có hai cánh chim thì mới thấy cái logo buồn cười. Máy bay mà “chơi” một con voi nặng nề thế thì quả là bất an, không biết hai cánh chim nhỏ bé kia làm sao mà nhấc nổi chú voi ngây ngô nặng nề. Lo sợ vẩn vơ như vậy nhưng khi thấy hai cô tiếp viên mặc áo tím và váy tím thật xinh đẹp, tôi liền tự an ủi: Kể ra, nếu có banh xác thì “đi” chung với hai em này xuống âm phủ cũng không đến nỗi buồn. Người ta đẹp thế kia mà banh xác mới tiếc, chứ mình trai già kể gì!

        Nhìn xuống Mandalay toàn cát và cây cối lưa thưa. Vài con sông (hay suối) cạn nước, chỉ còn thấy lòng sông trơ đáy cát vàng ngoằn ngoèo tít tắp. Thỉnh thoảng trên mặt đất khô hạn nổi lên vài ngôi tháp vàng óng ánh hay màu trắng dưới nắng chiều. Mandalay, thành phố nhiều huyền thoại, từ trên cao nhìn xuống chỉ một màu khô khốc.

        Đến phi trường Mandalay đã gần 5 giờ chiều. Coi như toi gần một ngày. Mây đầy trời đe dọa một cơn mưa. Phi trường khá lớn, sạch sẽ, có vẻ quốc tế hơn phi trường Yangon. Họ tổ chức cũng tốt hơn phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả taxi về thành phố (cách 40 cây số) đều đồng giá 18,000 kyat (18 đô Mỹ). Lúc còn ngồi trong phòng chờ ở Yangon, tôi thấy một gia đình người Thái gồm năm người. Người đàn ông Thái tưởng tôi đồng hương nên gợi chuyện, nói tới Mandalay thì đi chung với gia đình ông ta để chia đều tiền taxi. Tôi đồng ý liền. Nhưng một tiếng sau tôi để ý thấy cử chỉ ông ta hơi bất thường, ắt-xì liên tục, mắt mũi kèm nhèm và khuôn mặt ửng đỏ. Dịch cúm H1N1 đang tùm lùm nên tôi đâm ngại. Đến Mandalay, tôi chuồn ra cổng trước vì không có hành lý gì trong khi gia đình ông ta còn chờ bên trong. Một ông quấn xà-rông xanh cầm cuốn sổ tiến lại, trên đầu sổ có ghi 18,000 kyat. Ông giải thích là đi bao nhiêu người cũng giá cố định, khuyên tôi nên chờ ai đó để đi chung chia tiền. Đặc biệt là tuy các bác tài taxi đứng chung quanh nhưng không ai mời mọc níu kéo. Tất cả hành khách đều được ông phân bố xe, tài xế không phải giành giựt ơi ới gì cả.

        Đa số hành khách là người địa phương nên có thân nhân đến đón. Tôi đứng xớ rớ chưa biết “bắt bồ” với ai thì có một cô đeo kính cận, tròn trịa, da vàng chứ không nâu sẫm như nhiều người Miến khác. Cô gái đẩy chiếc xe có ba cái va li lớn, tiến lại, nói tiếng Anh trôi chảy.

        - Anh đi chung với tôi về Mandalay không, mình cưa đôi.

        Thấy con gái là tôi đã mừng, lại được đề nghị đi chung đỡ mất tiền. Tôi gật đầu lia lịa, khỏe!

        Một anh taxi trẻ dẫn chúng tôi ra bãi đậu. “Hai đứa tôi” lên băng sau. Lòng tôi đắc ý. Có cha thầy bói nói tôi có số đào hoa chiếu mệnh, đàn bà con gái nó “chịu”lắm, mà tôi cũng “chịu” ngay thánh địa Mandalay, chưa gì đã được tổ đãi một em tuy không xinh lắm nhưng giọng nói ngọt ngào trên đoạn đường 40 cây số.

        Cô gái hỏi tôi về đâu. Tôi thiệt thà trả lời là không biết, cứ vô thành phố rồi kiếm khách sạn. Cô tròn xoe đôi mắt tròn sau cặp kính trắng tròn trịa, thốt lên: Sao anh gan thế!Tôi đắc ý: “Bộ xứ này người ta ăn thịt người sao”.Cô bảo:

        - Hay anh về khách sạn của bà dì tôi đi, bà dì tôi có một khách sạn ngay trung tâm thành phố.

        Tôi lôi tấm bản đồ Mandalay trong túi ra, hỏi cô khách sạn bà dì ở đâu. Cô ta nói chưa bao giờ đọc bản đồ Mandalay vì sinh ra và lớn lên ở đây. Người ta không cần bản đồ ở ngôi làng mình sinh ra. Cô dò một lúc rồi định vị cái khách sạn, quả là nó ở gần ga xe lửa, theo bản đồ là khu trung tâm. Tôi hỏi thế bà dì cô tính phòng giá bao nhiêu?

        - Có 20 đô à, rẻ nhưng tiện nghi lắm.

        Tôi bảo tôi chỉ ở khách sạn dưới 10 đô. Mức đó cao gấp đôi ngân sách. Cô ta trề môi:

        - Anh không hình dung mấy khách sạn 10 đô đâu. Kinh khiếp lắm, rất dơ bẩn thiếu tiện nghi, tin tôi đi.

        Tôi nói tất nhiên là tôi tin cô ta, nhưng 10 đô thôi em. Làm ơn hỏi ông taxi đưa giùm tới cái nào giá đó, và nếu ở gần Đồi Mandalay càng tốt vì tôi cần đến đó. Cô ta nói gì với anh taxi ngồi trước, hai người thảo luận một hồi rồi cô ta nói:

        - Được, anh taxi sẽ đưa anh về một khách sạn 8 đô trước rồi đưa tôi về nhà sau.

        Nhà cô ta ở khu vực, sau này tôi mới biết, nhà giàu. Tôi gạ gẫm:

        - Hay nhà cô có chỗ nào cho tôi ở tạm vài ngày không, ngủ trên sàn cũng được. Cô cứ tính giá “reasonable” là được!

        - Không được đâu. Còn bố mẹ...

        - Thế con gái Miến Điện không được đưa... trai về nhà à?

        - Bố tôi người Hoa, mẹ tôi Miến Điện.

        Tôi nói thảo nào da cô trắng thế, nhưng bố cô người Hoa thì tổ sư bảo thủ những chuyện trong trắng. Tôi nói chắc chắn cô đã học nước ngoài, nghe cách nói chuyện là biết. Cô ta gật đầu. Cô sinh ở Mandalay, học hết trung học thì bố đưa qua Trung Quốc, hiện đang học năm thứ ba ngành Luật ở đại học Thượng Hải, nghỉ hè về thăm gia đình. Bố có cửa hàng điện buôn bán phát đạt, và ông không muốn cô học đại học Mandalay. Tôi hỏi thế học xong có tính về Mandalay làm luật sư không. Cô cười khỉnh, nói ở đây không cần luật sư, chắc ở luôn bên Thượng Hải “tuyệt vời. Tâm trạng cô gái có giòng máu Hoa này không khác các “khách” ở Việt Nam. Người Việt gọi người Hoa trong Chợ Lớn là “khách”. “Khách” có trường học riêng, lễ lạc riêng, ở nhà nói tiếng “khách”, cái gì cũng “khách” dù khách nhờ nhà chủ mà giàu có.

        Tôi nhờ cô chỉ cho vài nhà hàng có cơm, có nước mắm, có ớt càng tốt. Cô ghi ra mảnh giấy nhỏ một nhà hàng Tàu mà sau này tôi không vào vì thuộc loại sao. Cô cũng ghi địa chỉ hai nhà hàng Thái có món tom-yum rất cay (cũng thuộc loại sao). Con đường dài nhưng thành ngắn nhờ tán dóc, hai bên đường cây cối khá xanh dù trời khô khốc, thỉnh thoảng có vài cụm nhà tranh vách nứa. Không khí yên bình, vắng vẻ, nhưng không buồn thảm ủ dột như Yangon. Tôi như ngửi được trong không khí một khí hậu sinh động, con người cởi mở hơn, đường sá thoáng đãng hơn, thành phố sáng sủa hơn. Và tôi đã đúng.


        Xe lửa ở Mandalay

        Chiếc xe chạy ngang qua khách sạn bà dì, rồi đi ngang một nhà ga lớn. Tôi nói muốn đi xe lửa lên miền Bắc có nên không. Cô trề môi, lắc đầu:

        - Đừng bao giờ đi xe lửa, nó nằm giữa đường là anh không biết xoay xở đâu được. Nếu đi thì nên đi xe, có chết máy nhưng còn có thể bắt xe khác.

        Tôi cãi là trên mạng họ giới thiệu xe lửa ở Mandalay tốt lắm mà, lại rẻ. Cô ta bảo: “Mạng biết gì, tôi ở đây biết rành hơn chứ!”
        Tôi có cảm tưởng cô bé này chỉ mượn đất Miến Điện để dung thân, cái gì cũng chê, tưởng như cô là khách lạ, không biết ông già người Hoa của cô có vậy không.

        Tất nhiên tôi tin, nhưng nhìn nhà ga có mặt tiền đẹp thật khó tin những gì cô gái vừa nói. Đường sá khá rộng, các cửa tiệm, xe nước mía, và xe cộ đi lại không khác gì đang đi trên thành phố Rạch Gia, Cần Thơ, Nha Trang, hay Long An. Có cảm tưởng thật gần gũi như đang đi rong trên quê hương mình. Cả cái cách họ bày hàng hóa cũng giống người Việt Nam, xe máy nhiều hơn xe hơi (ngược lại với Yangon). Lề đường sạch (ngược lại với Yangon). Tưởng như đi trên đường Hai Bà Trưng của Sài Gòn thời chưa đào đường đầy lô cốt như hiện nay!


        Mặt tiền Nylon Hotel

        Chiếc xe ngừng ở một góc ngã tư trước một nhà khách cao năm từng, “Nylon Hotel”, phía trước nhiều chiếc xe lôi đạp đang đậu. Ông chủ khách sạn đang ở trần quấn xà rông, nói ngay giá là 10 đô. Tôi trả 5 đô. Ông ta ngần ngừ rồi nói:

        - Năm đô cũng có nhưng ở tầng năm, anh phải đi bộ.

        Ông ta sai bồi phóng dẫn tôi đi một lượt coi các giá phòng, từ 10 đô đến 5 đô. Phòng 5 đô ở tầng cao nhất, phía trước có sân thượng, lợp tôn, không có cửa sổ, bước vào hơi nóng hực ra không khác gì một chuồng cu. Tôi chặc lưỡi nói thôi tôi lấy phòng 7 đô tầng một. Khi sắp bước xuống cầu thang, anh bồi chợt chỉ tay phía xa xa: “Kìa là Đồi Mandalay”.Tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ, thấy một ngọn đồi không xa lắm, phía trên có một tháp vàng lấp lánh trong nắng chiều.

        Tầng này thật lý tưởng, không một người khách, ra khỏi phòng là thấy đỉnh đồi, mục đích của chuyến đi.


        Tầm nhìn từ Nylon Hotel

        Căn phòng tôi ở đúng như những gì cô gái tả. Phòng nhỏ, tối, máy lạnh phải đập máy cái mới khập khù khởi động, phòng tắm thuộc loại kinh, hai cái van mở nước tròn và to như loại van vòi chữa lửa, bồn rửa mặt xả thẳng ngay xuống chân, tivi và tủ lạnh đều có nhưng không có cái nào hoạt động, chỉ để trang trí, nệm mềm và bẩn thỉu.

        Dù sao cũng là chỗ qua đêm.

        Dù sao người khác sống được.

        Dù sao sẽ là kỷ niệm.

        Tôi xuống phố hỏi một chiếc taxi đi lên đồi Mandalay. Taxi ở đây giống xe lam, chỉ khác là chỗ tài xế có cửa, thùng xe sau đặt hai băng ghế song song mỗi bên ngồi được hai người. Anh taxi đen nhẻm, vừa nhai trầu móm mém vừa đòi giá 4 đô, anh bảo sẽ chờ tôi dưới chân đồi cho đến khi nào tôi xuống mới thôi, dù có nửa đêm cũng chờ. Hôm đó tôi lên đồi Mandalay lúc trời đã sụp tối, trăng mùng 8 đã lên cao.
        Last edited by viet11; 02-03-2012, 01:03 PM.
        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
        ............



        Can't Live Without...hehe...


        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

        Comment


        • #5
          Chỉ mong xứ này sớm có được tự do dân chủ như ý nguện của dân (để mấy ông thầy tu khỏi phải nhọc lòng "xuống đường đánh trâu" để cho cái đám quần chúng tự phát nó đập cho bể đầu máu phun lênh láng)

          Comment


          • #6

            Các nhà sư chùa Kuthadaw

            iếng chuông chùa Kuthodaw

            Ở Mandalay có nhiều chùa, tháp và tự viện do vị vua hộ pháp cho Phật Giáo Miến Điện Mindon xây. Các chùa và tự viện nổi tiếng tập trung dưới chân đồi Mandalay, gần hoàng thành. Như tự viện Shwe Nandaw Kyaung, còn có tên là Kim Các Tự vì toàn tự viện được dát vàng, bây giờ tuy chỉ còn gỗ, nhưng đường nét chạm khắc trên toàn bộ kiến trúc tinh xảo và công phu. Nhưng một ngôi chùa không thể không viếng là Kuthodaw, được coi là “Cuốn Sách Lớn Nhất Thế Giới”.


