Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lê Xuyên và Chú Tư Cầu

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lê Xuyên và Chú Tư Cầu

    Chú Tư Cầu là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Xuyên. Điều đáng nói là người ta biết tới Chú Tư Cầu nhiêu hơn biết tới Lê Xuyên. Hôm nay tôi xin giới thiệu đôi bài viết về đời của nhà văn Lê Xuyên.


    Người bạn thâm giao

    Võ Long Triều


    Nhà văn, nhà báo Lê Xuyên – ảnh tài liệu.

    LTS: Trong năm qua, Nhật báo Viễn Đông đăng tải tác phẩm “Chú Tư Cầu” của nhà văn, nhà báo Lê Xuyên (1927-2004) trên trang Tiểu Thuyết hàng ngày. Nhân một dịp hạnh ngộ, thể theo lời đề nghị của tòa soạn, ký giả Võ Long Triều đã viết một bài đặc biệt cho Viễn Đông về những kỷ niệm riêng tư trong thời gian ông Lê Xuyên đảm nhận vai trò Tổng Thư Ký cho tờ Đại Dân Tộc của ông Võ Long Triều, rồi đến lúc gặp lại “người bạn thâm giao” sau khi hai người đi tù Cộng sản về.
    Ông Lê Xuyên, tên thật là Lê Bình Tăng, quê ở Phong Điền, Cần Thơ, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng tại Sài Gòn. “Chú Tư Cầu” là tác phẩm đầu tay của ông, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người trong giới văn nghệ sĩ sau đó gọi ông Lê Xuyên với tên thân mật là “Chú Tư”. Sau năm 1975, nhà văn Lê Xuyên ngưng sáng tác và cũng không trở lại nghiệp báo chí.
    Ký giả Võ Long Triều là cựu Tổng Trưởng Thanh Niên thời kỳ Nội Các Chiến Tranh của Nguyễn Cao Kỳ, Đệ Nhị Cộng Hòa, cựu Dân Biểu Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa khóa sau cùng trước ngày 30-4-1975.
    Nhật báo Viễn Đông xin trân trọng giới thiệu bài viết về nhà văn Lê Xuyên cùng quý độc giả.
    Đúng ngọ, bản vỗ của nhật báo Đại Dân Tộc phải hoàn tất. Nhân viên trách nhiệm đưa ra nhà in làm 3 bản kẽm, đặt vào 3 máy, chạy ra 120.000 số báo trước 3 giờ chiều. Tòa soạn trở thành vắng lạnh chỉ còn một mình anh Tổng Thơ Ký ngồi viết, gần mâm cơm dọn sẵn, có món xào, món mặn, canh, và một chay la-ve 33 lớn đang chờ.
    Bước ra khỏi văn phòng, tôi hỏi:
    - Ủa, sao không ăn cơm đi “chú Tư”?
    Cười ruồi: - Còn chờ.
    Tôi giả vờ hỏi:
    - Còn chờ ai vậy?
    - Anh biết quá rồi mà còn hỏi cơ. Rầu anh quá! Cứ chọc quê tôi hoài.
    - Quê gì, người ta ngưỡng mộ, thèm muốn, ước ao gần chết mà không được như anh, tại Trời không cho!
    Tôi nói đùa như thế vì biết khi nào anh Lê Xuyên ăn cơm trễ là chờ người tình. Không phải ngày nào cô ấy cũng đến. Đôi ba ngày, có khi cả tuần, cô dược sĩ trẻ đẹp, nói năng nhỏ nhẹ duyên dáng, đến dùng cơm với người yêu. Cử chỉ bề ngoài cho thấy cô yêu Lê Xuyên thắm thiết, vì phục tài, vì lời văn của anh gợi nhiều cảm xúc, gây ấn tượng nặng trong lòng, làm cô mơ ước có được người tình như Chú Tư Cầu, nên cô xem tác giả như anh Tư Cầu trong truyện. Cô yêu Lê Xuyên, người Nam chất phác như cô Phấn yêu anh Tư Cầu một cách hồn nhiên mặn nồng. Người đẹp nâng nhẹ ly la-ve cho Lê Xuyên uống, vẽ cá lừa xương bỏ vào chén cho Lê Xuyên ăn, có khi còn đút thẳng vào miệng, với nụ cười và lời chế giễu. Cảnh tình âu yếm làm người xem thèm muốn và tủi thân, vì mình không được ông Tơ bà Nguyệt chiêu đãi như Lê Xuyên đang hưởng. Thú thật tôi nghe rất nhiều lời khen quyển tiểu thuyết “Chú Tư Cầu”, người ta nói sách rất hấp dẫn, tục mà không tục, dâm mà không dâm, mô tả cảnh tượng, môi trường của miền Nam một cách gợi cảm và chính xác. Lê Xuyên là nhà văn Nam Kỳ khá nổi tiếng. Anh chuyên dùng chữ nghĩa của dân quê miền Nam. Những người bình luận về tác phẩm của anh, có bà không ngại nói: Chẳng những tôi mê tác phẩm mà còn mê cả tác giả nữa kìa.
    Trời đất! Cái gì mà dữ vậy?
    Cách nay gần hai năm, anh Trần Văn Ngà cho tái bản in lại quyển Chú Tư Cầu, anh có nhờ tôi viết vài câu đăng ở những trang chót. Thú thật một điều, nói ra chắc ít người tin. Thực tế tôi chưa hề đọc Chú Tư Cầu! Mặc dù tôi đang có quyển sách đó trong tay, in rất đẹp, do nhà báo Trần Văn Ngà gởi tặng. Trong thời gian cộng tác với nhau ở tòa soạn báo Đại Dân Tộc, tôi luôn miệng gọi Lê Xuyên bằng “chú Tư” với ý mỉa mai đùa giỡn. Lê Xuyên làm công việc của Tổng Thơ Ký tòa soạn nhựt báo Đại Dân Tộc trước năm 1975, thế mà anh từ chối không chịu đăng tên mình trên tờ báo. Dù là bạn, nhưng chúng tôi xem nhau như ruột thịt. Lê Xuyên là anh vì lớn tuổi, tôi là anh vì là chủ báo. Cho nên chúng tôi đối xử với nhau lúc nào cũng đầy tình thương và sự kính nể của người em cư xử với ông anh. Tình nghĩa như vậy đó. Tôi thường suy nghĩ về cơ duyên xui khiến chúng tôi gặp nhau trong điều kiện khá đặc biệt. Đó là một cái may cho cả hai đứa. Tôi gặp được người cộng sự hết lòng trợ giúp, Lê Xuyên có được người bạn luôn luôn cảm thông mọi hoàn cảnh khó khăn anh gặp phải. Nếu không có kiếp sau, thì anh ở Niết Bàn, tôi ở Thiên Đàng chúng tôi sẽ qua lại thường xuyên trà đàm nhắc chuyện thế gian ngày trước. Nhắc lại cảnh anh ra tù trước tôi, ngồi bán từng điếu thuốc kiếm cơm ở đường Bà Hạt, tỉnh Chợ Lớn, và tôi được thả ra nghèo khó, đạp xe bán bánh nuôi thân. Có ngày hai đứa gặp nhau, ngồi thừ ra, im lặng hằng giờ nhìn cảnh người qua lại, đầu nghĩ về số phận Trời dành cho hai đứa.
    Tôi khởi sự làm báo với Quốc Ấn làm Tổng Thơ Ký tòa soạn, Thiện Hương phụ tá Quốc Ấn, Lê Xuyên ký giả thường. Quốc Ấn lạm dụng cơ hội, eo sách, mượn tiền hơn bốn tháng lương rồi mà còn mượn nữa tôi không cho; anh cố tình phá bĩnh, tôi đành phải cho anh nghỉ việc. Thiện Hương liền xin tôi cho anh nghỉ theo, vì không có Quốc Ấn anh không làm việc được. Hai anh ký giả chuyên ngiệp này đinh ninh tôi không biết làm báo và cũng không viết được tiếng Việt một cách trôi chảy, thì tờ báo phải đóng cửa ngày một ngày hai. Tôi vừa bất mãn và bực mình, bước ra khỏi phòng tức giận hỏi:
    - Lê Xuyên anh có xin nghỉ việc theo Quốc Ấn không?
    - Dạ nếu ông chủ nhiệm cho tôi nghỉ thì tôi nghỉ.
    Tôi dằn từng tiếng hỏi lại: - Mà anh có xin nghỉ không?
    - Dạ không, mà ông chủ nhiệm bảo nghỉ thì tôi xin nghỉ.
    - Vậy thì ngày mai anh phải tới thật sớm.
    Hôm sau, Lê Xuyên có mặt trước 5 giờ sáng. 15 phút sau, Đỗ Ngọc Yến đến vào hỏi tôi: Ai thế Quốc Ấn?
    - Tôi!
    Yến lặng thinh đi ra mặt ngỡ ngàng ngờ vực.
    Lê Xuyên và tôi biết nhau trong điều kiện đó. Lúc ban đầu chắc anh cũng tội nghiệp cho thằng chủ nhiệm ngớ ngẩn không biết tin “ba cột” là gì, khi anh vào phòng kính cẩn hỏi, sau khi tôi đặt “tít” (Titre) tám cột và Đỗ Ngọc Yến viết bản tin chính trong ngày đưa cho anh ta. Mười phút sau anh vào hỏi:
    - Thưa anh còn tin ba cột?
    - Ba cột là cái gì?
    - Dạ, tin quan trọng thứ nhì trong ngày, hàng tít chiếm ba cột báo.
    Tôi lựa tin đặt tít trao cho anh. Lê Xuyên lại hỏi:
    - Còn một cột?
    - Bảo anh Yến giải quyết.
    Nhớ những ngày sau 1975, tôi đi tù cải tạo ở Long Thành 5 tháng về, Lê Xuyên chưa bị bắt. Mỗi ngày sáng nào hai đứa cũng ra quán “cà phê cốc” trên lề đường, trước cửa tòa soạn Đại Dân Tộc đường Gia Long, hai cái bàn nhỏ xíu với sáu cái ghế thấp chủm, một nồi nước sôi, hai bình trà, năm sáu cái phin lược cà phê, đủ gọi là quán cóc. Hai chúng tôi chiếm chỗ tới trưa. Ngồi uống cà phê bỏ thêm một ít bơ Bretel to bằng hột đậu, đủ thơm bát ngát mùi lạ của “thực dân bơ sữa” còn sót lại.