            Kim Các Tự Shwe Nandaw Kyaung

            Trong cuốn “The Way of the White Clouds”, đại sư Anagarika Govinda mô tả chùa Kuthodaw (tác giả viết là Kuthawdaw) như sau:
            “...Vua Mindon cho khắc kinh Phật lên những phiến cẩm thạch lớn và nặng để kẻ trộm hay quân xâm lược không khởi lòng tham, mà lại giữ cho kinh được truyền đời. Nhà vua cũng muốn dân chúng, từ quan cho chí dân, có thể đến xem kinh dễ dàng và thuận tiện. Vì vậy mỗi phiến cẩm thạch đều được dựng trong một ngôi tháp riêng, trên có mái che và người ta dễ vào đọc. Mỗi ngôi tháp giống như một cái chùa thu nhỏ. Người hiếu kinh có thể thoải mái nghiên cứu bất kỳ đoạn kinh nào bằng cả hai thứ tiếng Pali và Miến ngữ.”


            Toàn cảnh Chùa Kuthadaw

            Với mục đích đó nhà vua cho xây Đại tự Kuthawdaw, xung quanh bao bọc bởi 799 ngôi chùa nhỏ hơn, mỗi tiểu tự này đều được thiết kế tỉ mỉ giống nhau để chứa toàn bộ kinh điển Phật Giáo (Tam Tạng Kinh Điển).


            Các thần Nat (thần địa phương)

            Thực ra chỉ có 730 bia đá (không phải 799), trong đó có một bia tóm tắt toàn bộ công trình khắc kinh lên đá. Như vậy toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển chỉ khắc trên 729 bia. Các chi tiết về bia đá và tháp cũng hơi khác với cách Govinda mô tả.

            Tôi dành trọn nửa ngày để viếng chùa Kuthodaw. Chùa nằm dưới chân đồi Mandalay, trong một cụm gồm nhiều ngôi chùa lịch sử. Chùa có bốn cổng vào, nhưng cổng chính ở phía Nam (tức từ hướng hoàng thành), hình vòm cung như kiểu tam quan cách điệu. Trên đỉnh và hai bên cửa có nhiều tháp nhỏ màu vàng sáng. Khung cửa màu gạch sậm, màu áo của nhà sư Miến Điện. Từ cổng chính, có một hành lang dài gồm nhiều cột gỗ tếch chạm trổ hoa văn và hình các thần Nat (thần địa phương), trên có che mái dẫn vào một điện thờ Phật Thích Ca. Tượng Phật bằng đồng ngồi kiết già, không lớn nhưng rất tinh xảo. Đặc biệt đôi mắt Phật khác hẳn các pho tượng mà tôi đã được xem ở Miến Điện và nhiều nước khác: đôi mắt Phật trầm ngâm và buồn, lạ thật, cả tôn tượng ưu tư chứ không mỉm cười như thường thấy trong các chùa. Không thấy biển ghi, và hỏi cũng không ai biết, tôn tượng này được làm năm nào.


            Hành lang dẫn vào điện thờ Phật Thích Ca

            Bên phải tượng Phật là bức họa chân dung vua Mindon. Ông ngồi, một tay cầm phất trần, đầu chít khăn trắng chứ không đội vương miện. Trông ông như một người Miến Điện nhỏ nhắn bình thường chứ không phải vị minh quân cuối cùng của Miến Điện (kế vị ông là hôn quân Thibaw, làm vua được vài năm thì bị thực dân Anh đày qua Ấn Độ).

            Tôi đi xem các bia đá khắc kinh, đi theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ bên trái.


            Tượng Phật Thích Ca với đôi mắt buồn

            Tất cả 729 bia đá bằng cẩm thạch trắng đều được dựng riêng trong từng ngôi tháp nhỏ giống hệt nhau. Phần dưới tháp hình vuông, mỗi bề khoảng hai thước. Đỉnh tháp hình quả chuông úp trên hai tầng hoa sen. Trên đỉnh quả chuông trang trí một cái dù bằng đồng đỉnh có viên đá xanh, xung quanh gắn năm chuông nhỏ. Mái vòm chạm hoa văn và hình rồng đơn giản. Bên trong mỗi tháp có dựng bia bằng đá cẩm thạch cao gần 1.68 mét. Bia đá không phải hình vuông như nhiều tài liệu viết. Đỉnh bia hình dợn sóng và rộng hơn phần dưới. Hai mặt bia, dày khoảng 12 phân, khắc nội dung kinh, một mặt bằng chữ Miến Điện còn mặt kia chữ Pali. Nguyên ủy vua Mindon cho nạm vàng viền bia và chữ nhưng sau đó vàng bị cạy hết.

            Các tháp trắng che bia được chia làm ba dãy cách nhau bằng một bức tường. Dãy thứ nhất gồm 42 tháp, dãy thứ hai (ở giữa) 168 tháp, dãy thứ ba gồm 519 tháp ở vòng ngoài cùng. Tháp thứ 730 ghi lịch sử hoàn thành công quả khắc kinh lên đá nằm ở góc đông nam (từ cổng nam vào bên tay phải). Các ngôi tháp nhỏ này bao quanh ngôi tháp chính bằng vàng rất lớn, cao gần 60 mét. Công trình xây chùa bắt đầu từ năm 1859. Việc khắc kinh lên đá bắt đầu từ năm 1860 và hoàn tất năm 1868

            Mỗi tháp đều có đánh số thứ tự từ 1 cho đến 729, toàn bộ bia đá khắc Tam Tạng Kinh Điển (Tạng Kinh, Tạng Luật, và Tạng Luận theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy) được khắc theo thứ tự như sau:

            - Tạng Luật (Vinaya), tổng cộng 111 bia (từ bia số 1 đến bia 111)
            - Tạng Luận (Abhidhamma), tổng cộng 208 bia (từ bia 112 đến 319)
            - Tạng Kinh (Suttamta hay Suttanta), tổng cộng 410 bia (từ bia 320 đến 729)


            730 bửu tháp đựng Kinh Phật

            Sau công trình vĩ đại này, vua Mindon tổ chức đại hội kiết tập kinh điển theo hệ Pali (Phật Giáo Nam Tông) vào năm 1871 tại kinh đô Mandalay. Ông triệu tập 2,400 cao tăng Miến Điện để khảo chứng, đối chiếu những điểm dị và đồng (khảo đính) trong kinh điển thuộc hệ Pali. Đại hội kiết tập kéo dài năm tháng, thường được gọi là Đại hội Kiết Tập Kinh Điển Lần Thứ 5, nhưng không được các nước khác công nhận vì các nhà sư tham dự đại hội đều là người Miến Điện. Một điểm lịch sử cần ghi chú ở đây, là trái với một số tài liệu Phật Giáo cho rằng sau Đại hội Kiết Tập vua Mindon mới cho khắc toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển lên bia đá. Thật ra, công tác khắc kinh lên bia đá dựng trong chùa Kuthodaw đã hoàn tất vào năm 1868, và ba năm sau Đại hội Kiết Tập mới diễn ra, tức năm 1871.

            o O o

            Tôi ở lại chùa Kathodaw đến quá trưa, ngồi dưới các tàng cây thuộc họ hồng xiêm (star flower) rợp bóng. Trong sân chùa có một cây star flower trên 250 tuổi, nhưng đặc biệt nhất giữa các dãy tháp bia là những cây star flower có tàn lá xòe ra như một cái lọng. Dưới các tàn lá người ta xây nhiều zayat, một loại nhà mở của người Miến Điện thường xây dọc đường, hay trong mỗi ngôi làng đều có, dùng để khách lỡ đường lỡ sá nghỉ chân. Người cùng trong làng thì dùng như cái đình bên mình. Dân làng thường tụ họp trong zayat sinh hoạt, bàn tán. Nếu ở trong sân chùa hay ngoài cổng chùa (ngoài cổng nam chùa Kuthodaw có một zayat cất trên một cái hồ như nhà thủy tạ) thì zayat là nơi khách dừng chân núp mưa hay tránh nắng, có nước uống. Zayat nào cũng xây bằng gỗ, vuông vức mỗi bề khoảng năm sáu mét, có bốn cửa vào, sàn bằng ván, lan can thấp nửa thước sơn vàng còn cột màu đỏ gạch, từ lan can lên nóc để trống, nóc theo hình bánh ú đội lên nhau cả bốn mặt.

            Tôi nằm trong một zayat giữa hai dãy bia đá, không gian hoàn toàn yên lặng vì là ban trưa, thỉnh thoảng mới có một hai người vào các zayat khác ngủ, hoặc nằm ngay dưới gốc cây star flower. Loại cây này không cao nhưng tán rộng, không thấy hoa, lá cây như có hương thơm thoang thoảng của hoa nhài. Những cái chuông nhỏ treo xung quanh đỉnh tháp rung rinh âm thanh trong và cao, thỉnh thoảng ở ngoài tháp chính tiếng hồng chung ngân nga rền rền như giữ nhịp cho tiếng chuông cao.


            Đại Hồng Chung tại Hoàng Cung

            Chùa nào ở Miến Điện cũng có nhiều chuông. Không kể rất nhiều chuông nhỏ treo trên cao, quanh các tháp, mà xung quanh chính điện họ cũng đặt các dãy hồng chung, thường là ba cái làm một cụm, quanh bốn góc. Khách thập phương sau khi vào điện lạy Phật, đều có thể ra lấy dùi gỗ dộng hồng chung. Lệ này khác hẳn các chùa Việt Nam, chỉ có các thầy trong chùa mới thỉnh chuông, và phải thỉnh đúng thời. Người Miến Điện quan niệm về chuông khác với người mình nhiều điểm.


            Nghỉ trưa dưới tàng cây Star Flower

            Các thầy ở Việt Nam khi đánh hồng chung có bài kệ thỉnh chuông, đại khái, nguyện cho tiếng chuông vang khắp các cõi, đến tận địa ngục để phá tan u minh và để cho hương linh nơi địa ngục vơi bớt khổ đau. Chuông đều có trong các chùa và cả các nhà Việt Nam theo Phật Giáo. Ở Miến Điện, chuông chỉ có trong chùa. Khi cầu nguyện xong, khách ra bên ngoài điện, đến chỗ treo hồng chung và dộng ba tiếng chuông, không phải để thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ (bài kệ Đóng Đại Hồng Chung), mà để thông báo cho chư Phật và chư thần thổ địa biết là người đánh vừa thực hiện một công đức (lễ Phật). Vì vậy đánh xong ba tiếng chuông, người Miến Điện còn dộng dùi chuông xuống đất một cái. Mục đích của các chuông nhỏ treo quanh các đỉnh tháp chùa lớn cũng như vậy, là để thường xuyên nhắc thế giới mười phương biết về hành động tu hành của người đi chùa. Chuông nhỏ không trầm, nghe vui tai vì tiếng linh kinh suốt ngày đêm nhờ gió thổi.
            Last edited by viet11; 02-03-2012, 01:04 PM.
            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
            ............



            Can't Live Without...hehe...


            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

            Comment


            • #7

              Một ngày bốn cố đô và chiếc cầu tóc cúng Phật

              Chỉ trong bán kính 30 cây số tính từ trung tâm Mandalay ở vùng Thượng Miến Điện, có đến bốn cố đô.

              Mandalay là cố đô thứ nhất, nhưng đang thành kinh đô mới của nhiều người Trung Quốc. Theo tổ chức phi chính phủ Global Witness ở Luân Đôn, có khoảng 40 phần trăm dân số Mandalay là người Hoa, phần lớn di cư từ Vân Nam và Tứ Xuyên qua Thượng Miến Điện nhưng kéo về Mandalay định cư vì dễ làm ăn. Chính sách đưa dân qua nước láng giềng của Bắc Kinh không mới, nó lại mạnh và suôn sẻ hơn nhờ chính quyền quân sự làm ngơ. Mandalay chưa có Phố Tàu nhưng phần lớn các cửa hiệu lớn bán đủ loại hàng hóa tạp-pí-lù đều của người Hoa. Các khách sạn lớn cũng của do người Hoa làm chủ, Không chỉ riêng Mandalay mà toàn Miến Điện tất cả xe gắn máy cũng đều của Trung Quốc, áo quần cũng Trung Quốc, chỉ có một số rất ít nhập từ Thái Lan. Tôi làm bể chấu cắm điện vào laptop, nhờ bác xe ôm hôm nọ (tôi giữ rịt bác suốt bốn ngày ở Mandalay) chở đi mua. Bác chở ra một phố bán đồ điện và điện tử mua một cái, rồi nói giọng bất mãn: “Tiệm nào lớn ở đây đều Chinese, Chinese everywhere.”


              Khu ăn uống tại Phố Tàu

              Trong thập niên 1990, người ta ước tính dân số Mandalay tăng từ năm trăm ngàn lên gần một triệu nhờ người Hoa từ đại lục di cư sang. Một nhà báo nữ của Miến Điện vừa mới mất năm 2008 lúc bà được 92 tuổi, nói rằng người Trung Quốc không tốn một phát đạn mà lấy được Mandalay. Ai cũng biết người Hoa đi tới đâu thì nơi ấy việc buôn bán ở đó phát triển, nhưng đồng thời ảnh hưởng bản sắc văn hóa Miến Điện. Riêng ở Mandalay, nhiều lễ hội chính thức của con cháu Khổng Tử đã thành thông lệ, đã có khá nhiều chùa Tàu lớn. Một tác động khác là tệ nạn xã hội. Ở Mandalay không có hộp đêm, hoặc có mà tôi không biết, riêng ở Yangon có một số hộp đêm khoảng dưới 10 cái. Các hộp đêm thường bắt đầu từ 9 giờ tối, màn trình diễn chủ yếu là thời trang trên một sàn vuông, xung quanh có ghế ngồi, các cô bận trang phục kín đáo, có khi mặc quần jeans, đi lên đi xuống một cách tài tử. Tôi theo một chàng quản lý nhà khách đi một hộp đêm có tên là JJ, vé vào cửa ba đô Mỹ kèm một ly bia hơi (bia Dagon). Khách uống một ly có thể ngồi đến nửa đêm mà không ai hỏi han gì. Nhưng đặc biệt xung quanh tụm năm tụm ba rất nhiều cô gái, không hẳn con gái gốc Miến Điện vì nước da và khuôn mặt trắng, mũi tẹt, lùn và xấu. Phụ nữ Miến Điện thường dong dỏng, ốm, da bánh mật hoặc đen sậm, đôi mắt dài và buồn. Tôi hỏi chàng quản lý “các em này là người gì”. Chàng Miến Điện quấn xà rông mặc sơ mi trắng, chân đi dép lẹt xẹt, vừa uống bia vừa trả lời:


              Hộp đêm của người Tàu tại Yangon

              - Chín mươi chín phần trăm đĩ ở đây không phải là người Miến.