    Ông Võ Long Triều trước năm 1975 – ảnh tài liệu.

    Chúng tôi nói chuyện ba xàm bá láp, đầu nghĩ vẩn vơ về một quá khứ hình như đang diễn lại trước mắt một cách náo nhiệt, rần rộ như ngày nào trước tòa soạn Đại Dân Tộc; đôi khi còn nói đùa bóng gió với con gái bà chủ, cười vui vẻ. Khoảnh khắc vui cười đó chấm dứt khi về tới nhà, thì nỗi lo sợ trở lại đè nặng trong lòng.
    Rồi Lê Xuyên bị bắt cùng với nhóm ký giả bị liệt kê là phản động. Tôi gọi anh Dương Văn Long, cựu Nghị viên thành phố Sài Gòn đến nhà Lê Xuyên hỏi thăm, biết được mỗi tuần chị Lê Xuyên không đủ tiền thăm nuôi. Tôi bảo anh Long phải đến nhà tôi lấy một giỏ đồ ăn mỗi tuần đưa cho chị Lê Xuyên đi thăm nuôi anh ấy. Do đó mà khi tôi bị bắt vào trại Phan Đăng Lưu ở cùng khu C2 phòng 9 đối diện phòng 8 của Lê Xuyên, anh ra đứng trước song sắt chờ tôi và anh nói vói:
    - Người ta đồn Võ Long Triều bị bắn chết ở Cầu Kinh, tôi xác định là sai, bởi vì tại sao, anh biết không? Tại cái giỏ thăm nuôi còn. Rồi anh mỉm cười nói: Cám ơn nhen!
    Mười một năm sau, khi tôi mới được trả tự do, gió nào báo tin cho anh biết, anh liền đạp xe đến tận nhà thăm tôi, tay ôm theo một cây thuốc Craven’A đưa tôi nói:
    - Anh cầm lấy để dành hút. Một cây thuốc hiệu Craven’A thời đó nếu anh bán ra có thể nuôi gia đình anh sống cả tuần. Một số vốn gần bằng tủ thuốc nhỏ xíu, “sập ký nình” của anh thời đó.
    - Tôi bỏ hút thuốc trong tù rồi anh Lê Xuyên à. Anh đem về bán làm vốn mà sinh sống. Anh bán thuốc có đủ tiền nuôi sống hàng ngày không, Lê Xuyên?
    Anh cười ruồi nói:
    - Tụi mình đã làm được tờ báo Đại Dân Tộc, thì trên đời này có cái gì mình làm không được anh?
    - Đúng vậy! Nói xong tôi thấy anh rị mọ mở cây thuốc lấy một gói kéo giấy bạc lòi hai đầu lọc vàng tươi.
    - Anh phải hút với tôi một điếu mới được.
    Cầm điếu thuốc phì phà nhìn nhau, nhớ ngày nào hai đứa làm chủ nhân ông trong một cơ sở có tiếng tăm, bây giờ cũng hai đứa xơ xác, tan hoang không biết đến ngày mai. Nói quanh co bây giờ phải kể một vài chuyện, không có đầu đuôi gì cả để chứng minh tình tri kỷ giữa hai người bạn. Có một ngày, biểu tình lớn ở Sài Gòn, tôi quyết định số báo hôm sau chỉ đăng toàn hình không cần có một tin viết nào khác. Ngày hôm đó ký giả Tú A chụp hình, rửa xong trải đặc phòng hơn trăm tấm. Tôi bỏ công chọn lựa và viết từng hàng ghi chú mãi tới khuya mới xong. Sáng ra tôi căn dặn Lê Xuyên: Báo hôm nay chỉ có hình thôi Lê Xuyên nhé, mình phải làm khác với mọi người. Vậy mà khi tôi nhìn tờ báo vẫn thấy xen kẽ một vài tin tức trong ngày. Tôi nổi cơn tam bành, tiếng nhỏ biến thành to, cơn giận càng sôi, mất hết chữ Việt, miệng hét to bằng tiếng Pháp với nghĩa nặng nề, xài những tiếng lóng sỉ vả hết lời. Lê Xuyên ngồi lặng thinh, nhìn xuống bàn, bình tĩnh nghe. Nguôi cơn tức giận, tôi bỏ ra về không thèm chào hỏi.
    Sáng hôm sau, tôi hối hận vì đã lớn tiếng nặng lời với anh. Tôi gọi Lê Xuyên vào phòng xin lỗi và hỏi:
    - Anh có giận tôi không, Lê Xuyên?
    - Không có đâu anh, tôi mà không hiểu ông Chủ Nhiệm của tôi thì ai hiểu ổng đây?
    Tôi thường hút xì-gà hiệu gì tôi không nhớ, mà ở Sài Gòn rất khó kiếm, chỉ khi nào phi công đem từ ngoại quốc về bán cho mấy tủ thuốc thì mới có. Tôi nhịn thèm khá lâu. Có một buổi sáng, Lê Xuyên vào phòng miệng tủm tỉm cười, chìa ra một cái hộp nhỏ bằng cây. Tôi sáng mắt biết ngay là món quà khó kiếm. Tôi cầm 25.000 đồng đưa, anh xô tay tôi nói:
    - Ba bốn ngày nay, chiều nào tôi cũng bỏ việc đi tìm cho ra thứ anh muốn, mà bây giờ lấy tiền thì uổng công tôi quá. Vả lại giá có 21.000 đồng mà anh trả 25.000 là quá giá rồi. Thôi hút cho ngon đi rồi làm việc tiếp.
    Tôi nhìn chết trân, chỉ nói được một tiếng cám ơn, rồi anh ta ngoảnh mặt bước ra, chắc lòng hả dạ vì đã làm thằng em này ngạc nhiên vui lòng. Còn tôi cảm thấy một niềm vui ngấm ngầm, một sự an ủi vì thấy nhân viên thương mình.
    Có lần tôi hỏi: Tại sao tôi không thấy Đại Dân Tộc đăng phơi-ơ-ton nào của chú hết vậy chú Tư? (feuilleton là tiểu thuyết đăng mỗi ngày lối một phần tư trang báo).