              Tất cũng khó biết mức độ sự thật qua nhận xét khơi khơi này, nhưng nó phản ảnh một hiện tượng xã hội. Chính quyền không khuyến khích nhưng làm ngơ các hoạt động mại dâm, dù vậy, khách khứa vào hộp đêm lèo tèo, có ông quấn xà rông vào nằm ngửa trên ghế, nhai trầu bỏm bẻm, cảnh ăn chơi rất thô sơ chứ không ác liệt và sang trọng như ở Sài Gòn hay Hà Nội.

              Cũng như ở Yangon, buổi tối Mandalay không có đèn đường. Đường sá sáng lên nhờ ánh neon từ một số cửa tiệm hắt ra, nhờ xe nước mía, nhờ đèn xe máy loang loáng trên đường. Đã thế điện cúp nhiều lần trong ngày và đêm, cúp rồi bật, chứ không cúp một mạch nhiều giờ liền. Mandalay, cố đô phong kiến cuối cùng, thành phố mới và lớn thứ hai của Miện Điện, dù sao vẫn là nơi không nên thiếu trên lộ trình đi Miến, bởi nó là một thành phố có cá tính, không vô văn hóa nửa Tàu nửa Tây như Singapore.

              Cố đô thứ hai là Amarapura, nghĩa là “Bất Tử Thành”, cách trung tâm Mandalay khoảng 11 cây số về hướng Nam. Tuy gần nhưng khó nhớ đường hơn đi Phố Mây. Các bạn đi xe máy theo đường số 84 về hướng nam, tức đi ngược lại hướng Đồi Mandalay, hỏi đường đi tiếp chừng hai cây số nữa sẽ đến một cái mốc có thể gọi là cửa ngõ vào cố đô Amarapura. Cái “mốc” này là một cổng thành cũ chỉ còn mỗi bề khoảng 10 mét, cao ba tầng màu vàng, nhưng đã ố đen gần hết ở tầng trên. Có một tấm bảng ghi tên thành cũ nhưng bằng tiếng Miến Điện. Đây chính là vết tích phế đô Amarapura, từ cổng thành này vào trong chỉ toàn đường đất.
              Các bạn phượt đi xe máy sẽ gặp trên các trục lộ chính vào ba cố đô sẽ có lính canh. Khi đi ngang qua họ bắt đóng 100 kyat. Tôi đã gặp hai cổng như vậy nhưng cổng nào cũng không mất tiền. Thì ra người Miến Điện lịch sự. Khi tôi chạy ngang họ ách lại, họ nói gì đó và tôi không hiểu cứ trả lời bằng tiếng Anh, thế là họ khoác tay cho đi. Hôm nay đi với bác xe ôm thì mỗi khi gặp cổng gác có thanh cây chắn ngang đường, bác móc túi trả 100 kyat.

              Lý lịch Amarapura khá kỳ. Năm 1783, vua Bodawpaya (1781-1819) dời kinh đô từ Ava về đây vì sợ ma ám sau khi giết nhiều hoàng thân quốc thích để chiếm ngôi. Năm 1823, vua Bagyidaw lại dời hoàng thành về Ava, vua kế vị Bagyidaw là Tharrawaddy (1837-1846) lại dời hoàng thành về lại Amarapura vì Ava bị động đất nặng. Khi vua Mindon lên ngôi (1853-1878), ông vẫn đặt hoàng cung ở đây cho đến năm 1857 mới dời về Mandalay.

              Như vậy trong bốn đời vua thì ba lần Amarapura là kinh đô, thăng trầm như một ông quan mất chức rồi phục chức rồi lại mất chức vĩnh viễn. Ngày nay, sau khi vượt qua khối tường gạch trước kia là cổng thành, ta sẽ không thấy bất kỳ một vết tích đền đài nào. Giống như đang rảo chơi một miền quê vắng vẻ nghèo xơ xác. Sở dĩ như vậy vì ngoài việc bị bỏ hoang và chiến tranh tàn phá, khi dời đô, các ông vua tháo giở cung điện và đem theo, khi thì đem theo đến Ava, khi thì đem theo về Mandalay. Gần nhất là vua Mindon, và sau ông là vua Thibaw, cho tháo toàn bộ dinh thự đem về Mandalay (tự viện Shwe Nan Daw dưới chân đồi Mandalay do vua Thibaw đem một phần vật liệu cung điện từ Amarapura về dựng lại và cúng cho chùa). Ngay cả hoàng thành cũng bị giở ra để đem vật liệu về xây hoàng thành mới. Không biết đây có phải là một cách sống của người Miến Điện chăng, không biết đó là tính “cần kiệm liêm chính” của người Miến Điện chăng, mà ngay cả vua khi dời đô cũng đem theo cung điện và hoàng thành để ráp lại nơi mới.


              Cổng thành của cố đô Amarapura

              Hoàng thành Amarapura là một bán đảo nằm giữa hồ Kyauktawgyi và sông Voi, trên hồ có cây cầu gô U Bein dài nhất thế giới vắt qua. Ông xe ôm nói vua xây cầu này để ngăn chận hải quân Anh tiến vô kinh đô. Tôi hỏi một cây cầu gỗ làm sao mà ngăn chận hải quân Anh? Ông ta cười giả lả gật gù. Theo một tài liệu cũ, hoàng thành vuông vức, mỗi bề dài 2.2 cây số (2) (cũng bằng hoàng thành Mandalay), xung quanh có hào rộng khoảng 25 mét. Cung điện toàn bằng gỗ tếch di dời từ cố đô Ava tới. Như vậy thì hoàng thành Mandalay không phải xây cất bằng vật liệu từ cố đô Amarapura, mà bằng vật liệu của “ông nội” nó là cố đô Ava. Không thấy sách du lịch nào nói điều này.

              Ngoài hai hàng cây me hai bên con đường đất nhỏ, các rẫy bắp, dấu vết hoàng kim trong hoàng thành rất khó nhận diện nếu không được hướng dẫn. Hào sâu và rộng bây giờ là một kênh nhỏ thả nhiều rau muống. Khi dời đô, vua Mindon đem theo dân chúng trong thành, vua dân cùng lên vùng “kinh tế mới” Mandalay. Những di dân đến Amarapura sau đó đã dần dà tạo thành một ngôi làng làm nghề dệt lụa thủ công. Bạn đến đây nếu thích sẽ được đưa đến ngôi làng nghề truyền thồng này, đi từ nhà này qua nhà kia xem các cô gái Miến chăm chỉ thoi tơ mà không ai phiền hà hay hỏi bạn là ai. Sau đó hãy chạy xe đến cầu gỗ U Bein toàn bằng gỗ tếch dài 1.2 cây số vắt ngang hồ Taungthaman. Cây cầu này là của hương hỏa của hoàng thành Amarapura, khi vua dời đô về Mandalay, số gỗ tếch còn dư không bị chụm củi hay các đầu nậu bán tháo mà được dùng để xây chiếc cầu này. “Lan can” là các cột gỗ cắm lưa thưa từ đáy hồ lên cao khỏi mặt cầu khoảng từ nửa thước đến một mét, không có một hành lang an toàn nào nhưng không ai rớt khỏi thành cầu nếu không say xỉn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ, trên cầu có hai căn chòi để nghỉ chân. Đi bộ hết cầu gặp một ngôi làng nhỏ cùng tên với cái hồ, có ngôi chùa Kyauktawgyi, và từ cây cầu gỗ nhìn qua các cây cổ thụ chỉ còn cành, sẽ thấy sông Voi miên man trượt. Buổi sáng trên cầu gỗ U Bein là một lịch trình không thể thiếu khi thăm Mandalay. Không khí dịu như nước hồ, người bên kia làng đi bộ qua cầu về phía Amarapura, học trò, thầy tu, người cùi chống nạng, phụ nữ đội hàng, tất cả đều âm thầm chậm rãi. Nếu muốn ngắm toàn hồ thì mướn một chiếc ghe nhỏ đủng đỉnh ra giữa hồ với trời mây non nước. Cách cầu không xa có tự viện Mahagandhayon rất nổi tiếng vì qui củ. Khi tôi đến gần tới giờ thọ trai, gần một ngàn tăng sinh sắp hàng và vào phòng ăn, không một tiếng động nhỏ, hoàn toàn yên lặng.


              Vọng Lâu

              Cách Mandalay 21 cây số là cố đô Ava, còn gọi là Inwa. Cùng nằm phía tả ngạn của sông Voi như Amarapura, cố đô Ava có từ năm 1364, thay ngôi đổi chủ nhiều lần và ngày nay không còn vết tích gì. Công trình xây dựng có thể nhận dạng duy nhất là một Vọng Lâu (Watch Tower) bằng gạch, cao 30 mét xây năm 1822 để vua ngắm cảnh. Đứng trên Vọng Lâu chỉ còn thấy thấy sông Voi và những đám cỏ xanh mọc ngổn ngang trong nội thành. Ngoài ra có một tự viện không thể không tới, Maha Aung Mye Bon Zan Monastery, hoàn toàn hoang vắng và hoang phế dù còn nguyên hình dạng, màu tường vàng sẫm đã ố đen buồn bã, trần và gạch bên trong mốc meo và bám rêu. Bên dưới tự viện là các cửa hình vòm nối tiếp nhau, tối tăm đầy bí ẩn, có lẽ trong mùa mưa đây là hang ổ của rắn rít. Tự viện hình chữ nhật, có ba tầng mái, tường bên ngoài trang trí hoa văn công phu, riêng tượng Phật được thờ trong một cái tháp riêng chứ không ở trong chính điện. Tự viện này có hồn dù không một bóng người, nó có cái vẻ sừng sững oai nghi của một khối đá cô đơn trong chiều vắng.

              Chúng tôi băng qua cây cầu sắt Ava bắc ngang sông Voi để đến cố đô thứ tư là Sagaing. Sagaing nguyên tên là Jeyapura, nổi tiếng với thị trấn Mingun có đại hồng chung lớn nhất thế giới, Chuông Mingun, đúc xong năm 1810, nặng 90 tấn, cao hơn 3.6 mét, chu vi mép chuông gần 15 mét rưỡi.

              Sagaing là kinh đô của bảy đời vua vào thế kỷ 14, kéo dài 49 năm. Đến năm 1760, Sagaing lại là kinh đô nhưng yểu mệnh, thọ được bốn năm. Ngày nay, chỉ cần mất vài giờ là biết hết nội thành Sagaing, nhưng phải mất khoảng một giờ mới leo đến đỉnh Đồi Sagaing nằm phía hữu ngạn sông Voi, đối diện Ava và chếch phía thượng lưu khoảng 10 cây số là thành phố Mandalay. Trên đỉnh đồi có chùa Soon Pone Nya Shin rất lớn, đứng ở đây có thể thấy hàng trăm ngôi chùa và tự viện lớn nhỏ bao quanh đồi, sông Voi xuôi về nam, và hoa phượng đỏ thắm thiết trên sườn đồi. Bác xe ôm lúc thả tôi dưới chân đồi, dặn: “Cứ đi lên, khi nào đến chỗ đóng tiền thì xuống.” Lý do là du khách khi đến Mandalay sẽ đóng 10 đô để thăm tất cả các di tích, nhưng Sagaing không thuộc Mandalay nên phải đóng thêm một mớ tiền nữa. Bác nói Sagaing không đáng để đóng 10 đô, mắc. Tôi nghe lời leo vài trăm bậc cấp lên đỉnh, tính khi nào bị thu tiền thì trở xuống nhưng dọc dường không thấy quầy thu tiền nào cả, không biết lệ này đã bỏ chưa.


              Chùa Alaungdaw Kathapa

              Thực ra leo lên Đồi Sagaing ngắm cảnh chỉ là cỡi ngựa xem hoa, vì ngọn đồi này và nội thành Sagaing thuộc Vùng Sagaing (Sagaing Division) rất nhỏ. Toàn bộ Vùng Sagaing có nhiều thắng tích Phật giáo. Những bạn nào có thời gian và muốn hành hương nên ở Vùng Sagaing vài ngày để đi thăm một ngôi chùa nổi tiếng nằm trong một hang đá sâu, chùa Alaungdaw Kathapa Pagoda. Kathapa tức Kassapa, là đại đệ tử Ca Diếp của Phật. Trong một buổi Pháp thoại, khi Phật đưa một cành hoa sen lên (Niêm Hoa), đại chúng ngơ ngác chưa hiểu, riêng chỉ có Ca Diếp mỉm cười (Vi Tiếu). Phật truyền tâm ấn cho Ca Diếp và ngài trở thành sơ tổ Thiền tông. Người Miến Điện nói rằng trong chùa Alaungdaw Kathapa có nhục thân của Tổ Ca Diếp, hằng năm có vài chục ngàn người hành hương từ khắp nơi kéo về, nhân đấy có một câu chuyện cảm động xảy ra vào năm 2007.