    - Tôi làm ở Đại Dân Tộc thì xin đăng trên báo nào không được anh. Chỗ này để dành cho những anh em nào không xin được chỗ khác, đem lại đây tôi đăng. Một lần khác, sáng vào tòa soạn thấy mặt Lê Xuyên buồn rầu tôi hỏi anh:
    - Bữa nay bị bà xã rầy hay thất tình mà mặt ủ rũ vậy?
    - Dạ đâu có gì đâu anh.
    - Nhìn bản mặt xụ, trán nhăn nhó, anh không giấu được tôi đâu chú Tư bầy trẻ. Nói mau, có việc gì vậy?
    - Dạ thằng con trai tôi mà anh đã giới thiệu vào được binh chủng không quân, nó bán xì-ke bị bắt quả tang, mai ra tòa.
    - Phải cái thằng hư hỏng cân nặng 35 kí-lô mà đòi đi không quân đó không?
    - Dạ phải.
    - Thằng mất dạy, nó ỷ thế có mấy chữ của tôi vào thẳng ông Tư Lệnh, tưởng mình ngon lắm, muốn làm gì thì làm. Cho nó chết luôn trong tù là phải rồi. Mặt Lê Xuyên càng ủ rủ thê thảm hơn.
    Anh bước ra khỏi phòng, tôi gọi ngay ông Chánh Biện Lý Sài Gòn.
    - Thưa ông Chánh Biện Lý, tôi là Võ Long Triều, xin được yết kiến ông khi nào ông rổi rãnh.
    - Trời ơi, ông Dân Biểu nói chi lời đó, mời ông đến ngay nếu ông vui lòng đến.
    - Vậy cám ơn ông Chánh Biện Lý, tôi xin phép đến ngay.
    Bước vào phòng ông Biện Lý, chúng tôi chào hỏi theo lễ xã giao, ông nói liền:
    -Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, ông Dân Biểu có điều gì cần đến tôi nên mới tới đây?
    - Thưa ông Biện Lý, tôi không thích, mà cũng không có thói quen đi xin xỏ. Nhưng tôi gặp tình cảnh khá thương tâm. Con trai của một người bạn thân, anh ta cũng là nhân viên tòa soạn của tôi, thằng nhỏ nầy bị bắt quả tang vì tội bán xì ke. Nghe nói ngày mai nó ra tòa.
    - Anh ta là lính không quân phải không?
    - Dạ đúng, thú thật với ông Biện Lý nếu là con tôi thì tôi để cho nó đi tù học thêm được một bài học. Nhưng tội cho ba nó, lo rầu không yên tâm làm việc.
    - Tôi rất thích những bài viết của ông chủ nhiệm, tôi chia sẻ quan điểm lập trường của ông về nhiều vấn đề, vì thế tôi giúp ông như tôi tự giúp mình. Nhưng khổ nổi ông Dự Thẩm đã điều tra và đưa hồ sơ của nó ra tòa xử ngày mai. Tôi sẽ cố gắng thử nói hết lời, may ra thì được, nhưng tôi không dám hứa với ông Dân Biểu.
    - Dù được hay không, tôi vẫn hết lòng cám ơn ông Chánh Biện Lý. Chỉ những lời nhã nhặn đầy cảm tình của ông, thừa đủ để tôi mang nặng ơn ông rồi.
    Từ giã quan tòa ra về, tôi không nói một lời gì với Lê Xuyên. Sáng hôm sau, tôi mới đến tòa soạn, chưa kịp ngồi xuống, Lê Xuyên vào ngay bước đi nhanh nhẹn, mặt hớn hở cười toe toét:
    - Cám ơn, cám ơn và cám ơn, cười sằng sặc lớn tiếng.
    Anh vui vẻ nói:
    - Giúp tôi hết mình mà cũng chơi tôi hết cỡ hén.
    Tôi giả vờ không biết:
    - Chơi anh cái gì đâu?
    - Hôm qua nói xong rồi anh bỏ đi liền, tôi tưởng anh có việc đi gấp. Chiều tối về nhà, tôi mới biết anh đi tòa can thiệp cho thằng nhỏ. Nó được thả về rồi. Thôi coi như mỗi ngày tôi mang ơn anh thêm một lần vậy.
    - Ê, chừng nào trả ơn đây?
    - Trả gì nổi!
    - Thôi, cho nợ đó cũng được.
    Việc nhà, việc nước, việc đời làm tôi chán ngán muốn bỏ hết, nghĩ về vườn hưởng sự an nhàn, sống cô đơn một mình với cây trái, bông hoa, ao sen, ao cá. Tôi gọi Lê Xuyên vào, tâm sự khá lâu và thông báo quyết định: Tôi đã bảo Luật Sư Bùi Chánh Thời làm giấy tờ cần thiết. Tôi biến tờ báo Đại Dân Tộc thành một công ty cổ phần. Tôi giữ 25%, con tôi giữ 50%, tôi cho chú 15% còn 10% cho ký giả. Lê Xuyên nói liền không suy nghĩ: '' Tiền ai mà không ham anh. Nhưng tôi khuyên anh không nên. Anh muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, cứ mỗi sáng anh điện thoại cho tôi. Sau khi tôi trình bày anh làm ơn đặt dùm tôi một cái tít thôi. Mọi việc khác tôi lo hết. Nhưng tôi khuyên anh không cho ai cổ phần gì cả. Ký giả nó kỳ lắm, một khi nó có cổ phần rồi, người này xúi người kia, chúng nó sẽ làm bấy nhậy sập tờ báo thì uổng công tụi mình gây dựng. Mỗi tháng anh muốn cho ai bao nhiêu thì bỏ vào bao thơ mà cho. Không nên cho cổ phần gì cả…''
    Đời tôi chưa từng thấy có một người không ham tiền tài, danh lợi, trung thành tuyệt đối với bạn, chí tình với người thân, hiền lành tốt bụng với người khác. Tôi chỉ biết có một người, đó là Lê Xuyên.

    Võ Long Triều





    CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG HOÀNG HẢI THUỶ viết về
    CHÚ TƯ CẦU LÊ XUYÊN

    Tuan Hoang
    (Trích trong Sống & Chết ở Sài Gòn)


    Lê Xuyên

    Từ ngày Việt Nam có tiểu thuyết — hình như — chỉ có một mình Lê Xuyên là người viết tiểu thuyết được anh em lấy tên nhân vật tiểu thuyết của mình để gọi. Từ năm 1965 chúng tôi gọi Lê Xuyên là Chú Tư Cầu, đôi khi ngắn gọn là Chú Tư, chúng tôi gọi Lê Xuyên là Chú Tư nhiều hơn chúng tôi gọi anh là Lê Xuyên. Vào khoảng những năm 1958, 1960 Lê Xuyên viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông “Chú Tư Cầu” đăng trên nhật báo Sàigònmai, có thể là trên nhật báo Dân Chúng – tôi không nhớ đúng. Chú Tư Cầu là truyện dài đầu tay của anh, truyện hấp dẫn người đọc, Lê Xuyên nổi tiếng ngay từ đấy. Lê Xuyên được người đọc tiểu thuyết đăng trên báo biết tiếng cùng một lúc với Kim Dung qua những truyện Võ Lâm Ngũ Bá, Thần Điêu Đại Hiệp.
    Trong anh em chúng tôi ai là người thứ nhất gọi Lê Xuyên bằng cái tên thân thương là Chú Tư Cầu? Hình như là Đằng Giao, tôi nhớ tôi nghe Đằng Giao là người thứ nhất dùng cái tên Chú Tư Cầu để gọi Lê Xuyên. Tôi không nhớ tôi gặp Lê Xuyên lần thứ nhất ở đâu. Tất nhiên là ở toà soạn một nhật báo, tôi không nhớ báo nào. Như Thanh Nam, Lê Xuyên là người được có thể nói là tất cả anh em làng báo có cảm tình, thương mến. Lê Xuyên lỉm rỉm, ít nói, anh nghe nhiều hơn nói, không bao giờ to tiếng, không bao giờ cãi nhau hay phiền trách ai, cũng chẳng thấy có ai phiền tárch gì anh, anh không sài tiếng Đức, không ăn tục, nói phét, không cờ bạc, không hút thuốc phiện, không nhậu la-dze, không ngồi cả nửa ngày ở tiệm nuớc uống la-dze, đấu láo như đa số anh em chúng tôi. Đặc biệt anh quanh năm mặc áo sơ-mi cụt tay, áo bỏ ngoài quần, đi giép. Không phải mình tôi mà rất nhiều anh em tôi nói họ chưa một lần thấy Lê Xuyên đi giày tây, thắt ca-la-hoách. Có những năm Lê Xuyên, ngoài việc viết truyện, còn làm thư ký toà soạn nhật báo, ngồi toà soạn xào nấu tin tức, tiếng Pháp gọi là Xếp Qui-dzin; anh làm thư ký toà soạn tờ nhật báo Thời Thế của Hồ Anh những năm 1970, 1971, làm thư ký toà soạn nhật báo Đại Dân Tộc từ năm 1973 đến ngày 30 Tháng Tư 1975. Chú Tư Cầu Lê Xuyên không bao giờ viết về mình, chú toàn viết tiểu thuyết, không có chuyện chú viết Tạp Ghi văn nghệ, văn gừng, chú không viết truyện ngắn, chú không viết bài Xuân cho báo Xuân, báo Tết, chú cũng chẳng bao giờ nói về thân thế chú. Thành ra, nhiều anh em, trong số có tôi, biết rất ít nếu không nói là gần như không biết gì về đời tư của chú. Riêng tôi, tôi chỉ lờ mờ biết chú là đảng viên Đảng Đại Việt, chú từng đi tù vì tội chính trị trước năm 1954, dường như có thời chú bị tù ở Côn Đảo; những năm 1951, 1952 chú là nhân viên toà soạn tờ báo Tự Quyết, cơ quan ngôn luận của Đảng Đại Việt – tôi không nhớ năm xưa ấy Tự Quyết là nhật báo hay tuần báo – chú cùng làm tờ Tự Quyết, toà soạn ở nhà in Long Giang, trong hẻm đường Võ Tánh, Sài Gòn, với anh Bảy Bớp Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân. Những gì ít ỏi tôi biết về đời tư của chú đều do tôi nghe những người khác nói. Còn trong trường hợp nào chú kết hôn với cô Bắc kỳ Đặng Thị Bạt, cháu gái của ông Cả Tề, một nhân vật nổi tiếng của Đảng Đại Việt, thì tôi hoàn toàn mù tịt. Chú Tư Cầu gặp cô cháu ông Cả Tề Đại Việt ở Hà Nội trước năm 1954 hay ở Sài Gòn sau năm 1954? Tôi không biết. Nhiều anh em chúng tôi còn không biết cả tên thật của chú là Lê Bình Tăng.
    Lê Xuyên thích hút thuốc lá Mỹ. Chuyện đó tôi biết chắc vì tôi từng nhiều lần đi mua dzùm thuốc lá cho chú. Đó là những năm chú ngồi làm việc ở toà soạn nhật báo Thời Thế của Hồ Anh ở đường Lê Lai, nơi từng là toà soạn nhật báo Ngôn Luận một thời oanh liệt. Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, nhật báo Ngôn Luận bị chính phủ mới đóng cửa, chủ nhiệm Hồ Anh chỉ còn tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Nếu tôi nhớ không lộn xộn thì mãi đến những năm 1970 Hồ Anh mới làm nhật báo Thời Thế. Nhưng thời làm nhật báo của Hồ Anh đã qua, tờ Thời Thế sống được nhưng không sống mạnh bằng một góc tờ Ngôn Luận.