              Nguyên con đường đến chùa tuy chỉ dài vài chục cây số nhưng rất hiểm trở, phải đi qua 16 con sông và lạch nước, đặc biệt trong mùa mưa từ tháng Năm cho đến tháng Chín thì không cách nào đi được, vào mùa khô cách duy nhất đến chùa là thuê voi. Một nhà sư tên là Sayadaw Waiponla, trong một lần hành hương, chứng kiến một phụ nữ mang thai chết trên đường đến bệnh viện. Ông nảy ra ý tưởng gây quỹ xây cầu bằng cách lập các nhà nghỉ nhỏ dọc đường vừa làm chỗ nghỉ chân trên đường hành hương, vừa có chỗ để người đi chiêm bái cúng dường gây quỹ. Một phụ nữ quá nghèo muốn cúng dường nhưng không có tiền nên xin thầy Sayadaw cho bà được cúng tóc. Phụ nữ Miến Điện rất quý búi tóc vì tóc là biểu tượng của phẩm hạnh và tư dung. Từ ý tưởng của người đàn bà nghèo khổ kia, nhiều phụ nữ khác đã cắt tóc để bán cho thương lái Trung Hoa. Một ký tóc giá từ 62,000 đến 250,000 kyat (62 đến 250 đô Mỹ vào năm 2007) tùy theo dài ngắn. Cho đến khi tôi viết những dòng này vào tháng Tám năm 2009, đã có trên 3,000 phụ nữ Miến Điện bán tóc để xây cầu đến chùa. Hiện nay đã có 13 chỗ quyên tóc khắp Vùng Sagaing, và thầy Sayadaw đã nhờ số tóc này xây được tám cây cầu trên đường hành hương đến chùa Đại Ca Diếp. Dù thầy Sayadaw, trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Myanmar Times vào giữa tháng 5.2009, nói ông sẽ chọn một trong số các cây cầu để đặt tên là Kim Phát Kiều (Cầu Tóc Vàng), nhưng người Miến Điện đều gọi những cây cầu này là “Cầu Tóc”, vì toàn là các cây nhỏ và nhờ tóc của tín nữ mà nên.
              Last edited by viet11; 02-03-2012, 01:04 PM.
              Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
              Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
              ............



              Can't Live Without...hehe...


              Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

              Comment


              • #8
                Càng đọc càng cảm phục đất nước và con ngừ xứ họ ; hy vọng cả nước sẽ hưởng phước mầu nhờ huân tu để có được các vị tái sanh như vua Mindon. Nhìn ngừ mà gẫm xứ...X , thiệt là bất hạnh

                Comment


                • #9
                  Nguyên Văn Bài Viết Của Akuna View Post
                  Càng đọc càng cảm phục đất nước và con ngừ xứ họ ; hy vọng cả nước sẽ hưởng phước mầu nhờ huân tu để có được các vị tái sanh như vua Mindon. Nhìn ngừ mà gẫm xứ...X , thiệt là bất hạnh
                  Đất nước người ta và con người...đẹp quá phải không bác Akuna....
                  Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                  Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                  ............



                  Can't Live Without...hehe...


                  Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                  Comment


                  • #10
                    Ngoại trừ cố đô Yangon phiền não, cả bốn cố đô vừa đi qua đều để lại nhiều lưu luyến. Nhưng rồi cũng đến lúc từ giã, xuôi dòng sông Voi về cố đô Bagan cách Mandalay gần 150 cây số. Sau này mỗi khi nhớ lại những ngày ở Miến Điện, tôi đều thấy bầu khí Bagan mới thực sự để lại nhiều dấu tích trong lòng nhất trong các chuyến giang hồ.


                    Trên tàu chợ đi Bagan


                    Lúc ở Yangon hỏi cách đi, tiếp viên nhà trọ tư vấn sai bét. Họ nói mùa mưa chỉ có tàu đi từ Mandalay xuôi dòng xuống Bagan, chứ từ Bagan lên Mandalay không có tàu thủy vì ngược nước. Họ lại nói có tàu cao tốc rất thoải mái, an toàn, ngày nào cũng có chuyến. Tất cả thông tin từ người địa phương đều ngược lại. Thực ra, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Chín mỗi tuần chỉ có hai chuyến tàu chợ nối Mandalay và Bagan (cả hai chiều chứ không có chuyện ngược dòng tàu chạy không được). Tàu cao tốc hoàn toàn không có. Thông tin vào thời điểm tôi đi cũng chỉ đúng vào thời điểm tôi đi. Tốt nhất là không tin ai cả vì lịch vận tải ở Miến Điện tùy hứng.

                    Tôi cứ hình dung sẽ đi một chiếc tàu lớn, có ban công, các băng ghế ngồi đặt ở giữa chiếc tàu thủy to rộng, sẽ có một quầy bar bán cà phê lai rai, mình sẽ đi lên đi xuống bong tàu, hay lên sân thượng ngắm hai bờ Tượng Giang. Một thủy trình nhàn nhã phong lưu xuôi theo dòng nước đến cố đô cũ một ngàn năm: Bagan.


                    Lên xuống tàu chợ

                    Nhưng than ôi, 4 giờ rưỡi sáng đến bến phà Manadalay để đi tàu chợ xuôi dòng về Bagan mới té ngửa. Trong bóng tối Mandalay, bến tàu chỉ thắp một ngọn đèn néon sáu tấc, những bóng người tụm năm tụm ba trên bờ, không có một bảng hướng dẫn nào hay ít ra một bảng chỉ đường gì đó. Tôi hỏi anh xe ôm “Bagan Bagan?”, anh ta chỉ tay vào một lối đi tối thui không thấy gì cả, ra dấu xuống dưới bến. Đúng là bến sông dốc, một tấm ván bắt từ bờ lên một chiếc tàu sắt, người lên kẻ xuống chen nhau trên “cầu tàu” rất nguy hiểm, chỉ bị lấn nhẹ một cái là lọt sông ngay. Đi ngang qua chiếc tàu lớn, cứ theo người mà đi, rồi bước qua một chiếc tàu nhỏ hơn, trên tàu này người địa phương nằm ngồi la liệt không có chỗ đặt chân, cứ sợ dẫm phải con nít và phụ nữ vắt vẻo nằm ngồi dựa ngã trên những bao hàng hóa thúng mẹt. Trước tôi đã có ba anh Tây ba lô đang lúng túng không biết nên tiến hay lùi, cuối cùng tôi thấy họ đi ngược lên bờ. Tôi hỏi anh mặc áo trắng kiểu áo thuyền viên, “có phải tàu này đi Bagan chứ”, anh ta hỏi vé tàu, nhìn rồi chỉ bậc thang dẫn lên bong trên, “anh cứ lên trên đó, ngồi ở góc đầu mũi tàu”.


                    Tầng trên tàu chợ

                    Tôi chen lấn một hồi cũng leo lên tới tầng trên. Miễn tàu đi Bagan là được, nó có chạy rì rì thì trước sau cũng tới. Mỗi tuần chỉ có hai chuyến tàu chợ từ Mandalay đi Bagan, giá vé 10 đô còn kén cá chọn canh cái nỗi gì. Tự an ủi thế cho đỡ ngán, chứ nhìn người ta la liệt trên sàn tàu không khác gì cảnh chạy giặc tản cư, ngó quanh chỉ thấy vài cái phao cấp cứu trong khi tàu ước vài trăm người. Tôi đã dự trù trường hợp xấu nhất là tàu chìm, nên laptop gói kỹ trong bao không thấm nước, hộ chiếu cũng cho vô bao chống thấm, còn máy hình thì để sẵn một túi nhỏ chống thấm bên cạnh sẵn sàng ứng chiến, tàu mà chìm là ôm mấy bửu bối đó bơi vài trăm mét chắc không đến nỗi chết trôi.

                    Chỗ gần mũi tàu mà anh thuyền viên chỉ có để mười mấy cái ghế nhựa có lưng tựa, khu này dành riêng cho người nước ngoài, nhìn những người dân địa phương buôn thúng bán bưng nằm ngồi chỉ cách mình một thước, tôi thấy quả là mình đang ngồi ở khu hạng Nhất rồi. Họ ngước mắt nhìn vài người nước ngoài lục tục đến có vẻ hâm mộ một cách tội nghiệp. Nhưng biết làm sao, thông cảm nghe bà con, lạ nước lạ cái, mà người ta dành cho tôi chỗ ngồi này chứ có dành giựt ai đâu.

                    Trong ánh sáng nhạt nhạt của ngọn đèn nhỏ trên trần, trong không gian tràn ngập mùi người, mùi ớt bột, mùi cà ri, tiếng người lên xuống xôn xao, chợt có mùi gội đầu của phụ nữ thơm thơm phả đến. Một cô gái trông như người Nhật, áo tím, ba lô lớn trên lưng, ba lô nhỏ trên tay, tay kia cầm một cái quạt có viền trắng phe phẩy, cổ đeo máy hình, kéo ghế ngồi xuống bên tôi. Hình như tôi khéo tu nên có số quen con gái Nhật, mà toàn là các em xinh xắn to con, a ha, một hành trình dài mà có một em xinh xinh ngồi cạnh thì sông nước dẫu có vô tình cũng vui nữa là.

                    Giờ khởi hành là năm giờ rưỡi, nhưng cũng như xe dù bên mình, các bác tài công cứ chờ rước thêm khách, người cứ lên đều đều, xích vô một chút, lấn qua bên kia một chút, hành lý chồng lên tí, co chân vào chút xíu, khu hạng Nhất của tôi cũng đã tràn người, bây giờ thì họ ngồi ngay dưới sàn, hàng hóa cứ lên, không có một sự an toàn đường sông nào. Má ơi, may mà hồi nhỏ con dân xứ biển, suốt đời trai trẻ trốn học rong bơi nên vẫy vùng dưới nước cũng khá, không đến nỗi lo lắng quá.

                    Sáu giờ rưỡi, một hồi còi vang lên. Tạm biệt Mandalay, tạm biệt ngọn đồi linh hiển, cố đô Amarapura, chùa Thạch Kinh (Kuthodaw Pagoda), đồi Sagaing, tạm biệt cầu gỗ U Bein, cao nguyên Pin Oo Lwin mà tôi gọi là Phố Mây, những người Mandalay hiền lành chậm chạp.

                    Tôi lưu luyến Mandalay và chợt thấy ngùi ngùi. Không biết do còn duyên nợ không mà trong chuyến từ giã Bagan mấy ngày sau để bay về Yangon kết thúc cuộc đi rong, tôi xuống nhầm máy bay ở Mandalay một lần chót. Số là Air Bagan không bay thẳng từ Bagan đi Yangon. Do ít khách nên nó ghé qua Mandalay, tức bay vòng lên hướng bắc, thả và đón khách ở Mandalay rồi mới trực chỉ Yangon. Khi dừng ở Mandalay, tôi thản nhiên xuống phi cơ, lên xe, xuống xe, đi một mạch ra đường cái, vì cứ ngỡ là mình đã tới Yangon rồi dù có hơi ngờ ngợ vì thấy sao phi trường này quen quen. Khi đang trả giá taxi, anh taxi nói 18 đô trong khi tôi nhớ như in từ phi trường Yangon về thành phố chỉ năm đô thì chợt có tiếng nói đàng sau:

                    - Ông cho tôi xem vé lên tàu.

                    Tôi tính nổi nóng vì đã xuống tới nơi còn cần “boarding pass” làm gì. Tôi hỏi “tại sao, tôi liệng nó rồi” thì người đàn ông hỏi tiếp:

                    - Ông đi đâu?

                    - Yagon.

                    - Thưa ông, đây mới chỉ là Mandalay.

                    Tôi ngớ ra, lật đật lục tìm vé lên tàu, may còn giữ trong túi. Người đàn ông vui vẻ nói “ông theo tôi ra lại phi cơ, yên tâm không có gì đâu”,rồi vừa dẫn đường vừa nói gì đó vào bộ đàm. Khi tôi đứng ở hàng hiên phòng chờ, một chiếc xe ca lớn chạy lại đón một mình tôi lên chiếc máy bay đang đậu chờ giữa đường bay. Đúng là hai lúa lên tỉnh, nhưng trong lòng cũng thấy thích thú vì Mandalay không phụ tình tôi mấy mươi năm muốn đến, “nó” níu tôi lại một khoảnh khắc.

                    Chợt cô em người Nhật khều tay, nói nhỏ: “Ăn cái này không?” Ba giờ rưỡi sáng tôi đã dậy, đêm trước xin một bình thủy nước nóng để sẵn trong phòng, sáng làm hai gói mì gói, ăn nửa trái thơm mua ngoài đường, vẫn còn no.

                    Cô Nhật cầm cái bao ny lông trong có hai lát bánh mì săn uých, hai trái chuối già đã bầm dập chảy nước. Bánh mì thì tôi ăn không được, chuối cũng không vì có ông lương y kia dặn bao tử yếu ăn chuối già nặng bụng. Ôi mấy cha lương y lẩm cẩm, người đẹp mời ai lại từ chối chứ, kỳ thế. Tôi thản nhiền thò tay vô bao ny lông lấy một trái chuối, ăn ngon lành trong hương thơm của tóc một sáng tinh mơ sương khói tràn hai bờ sông lạ.

                    Mặt trời vừa chơm chớm, nắng phớt vàng phớt lướt trên dãy núi hai bên bờ, lưng chừng sườn núi điểm xuyết những ngôi tháp vàng rực rỡ trong ánh bình minh. Sông thật êm, tàu chợ nhưng không rầm rầm như mấy chiếc tàu cánh ngầm từ Sài Gòn đi Vũng Tàu. Tôi có cảm tưởng tàu không chạy bằng máy mà thả trôi theo dòng, lênh đênh như những chiếc thuyền buồm đang qua lại hai bờ Tượng Giang. Con sông rộng hơn khúc sông Hậu ở bến phà Cần Thơ rất nhiều, hai bờ không thấy ai, gió nhẹ, đời êm êm trôi theo dòng nước.

                    Cô Nhật làm giáo viên tiểu học, cô dự tính ở Miến Điện ba tuần, mới ở Bagan ba ngày trước, đi xe đò lên Mandalay chơi vài ngày bây giờ lại đi tàu thủy về lại Bagan. Cô nói cứ đến hè học trò nghỉ là cô đi nước ngoài chơi. Tôi nịnh:

                    - Vậy mà tôi cứ tưởng cô là sinh viên chứ.

                    Cô Nhật phá lên cười hô hô. Cô vừa nhai bánh mì vừa nói:

                    - Tôi đi dạy học đã mười năm rồi, tin không?

                    Tất nhiên là tôi giả vờ không tin. Cô tự giới thiệu tên, tôi hỏi tên cô có nghĩa gì. Cô lấy bút viết ngay lên bìa sau cuốn sách đang cầm nơi tay hai chữ Tàu, ma quỷ phò hộ hay sao mà hai chữ cô viết tôi đều đọc được. Tôi kêu lên:

                    - Đông Mỹ!

                    Dù phát âm tiếng Hán Việt nhưng cô gái cũng hiểu, cô gật đầu.

                    - Vậy cô là Beauty of the East rồi, người Đẹp phương Đông!

                    Cô lại phá lên cười hô hô. Tôi bỗng thấy ái ngại cho mình. Áo quần mấy ngày chưa giặt, không cạo râu, cái ba lô mua ở Sài Gòn Square góc Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa rách bươm, ba cái dây kéo thì hai cái hỏng. Còn “người ta” kìa, áo tím quần viền kim tuyến, đồng hồ xịn, máy hình quá xịn, nước da thì trắng như trứng đà điểu mới luộc bóc vỏ. Thiệt là không môn đăng hộ đối chút nào.

                    Tàu chạy được ba tiếng thì cập vào một làng nhỏ ven sông. Lại người lên kẻ xuống, hàng hóa tấp nập chất lên tàu, dân làng chở hàng ra chợ. Chạy đến hai giờ trưa thì tàu cặp bến năm lần. Lần thứ năm cảnh tượng thật vô cùng hào hứng. Khi tiếng còi tàu hụ lên báo hiệu sắp cặp bờ, thì từ trong xa, bụi bỗng bốc lên mờ mịt dưới trời nắng nóng. Sáu chiếc xe song ngưu (hai con bò kéo) chạy ra hướng tàu, phu khuân vác đã chờ sẵn trên bờ. Khi trên tàu hạ hai tấm ván gác lên bờ, lập tức các thanh niên cửu vạn xông lên, dưới bến thì đàn bà con nít đội thúng bán cơm, chuối, bánh chiên réo mời. Thế rồi phu khuân vác đội các thúng trái cây và nhiều bao bố trên tàu xuống, họ nhanh nhẹn chất lên xe bò, rồi chạy lên tàu làm chuyến khác. Gần đó một chiếc ghe nhỏ cũng áp sát bờ, cứ hai thanh niên một người kéo một người đẩy một con trâu hay con bò lên thuyền. Tấm ván trơn trợt nên con trâu cứ trì lại, nhưng như đã quen thuộc, anh đứng trên bờ cứ đẩy đít trâu, anh trên thuyền thì ra sức ghì mũi. Trâu và người trì lên rị xuống. Nhưng rồi trâu thua, miễn cưỡng leo lên tấm ván nhưng mới bước được vài bước thì té chổng vó xuống nước. Người ta lại xúm vào dựng con trâu lại, trì kéo một hồi cũng dắt được trâu lên thuyền.

                    Đến một bến khác thì hàng hóa đã xuống gần hết, dân địa phương cũng xuống nhiều nên bong tàu đã có lối đi. Trên bờ, mấy chiếc xe bò đã chất đầy hàng hóa, phu xe “hì hồ” quất roi, mấy chú bò trắng gồng mình chạy vô hướng làng. Bụi tung mù mịt, chỉ thấy đầu người và bóng người lố nhố trong làn bụi mờ giữa trời trưa nóng bức. Cảnh tượng vô cùng sống động hệt như phim giang hồ miền Viễn Tây, chỉ khác các “cowboy” ở đây quấn xà rông, đầu không đội nón rộng vành. Còn phu thì đội hàng trên đầu, chân bước vững chãi trên tấm ván trơn trượt, mỗ hôi nhễ nhại, khuôn mặt sạm đen khắc khổ. Không biết còn nơi nào ở Á châu còn cảnh này không. Ven bờ sông Voi đến đầu thế kỷ 21 vẫn còn cảnh xe bò ra sông chở hàng, phu phen quấn xà rông hoặc ở trần, hàng hóa chỉ là những thực phẩm cơ bản của nông dân như gạo, chuối, muối. Vài mươi năm nữa, khi đất nước hiền hòa này may ra khá hơn, có lẽ sẽ không còn cảnh này. Nhưng bây giờ, như sống trong thời quá vãng xa xăm đầy màu sắc hoang dã và hoang liêu.

                    Tôi đến quầy bán hàng tính ăn đại cái gì cho xong. Bà đứng trong quầy không chờ hỏi, tự động bê từng nồi thức ăn để dưới bàn đặt trước mặt và giở nắp. Thịt gà, thịt heo, tất cả đều kho và trên mặt có một lớp mỡ vàng dầy. Như các quán ăn trên đất liền, phải lấy muỗng bươi bươi mới biết thịt gì vì không hiểu họ kho kiểu gì mà cả hai loại thịt đều màu đen đen sền sệt. Ăn một đĩa cơm gà kho, uống một chai bia Myanmar. Giá buổi trưa ba đô-la. Theo tiêu chuẩn người địa phương là quá sang trọng. Nhưng ngán nhất là uống cà phê. Nước múc từ dưới sông lên, đun sôi xong vẫn trắng đùng đục, nhưng nghiền quá uống đại, nghe ngóng bụng dạ một hồi lâu vẫn thấy “không có gì”.

                    Tàu lại cập bến, người lại lên, rồi tàu hụ còi xa bến. Chiều sắp vàng. Nắng loang loáng khắp sông, khói bếp nhà ai trên bờ vươn chầm chậm. Xa xa, từng đàn ngựa trắng thong thả gặm cỏ, nhìn như những chấm trắng lắt lay trên nền cỏ xanh và núi biếc. Đôi khi lẩn trong màu khói xám chiều vài ngọn chùa tháp cũ kỹ chơ vơ trên triền núi. Lâu lâu mới thấy một cụm nhà sàn nhỏ nhắn mái rơm vách nứa. Chiếc tàu cứ nhẹ êm trôi, êm trôi, ở bến đổ cuối cùng trước khi đến Bagan, tôi thấy dòng chữ sơn trắng “Welcome to Pakokku” trên nền màu xanh lơ của một tấm bảng nhỏ hình chữ nhật dựng trên nóc nhà tôn ven bờ sông. Xa xa là những căn nhà tre lợp tôn khuất sau các hàng cây xanh. Đây là một thị trấn nhỏ, buồn buồn, nhưng lừng danh vì thị trấn này là nơi nổ ra cuộc “Cách Mạng Áo Nâu Sòng” hồi tháng Tám và Chín năm 2007, theo cách nói của các nhà báo phương Tây, vì cuộc xuống đường đã do các nhà sư Miến Điện khởi xướng và dẫn đầu.


                    “Cách Mạng Áo Nâu Sòng” tháng Tám và Chín năm 2007

                    Nguyên nhân trực tiếp là do chính quyền tăng giá xăng dầu và thực phẩm. Việc tăng giá chỉ là cái cớ, nó như giọt nước làm nổ tung mầm mống bất mãn chính quyền. Cuộc xuống đường khởi sự ở Pakokku, nhanh chóng lan ra khắp Miến Điện. Các nhà sư xuống đường đầu tiên thuộc tự viện Bawdimandine, nơi tu học lớn nhất của thị trấn Pakokku. Chính quyền thẳng tay đàn áp, một nhà sư bị bắn chết, nhiều vị khác bị thương do bị đánh bằng roi điện và dùi cui chống biểu tình.

                    Các thầy ở Pakokku đòi chính quyền xin lỗi và hạ giá xăng dầu và thực phẩm, nhưng sau đó các thầy đòi thêm hai yêu sách nữa: trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và đòi chính quyền phải thương thuyết. Cuộc xuống đường vì giá xăng dầu và thực phẩm rẻ sang một hướng khác. Khi các yêu sách trên không được thỏa mãn, cuộc chống đối lan khắp nước, hàng ngàn sư sãi xuống đường. Ban đầu chính quyền nhượng bộ nhưng sau đó quân đội vào cuộc, đóng cửa nhiều tự viện và bắt bớ sư sãi. Trên một ngàn thầy ở tự viện Bawdimandine phải trốn lánh đi nơi khác, các thầy khác thì “cố thu” trong chùa. Một nhà sư cho báo The Irrawaddy biết chính quyền lôi các tù nhân trong nhà tù Mandalay ra khỏi trại, cạo trọc đầu và cho trà trộn trong số sư sãi đang biểu tình để gây xáo trộn. Các nhà sư bèn đưa ra chiến thuật lột mặt nạ sư sãi nằm vùng bằng cách kiểm tra các “ông sư” mới nhập bọn kiến thức về kinh sách, ông nào không biết kinh kệ là bị trục xuất ra khỏi hàng ngũ biểu tình. Trong thời gian này nhiều tự viện vắng bóng tăng chúng, chỉ có chó mèo lang thang trong chính điện.

                    Tàu cặp bến Pakokku khá lâu để người buôn bán đưa hàng hóa xuống. Chỉ có vài người lên tàu đi Bagan, trong đó có một phụ nữ Miến Điện khoảng trên năm mươi dắt theo hai đứa con trai còn nhỏ. Người đàn bà mặc chiếc áo trắng đã xỉn màu, vai áo, vạt áo trước bụng và sau lưng đã rách nhiều lỗ lớn. Bà bới tóc, mảnh áo rách quấn trong chiếc xà rông màu hồng đậm. Tôi nhìn bà ta đứng dựa vào một cây cột trên bong, nước da đen sậm của bà không biểu lộ một cảm xúc gì trừ hai đôi mắt buồn không tả, nó như một sự chịu đựng hoang dã, khao khát, sợ sệt, ước ao, van xin và lặng lẽ. Hai đứa con trai mặc áo thun ba lỗ rách bươm, chúng dựa vào bà và đôi mắt lấm lét nhìn những người còn lại trên bong, trong đó có một cậu nhỏ người Pháp trạc tuổi chúng đang hồn nhiên chạy nhảy trên bong tàu đã thưa người. Đôi mắt người đàn bà dừng lại nơi tôi, khóe mắt ươn ướt như sắp trào. Bà ta sụp xuống khi hai đứa nhỏ ăn ngấu nghiến mớ lương khô tôi dự định để dành “vượt biên” qua Thái nếu xảy ra chuyện gì, rồi bà hướng ra ngoài sông quỳ lạy thinh không.

                    Khoảng nửa tiếng sau thì tàu cập bến Bagan. Sáu giờ chiều. Tôi thức từ ba giờ rưỡi sáng, đi trên một đoạn sông không dài nhưng có nhiều kiếp sống khắc khoải.

                    Cô gái mà tôi tưởng là Nhật lại là người Hàn Quốc. Khi lên bờ, một chàng “củ sâm” chờ sẵn đến đón cô đi.
                    Last edited by viet11; 03-03-2012, 10:03 AM.
                    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                    ............



                    Can't Live Without...hehe...


                    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                    Comment


                    • #11

                      Chùa cổ Bagan

                      Sáng sớm hôm sau tôi thuê xe ngựa để vào khu cố đô Bagan. Tỉnh Bagan (tên cũ là Pagan) có ba khu vực chính nằm trên trục lộ Bagan-Nyaungu, bắt đầu từ bến phà ở khu Nyaung U, con đường này chạy men theo sông Voi xuyên qua khu Bagan cổ (Old Bagan), đây là khu vực chùa tháp chính có trên 2.000 cái, và chấm dứt ở khu Bagan Mới (New Bagan). Trục lộ này nhỏ, dài khoảng 15 cây số, hơi dốc, tráng nhựa nhưng nhiều ổ gà. Suốt đường cây xanh rợp bóng mát mẻ, nhiều nhất là cây tếch (teak), mùa này hoa tếch nở những chùm bông vàng phơn phớt như bông nhãn, lẫn trong màu đỏ của hoa phượng đỏ.


                      Xe đò Bagan

                      Phương tiện đi lại thông dụng nhất ở Bagan là xe ngựa, xe đạp (thuê ở khách sạn mỗi ngày một đô), xe đạp lôi cũng có nhưng ít vì đường dốc. Taxi cực kỳ hiếm, không thấy chạy long nhong ngoài đường kiếm khách như ở Yangon hay Mandalay. Đi xa và rẻ thì có xe ôm nhưng phải nhờ nhà trọ kêu họ mới tới, chứ không tụm năm tụm ba ở các góc đường như ở chỗ khác. Tôi để ý cứ có khách mới vào khách sạn là sẽ thấy hai ba anh xà ích gò cương chờ ngoài cửa. Họ giới thiệu tua đi khu chùa cổ, khách cứ tùy nghi trả giá nhưng thường không quá 15 đô một ngày, đi bao nhiêu người cũng vậy. Đa số xà ích đều nói được chút đỉnh tiếng Anh.