    Trong nhiều năm từ 1956 đến 1963 tôi viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho Ngôn Luận nên ngày nào tôi cũng đến toà soạn đưa bài. Những năm xưa huy hoàng ấy của Ngôn Luận buổi sáng toà soạn đầy anh em, làm việc vui, rộn rịp, người ra vào tấp nập. Ở đấy tôi gặp Từ Chung, rồi Thái Lân, Thái Linh, Vân Sơn, Phan Nghị, Hồng Dương, Tử Vi Lang, hai hoạ sĩ Huy Tường, Văn Hiếu. Khi Thời Thế ra đời, tôi cũng viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho Thời Thế, tôi cũng gần như mỗi ngày đến toà soạn Thời Thế đưa bài. Nhưng toà soạn Thời Thế vắng tanh, chỉ có hai người ngồi thường trực: Chú Tư Cầu Lê Xuyên và ký giả Sức Voi Trần Quân. Trần Quân Sức Voi không phải là Anh Quân. Có những hôm tôi nói với Chú Tư Cầu:
    - Đi mua thuốc lá đây. Có gửi mua không?
    Những hôm có sẵn tiền, chú gửi tôi mua thuốc cho chú. Chúng tôi hút nặng, mỗi ngày tôi hút hai gói thuốc, chú hút khoảng một gói. Tôi thường đến mua thuốc lá ở những sạp của mấy chị bán thuốc lá trước cửa tiệm Kem Mai Hương đường Lê Lợi. Ở đấy thuốc Mỹ lúc nào cũng có và là thuốc mới, bao thuốc không bị phơi cả tháng trên sạp như ở những sạp nhỏ khác trong thành phố. Mỗi lần đến đó tôi mua hai tút, mỗi tút 10 gói, Chú Tư Cầu Lê Xuyên cũng thế. Những năm 1971, 1972 giá thuốc lá Mỹ ở Sài Gòn là 400 đồng một gói, mua cả tút 10 gói thì 3800 đồng. Chúng tôi cùng thích hút thuốc Pall Mall King Size. Mỗi lần mua thuốc lá như thế trong túi chúng tôi phải có ít nhất là 20.000 đồng, chúng tôi mới có thể chi ra 8.000 đồng cho thuốc lá. 10.000 đồng phải đem về đưa cho vợ. Đa số anh em chúng tôi thường không ngồi được lâu trong toà soạn, chúng tôi chỉ đến toà soạn nhấp nháy rồi phú lỉnh đi ăn chơi. Dù có ngồi làm quy-dzin xào nấu, tức chọn, sửa, viết lại tin tức như Lê Xuyên tôi cũng không thể ngồi bền ở toà soạn bằng chú. Những năm ngồi ở toà soạn Thời Thế, ngoài việc làm báo Thời Thế, Lê Xuyên còn ngồi ở đó viết tiểu thuyết cho nhiều báo khác. Một cuộc tình đã đến với Lê Xuyên trong những năm chú ngồi ở toà soạn Thời Thế. Chú Tư Cầu không nói gì về cuộc tình của chú, tôi cũng chẳng bao giờ hỏi chú về chuyện đó. Nhưng tôi biết cuộc tình ấy của chú. Duyên nợ hay định mệnh an bài, có một thiếu nữ con nhà lành nhà có máy điện thoại, nàng gọi điện thoại đến toà soạn Thời Thế để hỏi về chuyện văn nghệ văn gừng linh tinh, có thể nàng là người đọc những tiểu thuyết của Lê Xuyên, biết chú làm việc ở đấy nên gọi điện thoại đến nói chuyện với chú. Chỉ biết là nàng phôn đến và chú tiếp chuyện nàng. Chú nỉ non với nàng sao đó mà cuộc tình tô-lô-phôn nở hoa, chú và nàng gặp nhau.
    Thường thì những cuộc giao tình giữa những nữ độc giả ái mộ và những anh thợ viết phơi-ơ-tông Sài Gòn năm xưa vẫn không đi đến đâu. Đa số những anh thợ viết có chút tiếng tăm đều có vợ, có con đùm đề, mấy anh bận viết kiếm tiền, bận ăn chơi, chẳng anh nào có điều kiện tiền bạc và thì giờ để chiều các em nữ độc giả, chiều thôi, tức là ngồi rị mọ trả lời thư các em, ngồi cả giờ rỉ rả nói chuyện qua phôn mí các em, đưa các em đi ăn kem, đi xem xi-la-ma, lên xa lộ ngồi bên nhau trên thảm cỏ đếm sao trời..vv.., chưa nói gì đến chuyện bắt nhân tình, nhân bánh. Các anh thợ viết cũng đủ khôn ngoan để biết rằng có vợ, có con rồi mà còn lăng nhăng tình ái vẩn vương với mấy em nữ sinh con nhà lành là có ngày các anh thân bại, danh liệt, nôm na là có ngày các anh vỡ mặt. Các em nữ sinh lãng mạn vì mê tiểu thuyết nên muốn làm quen với văn sĩ, các em có thể cho làm tới đấy nhưng con gái nhà người ta, anh nào đụng vào là anh ấy bỏ mẹ. Rắc rối tơ nặng mà không ăn cái giải gì. Vì vậy đa số thợ viết rất ngại phải giao thiệp với các em nữ độc giả ái mộ. Nguyên nhân thứ hai làm cho những cuộc tình nữ độc giả ái mộ-văn sĩ Phơi-ơ-tông Giao Chỉ không nở hoa được là vì đừng gặp mặt văn sĩ thì các em nữ độc giả còn mơ mộng, gặp mặt văn sĩ là các em vỡ mộng: văn sĩ nhà ta ít anh đẹp trai, phong nhã lại càng hiếm có, đa số các anh không như hình ảnh nhà văn hào hoa các em tưởng tượng. Nhưng Chú Tư Cầu đã giao thiệp với nữ độc giả ái mộ và Thánh Tổ, vị Tổ Sư Văn Nghệ Văn Gừng, đã ban lộc cho chú, chú đã trúng lô độc đắc. Những năm 1971, 1972, Chú Tư Cầu thân mến của chúng tôi là Thuyền Trưởng Hai Tầu, nhưng sự nghiệp Thuyền Trưởng Hai Tầu của chú êm đềm, thuận chèo, mát mái, kiêm thuận buồm, suôi gió. Hiền thê của chú, bà Chủ Tầu của chú, cô cháu gái ông bà Cả Tề Đại Việt, tuyên bố một câu xanh rờn:
    - Thằng chồng mình già rồi, may mắn được con gái hơ hớ nó thương, nó cho.. Như chồng mình trúng số độc đắc. Phải cho nó hưởng chứ!
    Tháng Ba 1976 Công An Thành Hồ được lệnh mở chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn, Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị tó. Bị giam ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, chừng mười tháng sau một số văn nghệ sĩ được gọi ra dự một khoá gọi là học tập cải tạo ngay trong nhà tù. Chừng một nửa số văn nghệ sĩ bị bắt được gọi ra “học”. Sau ba tháng “học tập chính trị” tất cả những người được “học” đều được thả về, gồm Hoàng Anh Tuấn, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh, Minh Vồ, Hồng Dương, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhã Ca, Xuyên Sơn, Sao Biển, Ninh Chữ, Thân Trọng Kỳ..vv… Nửa số văn nghệ sĩ kia bị đưa đi trại tù khổ sai, gồm Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Duyên Anh, Đằng Giao, Trần Dạ Từ, Trịnh Viết Thành, Lý Đại Nguyên, Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Sĩ Tế, Choé Nguyễn Hải Chí, Mặc Thu, Thái Thuỷ, Tô Ngọc..vv.. Còn nhiều người nữa nhưng hôm nay tôi không nhớ tên.
    Người trở về mái nhà xưa, người đi trại cải tạo.. Riêng Chú Tư Cầu Lê Xuyên vẫn nằm phơi rốn trong một phòng tù của Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, chú không đi trại tù khổ sai với anh em, chú cũng không trở về Bà Hạt với Thiếm Tư, chú cứ nằm đó cho đến ngày bọn công an Thành Hồ nhớ đến chú, chúng gọi chú ra, chúng hỏi:
    - Chúng tôi đã giải quyết vụ văn nghệ sĩ các anh, một số được thả về, một số đi trại cải tạo. Anh không phải đi trại tức là anh ở trong số được thả về, sao anh không khiếu nại?
    Thì ra ngay cả bọn công an Thành Hồ cũng chỉ biết Chú Tư Cầu tên là Lê Xuyên, chúng quên mất tên thật của chú là Lê Bình Tăng – có vẻ Lê Bỉnh Tăng hơn là Lê Bình Tăng — khi còng tay đưa chú vào tù, bọn công an Thành Hồ ghi tên chú trong sồ tù là Lê Bình Tăng, trong danh sách văn nghệ sĩ được thả về chúng để tên chú là Lê Xuyên. Chúng tìm khắp sổ tù không thấy tên Lê Xuyên, chúng không nhớ, có thể tên xét tha không biết tên thật của chú là Lê Bình Tăng và trong sổ tù nhân Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu chỉ có tên người tù Lê Bình Tăng, chú cứ nằm trong tù cả năm sau bọn công an Sở mới móc chú ra và thả chú trở về đường Bà Hạt-Nguyễn Tri Phương. Tôi hỏi chú về chuyện ấy, chú nói:
    - Chúng nó hỏi tôi thấy anh em được về sao tôi không hỏi chúng nó về số phận tôi, tôi trả lời.. tôi yên tâm cải tạo.
    Năm 1980 cùng ở tù ra chúng tôi gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn. Lê Xuyên đi lấy bánh ngọt trong một nhà làm bánh Ba Tầu ở Chợ Lớn, chú đạp xe đi giao bánh cho những tiệm nước. Công việc vất vả, tiền kiếm được chẳng là bao nhưng mỗi ngày có tí đỉnh tiền còm còn hơn không có đồng nào, và cần có việc làm cho hết thì giờ, ngồi không hết tháng này sang tháng khác muốn phát điên. Chú Tư Cầu đi lấy bánh chịu, chú đưa bánh cho các chỗ bán cũng chịu, chiều tối chú phải đi một vòng thu tiền trả cho chủ tiệm bánh. Như vậy ngày nào chú cũng phải đạp xe đi hai vòng trong thành phố. Có hôm tôi hẹn Lê Xuyên đến nhà tôi ăn cơm, nói chuyện. Khoảng năm, sáu giờ chiều trên đường đi thu tiền bánh, chú ghé vào nhà tôi. Sau xe đạp của chú là cái cần xế, trong cần xế có cái bơm xe đạp. Không phải loại bơm xe nhỏ mà là loại bơm bự như loại bơm ta thấy ở những chỗ vá lốp xe, sửa xe máy ở hai bên vệ đường. Tôi hỏi chú mang theo cái bơm ấy làm chi, chú nói để chú bơm xe chú trên đường đi. Số là ruột cả hai cái ruột bánh xe của chú cùng bị mọt, tức có lỗ thủng nhỏ li ti, không thể vá được, đạp xe đi chừng một, hai giờ là bánh xe sì hết hơi, phải bơm lại. Không thể vào những chỗ sửa xe đạp mượn bơm để bơm, muốn mượn bơm phải trả tiền. Những ngày ấy nhờ anh xửa xe bơm thì một bánh xe 1 đồng, mượn bơm bơm lấy thì trả 5 cắc. Ngày nào cũng đi 10 tiếng đồng hồ mà mỗi ngày năm lần bơm xe thì tiền đâu mà chi. Mà mua ruột xe mới để thay thì chú không có tiền.
    Sau ngày khốn nạn 30 Tháng Tư, người Sài Gòn trở lại xe đạp. Thành phố tang thương chỉ có xe đạp và xe đạp. Săm lốp, đồ phụ tùng xe đạp rất đắt. Đi bỏ bánh như Lê Xuyên một ngày đạp xe rạc cẳng chỉ kiếm được khoảng 10 đồng, chú không thể có tiền mua cái ruột bánh xe đạp mới giá 100 đồng. Đến năm 1983, 1984, Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè gần ngã tư Bà Hạt-Ngô Quyền. Mỗi lần đi xe đạp qua đó tôi thường tạt vào thăm chú, chúng tôi nói với nhau đôi ba câu. Mỗi lần tôi đến chú mời tôi một điếu Pall Mall. Với cái mũ vải trên đầu, Lê Xuyên ngồi đó rất bền, từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Chú nói 11 giờ trưa chú mới ăn sáng, 5 giờ chiều ăn cơm trưa. Cơm nước do con chú nhà gần đấy mang ra. Chú nói:
    - Ngồi vỉa hè cực lắm. Con gái chịu không nổi đâu. Nắng gió, tàn phai nhan sắc ghê lắm…
    Chú nói đúng. Chú ngồi cả ngày dưới mái hiên bằng tôn của một tiệm nước Ba Tầu. Muà nắng, hơi nóng trên mái tôn đè xuống, hơi nóng trên mặt đường phả lên, má Tây Thi, Chiêu Quân cũng nám. Rồi những ngày những tháng lại theo nhau qua.. Năm 1984 Công An Thành Hồ cho xe bông đến nhà rước tôi đi lần thứ hai. Sáu mùa sầu riêng trổ gai sau tôi trở về mái nhà xưa lần thứ hai, tôi trở lại ngã tư Bà Hạt-Ngô Quyền, Chú Tư Cầu Lê Xuyên thân mến của tôi vẫn ngồi sau cái tủ kính nhỏ bán thuốc lá lẻ ở đó như năm cũ. Sáu năm gặp lại nhau bên tủ thuốc lá vỉa hè, chú đưa cho tôi nguyên một gói Pall Mall. Một buổi sáng cuối năm 1994 vợ chồng tôi lên phi cơ ở phi trường Tân Sơn Nhất bay sang Mỹ. Năm 2001 tôi được tin Lê Xuyên bại liệt…
    Buổi chiều cuối xuân, đầu hạ ở xứ người, tôi thả hồn tôi về ngã tư Bà Hạt-Ngô Quyền, Chú Tư Cầu Lê Xuyên của tôi vẫn ngồi đó, với cái mũ vải mầu sám trắng trên đầu, hàng ria mép nhiều sợi bạc, ánh mắt năm xưa hóm hỉnh nay đã trầm tư, tôi nghe lại tiếng chú nói với tôi một chiều nào xưa;
    - Bây giờ tôi biết thế nào là “tri thiên mệnh”, ông ạ!
    Chú đã ra đi. Chú là người bạn văn ra đi mới nhất của tôi; trước chú là Trọng Nguyên, Minh Đăng Khánh, Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang Bố Già, anh Nguyễn Mạnh Côn, anh Vũ Bằng, anh Trần Việt Sơn, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường tức Dê Húc Càn, Xuyên Sơn, Minh Vồ Nguyễn Văn Minh, Trần Lê Nguyễn, Hoàng Thư… Sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, xuất bản ở Hoa Kỳ, ghi trong mục Danh Biểu:
    LÊ XUYÊN Tên thật Lê Bình Tăng. Sinh ngày 1-11-1927 tại Cần Thơ. Tác phẩm Chú Tư Cầu (1965), Đêm Không Cùng (1965), Rặng Trâm Bầu (1965), Vợ Thầy Hương (1968), Kinh Cầu Muống (1968), Vùng Bão Lửa (1969), Nguyệt Đồng Xoài (1970). Trong thư mục quảng cáo sách của những nhà xuất bản ở Hoa Kỳ thấy có 4 quyển của Lê Xuyên: Rặng Trâm Bầu, Nguyệt Đồng Xoài, Vợ Thầy Hương, Vùng Bão Lửa. Nhiều báo Việt ở Hoa Kỳ đăng đi, đăng lại những tiểu thuyết của Lê Xuyên, nhưng không thấy có ông chủ nhà xuất bản nào, ông chủ nhà báo nào gửi về trả cho Chú Tư Cầu Lê Xuyên một đô-la tiền bản quyền tác giả.
    o O o
    Tôi viết bài Chú Tư Cầu Lê Xuyên trong Tháng 5, 1995, vài tháng sau ngày tôi đến Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Hôm nay, ngày 10 Tháng 7, 2011, ở Rừng Phong, tôi viết thêm:
    Sau 1975, trong số các bạn tôi sống chết ở Sài Gòn, có:
    Trọng Nguyên, chết vì ung thư phổi, Minh Đăng Khánh, Minh Vồ, Trần Lê Nguyễn chết vì bại liệt sau khoảng 3 năm nằm một chỗ, diễn viên điện ảnh Huy Cường chết vì ngồi sau xe Honda, xe đụng, té ngã đập đầu xuống đường, các anh Hoàng Thư, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trần Việt Sơn, Nguyễn Thụy Long chết bệnh, Nhạc sĩ Lan Đài, chết vì nửa đêm từ taxi lên tầu ở cửa sông để đi chui, bị rơi xuống sông, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong Nhà Tù Chí Hoà, Dê Húc Càn Dương Hùng Cường chết trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Ngọc Thứ Lang Nguyễn Ngọc Tú, tác giả Bố Già, chết trong trại tù khổ sai Phú Khánh, Chú Tư Cầu Lê Xuyên ra đi sau khoảng 2 năm bại liệt.
    Tôi quên mất mấy người. Năm 2010 một ông bạn văn của Chú Tư Cầu ở Sacramento, Cali, được bà Quả Phụ Lê Xuyên cho phép tái bản toàn bộ tiểu thuyết Chú Tư Cầu. Nhớ Chú Tư Cầu, tôi làm Thơ:
    Giữa Sài Gòn u ám, tang thuơng
    Chú Tư Cầu vỉa hè thuốc lá lẻ.
    Nguyệt Đồng Xoài và Vợ Thầy Hương
    Bỏ Rặng Trầm Bầu, sang Mỹ, lấy Mỹ.
    Cu ky trong Vùng Bão Lửa
    Chú Tư Cầu đi đâu, về đâu?