                      Ăn sáng uống cà phê

                      Tôi nhờ chở đi ăn sáng trước vì dù nhà khách bao ăn sáng nhưng chỉ có bánh mì và trứng chiên. Anh xà ích chạy đến một cái quán nhỏ bên đường, vô kêu giùm một tô mì không biết gọi là mì gì vì lỏng bỏng nước và hành ta rất nhiều, thêm một ly cà phê dở thậm tệ giá 600 kyats, chỉ mất mười phút là xong buổi sáng nhưng có cái gì nóng trong bụng vẫn hơn.

                      Ở Bagan rất khó đi lạc vì chỉ có trục lộ chính này và một con đường nhựa khác dẫn ra phi trường. Bến phà đến và đi Mandalay nằm ngay khu Nyaung U nên đa phần khách du lịch ở khu này. Nếu đi máy bay đến Bagan thì khu này nằm gần phi trường nhất. Nhờ du lịch nên khu Nyaung U có khá nhiều nhà trọ và khách sạn (nhưng cộng lại vẫn thua xa khu Phạm Ngũ Lão - Đề Thám ở Sài Gòn), quán ăn, tiệm Internet (đếm vừa đủ một bàn tay). Nói chung dân phượt ít tiền hay không muốn hoang phí thì nên ở khu này, kiếm nhà trọ từ năm đến 10 đô rất dễ. Nếu đi tàu thủy từ Mandalay thì khi cập bến Bagan, cứ thẳng một đường (vì chỉ có một con đường) từ bến phà mà tiến sẽ thấy nhà trọ xoàng xoàng nhưng sạch sẽ ở hai bên đường, đi bộ hay đi xe ngựa đều được, nếu đi xe ngựa từ bến phà để thong dong kiếm nhà trọ thì giá không quá hai đô Mỹ (2.000 kyats). Dân kha khá cũng có thể ở các khách sạn oai phong hơn, vườn tược rộng rãi, từ 20 đô trở lên.

                      Anh xà ích tính 12 đô đi suốt ngày, thăm hết chùa chiền chính kể cả coi mặt trời lặn. (Những chỗ tôi đã đi qua, người Miến Điện hay nói “mặt trời lặn”với vẻ tự hào, cứ như khi hoàng hôn buông thì mới sướng.) Khi ngồi bên cạnh xà ích rồi mới để ý con ngựa ốm quá, tôi ốm nhom mà khi bước lên nó phải dậm dậm cái chân sau như lấy thế gồng lên vậy, thiệt là ái ngại. Mà quả thật, ngựa mình cất vó rồi mới biết nó sắp về hưu, (hay đã qua tuổi hưu mà còn nấn ná chưa được cho về), mấy con chạy sau cứ qua mặt, anh xà ích luôn miệng giục với âm thanh như “miên mà miên mà”, mỗi lần như thế nó ráng lên vài bước nhưng rồi lại chậm hơn trước nữa. Xà ích liền đổi thế roi, thay vì quất nhẹ lên mông anh ta lại quày roi trở ngược xuống đánh vô chân sau con ngựa khốn nạn, mỗi lần thế nó lại giật vó lên chạy nhanh tung lên, nhưng rồi lại lóc cóc lóc cóc tà tà.


                      Xe ngựa Bagan

                      Dọc con đường vào khu Bagan Cổ, hàng quán lưa thưa, người đi thưa thớt. Hai bên đường có nhiều con đường làng nhỏ đầy đất bụi. Bagan đất cát, gần tới khu vực chùa chiền đất màu đỏ nhưng không đậm màu như Buôn Mê Thuột. Khí hậu nóng nên bụi nhiều, mỗi lần xe ngựa tách trục lộ chính hay một chiếc xe máy từ đường làng xông ra đường cái thì bụi bay mờ mịt, đuổi các chú sóc nhỏ bằng nắm tay chạy băng đường. Bầu không khí như ở một thời xa xưa nào đó, yên ả, vắng vẻ, người đi đường chậm rãi nhưng không lè phè, vó ngựa lóc cóc đều đều như tiếng mõ ban mai.

                      Anh xà ích rẽ phải (tính từ bến phà) vào một cụm chùa, ngay chỗ rẽ có bảng gỗ ghi tên ba chùa tháp lớn: Lawka-Chanthar, Tha-Gyar-Hit Phaya, Tha-Gyar-Pone Phaya.

                      Tôi vừa leo lên lưng chừng cái chùa tháp cổ đầu tiên, phóng tầm mắt vào không gian mênh mông bên dưới thì choáng ngợp đến chết lặng trước cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Ánh mai chưa thành nắng, những tia vàng còn ửng hồng phủ lên một rừng cây xanh ngắt đều đều kéo dài tới bờ sông Voi phẳng lặng, bên kia sông đỉnh núi ươm màu sáng nhẹ. Vươn trên các ngọn cây xanh là vô số đền đài vuông vức có tháp nhọn lấp lánh đâm lên trời xanh. Không biết cơ man nào là đền tháp rải dọc và trải ngang nhô trên rừng cây xanh ngăn ngắt, có chỗ tháp nằm từng chụm, có chỗ trải thưa. Tháp thấp, tháp cao vừa, tháp cao hơn, rồi nổi bật trên những tháp nhỏ và vừa ấy là vài ngôi tháp uy nghi bệ vệ, hệt như những tháp thấp màu đỏ gạch là nền để làm tôn thêm vẻ oai nghi sừng sững của các đền lớn, có cái màu gạch suy tư, có cái màu xám buồn bã, có cái màu vàng tươi kiêu hãnh, các đền tháp lớn vuông vức, có nhiều từng, ở mỗi góc đều có bốn tháp nhỏ bao vây cái tháp chính ở chính giữa. Các ngôi đền lớn như những “đại hộ pháp” lẫm liệt nhìn xuống các tháp con bên dưới long lanh trong bình minh tươi sáng.


                      Tháp cổ Bagan

                      Nhưng các tháp “đại hộ pháp”oai nghi mà không hề xa cách các tháp nhỏ hơn. Tất cả hòa vào nhau, cao thấp khác nhau mà hòa đồng và ngẫu nhiên như thiên nhiên, như núi nhìn sông, sông ngó núi.

                      Một khung cảnh như ở cõi nào không thực.

                      Một không gian thơm thơm mùi giấy cũ của các trang kinh lần giở ngược thời gian.

                      Tôi thấy mình đã từng đến đây ở một kiếp nào xa xôi.

                      Tôi tưởng tượng có một người thân bên cạnh, và khẽ đưa mắt để nhắn gửi: “Đừng nói gì cả, đừng lên tiếng, hãy yên lặng, cũng đừng nghĩ gì cả, cứ để cho không gian thấm vào mình, trời đất thấm vào mình, hay mình thấm vào trời đất. Như thế...”

                      Sau rừng xanh và rừng tháp, dòng sông sáng lên một màu sáng kỳ ảo tựa như cố hắt ánh sáng cho tới tận triền núi thẫm xa xa. Tôi tưởng như mình chết lặng đi trong giây phút, tưởng như có thể ngồi mãi nơi hành lang ở lưng chừng cái tháp tôi đang đứng (so với các ngôi tháp lớn kia còn thấp hơn nhiều). Nhưng cảnh tượng còn liêu trai hơn nữa khi tôi leo lên cái tháp lớn thứ hai gần đó. Ngọn tháp này to và cao hơn cái vừa rồi, có ba tầng, tầng ba chỉ gọn một người (ốm) ngồi, nhìn qua ngọn tháp mình vừa đứng hồi nãy thì cảnh sắc thật là ngoạn mục như cõi người này được nâng lên một cõi nào diễm lệ hơn. Ở đây, nhìn ra hướng sông, lúc này mặt trời đã lên cao hơn nhưng còn dịu, mặt nước lấp lánh tràn đầy sinh khí, ngược lại, rừng xanh và rừng tháp như lại ẩn một vẻ u uẩn trầm mặc. Đứng ở đây thấy rất rõ một ngọn tháp màu xám tro buồn bã (chùa Tha-Gyar-Pone Phaya.). Vẻ buồn xám của nó vừa nhuốn màu cô độc vừa ẩn niềm kiêu hãnh, cúi nhìn những tháp con màu gạch sẫm. Nhìn ở mọi góc độ, cả rừng tháp trồi lên rừng cây xanh đều siêu thoát, tưởng như mình đến gần hơn với cõi thiêng nào đó, tưởng như thế gian này không còn hiện hữu nữa, tưởng như các phiền não băn khoăn mất dấu tích, và nếu bạn chợt nhớ nghĩ về ai đó, thì người đó bỗng to lớn hiên ngang hơn, người đó như nằm hay ngồi thật vĩ đại ở khoảng không gian nằm giữa trời xanh trên cao và rừng cây ngọn tháp bên dưới. Trong khoảng không gian nằm ngang tầm mắt, giữa phía trên là trời cao và bên dưới là rừng cây, dường như không có chỗ cho phận người nhỏ mọn. Nếu bạn là tín đồ Ki-tô giáo, bạn sẽ thấy Chúa hiện ra thật vĩ đại trong khoảng không gian này, bạn có thể thấy đại thập tự gánh nặng khổ đau của con người tỏa sáng trên không. Nếu bạn là Phật tử, vô số Bồ Tát sẽ hiện hữu trong ánh hào quang giữa khoảng trời vừa ngang tầm mắt, vừa hùng tráng vừa thinh lặng mênh mông. Các hiền thánh như lướt đi trên đầu rừng xanh, chư tổ như đang ngồi suy tư trên rừng tháp. Trên đỉnh đồi Mandalay Phật đã đến, nhưng nhìn xuống bạn thấy thành phố nghĩa là trần ai lổm chổm người. Trên đầu những ngọn tháp Bagan, tháp là ta và ta hóa thành tháp. Không còn cái ta nữa. Tôi choáng váng khi nhớ đến các hình vẽ trên tường (mural) ở một ngôi chùa thế kỷ 11 trên đường đến đây. Trên đường đi tôi dặn anh xà ích chỉ ghé những chỗ nào ít người để ý. Anh đưa tôi vào một cái chùa không tên và quả thật không có ai cả, anh nói khách du lịch rất hiếm khi tới đây lắm. Ngôi chùa này nhỏ, đứng ở ngay cổng nhìn vào chỉ thấy một tường thành mái ngang màu gạch đỏ cũ kỹ, có lẽ ngày xưa trên mái tường bằng phẳng ấy là một cái tháp nhưng đã mất dấu tích, chính diện bức tường gạch này có năm cái cửa nhỏ vừa thân người, hai bên tường gạch này là hai bờ tường khác, thấp và long lở. Từ cổng tiến vào tường gạch đối diện, tức “chùa chính”, có một khoảng sân vuông rộng chừng 20 mét. Không thể nghĩ rằng bên trong bức tường ấy có thờ Phật vì nhìn bên ngoài giống như một tường thành thấp có đục năm cái lỗ. Anh xà ích ra dấu cứ chui vào cái cửa bên trái. Mà quả phải cúi đầu vì cửa thấp, bề ngang chỉ lớn hơn người bình thường chút xíu. Cái cửa, hay lỗ chui, hình chữ nhật, nhưng khi vào trong thì trần xây kiểu hình vòm, bên trong mùi ẩm mốc nồng nặc. Khi ánh đèn pin (tôi luôn bỏ trong túi) lóe lên, tôi thấy trên tường rêu còn mờ mờ các hình Phật giống như mình vẽ than đen lên tường rồi lấy phấn trắng chà lên trên bụi than một lớp mỏng. Tất cả hình (dáng) Phật không còn nguyên vẹn, có cái có đầu, có cái chỉ nhận ra hai bàn tay đang bắt ấn, có cái nét vẽ mờ và mong manh như sợi tóc, và không có hình nào có thân vì nét vẽ chắc đã mờ theo thời gian. Hình Phật khắp các bức tường đều có những nét mờ nhòe như vậy. Từ phòng này qua phòng khác đều phải cúi đầu vì khung cửa thấp, hình vòm theo kiến trúc cổ Bagan. Tôi chui qua chui lại các căn phòng nhỏ này nhiều lần, nếu không vì mùi ẩm thấp nồng nặc quá, và hơi khó thở, thì còn ở trong lâu hơn nữa.

                      Trong mùi rêu mốc và tối tăm, Phật không còn thân, chỉ còn vài ba nét hư ảo, giống như giữ những nét phác thảo ấy để đôi mắt trần nhận ra. Đứng trước (hay đứng trong) không gian u uất trầm mặc này, thân thể máu thịt bỗng vô nghĩa. Cho nên khi đứng trên tháp cao nhìn rừng xanh và rừng tháp, tôi liên tưởng sự không còn của hình Phật trong ngôi chùa lạ lùng kia. Tôi hình dung những người bạn thân thiết, tôi hình dung những người thân, tôi hình dung những người không quen biết nhưng bao năm miệt mài khổ nạn, tôi hình dung người em nhỏ thương yêu, tất cả đứng dưới trời xanh và trên đầu ngọn tháp, mỉm cười, an nhiên, độ lượng. Em độ lượng bởi vì em cao cả. Cảm giác này đến vì khi đứng trên tháp và nhìn rừng tháp, không gian trước mắt hóa thật gần, trời không quá cao để mình thấy tuyệt vọng không với tới, mình như đứng lưng chừng giữa hư không, không quá xa trời không quá xa đất.

                      Tôi thấy rằng mình không cần nói anh xà ích chạy tới mấy ngôi chùa to lớn kia nữa vì biết sẽ mất cái cảm xúc này khi vào sự thật. Sẽ có các hàng quán xúm xít quanh đó, những người bán vặt lẽo đẽo theo sau, những thùng đựng tiền để nham nhở ở những vị trí đáng lẽ nên trống. Và quả thật đã diễn ra như thế, trước ngôi chùa Anan to lớn, trong ngôi chùa xám buồn bã hiên ngang kia, khi cúi xuống lễ Phật, thì thùng tiền nằm ngay trước mắt và Phật ở đằng sau.

                      Đến gần trưa, tôi nói anh xà ích về khách sạn, không cần đi nữa. Anh tròn mắt, nói nhưng phải đi đến chiều mới đủ chứ. Tôi nói tôi cần ngủ, nhưng thật ra, ái ngại cho chú ngựa già mắt chảy ghèn lem nhem và chân cẳng đã hết thời tung vó.

                      Tôi còn tới khu tháp cổ hai lần nữa. Chiều cuối cùng đang đi bộ thì gặp ông xà ích chở hai đứa con nhỏ gò cương lại mời đi. Nhìn chú ngựa cao lớn khỏe mạnh, tôi nhờ chở tới khu tháp cổ. Đi ngang qua ngôi chùa Shwezigon nổi tiếng có tháp cao bằng vàng, tôi nhờ ghé vào một chút vì trời còn nắng gắt dù đã hơn 5 giờ. Ngôi chùa này do vua Anawratha (1044-1077) khởi công nhưng đến năm 1102 mới xong, tuy đã ngàn năm nhưng được trùng tu nên khang trang như mới. Lối vào là một hành lang dài trên trăm thước phía trên có tháp trắng theo hình vương miện chồng lên nhau. Bên ngoài có tường gạch bao quanh, bên trong tường thành là các khu nhà nối mái vây quanh tháp chính ở giữa.

                      Ngôi tháp chính bằng vàng ở giữa sân chùa hình chuông cao 31 mét, đáy hình vuông. Bốn hướng chính xung quanh tháp có bốn ngôi đền thờ nguy nga, riêng bên trong tháp vàng thờ nhiều xá lợi Phật gồm xương cổ, trán và răng của Phật.

                      Thật ra ngôi chùa này không có gì lạ, không nguy nga như đại tự Golden Palace ở Bangkok. Trước khi Phật giáo vào Miến Điện, dân chúng thờ các vị thần Nat, tương tự như thần làng, thổ địa hay nói chung là thần linh ở Việt Nam. Khi vua đem Phật giáo Nguyên Thủy vào Miến Điện, ông cấm dân chúng thờ các vị thần Nat. Nhưng dân vẫn lén lút thờ thần linh dưới lòng đất, và ngấm ngầm chống đối lịnh vua. Vì vậy vua cho xây chùa Shwezigon thật nguy nga, và cho cất một ngôi điện bên trong khuôn viên chùa để thờ thần Nat. Nhờ vậy Phật giáo không bị chống đối và dần dà trở thành tôn giáo chính. Ngày nay, phần lớn người Miến Điện theo đạo Phật nhưng họ vẫn thờ thần Nat trong nhiều chùa (cũng tương tự như mình thờ thổ địa trong chùa vậy).

                      Khi ba cha con ông xà ích chở tôi đến khu Bagan Cổ thì nắng đã dịu. Mặt trời đã chạm đỉnh núi bên kia dòng sông Voi. Những ngọn tháp cổ trong chiều vàng đượm một màu buồn bã kham nhẫn, không gian lặng phắc, các chim chiều về tổ bay lượn loanh quanh. Bóng tháp cổ trầm ngâm in trên nền trời tím sẫm. Chúng như những kẻ vô tình không màng những xô xát nơi đâu, không biết những náo nức hay ánh đèn màu rực rỡ thị thành. Tất cả các tiến bộ vật chất của thời nguyên tử hay công nghệ thông tin đều trở thành vô nghĩa khi đứng trước lớp lớp tháp cổ im lìm, chịu đựng, suy tư, trí huệ. Một ngàn năm đã trôi qua, nhưng những tầng tháp cổ vẫn nguyên vẹn thời gian của nguyên sơ.


                      Trời chưa tắt nắng, trăng rằm vừa lên khỏi ngọn cây. Màu xanh tái của bầu trời trùm xuống cả một không gian đìu hiu và suy tưởng. Rồi những ngọn tháp từ tốn chìm vào bóng tối. Xung quanh là màn đêm. Người xà ích và con ngựa trầm ngâm đứng chờ bên một đống gạch vỡ. Không nghe gì, chỉ lăng lẳng tiếng côn trùng.
                      Last edited by viet11; 05-03-2012, 02:28 PM.
                      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                      ............



                      Can't Live Without...hehe...


                      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                      Comment


                      • #12

                        Phụ nữ Miến bên bờ sông Voi

                        Tắm sông


                        Ngày cuối cùng ở Bagan, tôi đạp xe xuyên qua thành phố từ bờ bắc đến bờ nam sông Voi. Bagan có ba khu chính nằm trên một trục lộ trải nhựa, hai bên trồng nhiều cây tếch, lề đường toàn đất đỏ và khô, có các đường đất nhỏ cắt ngang dẫn vô làng mạc sát bờ sông. Con đường dài chừng 20 cây số, bắt đầu từ phía bến tàu Nyaung U ở cực bắc, xuyên qua khu Bagan Cổ ở trung tâm, kết thúc ở khu Bagan Mới ở cực nam. Toàn bộ phố xá, chùa tháp đều nằm phía tả ngạn sông Voi.


                        Đại tự Shwesandaw (Bên phải)

                        Tôi cột sau yên xe một chai nước, đem theo một gói kẹo để bổ sung năng lượng cho bắp chân. Đường khá dốc nên mới đạp lên một đoạn dốc ngắn đã đổ mồ hôi hột, nhưng bù lại khi xuống dốc lại chạy ro ro khỏe khoắn. Mỗi lần lên dốc hào hển, tôi nhớ lời cô bạn ở Việt Nam chuyên giang hồ bằng xe đạp, nói rất triết lý: “Nó rất công bằng, lên mệt thì khi xuống dốc sẽ được bù lại xứng đáng”.Nó ở đây là con đường, mọi con đường đi qua! Chỉ những người mê chân trời mới nghĩ ra chân lý vô cùng đơn giản ấy. Khi gồng bắp chân rướn người đạp lên dốc, tôi nhớ lời, nên tự nhủ: “Ráng lên con, chút xíu nữa mày sẽ sướng!”

                        Bagan là kinh đô từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Khu tháp cổ có diện tích khoảng 40 cây số vuông hiện nay vẫn còn 2.230 chùa, tháp, tự viện, nhưng chỉ bằng một phần năm số đền đài chùa tháp nguyên thủy. Trong số này có 911 ngôi chùa, trong đó 347 chùa có tranh vẽ hình tướng bồ tát và chư Phật trên tường, nhiều tranh tường chỉ còn những nét mờ như phấn trắng. Ngoài ra còn có 524 tháp và 415 tự viện còn tồn tại. Tính trung bình cứ 17 mét vuông có một di tích chùa chiền hay đền tháp.

                        Lịch sử Bagan ghi nhận ông vua đầu tiên có công xây chùa và phát triển đất nước là vua Anawrahta (1044-1077). Ông xây cụm chùa tháp trên diện tích mô phỏng cấu trúc mạn-đà-la, ở bốn góc có bốn chùa lớn, giữa trung tâm mạn-đà-la là đại tự Shwesandaw. Hai ông vua nối ngôi tiếp tục xây thêm chùa là Kyanzittha (1084-1112) and Narapatizithu (1170-1211). Thế kỷ 12 vì vậy không những là Thời Hoàng Kim của Chùa Tháp Bagan, và thời đại đó đã biến Bagan thành nơi tu học của tăng chúng tứ phương cho đến ngày nay. Năm 1287, quân Mông cổ xâm lăng, tàn phá đền đài, vua Narapatizithu phải lánh nạn, Bagan từ ấy tàn tạ, không còn là kinh đô chính trị, nhưng vẫn là kinh đô của Phật giáo Miến Điện.


                        Vua Anawrahta (1044-1077)

                        Tôi vòng vèo đi qua vô số tháp nhỏ, tháp lớn, tháp nâu, tháp xám, tháp vàng, có tháp rêu phong đổ nát, có cái mới được trùng tu, có tháp cỏ cây che khuất, có đền còn tượng Phật, có nơi bốn mặt đền không còn tượng duy dấu gạch nâu, có cái trống không. Nhưng không mà có. Có những tượng phải chui vào mới thấy, rồi những tượng chỉ cần ngừng xe, chống chân, nghiêng người nhìn vào thấy Phật ngồi buồn sau những hàng gạch vương vãi. Khác với cảm xúc khi đứng trên cao nhìn muôn đỉnh tháp vươn trên rừng cây xanh, lần này đi xuyên qua các miếu đền, tôi có cảm tưởng đi ngược thời gian, đi qua những ngẩn ngơ, ngậm ngùi. Thời nào như hiện tới, thoắt lui, một tiếng kinh ngân lên, tắt lịm, con sóc nhỏ băng qua bụi đường biến vào lùm cây sột soạt, tiếng bò kêu uể oải, vó ngựa đâu lóc cóc buồn.

                        Tôi vào chùa A Nan (Ananda Temple). A Nan là thị giả thân cận nhất của Đức Phật, nổi tiếng có trí nhớ vô song, nhờ vậy khi kết tập kinh điển lần đầu tiên (bốn tháng sau khi Phật nhập niết bàn) ông đọc thuộc lòng các bài thuyết pháp của Phật để về sau ghi lại thành một trong ba bộ kinh điển là tạng Kinh.

                        Tôi thích A Nan vì ông dễ thương và thật thà. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, khi Phật hỏi A Nan nguyên nhân ông xuất gia theo Phật, A Nan trả lời vì ông thấy ba mươi tướng của Phật hết bực tốt đẹp, sáng chói như ngọc lưu ly, nên tôi thương Phật, mến Phật, mà đành cạo đầu đi tu. Tôi rất chịu cách trả lời của A Nan, không quanh co né tránh. Thêm một điều đáng yêu nữa là Ngài A Nan suýt tiêu tùng sự nghiệptu hành vì khất thực trúng vào nhà nàng Ma Đăng Già, emnày dụ ông vào nhà rờ rẫm vuốt ve, may mà Văn Thù đem phép Phật đến giải thoát ông đúng lúc. Đoạn kinh này rất hay cả với người không phải Phật tử, tả cảnh ông A Nan khất thực và vì sao gặp nàng Ma Đăng Già:

                        “... Đến chừng trở về giữa đường, lại nhắm bữa không có ai cúng, ông bèn mang bình bát tới thành phố mà khất thực.

                        Trong ý muốn ông trước cầu một người lâu nay chưa có trai tăng khi nào, mà làm một vị Thí Chủ, bất kỳ giàu hay nghèo, nhơ hay sạch, nhà nào cũng đặng, chớ ông không lựa.

                        Lòng ông muốn làm cái pháp bình đẳng để viên thành cái công đức vô lượng cho tất cả chúng sanh.


                        Tượng Phật chùa Ananda

                        Vì ông đã từng nghe Phật quở ông Tu Bồ Đề, và ông Đại Ca Diếp, làm bực A La Hán đi khất thực mà một người bỏ nhà giàu xin nhà nghèo, còn một người bỏ nhà nghèo xin nhà giàu, tâm không đặng quân bình, nên chi ông tuân theo lời Phật, mở lòng lành vô ngại mà độ cái miệng khinh khi của đời.

                        Ông bèn đi trải qua ngoài thành, rồi lần lần rảo bước vào trong cửa thành, nghiêm chỉnh oai nghi, kính trọng một phép trì trai vậy.
                        Trong khi khất thực, ông đi ngang một nhà tục, bị nàng Ma Đăng Già dùng phép chú thuật của ngoại đạo mà bắt ông vào phòng rờ rẫm vuốt ve, toan làm cho ông phá giới.

                        Phật đương chứng trai nơi cung Vua Ba Tư Nặc, biết ông bị nạn, ăn rồi liền cáo về.”

                        (Đoạn kinh trên khởi đầu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bộ kinh thượng thừa tích cực cứu thế của Phật giáo. Và cũng nhờ nguyên nhân ông A Nan mắc nạn, Phật mới nói kinh này.)

                        *

                        Chùa A Nan là một trong các chùa cổ nhất ở Bagan, xây từ năm 1105. Tường thành bao quanh khuôn viên chùa có hàng ngàn hoa văn khắc chạm, bên trong có nhiều điện thờ lớn nhỏ và vô số hình tượng chạm lên tường ngoài tường trong. Ngôi điện chính có đáy vuông, mỗi bề dài 53 mét, phía trên có hai tầng (sân thượng) nâng một ngôi tháp màu vàng cao 51 mét. Ở bốn góc của mỗi tầng đều có sư tử đá đứng gác. Lối vào bên trong qua một hành lang dài, có bốn cửa theo đúng bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Bên ngoài đền trang trí 1.500 hình tượng. Khi đi trên hành lang vào đến cửa chính sẽ gặp một hành lang hẹp bao quanh bên ngoài, đi theo hành lang này sẽ thấy 80 ô hình bán nguyệt nhiều kích cỡ khác nhau đục sâu vào tường, trong mỗi ô đều có tượng mô tả các sự kiện quan trọng của cuộc đời Đức Phật, những ô cao quá phải dùng thang leo lên mới thấy.