  • #2
    Đúng là mình chỉ biết chú Tư Cầu chứ hổng biết nhà văn Lê Xuyên.......bài viết hay quá , được biết thêm thông tin về cái chết của nhạc sĩ Lan Đài. Cám ơn bác Ckl đưa tin nha.


    Thân,
    Nahoku
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #3
      Nguyên Văn Bài Viết Của nahoku View Post
      Đúng là mình chỉ biết chú Tư Cầu chứ hổng biết nhà văn Lê Xuyên.......bài viết hay quá , được biết thêm thông tin về cái chết của nhạc sĩ Lan Đài. Cám ơn bác Ckl đưa tin nha.


      Thân,
      Nahoku

      Trong bài viết có bức ảnh của nhà văn Lê Xuyên mà tại sao lại không thấy. Bác Na có biết lý do?

      Comment


      • #4
        Nguyên Văn Bài Viết Của ckl View Post
        Trong bài viết có bức ảnh của nhà văn Lê Xuyên mà tại sao lại không thấy. Bác Na có biết lý do?


        Mình đã check lại bài post của bác nhưng hổng thấy có dấu hiệu của hình ảnh , có thể bác post chung một lần........thì hình sẽ không thể xuất hiện được.....và cách post hình ảnh có trong diễn đàn ( nếu bác chưa biết thì mời tham khảo còn nếu biết rùi thì cho mình biết cách post hình của bác mình sẽ có thể tìm ra được đáp án.....heheh....)
        Mình sẽ post tạm hình của nhà văn Lê Xuyên nha :













        Ông Võ Long Triều



        Thân,
        Nahoku
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment

        Working...
        X