                        Chùa Ananda

                        Hành lang này đi ngang bốn cửa chính, mỗi cửa đều có tượng Phật Thích Ca đứng cao 9.5 mét mạ vàng. Hướng dẫn viên du lịch có thể bốclà bốn pho tượng này bằng đồng nhưng thật ra bằng gỗ tếch. Trong bốn pho tượng này chỉ có hai tượng hướng bắc và nam là có từ thời xây chùa, hai tượng kia mới làm sau này vì bị hư hại trong một lần hỏa hoạn. Cả hai bức tượng nguyên thủy hướng cửa bắc và nam rất dễ nhận biết vì tay Phật đang bắt ấn thuyết pháp (để trước ngực). Tượng phía Tây tay Phật bắt ấn vô úy (lòng bàn tay phải ngửa ra trước ngực), trên hành lang ở hướng này có khắc hai dấu chân Phật trên đá, mỗi bàn chân chạm khắc tỉ mỉ 108 tướng tốt nhưng do người ta sờ mó quá nhiều nên dấu vết chỉ còn lờ mờ. Riêng tượng phía đông hai tay pho tượng thẳng xuống nắm khẽ vạt áo. Tôi để ý ở chùa Miến Điện nhiều tượng Thích Ca có hình tướng này nhưng không hiểu có ý nghĩa gì, nhưng nếu ngắm nhìn lâu sẽ có cảm tưởng như Phật đang đi. Cả bốn tôn tượng đều sinh động dưới ánh sáng thiên nhiên xuyên qua ô cửa trên trần điện, riêng tượng nhìn ra hướng nam nếu đứng gần nhìn lên sẽ thấy một vẻ buồn buồn, nhưng đứng ngoài cửa nhìn lên lại thấy Phật như mỉm cười hoan hỉ. Thật là một kiệt tác nghệ thuật.

                        Mặc dù mật độ chùa tháp dầy nhưng mỗi đền tháp đều nằm riêng lẻ, không kết nối với nhau. Từ chùa A Nan qua chùa lớn Thatbyinnyu kề bên chỉ năm phút đi bộ, nhưng mỗi chùa một vẻ. Cái chung nhất là các chùa lớn đều tường thành bao quanh, có cổng vào nhìn ra chính hướng, ở giữa là điện chính, trên điện có tháp cao thường là hình chuông. Còn chùa và tháp nhỏ thì ngay sát lối đi, gần gũi với con người như nhà cửa bình thường.

                        Điểm chung thứ hai là có ba loại kiến trúc ở Bagan, chùa, tháp, và tự viện. Tháp khác với chùa ở chỗ tháp không có cửa vào bên trong nội điện, xây kín và bên trong thường cất giấu xá lợi Phật. Tự viện lớn hơn chùa, gồm một khối kiến trúc độc lập hoặc một dãy kiến trúc gồm nhiều điện, phòng ốc và sảnh lớn để tăng sinh tu học. Đây chỉ là cách phân biệt tương đối vì thường trong chùa đều có tháp lớn và nhỏ bao quanh.

                        Đặc tính thứ ba là hầu hết vật liệu dùng xây cất chùa tháp ở Bagan đều bằng gạch, chỉ có ba ngôi chùa bằng đá hoặc tường gạch lát đá.

                        Một kiến trúc khác hẳn và độc đáo còn tồn tại là hoàng thành bao quanh cung điện. Hoàng thành vuông tương tự như hoàng thành ở Mandalay, nhưng bờ thành phía sông Voi hướng bắc hoàn toàn biến mất do bị xâm thực, tường thành hướng tây và nam cũng không còn dấu vết. Loanh quanh hết các chùa tháp ngoài thành, tôi đạp xe đến cổng thành duy nhất còn sót lại ở hướng đông (hướng về khu Nyaung U và nằm trên trục đường chính), cổng Tharaba. Cổng này chỉ còn hai khối gạch đỏ, mặt trên và bề mặt hai tường thành hai bên đã hư hại nặng, long lở và trồi sụt hình thù. Bên ngoài và hai bên cổng có thờ hai vị thần nat. Không có dấu tích gì chứng tỏ cổ thành đang được trùng tu, nhưng chính nhờ thế nên thành cổ mang một bầu khí hoài cổ, lặng lẽ và cam chịu ở một nơi vắng người.


                        Tượng Phật chùa Ananda

                        Bên trong nội thành cây cối rậm rạp, nhà cửa hai bên đường thưa thớt như một vùng đất hoang, dù tận bờ sông có làng và khách sạn nhiều sao. Lúc này đã giữa trưa, trời nóng bức, hai bên đường không có quán xá gì để hỏi đường, chai nước cột sau yên xe rớt từ hồi nào nên cổ họng khô đắng. Tuy đã nghiên cứu bản đồ nhưng đạp hoài vẫn chưa tới khu Bagan Mới. Thời may tôi thấy một cái nhà nhỏ chứa hai lu nước uống bên đường. Khắp Miến Điện nơi nào cũng có hai hoặc ba lu chứa nước uống xây bên đường đi cho khách lỡ đường. Người ta xây một trạm xi măng nhỏ giống như các miếu hay am bên mình, trên có mái che, bên trong đặt hai, ba cái lu đất có nắp đậy, trên để một ly nhựa. Hằng ngày có người đạp xe chở nước uống từ đâu đó đến châm vào lu. Tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc mình sẽ cần đến mấy cái lu này, nhưng vào lúc lỡ đường lỡ xá này mới thấy nó cần thiết. Giữa trưa, múc một ly nước trong lu uống giữa cơn khát cháy tưởng như uống từng ngụm chanh đường ngọt lịm. Trong cái am chứa nước có hai chiếc chiếu nhựa cuộn tròn. Tôi trải chiếu ra dưới gốc cây, làm một giấc ngắn.

                        Tôi đạp xe đi chừng nửa tiếng nữa thì tới khu Bagan Mới. Đây là một thị trấn xinh xắn, thanh lịch hơn khu Nyaung U. Đường phố dốc như cao nguyên, quán xá không nhiều nhưng ngăn nắp sạch sẽ. Tôi xem bản đồ và đạp tiếp đến cuối đường để vào một nhà hàng nằm trong công viên Lawkananda ven sông. Cổng vào có một thanh gỗ chắn ngang, một nữ cảnh sát đứng gác. Tôi cứ đạp thẳng vào, cô cảnh sát ách lại, ra dấu không được vào. Tôi ra dấu muốn vào nhà hàng ăn, nhưng cô ta cứ xua tay đuổi lia lịa. Nhà hàng này chắc chỉ dành cho khách đặc biệt. Tôi nản chí quay ngược đường cũ, dắt xe đi ngược lên dốc. May quá thấy một tấm bảng ghi “Si Thu Restaurant” nằm bên bờ sông Voi. Đó là một nhà hàng khá lớn bằng gỗ, không có thực khách nào. Ngồi trong nhà hàng nhìn qua bên kia sông là rặng núi thấp chạy dài trên một thung lũng rộng và vắng. Tuy ở vị trí lý tưởng nhưng đồ ăn rẻ, đặc biệt sạch sẽ và phục vụ như một nhà hàng năm sao. Một vài chiếc đò giương buồm từ bờ bên kia lững thững trôi về bên này. Tôi chợt nảy ý định thuê một chiếc thuyền đi ngược dòng sông Voi về lại Nyaung U. Người bồi nói ở khu này không có dịch vụ đó, vả lại ở đây chỉ có đò ngang chạy bằng buồm nên không ai đi ngược dòng nước đến 20 cây số. Tôi không nản, nhờ anh ta coi giùm ba lô rồi đi xuống một ngôi làng bên ngoài nhà hàng. Đó là một cụm dân cư nhỏ, nhà lợp tranh, vách nứa. Tôi quanh co tìm lối xuống bờ sông, thấy một chiếc đò nhỏ vừa cập bến. Tôi ách ông lái đò, lật bản đồ ra dấu muốn đi ngược về Nyaung U. Ông ngần ngừ rồi thảo luận với cậu thanh niên ngồi trước mũi. Mấy cô gái Miến đang tắm sông vừa kỳ cọ vừa tò mò nhìn. Sau một hồi lưỡng lự cậu thanh niên đưa hai bàn tay lên ra dấu mười ngàn kyat (10 đô Mỹ).

                        Tôi lật đật về lại nhà hàng, ăn xong dắt xe ra thì bác chèo thuyền đã đợi sẵn ngoài cửa. Bác phụ tôi vác chiếc xe đạp xuống bến vì đường đất khá dốc và xấu không đạp được. Chiếc thuyền bề ngang khoảng tám tấc, dài chừng sáu, bảy thước. Tôi để xe đạp lên thuyền, ông lái đò ngồi đằng sau vừa chèo vừa điều khiển buồm bằng một sợi dây cước móc vào ngón chân cái, đằng mũi cậu thanh niên vừa chèo vừa lái.

                        Đò ngược nước không đi nhanh được, lại sát phía tả ngạn nên cảnh trên bờ rất rõ. Sông Voi dài khoảng 2000 cây số, khởi nguồn từ hướng bắc, do hai con sông nhỏ Maykha và Malikha hợp lưu ở tiểu bang Kachin. Nguồn của hai con sông thượng nguồn này từ tuyết của Hi Mã Lạp Sơn đổ xuống. Khác với sông Mê Kông chảy qua năm nước, sông Voi hoàn toàn ở bên trong lãnh thổ Miến Điện, khi tới phía nam thì trổ ra chín cửa chảy vào biển Andaman. Thời chưa có đường bộ, sông Voi là đường thủy huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào đất liền. Năm ngoái tôi đi ngược dòng Mê Kông ở Thượng Lào, từ cố đô Luang Prabang lên Huay Xay để từ đó băng ngang sông đến khu Tam Giác Vàng. Cảm giác lúc đó khác bây giờ vì chiếc thuyền cao tốc ở Lào chạy đến 70 cây số một giờ, chở tối đa sáu người ngồi co chân, không có mui. Sông Mê Kông ở Thượng Lào hẹp, nước chảy xiết, hai bên núi dựng đứng hiên ngang và hoang liêu, không một bóng người. Đường đi nguy hiểm, nếu người lái thuyền đưa mình tới đâu cũng không ai biết, cho nên vừa “đã”vừa sờ sợ. Cảm giác đi ngược dòng sông Voi khác hẳn. Phía hữu ngạn núi đồi bươn chải, thung lũng thoai thoải vàng xanh, đàn ngựa trắng ngập ngừng lượm cỏ. Bờ tả ngạn rải dăm mái tranh, trước mũi đò sóng nước rộng giăng ngang.

                        Đời sống làng mạc ven sông chậm rãi. Phụ nữ thường giặt giụa trên một cục đá, dùng cây gỗ đập áo quần trong khi con cái trần truồng nô đùa cạnh đó. Một người đàn ông đang đãi cát tìm vàng, một người khác nón lá sụp kín mặt buông câu.


                        Phụ nữ Miến

                        Chiều sắp tàn, đò ghé bờ trước một cụm làng nhỏ. Tôi dắt xe đi xuyên qua bãi cát mịn rồi đạp về nhà khách trả xe, thay áo quần để ra lại bờ sông cho kịp tắm trước khi nắng tắt. Con đường nhỏ trong làng ngoằn ngoèo đầy bụi đất và phân heo. Gà, chó, heo và bò qua lại nhởn nhơ chung với người. Các thiếu nữ Miến Điện mặc xà rông đang tắm dọc theo mép sông, bên cạnh những chiếc đò nhỏ. Có cô vừa tắm vừa giặt, cô nào tắm xong cũng đội một thùng nước trên đầu đi về nhà. Tôi đi trên một thảm cây dại nửa chừng thì mấy thanh niên đứng gần đó ra dấu tránh xa vì có nhiều rắn. Lúc đó mặt trời đã khuất sau đỉnh núi bên kia sông. Trăng rằm đã lên lưng lửng. Tôi ùa xuống dòng nước ấm áp gợn sóng xuyên qua cây cỏ, màu nước sông Voi xám như tà áo lam tu sĩ lay động giăng ngang hai bờ, tháng Tám, ở quê tôi đang mùa giông bão, nơi đây, chiều đã vàng, một chút nắng níu trên tháp cổ Bagan gợi một mùa thu xa.

                        Hình thể Miến Điện như một ngọn lửa có bốn ngọn chiếu ra bốn hướng chính, nhưng cũng giống lưỡi mai cào đất.

                        Ngọn lửa dễ thấy, nhưng bên dưới lưỡi mai còn nhiều cất dấu.
                        Last edited by viet11; 08-03-2012, 01:20 PM.
                        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                        ............



                        Can't Live Without...hehe...


                        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                        Comment


                        • #13
                          Hix Phụ nữ tắm giặt kiểu này chắc là thơm mùi phèn lắm đây !!
                          sigpic Có lúc cần từ bỏ cô gái này để có 1 cô khác

                          Bỗng một ngày em bất chợt nhận ra
                          Trái tim em đã trở nên chật chội
                          Con đường yêu em không còn mở lối
                          Để dành riêng cho duy nhất một người.

                          TN

                          """This is the miracle that happens every time to those who really love: the more they give, the more they possess."""

                          Comment


                          • #14
                            Nguyên Văn Bài Viết Của Quan Toa View Post
                            Hix Phụ nữ tắm giặt kiểu này chắc là thơm mùi phèn lắm đây !!

                            Mùi phèn mà ăn mhằm gì.......
                            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                            ............



                            Can't Live Without...hehe...


                            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                            Comment


                            • #15
                              Nguyên Văn Bài Viết Của viet11 View Post

                              Mùi phèn mà ăn mhằm gì.......
                              Chắc ý Bác muốn nói mùi...Axe. Chứ bộ Bác hổng thấy cô nào cũng rám nắng thoa mặt bằng cơm dừa hết trọi sao?

                              Comment

                              Working...
                              X